Pages

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Liên minh Nhật - Mỹ nên có cách tiếp cận đa diện

Những thành công gần đây trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh Mỹ-Nhật rất quan trọng cho liên minh để giải quyết những thách thức hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản cần phải có một biện pháp tiếp cận đa diện để dẫn dắt, phát triển trật tự khu vực theo hướng tích cực và toàn diện.

Quan hệ Mỹ-Nhật đã được tăng cường sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào cuối tháng 4 vừa qua, đặc biệt trong chuyến thăm này ông Abe đã có bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội Mỹ. Hai nước cũng đã công bố Đường lối chỉ đạo hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật được sửa đổi lần đầu tiên kể từ năm 1997, trong đó Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn và hợp tác an ninh Mỹ-Nhật sẽ được mở rộng tăng cường.

Sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ liên minh Mỹ-Nhật diễn ra khi sự cân bằng sức mạnh trong khu vực thay đổi. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN đang phát triển mạnh mẽ; tầng lớp trung lưu ở châu Á đang tăng lên; chi tiêu quốc phòng của Mỹ đang hướng tới “ổn định và thực chất hơn”. Rõ ràng, những chuyển dịch cơ cấu ở khu vực Đông Á buộc Mỹ và Nhật Bản phải biến đổi liên minh thành một quan hệ đối tác đa diện hơn.

Nhật Bản cần phải tăng cường và củng cố lòng tin ở khu vực. Ông Abe nên công bố chính sách quốc phòng của Nhật Bản theo hướng tích cực – khẳng định chính sách này là để bảo vệ Nhật Bản và góp phần vào môi trường an ninh, hòa bình của khu vực – để xua tan bất kỳ nhận thức sai lầm nào ở Trung Quốc và Hàn Quốc cho rằng Đường lối chỉ đạo hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sửa đổi hoặc Luật an ninh mới của Nhật Bản với những hình thức hạn chế của quyền phòng vệ tập thể là bước đi để Nhật Bản quay trở lại với tư thế hiếu chiến hơn ở khu vực.

Một sự thay đổi trong nhận thức của Mỹ là cần thiết để nước này có thể hoạt động như một cường quốc thường trú ở khu vực Đông Á. Những dự đoán hiện nay cho rằng châu Á đến năm 2030 sẽ chiếm 2/3 lớp trung lưu toàn cầu và sẽ chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2050. Khi trật tự khu vực thay đổi, điều quan trọng là Mỹ phải can dự trực tiếp và sâu sắc hơn vào tiến trình xây dựng trật tự khu vực. Điều này đòi hỏi Mỹ phải vượt ra khỏi xu hướng trở thành “người cân bằng bên ngoài” mà phải trở thành “người lãnh đạo” cả về kinh tế, chính trị và an ninh ở khu vực. Để làm được điều đó, Mỹ sẽ phải thiết lập một cơ chế 4 bên Trung-Nhật-Hàn-Mỹ để xây dựng lòng tin. Cơ chế này phải được đặt ở vị trí thuận lợi để tăng cường lòng tin chiến lược nhằm trấn an các nước về vai trò thay đổi của SDF và liên minh Mỹ-Nhật và để thiết lập đường dây nóng quân sự cũng như các thủ tục quản lý khủng hoảng nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm và thiệt hại trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Mỹ và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác an ninh ba bên với các đối tác như Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, việc đưa quan hệ hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn đi vào chiều sâu sẽ thực sự cần thiết trong bối cảnh tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Hợp tác ba bên trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên nên có sự tham gia của Trung Quốc và Nga để có các phương án bảo đảm sự ổn định lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.

Việc quân đội Mỹ triển khai lực lượng tiền đồn ở khu vực Đông Á cần phải được xem xét lại – thông qua tham vấn chuyên sâu với các đối tác liên minh – để bảo đảm sự ổn định chính trị và giúp giải quyết những thách thức hiện nay. Trong bối cảnh sự hiện diện quân đội Mỹ ở Okinawa vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân địa phương, việc triển khai lực lượng tiền đồn của Mỹ như một “thứ hàng hóa công quan trọng của khu vực” về lâu dài là chiến lược tốt nhất để thực hiện các mục tiêu của liên minh Mỹ-Nhật. Những tiến bộ trong công nghệ quân sự và bản chất thay đổi của các thách thức an ninh khu vực khiến Mỹ ngày càng mong muốn có được một tư thế triển khai lực lượng tiền đồn năng động và mở rộng hơn ở khu vực – xu hướng này đang có sự tăng cường hợp tác với các đối tác như Úc, Ấn Độ, Philippines, Singapore và Việt Nam. Đồng thời, khi SDF tiếp tục mở rộng vai trò và quyền hạn để thực thi quyền phòng vệ tập thể hạn chế cũng là lúc quan hệ hợp tác an ninh Mỹ-Nhật sẽ sâu sắc hơn.

Cuối cùng, Nhật Bản và Mỹ cần phải có sự lựa chọn khôn ngoan, bổ sung cho hợp tác an ninh của mình bằng cách can dự mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong những lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả các tổ chức tài chính đa phương, các hiệp định thương mại khu vực thế hệ mới, năng lượng và môi trường.

Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là một phép thử về cách phản ứng của khu vực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những nền kinh tế dân chủ lớn (bao gồm Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Italy và Anh) đã ký kết làm thành viên sáng lập. Hai nước vắng mặt là Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản nên kịp thời tham gia AIIB vì 3 lý do. Thứ nhất, bằng cách tham gia trong giai đoạn đầu hình thành, Nhật Bản sẽ có được vị trí tốt hơn để thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về quản trị và minh bạch bên trong tổ chức này. Thứ hai, sự tham gia của Nhật Bản là rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa ADB và AIIB. Hợp tác ADB-AIIB sẽ giúp thiết lập các biện pháp tương tự trong AIIB, qua đó nâng cao ảnh hưởng của nó. Thứ ba, ngân sách đóng góp của AIIB được thực hiện theo tỉ lệ 25/75% cho các nước thành viên ngoài và trong khu vực. Sự bổ sung của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, sẽ đa dạng hóa nguồn vốn của châu Á và hạn chế vai trò chi phối của Trung Quốc trong tổ chức này.

Đối với các hiệp định thương mại khu vực thế hệ mới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có nguy cơ chia khu vực này thành các khối cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nếu không được quản lý một cách cẩn thận. Trong quá trình đi đến kết thúc các hiệp định TPP và RCEP, điều quan trọng là phải tạo ra một con đường cho phép hợp nhất hai hiệp định này trong tương lai, coi đó như là một bước đệm hướng tới việc thành lập khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Về lâu dài, TPP nên được sử dụng như một phương tiện để kích thích sự hợp tác với Trung Quốc. Hiệp định này nên bao gồm một điều khoản gia nhập mở để thiết lập một quy trình rõ ràng và minh bạch để Trung Quốc (và các thành viên RCEP khác) có thể tham gia TPP trong tương lai sau khi đáp ứng được những tiêu chuẩn về kinh tế. Trong khi đó, RCEP nên được sử dụng như một phương tiện không chỉ làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN+6 mà còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực.

Về hợp tác môi trường và năng lượng ở khu vực, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân trong những thập kỷ sắp tới ở những nền kinh tế mới nổi của châu Á. Nỗ lực chung là cần thiết, chẳng hạn như thăm dò năng lượng, phát triển các công nghệ khai thác mới và tăng cường các biện pháp an toàn hạt nhân để bảo đảm rằng nhu cầu năng lượng cho tất cả các quốc gia đều được đáp ứng. Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác trong việc thúc đẩy Hội nghị cấp cao Đông Á hoặc các diễn đàn khác trong khu vực để nêu lên những vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Đồng thời, việc không giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ra những thiệt hại lớn về môi trường bất lợi cho sự tăng trưởng ổn định kinh tế và xóa đói giảm nghèo, chưa kể đến các hệ sinh thái của hành tinh. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong khu vực một cách bền vững và ít ảnh hưởng đến môi trường, Mỹ và Nhật Bản – với tư cách là những nhà lãnh đạo thế giới về phát triển công nghệ – cần phối hợp với nhau và mời tất cả các quốc gia có cùng chí hướng tham gia, góp vốn để thúc đẩy phát triển các công nghệ năng lượng xanh.

Những thành công gần đây trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh Mỹ-Nhật rất quan trọng cho liên minh để giải quyết những thách thức hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản cần phải có một biện pháp tiếp cận đa diện để dẫn dắt, phát triển trật tự khu vực theo hướng tích cực và toàn diện. Một biện pháp tiếp cận đa diện như vậy sẽ phải trải qua một chặng đường dài mới có thể giúp đảm bảo hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo East Asia Forum

Văn Cường (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: