Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Nguyễn Văn Tuấn - Một cách phạt bất công?

Nguyễn Văn Tuấn
Tôi nghĩ những ý kiến sau đây của tôi có thể gây ra nhiều phản ứng vì có liên quan đến một ca sĩ nổi tiếng. Không biết các bạn nghĩ sao, chứ cá nhân tôi thấy việc Cục hàng không phạt cô vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên (LQ) 8 triệu (vì cho con đái vào túi nôn trong chuyến bay) là có phần không hợp lí. Sự việc xảy ra dĩ nhiên là không hay, nhưng tôi nghĩ trong tình huống "khẩn cấp", mà hai vợ chồng xử trí như thế là hoàn toàn có thể hiểu được. Thật ra, so với các trường hợp ở nước ngoài thì trường hợp của LQ là rất nhẹ và tốt chán.
Ca sĩ Lệ Quyên.
Xin kể một chuyện hơi xưa liên quan đến tài tử lừng danh người Pháp Gerard Depardieu. Báo chí có lần làm rùm beng việc anh ta đi tiểu trong một cái chai trên máy. Số là trong một chuyến bay sang Dublin, khi chuẩn bị hạ cánh, anh ta mắc tiểu quá và đề nghị tiếp viên cho dùng cầu tiêu, nhưng tiếp viên nhất định không cho, bảo là phải chờ 15 phút nữa. Nhưng ngồi một lúc, anh ta chịu không nổi. Thế là người đồng hành cho anh ta cái chai đã dùng, và anh ta kín đáo “trút bầu tâm sự” vào đó. Nhưng chẳng may có vài giọt nước đái rớt xuống sàn máy bay. Anh ta cũng cất công lau chùi cẩn thận. Tuy nhiên, lúc đó đã có nhiều hành khách phát hiện sự việc và dùng điện thoại ghi lại hình. Sự việc gây ồn ào trên báo chí một thời (vì người ta hiểu lầm rằng anh ta đái trên thảm máy bay) nhưng chẳng có ai phạt anh ta.
Câu chuyện thứ hai xảy ra ở Mĩ liên quan đến một nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mĩ Jennifer Devereaux. Hôm đó, bà đi máy bay cùng hai cô con gái, trong đó có một đứa mới 3 tuổi. Trong lúc máy bay chờ cất cánh (hơi trễ so với thời khoá biểu) thì cô con gái 3 tuổi mắc đái. Bà xin cô tiếp viên cho con dùng cầu tiêu, nhưng cô tiếp viên nhất định không cho vì nói rằng máy bay sắp cất cánh. Bí quá, đứa bé đái ngay trên ghế máy bay! Cô tiếp viên mắng nhiếc người mẹ hơi nặng, và bà phản ứng lại. Cô tiếp viên bèn méc với phi công trưởng về sự việc, ai dè sau khi nghe xong phi công cho máy bay quay lại sân bay, với ý định không cho bà bay, vì họ cho rằng bà ấy gây rối! May phước cho bà Devereaux, vì khi sự việc xảy ra, có một phi công khác chứng kiến, và ông thuyết phục phi công trưởng rằng bà mẹ đã làm đúng. Khi về đến nhà, bà Devereaux viết thư cho hãng hàng không JetBlue phàn nàn về thái độ của phi công trưởng và cô tiếp viên, và bà đòi hỏi phải đuổi cô tiếp viên. Sau này, hãng hàng không phải xin lỗi bà mẹ và gửi cho bà cái chque 50 đôla như là bồi thường danh dự. Nhưng bà nói có lẽ bà chẳng bao giờ dùng đến số tiền đó, và bà sẽ không bao giờ bay với hãng hàng không đó nữa.
Qua hai sự kiện trên, các bạn đã thấy là cách xử sự của hai vợ chồng Lệ Quyên là ổn, chứ chẳng có gì đáng làm lớn chuyện. Việc họ dùng túi nôn đã chứng tỏ rằng họ có ý thức, chứ nếu không thì họ để con đái lên ghế ngồi. Họ chẳng làm gì gây ảnh hưởng xấu đến an toàn chuyến bay. Mà, hình như tiếp viên VNA cũng chẳng có phàn nàn gì (?) Ấy thế mà cái Cục kia lại đi phạt người ta! Không rõ họ phạt theo điều luật gì, và điều luật đó được hiểu như thế nào? Đúng là chuyện chỉ có ở xứ mang tên V.N!
Tôi có lẽ là một trong những người bay khá nhiều, và đã chứng kiến nhiều chuyện vui buồn, có khi liên quan đến cá nhân tôi. Có lần trong một chuyến bay nội địa Mĩ, tôi thấy một ông Mĩ to như hộ pháp cởi trần áo, phô trương bộ ngực lông lá thấy rất phản cảm. Nhưng tôi chẳng thấy ai nhắc nhở gì đến ông ấy, mà người ta có vẻ lờ đi như chẳng thấy ông khách dị hợm đó. Một lần khác, một bà Mĩ da trắng trông dánh dấp "business woman" (nữ doanh nhân) dứt khoát không ngồi ghế [đã định sẵn] gần cái ông da đen, và bà nhất định đòi ngồi gần ... tôi (vì chỗ tôi còn ghế trống). Mấy người tiếp viên cứ nhìn tôi làm như tôi và bà Mĩ đó có tình ý gì. Thật là khổ sở, mà tôi chẳng biết giãi bày cùng ai. Hoá ra, bà ấy (nói với tôi) than phiền rằng cái ông Mĩ đen kia hôi thối quá!
Sau này có dịp bay nhiều chuyến trong nước với VNA, tôi cũng có nhiều trải nghiệm thú vị nhưng không vui. Như tôi từng viết nhiều lần là cung cách phục vụ của VNA còn quá kém, thiếu tính chuyên nghiệp, và thái độ thì "Chả bao giờ thấy nàng cười". Còn phi công VNA thì quá tiết kiệm lời, cộng với tiếng Anh chưa tốt mấy. Thành ra, đi máy bay VNA là chấp nhận mù thông tin. Mấy năm gần đây thì tình hình có khá hơn, nhưng vẫn còn rất kém so với các hãng khác trong vùng. Nhưng vấn đề không chỉ là tiếp viên, mà còn ở hành khách nữa. Hành khách Việt Nam có những đặc điểm khác với hành khách Tây. Có lần đi chuyến bay từ Sydney về Sài Gòn, một đám thanh niên uống bia như hủ chìm, và say xỉn la lớn, làm náo động cả chuyến bay. Thật tội nghiệp cho mấy cô tiếp viên trong chuyến bay đó. Thằng cháu tôi làm tiếp viên cho hãng Qantas kể rằng có chuyến một hành khách cứ đòi ăn đồ biển, nhưng không đặt trước, nên tiếp viên không có để phục vụ. Thế là xảy ra chuyện cãi cọ, và suýt đánh lộn! Có lần trong chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi thấy hai cô "Bắc kì nho nhỏ" trông xinh xinh vô tư cắt móng tay lách cách trên máy bay, trong khi khách Tây nhìn họ một cách khó chịu. Tôi đoán rằng chính hai cô ấy không biết hành vi của họ là thiếu văn minh. Ấy thế mà họ ngồi ghế hạng business!
Tôi nghiệm ra rằng đi máy bay là một cơ hội tuyệt vời tiết lộ những cái xấu, cái bất cập của con người. Tôi quan sát những thói hư tật xấu trên máy bay (có khi của chính mình), và nghĩ đến một số lí do liên quan đến sự phổ thông hoá hàng không, mức độ hội nhập chậm, giáo dục và ích kỉ. Ngày xưa, người đi máy bay là thuộc giai cấp trung lưu và có học thức khá, đàn ông thì áo veston và cà vạt, nữ thì quần áo lịch sự và guốc cao gót. Còn ngày nay, khi mà hàng không đã trở thành "đại chúng hoá" thì ai cũng có khả năng đi máy bay. Có người chưa từng đi xe đò, thì vụt một phát là đi máy bay. Một số trong những người này chưa quen với "văn hoá" máy bay nên có những hành xử không đúng "luật chơi". Có lần tôi chứng kiến một quan chức rất cao cấp đi toilet mà quên ... đóng cửa. Một phần là do văn hoá tiền và quyền, mà theo đó những người có quyền và có tiền thường phách lối, ngạo mạn, đòi hỏi phải có đặc quyền trên những người khác. Một phần khác là do giáo dục và ích kỉ trong thời bao cấp. Trong thời bao cấp, người ta sống khổ quá, và họ chỉ biết đến tồn tại, sống sót cho mình trước. Cái tâm lí đó tồn tại cho đến bây giờ, và theo đó người ta bằng mọi giá lo cho mình trước, bất kể lợi ích của người khác. Nhất là ở Việt Nam, nơi mà kĩ nghệ hàng không phát triển nhanh hơn là mức độ "tiến hoá và hội nhập" của người dân và quan chức, nên có rất nhiều bất cập xảy ra, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Quan chức Việt Nam cũng chỉ mới tiếp cận với hàng không phương Tây gần đây, nên rất có thể họ cũng có nhiều lúng túng trong ứng xử.
Những lí giải trên chỉ để quay lại câu chuyện của ca sĩ LQ là nằm trong bối cảnh chung của sự phát triển hàng không trong nước. Tôi vẫn nghĩ hai vợ chồng LQ chẳng làm gì quá sai để đến nỗi phải bị phạt. Nếu sự việc xảy ra ở Úc tôi nghĩ khả năng rất cao là họ không bị phạt, mà thậm chí còn được tiếp viên giúp đỡ. Có lẽ vài bạn nghĩ rằng lúc đó họ vẫn có thể dẫn con vào toilet, nhưng nên nhớ rằng có những tình huống mà chúng ta phải dùng cơ chế "suy nghĩ nhanh" (nói theo ngôn ngữ của Daniel Kahneman) để giải quyết vấn đề dù cách giải quyết chưa phải là tối ưu. Đành rằng qui định là để cho mọi người phải tuân theo, nhưng không có một điều luật hay qui định nào trên thế giới có thể bao trùm tất cả hành vi và sinh lí của con người. Do đó, tôi nghĩ việc ứng dụng các qui định mang tính pháp lí vào việc phán xét một hành vi mang tính thúc giục của cơ chế sinh lí của người khác đòi hỏi người ứng dụng phải tỏ ra trước hết là một con người bình thường chứ không phải là cái máy.
TB: Tôi không phải là "fan" của Lệ Quyên.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

chúng ta cần phải phân biệt điều đúng và sai , điều nên làm và không nên làm , thì xã hội ngày càng tốt đẹp hơn