Pages

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

VNTB- Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi): Tiền là “kim bài miễn tử”?

Trần Thành - Thảo Vy
(VNTB) - Tham nhũng sẽ thoát án tử vì có… nhiều tiền? Dư luận sẽ không đồng tình với quy định này, nhất là trong tình hình hiện nay đang đặt ra yêu cầu chống quốc nạn tham nhũng. Chúng tôi đề nghị bỏ quy định này trong điều luật.

Một người phạm tội giết người, bị buộc bồi thường thiệt hại 100 triệu đồng. Đã chủ động nộp 100 triệu hoặc ½ là 50 triệu đồng thì được thôi không thi hành án tử hình. Hoặc người tham ô 10 tỷ đồng chỉ cần tự nguyện nộp 5 tỷ đồng cũng đã được hưởng quy định này.
Như vậy có phải tiền là “kim bài miễn tử”?
Chính sách hình sự hiện nay là hướng thiện, giảm bớt hình phạt tù, hình phạt tử hình trong cả quy định, hạn chế việc áp dụng và thi hành án, đồng thời tăng cường áp dụng hình phạt tiền và các hình phạt khác không phải là hình phạt tù.

Khi nào chịu án tử?
Thực hiện định hướng này, Dự thảo đã bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh và giảm bớt các tình tiết định khung tăng nặng có hình phạt tử hình (ví dụ Điều 93 BLHS hiện hành quy định 16 tình tiết định khung có hình phạt tử hình thì Dự thảo chỉ quy định 08 tình tiết).
Tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tuy nhiên, để giảm bớt việc áp dụng hình phạt này, Điều luật cũng quy định chặt chẽ hơn những điều kiện, trường hợp có thể bị áp dụng hình phạt tử hình. Đó là: khoản 1 của Điều luật quy định áp dụng hình phạt tử hình khi đủ hai điều kiện: “a) Tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này hoặc luật khác quy định”. b) Người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng”.

Tính chất côn đồ: hãy dành cho luật chuyên ngành
Về quy định tại khoản 1, chúng tôi đề nghị bỏ quy định “có tính chất côn đồ” ở điểm b vì tình tiết này không còn quy định trong một số khung hình phạt có tử hình (ví dụ khoản 3 Điều 121 tội giết người).
Sở dĩ điểm a khoản 1 quy định “do Bộ luật này hoặc luật khác quy định” là do BLHS sửa đổi dự kiến sẽ mở rộng nguồn của BLHS. Tội phạm và hình phạt có thể được quy định ở các Luật chuyên ngành. Vấn đề này chúng tôi sẽ có ý kiến như sau, nhưng dù có mở rộng nguồn thì theo chúng tôi cũng không nên để các Luật khác quy định hình phạt tử hình vì đây là một hình phạt đặc biệt và chỉ nên quy định trong BLHS.

Không tử hình người phạm tội từ 70 tuổi
Khoản 2 của Điều luật này bổ sung trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội. Ý kiến không đồng tình vì cho rằng người 70 tuổi còn khỏe và nếu quy định như vậy có thể dẫn tới việc bị lợi dụng để phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Ý kiến đồng tình với quan điểm này lập luận là không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên cả trong xét xử và thi hành án là quy định nhân đạo, thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta hiện nay là giảm cả việc áp dụng và thi hành án tử hình. Quỹ thời gian còn lại của người trên 70 tuổi không còn nhiều, khi đã bị bắt giữ thì tính nguy hiểm của họ không cao nữa. Do vậy, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình với họ.
Có ý kiến đồng tình với quy định này nhưng đề nghị tăng mức tuổi lên 80 vì độ tuổi này theo Luật người cao tuổi thì họ được Nhà nước cho hưởng phụ cấp người cao tuổi.
Thực tiễn xét xử và thi hành án hầu như chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi. Do vậy, nếu nâng độ tuổi lên 80 tuổi là không phù hợp với thực tiễn. Do đó, chúng tôi đồng tình với dự thảo về quy định này.

Tham nhũng sẽ thoát án tử vì có… nhiều tiền?
Điểm c khoản 3 của Điều luật quy định: “c) Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một phần hai số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Quy định “chủ động khắc phục hậu qủa của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất ½ số tiền, tài sản do phạm tội mà có” là một quy định mới nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các tội phạm kinh tế và tội phạm về tham nhũng. Xung quanh quy định mới này, có nhiều ý kiến khác nhau. Trước tiên cách thể hiện của Điều luật không rõ ràng, nếu quy định như điều luật thì dễ được hiểu là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đã bị Tòa án xử phạt tử hình nhưng chủ động khắc phục hậu quả là không bị thi hành án tử hình. Chẳng hạn một người phạm tội giết người, bị buộc bồi thường thiệt hại 100 triệu đồng. Đã chủ động nộp 100 triệu hoặc ½ là 50 triệu đồng thì được thôi không thi hành án tử hình. Hoặc người tham ô 10 tỷ đồng chỉ cần tự nguyện nộp 5 tỷ đồng cũng đã được hưởng quy định này.
Theo chúng tôi, thu hồi tiền, tài sản là cần thiết nhưng không phải là mục tiêu duy nhất của Nhà nước và cũng không phải là nguyện vọng duy nhất của nhân dân. Quy định này được hiểu là dùng tiền để “mua” mạng sống và mục đích của hình phạt tử hình không còn đúng nghĩa. Chúng tôi cho rằng dư luận sẽ không đồng tình với quy định này, nhất là trong tình hình hiện nay đang đặt ra yêu cầu chống quốc nạn tham nhũng. Quy định này sẽ làm “nới lỏng” hơn biện pháp đấu tranh tội phạm nêu trên vốn đã kém hiệu quả này.

Do vậy, chúng tôi đề nghị bỏ quy định này trong điều luật.

Không có nhận xét nào: