Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

VNTB- Dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo: Chính quyền chuyển đổi 'từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn'?

Thường Sơn (VNTB) - Một số quan chức của Ủy ban thường vụ quốc hội vừa nêu ra những đánh giá và quan điểm đáng chú ý về dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo:

Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng nói, việc quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; còn nhiều quy định, trình tự, thủ tục can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

Có cách nhìn giống như Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phân tích, kết cấu của dự thảo luật cho thấy hơi nghiêng nhiều về quản lý Nhà nước. Rất nhiều điều, khoản nhắc đến các thuật ngữ như điều kiện, cho phép, chấp nhận…



Thường trực Ủy ban cho rằng, cần chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; từ cơ chế xin phép - cấp phép hoặc đăng ký - chấp thuận sang cơ chế đăng ký - thẩm định theo các điều kiện được quy định cụ thể, rõ ràng, tăng cường hình thức thông báo trước một thời hạn nhất định.


Sau một số lần dự thảo nhưng bị giới chức sắc trong tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, phản úng mạnh mẽ về quan điểm tiếp tục bó trói và cơ chế xin - cho, dường như Quốc hội VN đang dần phải thay đổi quan điểm và 'cách làm' cho phù hợp hơn với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước VN đã ký kết từ năm 1982. 

--------------------------


Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo


QĐND Online - Sáng 14-8, tiếp tục Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã thay mặt Ủy ban trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Cụ thể, theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện được tư duy cởi mở hơn trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; bỏ bớt được một số thủ tục hành chính so với quy định của pháp luật hiện hành và áp dụng hình thức thông báo đối với một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng nói, việc quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; còn nhiều quy định, trình tự, thủ tục can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là những quyền mang yếu tố tinh thần, tâm linh. Do đó, quản lý Nhà nước phải mang tính đặc thù. Việc quy định nội dung và hình thức quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần được xem xét dưới góc độ các biện pháp của Nhà nước để bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ đó, Thường trực Ủy ban cho rằng, cần chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; từ cơ chế xin phép - cấp phép hoặc đăng ký - chấp thuận sang cơ chế đăng ký - thẩm định theo các điều kiện được quy định cụ thể, rõ ràng, tăng cường hình thức thông báo trước một thời hạn nhất định.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi dẫn kết quả khảo sát thực tiễn của Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho thấy, việc phân công, phân cấp quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều bất cập. Phân công nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng còn chồng chéo và thiếu rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu tại UBTVQH, sáng 14-8.

Ví dụ được đưa ra là việc giao chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ chưa thật sự phù hợp vì mới chỉ tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.
Từ nhận định trên, Thường trực Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu giao chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho một cơ quan phù hợp hơn, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vừa phát huy giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo trong sinh hoạt tinh thần và đời sống của người dân.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu phân cấp thẩm quyền quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương cho cơ quan chuyên môn thực hiện.
Có cách nhìn giống như Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phân tích, kết cấu của dự thảo luật cho thấy hơi nghiêng nhiều về quản lý Nhà nước. Rất nhiều điều, khoản nhắc đến các thuật ngữ như điều kiện, cho phép, chấp nhận…
Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, Ban soạn thảo nên thiết kế những điều, khoản quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người dân, kể cả người nước ngoài ở Việt Nam, trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho hài hòa với phần quản lý Nhà nước.
Tuy đồng tình với quan điểm Nhà nước tránh can thiệp sâu vào hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh: “Như vậy không có nghĩa là Nhà nước không quản lý. Cái gì thông thoáng là thông thoáng, cái gì quản lý là quản lý, không mơ hồ việc này”.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG
Quân đội nhân dân

Không có nhận xét nào: