Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

‘Việt Nam cần tưởng niệm nạn đói 1945’

Giới sử gia Việt Nam bày tỏ quan điểm nên lập các công trình đánh dấu và tưởng niệm chính thức hàng năm nạn đói Ất Dậu năm 1945.
Trả lời BBC ngày 11/08, Giáo sư sử học Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, nói về đề nghị của ông muốn xây bia tưởng niệm về nạn đói năm 1945 xảy ra trong thời kỳ quân đội Nhật Bản xâm chiếm Việt Nam trong Thế Chiến II.

“Cần có bia tưởng niệm như một sự nhắc nhớ cho thế hệ sau chống lại các tội ác diệt chủng mà loài người đã phải chịu do chủ nghĩa phát xít gây ra mà Việt Nam cũng đã phải chịu.
“Ví dụ như trại Auschwitz nơi phát xít Đức giết người Do Thái cũng được dùng làm biểu tượng của hành động giết người kinh khủng, hay tại Hiroshima và Nagasaki cũng có những tượng đài để nhắc nhở về những quả bom nguyên tử và về chủ nghĩa phát xít trong thời gian Đệ nhị Thế chiến.
"Ở Việt Nam thì Nhật không giết như Đức mà giết bằng cách làm cho đói mà chết," ông Văn Tạo nói.
Ông văn Tạo cho biết ông đã từng đề nghị từ hồi còn ông Hoàng Văn Nghiên là Chủ tịch thành phố Hà Nội và đã được ông Nghiên đồng ý.
Tuy nhiên khi đưa ra đã có nhiều ý kiến trái ngược như "xây cái tượng chết đói của người Việt Nam thì xây làm gì", hay tỉnh Thái Bình nói tỉnh đó chết nhiều thì xây tại đó nhưng cuối cùng đã chẳng được xây tại đâu.
"Xây dựng tượng đài những anh hùng liệt sĩ, những ông lãnh đạo như tượng ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Cụ Hồ ở chỗ này chỗ nọ - nghĩa là xây nhiều - Thế thì tại sao ta lại chỉ xây tượng đài những vị lãnh đạo mà ta không nghĩ đến xây một tượng đài nói lên cái khổ ải, cái đau thương của dân?"
Trao đổi với BBC hôm 11/08, Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra lý do Việt Nam nên lập các công trình đánh dấu và tưởng niệm chính thức hàng năm nạn đói Ất Dậu năm 1945.
"Quan điểm của tôi là nên. Vì sao? Là bởi vì lịch sử có những trang chói lọi, vinh quang thì chúng ta kỷ niệm để con cháu tự hào. Con cháu trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nhìn thấy đó mà vững tin."
Sử gia Vũ Minh Giang, nói thêm: "Nhưng cũng có những trang sử bi thương và không được quên những trang sử bi thương ấy. Lịch sử không chỉ có màu hồng, lịch sử còn có những gam tối, những cái mà đọc ra nước mắt, thì những cái đó cũng không được phép quên.
"Tôi cho rằng tuổi trẻ bây giờ rất nhiều người đã không biết sự kiện đó. Phải có những chứng tích để nói rõ cái đó."
Tuy nhiên, theo sử gia này, trong tình hình quan hệ Việt - Nhật hiện nay, đặc biệt là liên quan các quan hệ và diễn biến phức tạp ở các khu vực trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, gắn với vai trò của Trung Quốc mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều có những quan tâm và quan ngại, thời điểm thiết lập các công trình tưởng niệm, cần được 'cân nhắc thêm' về thời điểm và chính trị.
Ông Vũ Minh Giang cũng cho rằng cần có những đánh giá gần với sự kiện lịch sử hơn về các dữ kiện liên quan nạn đói 1945 được cho là cướp đi sinh mạng của vài triệu người dân Việt Nam, mà nguyên nhân chủ yếu lâu này vẫn được quy về các hành động có tính 'tội ác lịch sử' của quân Quan đông Nhật Bản ở Đông Nam Á, châu Á và Đông Dương.

'Đánh vào dạ dầy'

Lý do nạn đói chết người theo Giáo sư Văn Tạo là do Nhật - Pháp muốn đánh Việt Minh bằng cách đánh vào cái dạ dầy, "làm cho họ chết bằng cái đói thì mới đánh nổi".
"Nói là hai triệu người nhưng thực tế khi làm cuốn sách thì con số này là hơn hai triệu người.
“Có xóm làng chết hết không còn một người nào, đến nối chết không ai chôn, có gia đình mười người chết chín," Giáo sư Văn Tạo, một trong số các tác giả của cuốn sách nghiên cứu mang tên "Nạn đói ở Việt Nam năm 1945 - Những chứng tích lịch sử”, nói.
Giáo sư Văn Tạo cho biết nạn đói do chính sách của Nhật, lại cộng thêm thiên tai, và nhiều chính sách khác của triều đình Huế như cấm vận thóc gạo không cho đưa từ tỉnh nọ sang tỉnh kia.
"Nó ra nhiều lệnh để không cho thóc gạo đến tay người dân chết đói, nơi nào thiếu thì chết thôi. Nam Trung Bộ thì chết ít, từ Huế, Quảng Trị trở ra rồi đến đồng bằng Bắc bộ, Hà Nam, Nam Định thì chết nhiều.
“Nhờ sự lãnh đạo của Việt Minh mà dân đã làm được việc cứu được mình khỏi đói và giành được chính quyền và chính đó là ý nghĩa tôi muốn nêu lên là nên làm một tượng đài để tượng niệm công lao của Việt Minh diệt được phát xít và người dân thoát nạn đói," một trong số các tác giả của cuốn sách nghiên cứu mang tên "Nạn đói ở Việt Nam năm 1945: Những chứng tích lịch sử”, giải thích.

'Đã giải quyết xong'

Giới lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam ngày nay không đề cập tới những gì xảy ra thời Thế chiến Hai.
Từ Tokyo, ông Đỗ Thông Minh, nhà quan sát đã sống và làm việc tại Nhật hơn 30 năm qua, cho rằng cấp chính quyền Việt Nam không muốn nói tới quá khứ này.
“Thời ông Võ Văn Kiệt thì ông đã tuyên bố là trang sử Việt Nam và Nhật Bản đã lật qua.
“Do đó phía Việt Nam trên nguyên tắc là hầu như không có nói tới. Tức là về cấp chính quyền thì không nói tới tuy báo chí có thể có bài này bài kia những đó không phải là tiếng nói chính thức."
Ông Minh mô tả rằng "Trung Quốc thời Mao Trạch Đông là không nhận viện trợ bồi thường và Hàn Quốc thì còn là vết thương day dứt nên họ hay đặt vấn đề chứ Việt Nam là hầu như không đặt vấn đề nữa”.
Ông cho biết thêm có một giai đoạn Nhật Bản đã giải thoát cho Việt Nam khỏi bị vỡ nợ.
“Vào năm 1990-1991 khi Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia, các quốc gia cho Việt Nam vay tiền gọi là Câu Lạc bộ Paris thì số tiền của các nước Âu Mỹ và Nhật thôi thì Việt Nam khi đó nợ khoảng 6.5 tỉ đôla.
“Nhật Bản là một trong những nước chính đứng ra cho vay nợ mới để trả nợ cũ. Ngoài những ưu đãi khác thì hiện nay Nhật Bản là quốc gia viện trợ hàng đầu cho Việt Nam.
“Ở một mức độ nào đó thì là đồng mình [trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc] và đã cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam.
“Trên nguyên tắc là Nhật Bản và Việt Nam đã giải quyết xong. Việt Nam đang nhận viện trợ của Nhật thì không dại gì mà đi nói lên sự bất bình làm cho Nhật Bản khó chịu", ông Đỗ Thông Minh nói với BBC vào hôm 11/08.

Không có nhận xét nào: