Preşedintele chinez Xi Jinping (st) şi omologul său american Barack Obama. (Captură Foto)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama. (Ảnh chụp màn hình)
Chính quyền Obama đã cảnh báo Bắc Kinh về sự hiện diện của các nhân viên chính phủ Trung Quốc đang hoạt động bí mật tại Mỹ để truy nã những nhân vật nổi tiếng trốn khỏi đất nước – một số trong đó bị truy nã là do tham những – phải quay ngay về nước, theo tờ New York Times.
Các quan chức Mỹ nói rằng các nhân viên chính phủ Trung Quốc đang ngấm ngầm hoạt động ở Mỹ trong một chiến dịch toàn cầu để săn lùng và hồi hương những người đang trốn ở nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đã chính thức đặt tên chiến dịch này là “Chiến dịch Săn Cáo“.

Cảnh báo cũng yêu cầu dừng ngay các hoạt động này, phản ánh sự bất bình sâu sắc của Washington trước các cách thức hăm dọa được các nhân viên chính phủ Trung Quốc sử dụng, và động thái này cũng xảy ra tại thời điểm khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn do nhiều vấn đề: từ ăn cắp dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ mà các quan chức Mỹ tin rằng đây là do Bắc Kinh chỉ đạo, đến việc đàn áp các quyền tự do dân sự ở Trung Quốc và sự phá giá có chủ ý của đồng nhân dân tệ của chính quyền Bắc Kinh.
Người ta dự đoán rằng những căng thẳng này sẽ làm phức tạp chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Washington trong tháng 9 tới đây.
Hoạt động của các nhân viên Trung Quốc lần này thể hiện một sự sai khác trong việc thường xuyên bí mật thu thập dữ liệu mà cả Mỹ và Trung Quốc đều làm trên lãnh thổ của nhau từ vài thập kỷ nay.
Trong trường hợp này, theo các quan chức Mỹ, các nhân viên Trung Quốc chính là nhân viên của Bộ Công an đang thực thi Chiến dịch Săn Cáo.
Chiến dịch này là một yếu tố trung tâm của cuộc chiến do ông Tập Cận Bình khởi xướng, được gọi với cái tên “chống tham nhũng”, vốn đang rất nổi tiếng trong Trung Quốc. Kể từ năm 2014, theo Bộ Công an Trung Quốc, hơn 930 nghi phạm đã bị hồi hương.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đã có những bằng chứng vững chắc về các điệp viên Trung Quốc – rất có thể nhập cảnh vào Mỹ bằng visa du lịch hoặc thương mại – đã sử dụng các cách thức cứng rắn để buộc những kẻ đào tẩu trở về Trung Quốc. Chiến dịch quấy rối, bao gồm cả đe dọa đối với các thành viên gia đình ở Trung Quốc, đã được tăng cường trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ cho biết.
Về phía Mỹ, Mỹ cũng đã điều các điệp viên bí mật tới các nước khác – đôi khi đi cùng với lệnh bắt cóc hoặc tiêu diệt. Trong những năm sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2011, CIA đã cử các đoàn ra nước ngoài để bắt các nghi phạm Al-Qaeda, và chuyển họ tới những nhà tù bí mật của CIA hoặc bàn giao họ cho các chính phủ khác để thẩm vấn.
Cả hai Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không trả lời trước yêu cầu bình luận về tình hình này. Nhưng theo truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã điều hàng chục nhân viên an ninh ra nước ngoài để “thuyết phục” các mục tiêu trở về nhà. Điều này được làm như thế nào thì chưa rõ ràng.
Lưu Đông, một lãnh đạo của Chiến dịch Săn Cáo, theo trích dẫn của tờ báo The Age, cho biết các điệp viên Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp địa phương ở nước ngoài và họ cần phụ thuộc vào sự hợp tác với lực lượng cảnh sát ở các nước này, nguồn tin từ một báo cáo đăng năm ngoái trên  phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Nhưng, ông Lưu nói thêm, “Nguyên tắc của chúng tôi là: Có hay không có một thỏa thuận, miễn là chúng tôi có thông tin rằng có một nghi phạm hình sự, chúng tôi sẽ theo dõi tới tận nơi đó”.
Một quan chức Mỹ thừa nhận rằng các điệp viên Trung Quốc đã theo dõi Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân giàu có, có các quan hệ về chính trị, đã chạy trốn sang Mỹ vào năm ngoái và đang sống trong một ngôi nhà sang trọng ở gần Sacramento. Nếu ông Lệnh tìm cách để xin được tị nạn chính trị, ông ta sẽ trở thành một trong những nhân vật đào tẩu “nguy hiểm” nhất trong lịch sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ danh tính hay số người đang bị các điệp viên Trung Quốc theo dõi tại Mỹ. Người ta tin rằng đó là những người nước ngoài nổi tiếng, một số bị theo dõi do tham nhũng về kinh tế,  còn số khác bị chế độ cộng sản Bắc Kinh coi là tội phạm chính trị.
Mỹ và Trung Quốc không có một thỏa thuận dẫn độ.
Trung Quốc cho rằng mình vẫn tôn trọng luật pháp địa phương ở nước ngoài. Nhưng vào tháng 12 năm 2014, hai sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đã bị bắt khi đang hoạt động tại Úc mà không có sự cho phép của chính quyền địa phương. Các sĩ quan này đã đi từ tỉnh Sơn Đông ở Đông Bắc Trung Quốc đến Melbourne để theo dõi một công dân Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ.
Giới chức Úc đã triệu tập khẩn cấp các nhà ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra, cũng như tới giới chức trách ở Bắc Kinh để bày tỏ sự không hài lòng, theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.