Pages

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Người Việt và ý thức miễn dịch cộng đồng

Image copyrightSPL
Image captionViệc tiêm phòng ở châu Âu hồi thế kỷ trước được áp dụng đại trà cho cả lớp người nghèo
Lịch sử phát triển nhân loại đã chứng kiến vô số trận đại dịch kinh hoàng đe dọa tới sự tồn vong của nguyên một quốc gia hay châu lục. Những bài học chết chóc ấy đã dạy cho thế giới ngày nay những ứng xử khôn ngoan trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi dịch bệnh.
Điểm lại vài đại dịch tiêu biểu trong quá khứ, có thể kể tới thảm họa “cái chết đen” do bệnh dịch hạch ngự trị toàn châu Âu trong thời kỳ đêm dài trung cổ những năm 1330, lấy đi sinh mạng của 75 triệu người.

Dịch đậu mùa châu Mỹ bắt đầu từ thế kỷ 16 kéo dài tới tận bốn thế kỷ sau, với hậu quả hàng triệu người chết, chỉ tính riêng bang Tây Washington, số người thiệt mạng vì dịch bệnh đã chiếm tới hai phần ba dân cư nơi bản địa.
Dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ thứ 20, lúc đỉnh điểm đã ghi nhận 50 triệu bệnh nhân trong ổ dịch, giết chết số người nhiều hơn tất cả nạn nhân của chiến tranh thế giới thứ nhất cộng lại.
Cho tới tận ngày nay, thế giới vẫn tiếp tục rúng động bởi hàng loạt đại dịch như cúm gà, dịch Ebola… cùng những hậu quả không thể đo đếm về nhân mạng và kinh tế.
Nhận thức được sự tàn phá của dịch bệnh, từ thời thượng cổ con người đã biết sử dụng biện pháp “dĩ độc trị độc” bằng cách đưa các mầm bệnh với liều lượng nhỏ vào cơ thể để giúp cơ thể thích nghi, và tự sản sinh ra cơ chế miễn nhiễm với bệnh rất hiệu quả.
Đó chính là tiền thân của các phương pháp bào chế vaccine phòng bệnh hiện đại.
Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng nếu chỉ có một vài cá thể được tiêm ngừa cẩn thận mà sống giữa một cộng đồng không được bảo vệ thì cũng chẳng khác gì mặc chiếc áo mưa rách bơi giữa biển khơi, nên các quốc gia đều tập trung chú trọng vào chương trình miễn dịch cho cả cộng đồng bằng tiêm chủng trên diện rộng.

Nhận thức miễn dịch cho cộng đồng tại một số nước phát triển

Chương trình Tiêm chủng Mở rộng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập vào năm 1974 để giúp các nước tăng cường số người tiêm chủng chống lại bệnh sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, và lao.
Khi một phần quan trọng của cộng đồng được tiêm chủng chống lại một bệnh truyền nhiễm thì hầu hết các thành viên của cộng đồng sẽ gián tiếp được bảo vệ chống lại bệnh đó bởi vì có rất ít cơ hội cho dịch bệnh bùng phát.
Image copyrightUNICEF Oleksa Butchak
Image captionỞ nhiều quốc gia phương Tây, bác sỹ gia đình có trách nhiệm gửi thư nhắc nhở các gia đình lịch tiêm ngừa cho trẻ nhỏ
Thậm chí ngay cả với những người không đủ điều kiện hoặc chống chỉ định tiêm phòng với một số loại vaccine nhất định như ở trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, hoặc những người suy giảm miễn dịch... cũng đều được bảo vệ gián tiếp bởi nguồn bệnh đã bị hạn chế tối đa.
Mặc dù luật không bắt buộc, nhưng tại các quốc gia châu Âu bác sỹ gia đình luôn có trách nhiệm gửi giấy nhắc nhở các gia đình lịch tiêm ngừa cho trẻ nhỏ.
Tại Mỹ, Bỉ, Đức, Thụy Sỹ… học sinh khi nhập học luôn được yêu cầu nộp sổ tiêm chủng để nhà trường kiểm tra đã được phòng bệnh đầy đủ hay chưa.
Luật Bỉ còn nghiêm túc phạt tù cha, hay mẹ trẻ nếu không cho con đi tiêm ngừa bệnh bại liệt.
Cộng hòa Czech có luật phạt nặng cha mẹ nếu con không được tiêm ngừa đầy đủ.
Australia không bắt buộc cha mẹ phải đưa trẻ đi chích ngừa, nhưng lại có biện pháp đánh vào kinh tế như cắt trợ cấp tiền bỉm, sữa cho trẻ, cắt các khoản trợ cấp xã hội và gây khó khăn cho gia đình khi trẻ tới tuổi nhập học.
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada… công dân nước khác khi muốn xin visa nhập cảnh buộc phải trình các giấy tờ tiêm chủng theo quy định.
Công dân cũng luôn được khuyến cáo mỗi khi có công việc phải di chuyển qua các nước hay châu lục khác, phải tư vấn bác sỹ để tiêm vaccine những bệnh dễ có nguy cơ mắc phải tại nơi đến.
Mặc dù ở đâu cũng tồn tại một số thành phần dân cư phản đối việc tiêm vaccine bởi các lý do như sợ phản ứng phụ, hay quan niệm đó là việc chống lại tự nhiên, thì phần đông cư dân các nước đều cho rằng tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cộng đồng và chính bản thân mình trước dịch bệnh. Nhờ vậy, rất nhiều loại bệnh đã được tuyên bố xóa sổ.

Việt Nam: 'vẫn bị chi phối bởi tin đồn'

Chương trình Tiêm chủng Mở rộng chống lại sáu bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, và bệnh lao của WHO được bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1981, và đã trở thành một trong sáu chương trình sức khoẻ mũi nhọn của cả nước vào năm 1985.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ Y tế khi đã giúp xoá bỏ bại liệt năm 2000, và xoá uốn ván ở mẹ và trẻ sơ sinh năm 2005 qua các chương trình tiêm chủng mở rộng này.
Image copyrightPA
Image captionNhững tin đồn vô căn cứ về các phản ứng phụ của vaccine nhưng không được sự minh bạch thông tin kịp thời từ giới chức đã gây tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh người Việt trong thời gian gần đây
Đặc biệt, khi chúng ta biết rằng để đạt tới kết quả trên, ngoài các chương trình tiêm chủng miễn phí triển khai tới tận từng phường xã, nhân viên y tế còn phải xách bình lạnh bảo quản vaccine lặn lội tới từng bản làng xa xôi thuyết phục các gia đình cho trẻ em tiêm ngừa.
Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận rằng vẫn còn có một bộ phận không nhỏ những ông bố, bà mẹ người Việt chưa có ý thức rõ ràng và chưa được trang bị kiến thức đầy đủ rằng việc tiêm ngừa phòng chống bệnh tật cho con em cũng đồng thời là nghĩa vụ góp phần cho một cộng đồng khỏe mạnh.
Mặt khác, thời gian gần đây liên tục có những tin đồn không hay xung quanh các phản ứng phụ của vaccine, nhưng lại không nhận được thông tin minh bạch kịp thời từ phía các cơ quan hữu trách đã gây nên tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh người Việt khi quyết định nên, hay không nên cho trẻ tiêm ngừa.
Còn nhớ chỉ một năm trước, vì tin theo lời đồn về chất lượng vaccine sởi mà một số trẻ em không tiêm ngừa đầy đủ đã dẫn tới bùng phát dịch sởi khiến hơn trăm trẻ tử vong.
Những ngày này, trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam cũng đang diễn ra các tranh luận nảy lửa xung quanh những đồn đoán về tỷ lệ an toàn cho phép của loại vaccine Quinvaxem, hay còn gọi là vaccine 5 trong 1, một loại vaccine được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và hiện đang được lưu hành tại 94 nước.
Mặc dù các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và rất nhiều bác sỹ đầu ngành đều lên tiếng khẳng định về độ an toàn cho phép của loại vaccine này, nhưng động thái xử lý truyền thông thiếu chuyên nghiệp của cơ quan chủ quản Bộ Y tế đã lần nữa tỏ ra kém hiệu quả khi để những tin đồn vô căn cứ dễ dàng dẫn dắt tâm lý dư luận như vậy.
Theo lý thuyết, khi trẻ tiêm vaccine phòng bệnh, cơ thể trẻ sẽ sinh ra kháng thể để đáp ứng miễn dịch.
Nhưng vì một lý do nào đó mà hiệu giá kháng thể không đủ lớn để chống lại tác nhân gây bệnh, thì có dịch trẻ vẫn có thể mắc đúng cái bệnh mà bé đã từng tiêm phòng.
Bởi vậy, để có được miễn dịch cộng đồng thì hầu hết các loại vaccine phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng cho thành viên trong cộng đồng ít nhất là trên 80%, đặc biệt với vaccine dự phòng bệnh sởi thì phải đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất trên 90%.
Tiêm loại gì cũng được, dù đắt tiền hay miễn phí tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, thì hiệu quả của vaccine chỉ có thể phát huy được giữa một cộng đồng được tiêm ngừa đầy đủ.
Điều này rất cần sự kết hợp đầy đủ giữa Bộ Y tế và truyền thông cùng góp sức, không để vì tin đồn vô căn cứ dẫn dắt dẫn tới tình trạng người dân không cho con em tiêm ngừa đầy đủ.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của người viết, hiện đang sống tại Thụy Sỹ, không phải là lời khuyên hay tư vấn của chuyên gia y tế. BBC không chịu trách nhiệm về các triệu chứng mà độc giả gặp phải do làm theo các thông tin nêu trong bài, cũng không ủng hộ cho các sản phẩm hay dịch vụ nào được nêu, được tư vấn trên các trang mạng. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn thấy lo ngại về sức khỏe cá nhân.

Không có nhận xét nào: