Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Việc dồn điền, đổi thửa và những bất cập

Anh Vũ, thông tín viên RFA

Kênh mương nội đồng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa

Kênh mương nội đồng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa
 Truyenhinhnghean




Chủ trương dồn điền đổi thửa trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao năng suất canh tác nông nghiệp. Tuy vậy, ở một số nơi việc làm này đã đã nảy sinh sự bất hòa trong thôn xóm và thậm chí người nông dân đã bỏ ruộng không canh tác để đòi sự công bằng.


Thực tế ra sao và có những bất cập gì?
Dồn điền-đổi thửa
Trong những năm gần đây, để tiến hành xây dựng nông thôn mới, quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá, chính quyền VN đã chủ trương tiến hành dồn điền-đổi thửa đất nông nghiệp.
Biện pháp thực hiện còn có quy hoạch lại giao thông, thuỷ lợi nội đồng, đưa cơ giới hoá và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động.
Theo chủ trương này, các hộ nông dân được chia lại đất, đồng thời nhà nước cấp mới cho họ Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất để có thể vay vốn ngân hàng, ngoài ra họ còn được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.
Nói về công tác dồn điền đổi thửa ở địa phương của mình, anh Viễn một nông dân ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội nói với chúng tôi:
“Họ cũng cho tổ chức họp dân và mọi người đều nhất trí cao làm nông thôn mới và dồn điền đổi thửa, song do làm chậm trễ nên nhân dân người ta cũng bức xúc.”
Hiện tượng tiêu cực
Vì không có quy hoạch chi tiết, nên ruộng đất được chia theo ý kiến chủ quan của lãnh đạo thôn, dẫn đến tình trạng trên cùng một mảnh ruộng nhưng chỗ cao, chỗ thấp khác nhau, nên việc tưới tiêu rất khó. Ông Bình ở thôn Dương Quang, Huyện Gia lâm cho biết:
“Họ không hề bàn bạc với dân, cho nên đến bây giờ làm giao thông thủy lợi thì không thể làm được, chỗ cao thì không lấy được nước, chỗ trũng thì úng không tháo được nước ra nên bây giờ bà con mình không thể cấy cày được.”
Họ cũng cho tổ chức họp dân và mọi người đều nhất trí cao làm nông thôn mới và dồn điền đổi thửa, song do làm chậm trễ nên nhân dân người ta cũng bức xúc
anh Viễn
Tuy vậy, tai một số lớn các địa phương, do việc thiếu công khai và các chính sách bất hợp lý có lợi cho của các cán bộ địa phương, nên bà con nông dân đã không ủng hộ, thậm chí họ đã bỏ ruộng hoang không canh tác. Ông Danh ở thôn Dương xá, Huyện Gia lâm, Hà nội bày tỏ:
“Từ lúc thi công cho đến lúc xong thì dân không biết đấy là đâu cả ,vì đã quá mất dân chủ, cho đến ngày hôm nay lẽ ra phải cho tôi và nhân dân biết toàn bộ các hợp đồng của các gói thầu, song đến nay các anh ấy vẫn không trả lời chúng tôi.”

Chuẩn bị xây đắp kênh mương nội đồng để dồn điền đổi thửa
Chuẩn bị xây đắp kênh mương nội đồng để dồn điền đổi thửa (baophapluat.vn)

Là nông dân bỏ ruộng ai chẳng tiếc, cực chẳng đã nên phải làm như vậy, trong một tâm trạng bức xúc, ông Bình nói:
“Để mà cấy được, trong khi việc làm nông thôn mới, mương máng, bìa ải chưa làm ra đâu vào đâu thì nông dân chúng tôi cấy vào chỗ nào? Trong khi nước nôi thì không thuận tiện thì chúng tôi cấy vào đâu, cấy mà chúng tôi không được ăn thì để làm cái gì?”
Theo báo Dân Việt, TS. Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho rằng "Người nông dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, họ chính là người thực hiện các công việc này. Chính vì thế từ phương án, kế hoạch, rồi thực hiện họ phải được tham gia họp bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các thôn xã không cho người dân họp bàn, hoặc họp qua loa, khi chưa thống nhất thì họ đã triển khai, dẫn đến hàng trăm ha ruộng bị bỏ hoang."
Do không canh tác được nên sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu ăn, đó là điều khó tránh khỏi, anh Viễn cho biết:
“Bản thân tôi thì làm thợ xây, vợ thì ở nhà làm nông nghiệp, trong lúc này việc làm công tác dồn điền đổi thửa rất là chậm, không triển khai được. Như vậy nguy cơ ở xã này với 8.000 dân và kể cả gia đình tôi sẽ lâm vào cảnh thiếu ăn và sẽ rất khốn khổ.”
Không chỉ xảy ra tình trạng cán bộ lãnh đạo xã giành phần các mảnh đất có vị trí đẹp, thuận lợi cho bản thân mình và người thân, họ còn nhập nhằng trong việc sử dụng quỹ đất 5% để lấy đất cho các tổ chức kinh tế thuê. Sự mất công bằng ấy đã khiến cho tình cảm xóm giềng bất hòa, rạn nứt. Ông Danh bày tỏ:
“Không công bằng, trước kia họp các anh bảo rằng tất cả số ruộng sẽ chia hết (ruộng) cho dân. Vậy mà chưa chia xong, mới xong đợt 1 mà các anh ấy đã để dành hàng mấy chục mẫu bảo để giãn dân, mà coi như cái vụ 204 các anh đã để 27.000 m2 để giãn dân rồi. Bây giờ thì lại mấy chục mẫu, tôi cũng không biết trong dự án các anh ấy để bao nhiêu đất để giãn dân?”
Ông Lực tiếp lời:
“Ở đây chia ruộng dồn điền đổi thửa nhưng không theo ý dân, những chỗ đất cao họ xúc bán trộm của dân đi, khi dân hỏi thì họ bảo không biết. Ngay cả Chủ tịch, khi tôi hỏi hay là ở thôn này bán, thì Chủ tịch bảo để chúng tôi điều tra, tôi đã cũng cùng họp với toàn dân đề nghị làm sao cho công bằng, đúng chủ trương của nhà nước trong việc dồn điền, đổi thửa. Nhưng thực tế đảng ủy, UBND Xã đã không làm đúng với đường lối của nhà nước.”
Không công bằng, trước kia họp các anh bảo rằng tất cả số ruộng sẽ chia hết (ruộng) cho dân. Vậy mà chưa chia xong, mới xong đợt 1 mà các anh ấy đã để dành hàng mấy chục mẫu bảo để giãn dân, mà coi như cái vụ 204 các anh đã để 27.000 m2 để giãn dân rồi. Bây giờ thì lại mấy chục mẫu
Ông Danh
Cơ quan chức năng địa phương thừa nhận hiện tượng tiêu cực trong công tác dồn điền đổi thửa là có thật, nhưng chỉ là cá biệt, không phải chuyện phổ biến, UBND Huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật với một số trường hợp vi phạm như trình bày của ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Huyện Gia lâm sau đây:
“Vài ba địa phương trách nhiệm chưa cao, hướng dẫn quy trình dồn điền, đổi thửa chưa minh bạch, thậm chí còn cái cắm các lợi ích cá nhân của mình vào trong đấy. Dẫn đến người dân họ đã mất niềm tin, do vậy trong năm nay chúng tôi sẽ rà soát lại và sẽ có chỉ đạo khắc phục khẩn trương để cho người dân người ta canh tác trở lại.”
Do mất công bằng và nhiều điều bất cập, có một số hộ nông dân đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết, xong các cán bộ lãnh đạo ở xã đã có các hành động đe dọa. Chị Xoan ở huyện Mỹ Đức khẳng định:
“Chúng tôi biết quyền lợi của dân nên chúng tôi đã ký vào cái đơn (khiếu nại) đó, khi mang lên xã, xã nhận xong thì đưa lực lượng công an đến từng gia đình để đe dọa. Đến đe dọa là nếu không hủy chữ ký đi là xin giấy tờ gì hay có các việc gì sẽ không cho, họ còn đe là nếu không hủy chữ ký thì sẽ cho lực lượng công an xuống bắt.”
Trước sai lầm của chính sách hợp tác hóa nông nghiệp theo mô hình XHCN, từ năm 1988 chính quyền VN đã thực hiện chính sách khoán 10, chia ruộng đất cho từng hộ nông dân để canh tác cá thể. Tuy vậy, đây vẫn là mô hình sản xuất nhỏ, manh mún. Chủ trương dồn điền, đổi thửa nhằm cơ giới hóa với mục đích nâng cao năng xuất lao động là việc làm cần thiết, song việc cách thực hiện của nhiều địa phương lâu nay đang khiến nông dân không đồng tình và có những phản ứng mạnh mẽ
.

Không có nhận xét nào: