Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Vì sao bà Clinton không thích TPP?

Bà Hillary Clinton
Image copyrightAP
Image captionCựu ngoại trưởng Hillary Clinton mới tuyên bố 'không ủng hộ những gì tôi biết về TPP" và nói "tôi lo ngại" về Hiệp định này.
Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang 'giả vờ' và 'cơ hội' khi ra tuyên bố được cho là 'bài TPP' vào thời điểm 'nhạy cảm' trong chính trị nội bộ trước bầu cử ở Mỹ hiện nay, nhằm tìm đường 'tới Nhà Trắng', một học giả người Mỹ nói với BBC hôm thứ Năm.
Hôm 07/10/2015, nữ ứng viên thuộc Đảng Dân chủ Mỹ cho cuộc bầu cử Tổng thống vào Nhà Trắng năm 2016 tỏ ra 'không ủng hộ' Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ và 11 quốc gia khác vừa hoàn tất đàm phán kỹ thuật hôm thứ 05/10.

Bà Hillary Clinton nói: "Với những gì tôi biết về nó hôm nay, tôi không ủng hộ những gì tôi biết về TPP... Tôi cố gắng tìm hiểu thêm thật nhiều về thỏa thuận nhưng tôi lo ngại."
Bình luận về phát biểu của bà Cinton tại Tọa đàm Bàn tròn trực tuyến tuần này của BBC Việt ngữ hôm 09/10, PGS. TS Jonathan London, nhà nghiên cứu chính trị từ Đại học Hong Kong, nói:
"Nói một từ thôi là giả vờ. Bà cũng như chồng của bà từ lâu đã ủng hộ những hiệp định về thương mại. Nhưng bà đang cố gắng để tìm được con đường tới Nhà Trắng.
"Tôi là một người thực sự quan tâm đến tác động của các hiệp định thương mại đối với lao động ở Mỹ chẳng hạn.
"Nhưng tôi thấy bà Hillary Clinton, để dùng một chữ thường xuyên được dùng ở Việt Nam, là một người cơ hội, như là một cơ hội chính trị.
"Tôi cũng lo một chút là cái phát biểu của bà sẽ tác động tới TPP ở Mỹ.
"Nhưng trên hết, tôi cũng thấy buồn về quyết định này, bởi vì tôi nghĩ nó không chân thành. Nó không thật thà.
"Và tôi hy vọng là bên Mỹ, tôi ít khi ủng hộ cho Đảng Cộng hòa, nhưng tôi hy vọng là những người mà khách quan hơn sẽ thấy là những vấn đề mà bà Hillary Clinton nêu không chỉ là khác so với những gì mà bà đã nói từ trước đây, mà về mặt lôgíc, nó không đảm bảo."

Thời điểm nhạy cảm

Image copyrightEPA
Image captionHọc giả Mỹ cho rằng vợ chồng bà Clinton đã có những thái độ 'đóng kịch' trong chính trị nội bộ Mỹ để 'ghi điểm', 'lấy phiếu'.
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đưa ra bình luận tại cuộc Tọa đàm.
Ông nói: "Tôi đồng ý với ông Jonathan London ở chỗ ở đây là thời điểm nhạy cảm trong chính trị nội bộ Mỹ, bởi vì bà Hillary Clinton là một trong những ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ.
"Do vậy mà phát biểu của bà hiện nay có thể có những tính toán khác. Cần phải có thời gian để nghiên cứu và đánh giá rõ hơn... Điểm thứ hai là hiện nay, TPP dù sao cũng được coi là một thành công của Chính phủ của ông (Barack) Obama.
"Tuy vậy nói đến đây, thời điểm hiện nay thì mới chỉ là kết thúc đàm phán về mặt kỹ thuật thôi. Còn phải rà soát pháp lý. Các nước đều phải tiến hành rà soát pháp lý.
"Và phải có một thời gian, tôi nghĩ, ít nhất cũng phải một năm trở lên hoặc một năm rưỡi trở lên để trình cho Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thông qua, thì khi đó TPP mới có hiệu lực.
"Do vậy liên quan trực tiếp đến nước Mỹ thì ở thời điểm hiện nay, trong tương quan chính trị nội bộ Mỹ có một điểm rất đặc biệt ở Quốc hội, là ông Obama có lẽ nếu muốn thông qua, lại phải dựa vào đảng viên của Đảng Cộng hòa."

Kỳ lạ, đặc thù

Image captionTS. Trần Việt Thái cho rằng ý kiến của bà Hillary Clinton về TPP 'hơi kỳ lạ' và phản ánh 'đặc thù' trong chính trị nội bộ trước bầu cử Tổng thống của Mỹ hiện nay.
Theo TS Trần Việt Thái, đây là một điểm mang tính 'đặc thù' của chính trị nội bộ Mỹ. Và ông nói tiếp:
"Gần đây có một số đảng viên Đảng Cộng hòa, hình như 6-7 người gì đấy, có gửi thư đề nghị phải quan tâm đến vấn đề này, vấn đề kia, nếu không họ sẽ không thông qua và cái số này vừa đủ để có thể làm thay đổi tương quan lực lượng.
"Do vậy mà tới đây, chuyện rà soát pháp lý, chuyện báo cáo trong vòng 90 ngày và cách trình của Chính phủ ra Quốc hội là đặc biệt quan trọng, và thời điểm tôi nghĩ tới đây bầu cử nữa, thì chắc là sẽ phải đợi thêm một thời gian sau bầu cử lắng xuống, khi có Chính phủ mới, khi đó thì mới tính được chuyện nó sẽ được thông qua như thế nào."
"Nhưng rõ ràng tương quan lực lượng hiện nay hơi kỳ lạ, hơi đặc thù đối với nước Mỹ và những phát biểu như vừa rồi, những nhận xét của ông Jonathan London vừa rồi có điểm hết sức đáng chú ý," Tiến sỹ Trần Việt Thái nói với Tọa đàm thứ Năm của BBC.
Quý vị có thể theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn của BBC tại đây, chương trình có sự tham gia của các khách mời là TS Trần Việt Thái, Bộ Ngoại giao VN, TS. Jonathan London, Đại học Thành thị Hong Kong, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp từ Sài Gòn và nhà báo Vincent Ni, BBC Tiếng Trung.
Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các nội dung của Tọa đàm trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.
Image captionPGS. TS. Jonathan London 'lo ngại' về phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về Hiệp định TPP vừa hoàn tất đàm phán tại Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: