Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Chuyên gia Nga bình luận vấn đề Biển Đông

Vấn đề Biển Đông được nhiều chuyên gia Nga quan tâm trong khi phía chính quyền Moscow không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.

Đánh giá "ảnh hưởng toàn diện" của Nhật Bản tại Biển Đông


Theo ông Vladimir Terekhov, chuyên gia Nga về khu vực châu Á -Thái Bình Dương, các sự kiện trong 2 tháng gần đây khẳng định sự hồi sinh toàn diện của Nhật Bản tại Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.


Theo vị chuyên gia này, hiện nay Biển Đông là đầu mối liên kết quan trọng và nhạy cảm của tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế, khởi nguồn tại khu vực Vịnh Ba Tư và đi qua Ấn Độ Dương.


Vai trò bảo đảm hoạt động liên tục của tuyến đường huyết mạch này đối với Nhật Bản trở thành vấn đề mang tính sống còn.



Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên đá Châu Viên của Việt Nam

Tuy nhiên, trước thực trạng Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông và Đông Nam Á, Nhật Bản hết sức quan ngại và cho rằng sự hiện diện của Bắc Kinh là nguồn thách thức tiềm năng đối với các lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Trung Quốc ngang nhiên nhận vơ, đưa ra khẳng định phi lý rằng "80% diện tích của Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc".


Chính vì vậy, xung đột song phương vốn đã căng thẳng từ lâu tại Biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Sekaku/ Điếu Ngư bắt đầu lan tỏa sang Biển Đông.


Về mặt kinh tế, cuộc tranh giành ảnh hưởng đối với 5 nước sông Mekong (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan) nói riêng và ASEAN nói chung giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng mang tính công khai bất chấp các cuộc tham vấn song phương định kỳ được tổ chức nhằm mục đích hài hòa các nỗ lực tại các nước Vùng Mekong.


Theo ông Terekhov, trong khi đa số các nước vùng Mekong muốn giữ quan điểm chính trị trung lập trong “cuộc chơi” giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á và không làm phức tạp thêm tiến trình hợp tác với các nhà tài trợ kinh tế tài chính lớn thì quan điểm của Việt Nam đối với chính sách của Trung Quốc tại khu vực bắt đầu có sự khác biệt rõ rệt.


Trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Tokyo khi trong cuộc họp báo chung của Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, ông Shinzo Abe tuyên bố rằng hai nước thể hiện sự quan ngại nghiêm túc trước việc đơn phương thay đổi thực trạng trên Biển Đông, tuy nhiên ông không đề cập đến nguồn quan ngại trực tiếp của Nhật Bản và Việt Nam.


Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã liên kết vào tiến trình bảo đảm các lợi ích quốc gia. Hiện nay, Nhật Bản đã tiến hành 2 cuộc tập trận quân sự cùng Philippines – một trong những đối thủ cứng rắn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á.


Hơn nữa, với việc Quốc hội Nhật Bản ngày 16/7 đã thông qua điều chỉnh luật mới trong lĩnh vực quốc phòng, dự kiến sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở Đông Nam Á nhất định sẽ gia tăng.


Bình luận về các động thái của Nhật Bản trong thời gian gần đây tại Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, nhà bình luận của tạp chí American Interest khẳng định rằng, tất cả các hành động này của Tokyo đều nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.


Nga không muốn bị lôi kéo vào vấn đề Biển Đông


Mới đây, báo Độc lập của Nga có bài bình luận dẫn lời chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Alexander Larin cho rằng, vai trò và ảnh hưởng của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là không lớn. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Nga có các mối liên kết chặt chẽ ở phương diện chính trị, cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và quân sự. Công ty con của tập đoàn dầu khí Gazprom, đã thành công trong việc khai thác, điều chế dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.


Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc lại tồn tại tranh chấp về việc kiểm soát các hòn đảo ở Biển Đông. Theo ông Larin, dường như trong mọi trường hợp, Nga không muốn bị lôi kéo vào vấn đề này. Mặt khác, Trung Quốc đã hứa sẽ hỗ trợ Nga trong việc xúc tiến thương mại các sản phẩm được sản xuất tại Nga sang thị trường Đông Nam Á. Và trong ngắn hạn, các nhà ngoại giao của Nga sẽ rất bận rộn với nhiều công việc phải hoàn thành", chuyên gia Larin kết luận.


Theo các phương tiện truyền thông, tại Kuala- Lumpur (Malaysia) vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, song không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc gặp. Thay vào đó, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia vào sự kiện kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới II, sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố phát triển quan hệ Nga -Trung là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.


Theo An Nhiên (tổng hợp)
Đất Việt

Không có nhận xét nào: