Pages

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Tự do! Phải chăng là một sự công nhận?

Joseptuat
Featured Image: photophilde
Featured Image: photophilde
Bạn thấy mình có tự do không? Nếu tôi hỏi bạn rằng: bạn có tự do không? Bạn sẽ trả lời thế nào?
Tôi nghĩ phần lớn sẽ trả lời là không biết? Một số người tự xem là hiểu chuyện sẽ bảo là không có? Có rất ít người sẽ trả lời là “có”.
Cả ba câu trả lời: “có” “không”, hay “không biết” đều dựa vào tình hình xã hội, vào sự hiểu biết trên màng kiến thức như luật pháp, kinh tế, tôn giáo để trả lời. Và tất cả họ đều chấp nhận “tự do” như một sự cộng nhận từ chính quyền, từ thần linh, hay bất kỳ một ý thức hệ nào đó. Nhưng có thật đó là tự do, hay chỉ là một hình thức nô lệ mang danh hai từ “tự do”?

Nếu xem “tự do” như một sự công nhận từ cộng đồng, thì tự do chẳng qua chỉ là một sản phẩm, một phát minh của xã hội loài người. Một sản phẩm thì nó có ngày sản xuất, và đương nhiên cũng có hạn sử dụng. Vậy nhiều người đang tranh đấu cho tự do, hoá ra là đang tranh đấu cho một sản phẩm mà chưa chắc nó còn có hạn sử dụng nữa không? Và hơn nữa, một sản phẩm thì nó tốt cho xã hội này, chưa chắc đã tốt cho xã hội kia, và vì thế việc tranh đấu cho tự do có khi lại không cần thiết cho xã hội mà họ đang tranh đấu thì sao? Và hơn nữa, xem tự do như một sự cộng nhận từ người khác, thì chúng ta phủ nhận tính tự do bên trong, tự do nội tại trong mỗi con người.
Câu hỏi trên chỉ muốn xoáy sâu vào sự tự nhận thức bản thân, và đặt mình trong liên hệ với tự do, là một câu hỏi rất cá nhân, nhưng nhiều người trong chúng ta lại hiểu nhầm về thực trạng xã hội, về nền chịnh trị dân chủ hay độc tài. Và vì thế nhiều người trả lời mà như không trả lời.
Tôi đang đặt bạn vào tự do bên trong, vào khả năng cảm nhận mình có tự do hay không? Và câu hỏi rất quan trọng cho bạn và tôi là: tự do! phải chăng là một sự cộng nhận?
Đương nhiên, tôi không đồng ý tự do của tôi là một sự cộng nhận, chấp nhận từ người khác, bất kể là từ chính quyền hay tôn giáo, từ gia đình hay xã hội. Bởi tự do hay không, vấn đề đó là ở chính tôi, chính bạn chứ không phải từ bên ngoài.
Bạn đừng nghĩ về thế chế chính trị, đừng để bất kỳ một ý thức hệ nào ràng buộc, dù đó là tôn giáo, triết học, hay kinh tế. Hãy để mình thật trống rỗng, hãy phơi bày tất cả bên trong mình dù xấu xí, hay tốt đẹp rồi đặt tất cả vào mối liên hệ với tự do, và tìm câu trả lời cho bản thân bạn câu hỏi sau: tự do của bạn phải chăng là một sự công nhận?
Tôi nghĩ nếu bạn đi sâu vào bên trong mình, đặt mình chơi vơi giữa bao la của vũ trụ này, bạn sẽ thấy một điều như tôi thấy, và nói một điều như tôi nói: tự do không phải là một sự công nhận, mà ngược lại chính tự do xác định con người bạn trong thế giới này.
Hiểu được vấn đề này, bạn sẽ thấy rằng chúng ta không cần phải chờ sự chấp thuận từ người khác về tự do, để rồi nói rằng: tôi là người tự do.
Bạn là người tự do hay không đó chính là vấn đề của bạn. Bạn cũng sẽ hiểu ra rằng, tự do không phải là một sản phẩm của trí óc, của triết học, của tín ngưỡng, của chính trị, mà ngược lại hầu hết tất cả những tín ngưỡng, học thuyết chính trị, triết học, kinh tế có thể tồn tại, có giá trị cho đến ngày hôm nay, vì nó mang trong mình hình ảnh của tự do.
Tự do xác định nhân vị của bạn, và xoá bỏ sự tranh chấp, xung đột. Tự do thật sự ấy, chứ không phải là thứ tự do đang rao bán trong tôn giáo, trong các học thuyết chính trị, kinh tế… những thứ đó chỉ phân hoá xã hội, tạo ra xung đột, và là mầm mống cho những cuộc chiến tranh.
Tôi rất thích 2 từ “giác ngộ” trong đạo Phật, nhưng tôi sẽ không dùng nó trong vấn đề này. Có lẽ nói về sự giác ngộ thì cao siêu quá, và thần thánh quá về vấn đề tự do. Nhưng sự thật thì tự do chúng ta có được không phải là sự chấp nhận như một món quà từ bên ngoài, mà là sự tự nhận ra, cảm nhận thấy trong chính bên trong con người mình. Tôi nghĩ, chỉ có những người nhận ra được tự do theo cách này, sẽ không còn bận tậm về thế chế chính trị, về tín ngưỡng đối với tự do của mình. Họ sẽ sống như một con người tự do, cho dù là trong xã hội dân chủ hay độc tài, cộng sản hay tự bản, phát-xít hay nhà nước hồi giáo.
Tự do thật sự phải đến từ bên trong, và là một quá trình liên tục, xảy ra từng giây, từ phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm qua hành vi tự khám phá, tự tìm hiểu, tự nhận thức của từng cá thể, chứ không phải đến từ bên ngoài, chờ đợi sự cộng nhận từ chính quyền hay thần linh. Hãy quay về với bản thân, và mang tự do đến với cuộc sống bên ngoài.

Không có nhận xét nào: