Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Xung quanh việc Trung Quốc giải cứu thị trường chứng khoán

Chưa đầy hai năm trước, trong một văn kiện Đảng mang tính lịch sử, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép thị trường phát huy vai trò “mang tính quyết định” đối với các lĩnh vực kinh tế. Mười năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ dốc sức cải cách kinh tế, và biện pháp này là một phần của nội dung cải cách.
  
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán lao dốc buộc chính phủ phải triển khai hàng loạt biện pháp giải cứu thị trường. Hai tuần trước, chính phủ liên tiếp công bố các biện pháp nhằm chèo chống thị trường chứng khoán nước này. Tuy nhiên, đại đa số các biện pháp đều không có tác dụng, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có tuân thủ cam kết thực thi kinh tế thị trường toàn diện hay không?

Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách thị trường. Cùng với các dấu hiệu kinh tế suy thoái ngày càng rõ nét, các giới trong xã hội bắt đầu thảo luận các bước cải cách liệu có hợp lý hay không. Đối với việc chính phủ dự định ngăn chặn thị trường chứng khoán sụt giảm đột ngột, ý kiến của các nhà kinh tế học rất khác nhau, các bài bình luận trên các trang báo, mạng Internet và mạng xã hội cũng sôi nổi. Trọng tâm tranh luận là lý lẽ về kinh tế bao cấp và thị trường tư bản chủ nghĩa. Nhưng điều chính phủ quan tâm không phải là chi tiết của lý luận, mà là những tổn thất nghiêm trọng của hàng chục triệu nhà đầu tư nhỏ trong cơn bão thị trường chứng khoán lần này, thậm chí có nhiều nhà đầu tư đã trắng tay.

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là củng cố chính quyền của Đảng Cộng sản. Để làm được điều này, nhiệm vụ cấp bách chính là ổn định thị trường chứng khoán. Nếu chính phủ giải cứu thị trường thành công thì điều đó đồng nghĩa với việc cứu vãn nền kinh tế đất nước, và quan trọng hơn là cứu giúp khoảng 90 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rơi vào tình trạng khó khăn. Số lượng nhà đầu tư này lớn hơn nhiều so với số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (hơn 80 triệu người).

Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 được tổ chức hồi tháng 11/2013, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cam kết sẽ thúc đẩy tự do hóa thị trường, để thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định. Các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do từng kỳ vọng Tổng Bí thư Tập Cận Bình giữ vững cam kết này. Về phần mình, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng giống như một lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc, cố Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, đều là những người ủng hộ cải cách mạnh mẽ, do đó dư luận chờ đợi trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy cải cách thị trường then chốt. Tuy nhiên, phương thức ứng phó với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán của chính phủ đã làm lung lay nền tảng cải cách của ông Tập Cận Bình.

Nhiều bài xã luận trên các trang bìa của cơ quan truyền thông chính thức nhà nước và các báo, tạp chí về chứng khoán mỗi ngày đều đưa tin, viết bài về các biện pháp giải cứu thị trường chứng khoán của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tin tưởng vào Đảng Cộng sản. Tuần trước, 5 nhà kinh tế học nổi tiếng nước này đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính phủ áp dụng biện pháp hữu hiệu nhằm ổn định thị trường, đề phòng khủng hoảng kinh tế tài chính.

Hôm 1/7, ông Lưu Kỷ Bằng, Giáo sư Đại học Chính pháp Trung Quốc; ông Lữ Tùy Khải, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu tài chính Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh; ông Thường Thanh, Giáo sư Đại học Nông nghiệp Trung Quốc; ông Hồ Du Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chứng khoán thuộc Đại học Công nghệ và kinh doanh Bắc Kinh và ông Thôi Chi Nguyên, Giáo sư Đại học Thanh Hoa cũng đã ký tên vào bản kiến nghị chung. Đại đa số các trang tin tức lớn ở Trung Quốc đều đăng tải bài viết này.

Một số nhà kinh tế học cho biết rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia thị trường chúng khoán theo lời kêu gọi của chính phủ, sau đó xuất hiện bong bóng thị trường nên chính phủ không thể đổ trách nhiệm cho người khác. Do vậy, hiện nay chính phủ cũng phải giúp đỡ các nhà đầu tư vượt qua cửa ải khó khăn này.

Bắc Kinh đang dự định dịch chuyển trọng tâm kinh tế vốn có của nước này, phát triển kinh tế không dựa vào ngành chế tạo thấp mà dựa vào nhu cầu tiêu dùng để thúc đẩy phát triển thị trường. Do đó, khi cơn bão thị trường chứng khoán ập đến khiến lãnh đạo cấp cao Trung Quốc càng thêm lo ngại. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2014 ở vào mức thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. “Sóng thần” thị trường chứng khoán làm suy yếu hơn nữa lòng tin của người tiêu dùng hoặc làm suy giảm những nỗ lực trước đó của Chính phủ Trung Quốc.

Cho dù 30 năm nay chính phủ từng bước thực hiện thị trường hóa tư bản chủ nghĩa, song dưới thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, Trung Quốc vẫn chưa lựa chọn rõ ràng kinh tế bao cấp hay thị trường tự do chủ nghĩa. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc tiếp tục áp dụng một phần nhân tố của kinh tế tự do, song gần đây việc nước này lại không ngừng can thiệp vào thị trường đã cho thấy Bắc Kinh như bước trên lớp “băng mỏng” giữa hai hình thái ý thức hoàn toàn khác nhau.

Rõ ràng, cũng giống như trước đây, chính phủ vẫn không có cách nào tránh khỏi việc can thiệp vào thị trường. Nhiều bộ ngành trung ương, các bộ ngành và cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện nhanh chóng bắt tay, doanh nghiệp nhà nước cũng đều chuẩn bị tốt để gia nhập đội ngũ giải cứu thị trường chứng khoán. Trong hai tuần vừa qua, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm chèo chống thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư nước ngoài và các học giả theo chủ nghĩa kinh tế tự do vô cùng kinh ngạc. Ông Hồng Hạo, Tổng Giám đốc kiêm nhà hoạch định chiến lược cấp cao của Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, cho biết thị trường cần sự can thiệp của chính phủ. Theo ông Hồng Hạo: “Thị trường sụp đổ, ngay lập tức cần có chính sách can thiệp. Những biện pháp này sẽ từng bước ổn định thị trường, thu hút các nhà đầu tư lớn quay trở lại đất nước”.

Đồng quan điểm với ông Hồng Hạo, Giáo sư Tằng Nhuệ Sinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Nottingham (Anh), cho rằng cách làm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cơ bản là chính xác, động thái can thiệp mạnh dạn càng có thể ổn định thị trường hơn so với các biện pháp vụn vặt. Theo Giáo sư Tằng Nhuệ Sinh: “Niềm tin là mấu chốt của phát triển thị trường. Chính phủ kiên quyết mạnh dạn ổn định thì thị trường sẽ càng có nhiều cơ hội để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, hiệu quả sẽ tốt hơn so với việc từng bước thúc đẩy hàng loạt biện pháp”.

Trong khi đó, ông Laurence Brahm, nhà kinh tế học Mỹ đang sống ở Bắc Kinh cũng đồng ý rằng lòng tin là nhân tố quan trọng. Ông Laurence Brahm cho biết: “Chính phủ của ông Tập Cận Bình cần nhanh chóng hành động để giành lại niềm tin của thị trường. Dự đoán chính phủ sẽ áp dụng cách làm tương tự như biện pháp của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, đó là đưa ra biện pháp can thiệp để thúc đẩy thị trường phát triển”. Tuy nhiên ông Laurence Brahm cũng cho biết thêm, mặc dù động thái can thiệp của chính phủ chủ yếu nhằm tăng cường niềm tin của thị trường, song lại phát đi tín hiệu hỗn tạp khiến dư luận nghi hoặc.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà kinh tế học đã công khai phản đối việc chính phủ can thiệp thị trường, đồng thời nghi ngờ tính hiệu quả của cách làm này. Trong số những người phản đối có một số nhà kinh tế học của “Hiệp hội kinh tế nhân văn”, một tổ chức tư nhân chủ trương thị trường tự do, như Mao Vu Thức, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hiệp hội, ông Trần Chí Vũ, Giáo sư Đại học Yale và Thanh Hoa và ông Trương Duy Nghênh, Viện trưởng Học viện Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh.

Trong thời gian xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008-2009, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra phương án kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 580 tỷ USD). Ông Thẩm Lục, nhà bình luận tài chính đã so sánh phương án cũ và chính sách được chính phủ đương nhiệm đưa ra. Biện pháp can thiệp của chính quyền khóa trước khiến chính quyền địa phương phải gánh một khoản nợ khổng lồ, đồng thời cũng khiến năng lực sản xuất của một số ngành nghề quan trọng bị dư thừa, do vậy vấp phải chỉ trích của dư luận.

Trong khi đó, Giáo sư Kinh tế học Long Hi Thành, lại kêu gọi chính phủ “không thể để thị trường chứng khoán lừa nhà nước”. Đồng quan điểm này, ông Mao Lỗi, Giáo sư Học viện Kinh doanh Warwick cũng cho biết phó thác mục đích chính trị cho biểu hiện của thị trường chứng khoán là điều hoàn toàn sai lầm. Theo ông Mao Lỗi, động thái của Chính phủ sau khi thị trường chứng khoán lao dốc chỉ khiến gia tăng rủi ro: “Về tổng thể, nên tránh việc gắn kết giữa biểu hiện của thị trường và danh dự chính trị của chính phủ. Lần này chính phủ dự định ổn định thị trường dường như xuất phát từ mục đích chính trị vô cùng mạnh mẽ”./.

Theo “SCMP” (ngày 9/7)

Anh Thư (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

TÀU TẬP TỂNH (QUÈ QUẶT ) RỒI .GIEO GÍO GẶT BÃO THÔI .ẤU TRÙNG TƯ BẢN ĐỎ KG PHẢI CON SÂU TƯ BẢN .CHẾT CŨNG ĐÁNG.