Pages

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Lê Diễn Đức - Thống nhất đất nước và hậu chiến tội đồ


Hoàng đế Quang Trung

Theo Wikipedia, Nguyễn Huệ, còn được biết đến là Bắc Bình Vương, là hoàng đế Quang Trung (1788 -1792), hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn, bên cạnh Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc.

Nguyễn Huệ và cùng hai người anh em, lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê.

Nguyễn Huệ là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía Bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách xây dựng Đại Việt.

Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn.

Nguyễn Huệ được cả hai phía, Cộng sản Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hoà tôn vinh như một anh hùng dân tộc.

Tượng đài của Nguyễn Huệ có cả ở hai miền Nam Bắc trước năm 1975 và tên ông được đặt cho đường phố cả ở Hà Nội (phố Quang Trung) và Sài Gòn (đường Nguyễn Huệ).

Vua Gia Long

Cũng theo Wikipedia, Gia Long thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1762, là Hoàng đế đã lập ra nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.

Gia Long là cháu của vị chúa Nguyễn cuối cùng ở Đàng Trong, sau khi gần như toàn bộ gia tộc bị quân Tây Sơn bắt giết năm 1777.

Ông phải trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc.

Sau nhiều thất bại lớn và phải cầu viện sự giúp đỡ của Xiêm La và Pháp, ông giữ vững được Nam Hà và đến năm 1802 thì đánh bại Nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến.

Triều đại của Gia Long được đánh dấu bằng việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ thống nhất rộng lớn nhất cho đến thời đó, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan, gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Dưới sự cai trị của ông, Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương, cùng Xiêm La phân chia ảnh hưởng đối với Chân Lạp.

Khi lên ngôi trị vì, vua Gia Long đã trả thù dòng họ Nhà Tây Sơn hết sức dã man và tàn bạo.

Vua Gia Long trong giáo khoa sử tại Bắc Việt được xem như một kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”.

Ngược lại, ở miền Nam, trước năm 1975, vua Gia Long được xem là một điểm son trong lịch sử Việt Nam. Tên ông được đặt cho một đường phố Sài Gòn, đường Gia Long ở quận 1 và trường Nữ sinh Trung học Gia Long.

Như vậy, chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã nhìn nhận và tôn vinh vua Gia Long trong cuộc chinh chiến dai dẳng, để đánh đổ Nhà Tây Sơn, chấm dứt nội chiến tương tàn, thống nhất đất nước.

Nội chiến Nam-Bắc

Hiệp định Geneve năm 1954 chấm dứt xung đột và lấy vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới quân sự tạm thời, từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc thuộc vùng quản lý của Bắc Việt, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc vùng quản lý của Việt Nam Cộng hoà.

Hiệp định cũng xác định đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ.

Trần Văn Đỗ, truởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã nói:

“ Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở”.

Hồ Chí Minh trong bài “Sách Trắng của Mỹ” viết:

” Giới tuyến 17 là tạm thời, không phải là giới tuyến chính trị, hoặc giới tuyến lãnh thổ; Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do khắp cả nước vào nǎm 1956″.

Thế nhưng thực tế lịch sử đã ngả theo hướng khác.

Việt Nam Cộng hoà từ chối tổng tuyển cử vì Tổng thống Ngô Dình Diệm “nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc“.

Thực chất, Bắc Việt cũng nhìn nhận “miền Bắc không hội đủ điều kiện để tổ chức bầu cử thống nhất”, qua sự tiết lộ của Trường Chinh với Vasilii Kuznetzov, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô, khi sang Moskva họp đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1956.

Hai thể chế, hai ý thức hệ, cộng sản và tự do, trở thành thù địch, bên nào cũng không coi lãnh thổ mình cai quản là duy nhất, mà tương lai phải là một Việt Nam thống nhất.

Miền Bắc đã tấn công miền Nam bằng bạo lực và cuộc xâm chiếm này đuợc chuẩn bị sẵn ngay từ khi Việt Nam bị chia cắt làm hai.

Năm 1965, Mỹ đổ bộ nửa triệu quân cùng với lính của Ausratlia, Nam Hàn, rồi cho máy bay bắn phá miền Bắc, làm dấy lên lý do để Bắc Việt tổng động viên cuộc “kháng chiến chống Mỹ xâm lược”.

Trong khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Bắc Việt đã thành công trong việc “đánh cho Mỹ cút”, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam bằng Hiệp định Paris năm 1973.

Bằng thắng lợi cuối cùng của cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, Bắc Việt đã xoá sổ Việt Nam Cộng hoà một địch thủ đơn độc, không còn đuợc Mỹ viện trợ, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 20 năm, với hàng triệu người chết và hoàn thành việc thống nhất đất nước.

Hậu chiến tội đồ

Nếu có cái nhìn bao quát lịch sử như Việt Nam Cộng Hoà đối với vua Gia Long, thì rõ ràng, miền Bắc đã có “công” trong việc thâu tóm giang sơn về một mối.

Điều này làm tôi nhớ lại lời của ông Nguyễn Lương Thuật, trung tá hải quân Việt Nam Cộng hoà, nói với tôi tại Seatlle.

Trong ngày  29 tháng Tư năm 1975, chỉ huy chiếc chiến hạm với người di tản rời Cảng Sài Gòn, ông đứng nhìn bờ xa dần và nghĩ rằng, dù sao thì một cuộc chiến đã chấm dứt, đất nước hoà bình, không thể sống chung với cộng sản nhưng ông mong muốn những người cộng sản sẽ xây dựng và phát triển đất nước để dân chúng được hạnh phúc.

Thế nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập một nhà nước không theo tinh thần “của dân, do dân và vì dân”.

Chế độ bầu cử tự do bị huỷ bỏ, thay vào đó tất cả vị trí lãnh đạo cao nhất của nhà nước đều do các đại hội đảng sắp đặt.

Cấu trúc của nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Tư pháp chỉ mang tính hình thức vì đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và được ghi trong hiến pháp.

Cả nước bị áp đặt lên cả nước một hệ thống cai trị độc quyền, toàn trị, vi phạm thô bạo các quyền tự do cơ bản của con người, đàn áp mọi tiếng nói bất đồng quan điểm ôn hoà.

Đây là bất hạnh nhất của dân tộc Việt và là hậu quả của mọi bất công xã hội, nạn tham nhũng hoành hành trong bộ máy công quyền và đạo đức xã hội bị suy thoái nghiêm trọng hiện nay.

Cũng giống như Ba Lan, 800 ngàn lính Xô Viết bỏ mạng tại Ba Lan để giải phóng đất nước này khỏi ách phát xít, nhưng lại đẩy nó vào một thảm hoạ khác: hệ thống độc tài toàn trị Cộng sản.

Phải sau 44 năm tranh đấu họ mới giành được dân chủ tự do vào năm 1989 và người Ba Lan ngán Cộng sản đến mức Hiến pháp mới đặt chủ nghĩa Cộng sản bên cạnh chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cấm tuyên truyền, hoạt động●

Lê Diễn Đức

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: