Pages

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Thủ tướng VN yêu cầu Sơn La báo cáo về tượng đài

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chính quyền dựng nhiều nơi ở Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư Đề án xây dựng quần thể tượng đài “Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc” có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.
Trang web chính phủ Việt Nam ngày 5/8 nói báo chí đã phản ánh rằng dự án “chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.

Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La “báo cáo về việc đầu tư Đề án này và làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8”.
Cùng ngày 5/8, lãnh đạo tỉnh Sơn La nói truyền thông 'chưa hiểu đúng nghĩa' của công trình tượng đài 'Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc'.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, người phụ trách dự án, có phát biểu trên trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 5/8.
Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin dự án có tổng kinh phí lên đến 1.400 tỷ đồng.
"Một số phóng viên đang hiểu chưa đúng hết nghĩa của công trình này", ông Thủy nói.
"Số tiền 1.400 tỷ là cho chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La đến năm 2020, còn nhiều hạng mục về an sinh xã hội lắm, trong đó có nhiều thiết chế văn hóa và các nội dung khác nữa."
Ông cũng cho biết "hầu hết kinh phí cho chương trình là nguồn vốn xã hội hóa" và đến nay chưa có quyết định gì về nguồn vốn từ trung ương.
Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với BBC, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, cũng nói báo chí hiểu "chưa chính xác" về công trình.
"Chẳng biết nguồn thông tin ở đâu ra, cứ đưa lên báo như thế, nên tỉnh bây giờ phải làm một báo cáo", ông nói.
"Anh em tất cả các sở đang tổng hợp lại chi tiết từng hạng mục, Sở Kế hoạch đầu tư sẽ xây dựng kế hoạch cuối cùng để trình lên UBND tỉnh và UBND sẽ có phát ngôn chính thức".
Ông Tuấn cũng cho biết kinh phí từ công trình chủ yếu là từ các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Ngày 5/8, báo Dân Trí dẫn lời ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La bác bỏ tin nói tượng đài có trị giá 1.400 tỷ đồng.
“Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ trong đề án này, với kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng", ông nói.
Thế nhưng văn bản Nghị quyết thông qua của Hội đồng Nhân dân tỉnh mà BBC có trong tay có dòng: "Tổng mức đầu tư: khoảng 1.400 tỷ đồng".
Hôm 4/8, báo VnExperss dẫn lời người phát ngôn Bộ Văn hóa Phan Đình Tân cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo từ tỉnh Sơn La về đề án xây dựng khu tượng đài.
Sơn La là tỉnh miền núi cao ở phía Tây Bắc đất nước, dân số khoảng 1,1 triệu người.
Đây là một trong các tỉnh nghèo của Việt Nam, với tổng số hộ nghèo gần 71.000 hộ, chỉ sau Nghệ An và Thanh Hóa.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng năm nay của UBND tỉnh Sơn La cho biết tỉnh này còn hơn 36.000 hộ thiếu đói.

"Không có quy hoạch chung"

Hôm 3/8, Đại biểu Quốc Lê Việt Trường đã chất vấn Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về trào lưu xây dựng quảng trường.
Ông Trường cho rằng trào lưu này "đi ngược lại sự chỉ đạo của chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển".
"Việc xây dựng quảng trường của các tỉnh, thành phố có nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt không? Kinh phí lấy từ nguồn nào?", ông đặt câu hỏi.
Văn bản trả lời của ông Dũng, được báo Tuổi Trẻ dẫn lại ngày 5/5, nói "đến thời điểm hiện nay, không có quy hoạch quảng trường chung cho cả nước."
Tuy nhiên ông Dũng nói "Việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị văn minh hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu địa phương, cộng đồng dân cư.
“Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố.
"Trên thực tế, hầu hết quảng trường tại các tỉnh, thành phố được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác", ông nói.
Trang web chính phủ Việt Nam ngày 5/8 nói Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Thông tin này được đăng tải dường như xuất phát từ tranh cãi mấy ngày qua về đề án tại Sơn La.
Bài trên trang web chính phủ nói dự thảo nêu rõ hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ưu tiên xây dựng đến năm 2030 tại 14 địa phương: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, từ nay đến 2030, tại tỉnh Bắc Kạn “sẽ xây dựng tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong”; tại Bắc Ninh sẽ “xây dựng tượng đài Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh”; tại Đà Nẵng sẽ “xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tại Sơn La sẽ xây dựng “tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”.
Chính phủ Việt Nam nói người dân có thể góp ý dự thảo này qua mạng internet.

Không có nhận xét nào: