Pages

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Việt Nam phá giá VND, nới biên độ tỷ giá

Giới chuyên gia dự đoán Việt Nam có thể phá giá VND 4% trong cả năm nay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thông báo phá giá VND thêm 1%, đồng thời nâng biên độ tỷ giá VND/USD từ 2% lên 3%.
Như vậy, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã phá vỡ cam kết không điều chỉnh tỷ giá VND/USD quá 2% trong năm nay.

Thông cáo từ cơ quan này hôm 19/8 cho biết "sau sự kiện phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất."
Việc điều chỉnh tỷ giá là "nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới", thông cáo cho biết.
Điều này giúp "tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", thông cáo nói thêm.
NHNN cũng cho biết sẽ "sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép".
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD được điều chỉnh từ 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD.
Tỷ giá trần và tỷ giá sàn lần lượt là 22.547 VND/USD và 21.233 VND/USD sau khi biên độ tỷ giá VND/USD được nới lên 3%
Việt Nam đã phá giá VND hai lần, mỗi lần 1%, trong nửa đầu năm nay do đồng USD tăng mạnh.
Đến ngày 12/8, ngân hàng trung ương nước này nới biên độ tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2% để đáp lại việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ.
Trước đó, hãng tin tài chính Bloomberg cũng đã dự đoán Việt Nam có thể phá giá VND thêm từ 1% đến 2% trong năm nay.

Tỷ giá thiếu linh hoạt

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, các chuyên gia đã chỉ trích việc NHNN ấn định mức phá giá VND tối đa là 2% hồi đầu năm là thiếu linh hoạt.
Bên cạnh đó, cũng đã có quan ngại rằng áp lực hạ giá VND sẽ làm gia tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc.
"Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói sẽ không hạ tỷ giá quá một mức nào đó có nghĩa là họ tự nhận đã biết hết những gì sẽ xảy ra trên thế giới từ đây tới cuối năm", ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP, nói với BBC hôm 13/8.
"Kiểu nói một đằng nhưng lại làm một nẻo không phải là điều gây tác động tích cực lên thị trường."
Một ý kiến khác của Kinh tế gia Lê Đăng Doanh thì cho rằng "việc ấn định một mức tỷ giá có tính chất kế hoạch hóa cho cả năm là cách tiếp cận hết sức đáng bàn cãi".
Ông Doanh cho rằng việc phá giá VND để đáp lại động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
"Hàng dệt may của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc hay xuất sang nước thứ ba thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc", ông nói.
"Thứ hai là nhập khẩu nhiều hơn nữa của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Đó là bài toán về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế mà chúng ta không thể xem thường".

Không có nhận xét nào: