Pages

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Truyền thông nhà nước thiếu tính cách thuyết phục hay bưng bít?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

DPA không cải chính vẫn giữ tin đã đưa của mình, nhưng đưa thêm tin Việt Nam bác bỏ tin tướng Thanh đã chết.

DPA không cải chính vẫn giữ tin đã đưa của mình, nhưng đưa thêm tin Việt Nam bác bỏ tin tướng Thanh đã chết.
 Screenshot




Truyền thông Nhà nước Việt Nam trong những ngày qua trích phát biểu của các tướng lĩnh trong nước nhằm bác bỏ tin mà hãng thông tấn Đức DPA loan đi hôm chủ nhật 19 tháng 7 cho biết bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã qua đời khi đang được chữa bệnh tại Pháp.

Tuy nhiên những người quan tâm hầu như không tin tưởng váo tin tức của báo chí trong nước vì họ cho rằng những bản tin đó thiếu tính thuyết phục.
Báo chí chính thống không đáp ứng nhu cầu thông tin của dân!
Tin tức về tình hình bệnh tật của hai vị quan chức Việt Nam trong thời gian gần đây là ông nguyên trưởng ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vào đầu năm và bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trong những ngày qua đều do các trang mạng loan tải trước. Sau đó hệ thống truyền thông trong nước mới vào cuộc nhằm bác bỏ những tin tức loan truyền trên các mạng xã hội.
Về vấn đề đưa tin của hệ thống truyền thông chính thống mà thống kê nói hiện lên đến chừng 800 đơn vị trong nước được nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng nhận xét như sau:
“ Cách đưa tin là đưa tin lừa dối ví dụ như vụ ở Cẩm Giàng xe ủi đè lên người dân mà từ chính quyền đến công an đều bai bãi chối không có chuyện đó. Hay vụ chặt cây ở Hà Nội vô cùng nghiêm trọng tàn phá môi trường mà nói là việc rất nhỏ và báo chí không đưa sự thật, toàn đứng về phía chính quyền để bưng bít thông tin, che giấu sự thật.
Thành ra bây giờ thông tin mạng, thông tin lề dân thắng thế là do đó tức báo chí chính thống, báo chí lề đảng đã bỏ trận địa, bỏ vị trí của mình là thông tin trung thực; cho nên người dân không chờ đợi, không đọc tin của chính thống nữa mà bắt buộc người ta phải tìm đến thông tin mạng. Và thông tin mạng vừa trung thực, vừa nhanh mà báo chí chính thống bao giờ cũng chậm. Bây giờ báo chí chính thống thua toàn diện đối với thông tin lề dân rồi.”
Nhà báo Phạm Thành, người trước kia cũng từng tham gia hệ thống truyền thông Nhà nước, có cùng đánh giá như của nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng về cách thức đưa tin của báo chí chính thống ở Việt Nam như sau:
Bây giờ thông tin mạng, thông tin lề dân thắng thế là do đó tức báo chí chính thống, báo chí lề đảng đã bỏ trận địa, bỏ vị trí của mình là thông tin trung thực; cho nên người dân không chờ đợi, không đọc tin của chính thống nữa mà bắt buộc người ta phải tìm đến thông tin mạng
Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng
“ Báo chí chính thống Việt Nam có thể trả lời ngay là không đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân đâu.
Cách đưa tin về ông Phùng Quang Thanh mất cũng giống hệt như những vụ họ đưa tin về những nhân vật trọng yếu bị tử nạn hay bị bệnh hay vì một nguyên nhân nào đó. Họ đưa tin một cách mập mờ và tất nhiên có chủ đích của họ. Họ đưa tin theo một kịch bản nào đó đã soạn sẵn, tính toán sẵn để đưa lên chứ hoàn toàn không đưa tin theo sự thật. Đó là căn bệnh trầm kha của các chế độ cộng sản nói chung và chế độc cộng sản Việt Nam nói riêng. Họ đưa tin như vậy thôi. Có thể nhìn lại vụ ông Nguyễn Bá Thanh chẳng hạn: ông ấy chết rồi mà mấy ông ở Ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương như ông Nguyễn Quốc Triệu, Phạm Gia Khải vần cứ nói anh ấy đã chữa bệnh, đã khỏe lên, đã ăn cháo, đã đi lại, thậm chí còn trích cả lời của anh Thanh ‘tôi vẫn khỏe, có chi mô!’. Nhưng thực ra một thời gian ngắn sau thì đưa xác ông về và chôn.
Họ cứ đưa tin có chủ đích, có lợi cho họ thôi chứ không tôn trọng sự thật. Họ không đi tìm hiểu đích thực sự việc để đưa. Tóm lại họ vẫn nói dối và xuyên tạc sự thật. Nên nhớ trong giáo trình của đảng dạy cho tất cả những người làm công tác tuyên truyền, dạy cho tất cả các đảng viên già hay trẻ câu nằm lòng như thế này ‘nói sai mà có lợi cho đảng thì được nói, và phải nói, nói nhiều còn nói đúng mà có hại cho đảng thì không được nói’.”
Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh, người lâu nay cũng tham gia làm báo ngoài hệ thống Nhà nước nói về cách thức đưa tin lâu nay của truyền thông ‘chính thống’ của Việt Nam:
“ Thật ra cách làm báo của Việt Nam chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu của dân thông tin chính xác về ông đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng trong thực tế phải thấy rằng họ không thể làm khác được vì mọi sự của họ đăng gì, không đăng những gì liên quan đến những vị ở cấp bậc bộ trưởng trở lên phải được Bộ Chính trị cho phép; tức phải được chính Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo trực tiếp và thậm chí đưa ra bài mẫu để họ dựa trên đó họ viết; chứ họ không thể thu thập nguồn thông tin độc lập hoặc có nguồn thông tin độc lập để có thể cung cấp cho dân chúng. Đây là tình trạng mà chúng ta nhớ xảy ra ở kỳ đổi tiền cách đây 30 năm: đêm hôm trước còn nói không đổi tiền mà sáng hôm sau đổi tiền! Họ cứ đổ thừa đó là do việc của Ban Tuyên giáo chỉ đạo như vậy và họ là báo công cụ nên làm như vậy.
Do vậy dân chúng cũng không nên kỳ vọng gì nơi báo chí lề đảng cả bởi vì thực tế nó chỉ làm công việc tuyên truyền và công cụ của nhà cầm quyền mà thôi.”
Thiếu tính thuyết phục
Trong vụ việc của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh hiện nay báo chí trong nước trích dẫn phát biểu của phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trung tướng Võ Văn Tuấn, cũng như của tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước. Trung tướng Võ Văn Tuấn thì khẳng định sức khỏe của ông Phùng Quang Thanh đã hồi phục và cuối tháng 7 này sẽ về nước. Tướng Võ Văn Tuấn còn được báo chí trong nước trích dẫn nói là hãng tin đức DPA có tiếp xúc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam để xin lỗi về bản tin ông Phùng Quang Thanh đã chết. Còn tướng Nguyễn Quốc Thước được trích dẫn nói có nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với với thư ký của ông ta khi có ông ngồi bên cạnh.
Nên nhớ trong giáo trình của đảng dạy cho tất cả những người làm công tác tuyên truyền, dạy cho tất cả các đảng viên già hay trẻ câu nằm lòng như thế này "nói sai mà có lợi cho đảng thì được nói, và phải nói, nói nhiều còn nói đúng mà có hại cho đảng thì không được nói"
Nhà báo Phạm Thành
Tuy nhiên những người quan tâm trong nước đều nêu thắc mắc tại sao lại không có một hình ảnh nào của ông Phùng Quang Thanh đưa lên truyền thông để chứng minh cho các phát biểu là ông đã hồi phục sau khi phẫu thuật khối u ở phổi tại một bệnh viện bên Pháp.
Nhà báo Phạm Thành nói về điều này:
“ Trong khi họ nói ông này vừa mổ ( xong), rồi ngồi dậy nói chuyện mà không đưa ra một hình ảnh: vật chứng cụ thể chứng tỏ ông Thanh vẫn còn đang sống trên đời này. Như tướng Thước nói vừa gọi điện nói chuyện với thư ký và có ông Thanh bên cạnh; đó là một cách nói mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể ông Thanh đang ngồi đây, đang sống ở đây!”
Sự thật không thể che dấu
Theo linh mục Lê Ngọc Thanh thì trong hệ thống báo chí Nhà nước cũng có một số nhà báo có tấm lòng và họ cũng tìm cách để đưa thông tin sự thật đến cho phía gọi là ‘lề trái’, tức ngoài hệ thống của Nhà nước.
Nhà báo Phạm Thành thì cho rằng những cách đối phó lâu nay của truyền thông chính thống trước những tin tức bị phanh phui sẽ không thể nào hữu hiệu bởi sự thật thì không bao giờ có thể che giấu.
Hầu hết những người được chúng tôi nêu câu hỏi về tình hình báo chí trong nước đều cho rằng trong xu thế bùng nổ thông tin trên mạng Internet hiện nay thì việc bưng bít thông tin và tuyên truyền như cũ là phản tác dụng. Nhiều người dân ngày càng trưởng thảnh hơn khi đón nhận được những thông tin sự thật được đưa ra từ các trang mạng xã hội
.

Không có nhận xét nào: