Pages

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Nguyễn Văn Tuấn - Một tia sáng loé lên

Nguyễn Văn Tuấn
Thời gian qua, tin đồn râm ran là sẽ có một đại học Mĩ ra đời ở VN, và có gốc từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Bây giờ, qua chuyến đi của bác tổng Trọng thì chúng ta biết rằng Fulbright University Vietnam (hay FUV) sẽ thành sự thật (1). Có thể xem đó là một tia sáng loé lên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Sự ra đời chính thức của FUV cũng có thể xem là một chỉ dấu cho sự thay đổi tầm nhìn về Mĩ (?)

Trong 20 năm qua, trong khi các nước khác, đặc biệt là Úc và Pháp, mở trường đại học ở VN, thì Mĩ dường như chỉ ... đứng nhìn. Úc có lẽ là nước đến giúp VN sớm nhất trong giáo dục. Qua những nỗ lực cá nhân phía Úc và VN, trường RMIT đã được hình thành ở Sài Gòn, và nay có một cơ sở khang trang, thậm chí còn khang trang hơn cả RMIT bên Úc. Nhưng RMIT là trường loại II bên Úc, chứ không thuộc hạng "elite". Các trường lớn và danh tiếng thuộc nhóm G8 của Úc chưa dám thiết lập chi nhánh ở VN. Kế đến là những đại học theo kiểu liên kết như Việt - Đức, Việt - Pháp ra đời. Còn Mĩ thì hình như không tham gia "cuộc chơi". Trong thực tế, tôi biết các trường nghiêm chỉnh của Mĩ cũng có gửi người đến thăm dò tình hình đại học ở VN, nhưng họ về và đều lắc đầu. Họ nghĩ rằng trường của họ chẳng có lợi lộc gì khi lập campus ở VN. Vả lại, đại học VN chịu ảnh hưởng bởi hệ thống chính trị quá sâu đậm, nên khó mà có tự do học thuật ở đó. Thay vào đó là những cơ sở buôn bán bằng cấp giả danh "đại học" từ Mĩ hăm hở nhảy vào Việt Nam làm ăn, và họ làm ăn rất khấm khá. Họ thậm chí còn lường gạt các đại học lớn và lâu đời của Việt Nam kí hợp đồng đào tạo với họ!
Cũng xin nói thêm là mặt khác, người Việt ở trong nước mong chờ từ Mĩ hơn là từ Úc hay Pháp, vì nói cho cùng dân Việt Nam yêu Mĩ hơn yêu Úc. Cái tâm lí sính Mĩ này đã có ngay từ lúc trong trại tị nạn, khi đại đa số người Việt chỉ chờ đi định cư bên Mĩ, chứ ít ai đi Úc hay Âu châu.
Nhưng cuối cùng thì người Mĩ cũng nhập cuộc. Một đại học "chính thống" (hiểu theo nghĩa có sự yểm trợ của hai chính phủ) ra đời. Sau những vận động đằng sau hậu trường và nỗ lực cá nhân, thì FUV cũng chính thức được chấp nhận, và được cấp đất (15 ha). Theo thông cáo báo chí thì FUV sẽ hoạt động như là một đại học hoàn toàn phi lợi nhuận. Trước mắt trường sẽ giảng dạy các môn như quản trị kinh doanh, toán và khoa học máy tính, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội và nhân văn.
Còn sớm quá để nói FUV sẽ là một tác nhân tích cực trong nền giáo dục đại học ở VN. Nhìn qua các đại học “Vietnam – XXX” trước đây, chúng ta thấy sau một thời gian "kèn trống" và hào hứng, rồi cũng dần dần bình lặng. Giấc mơ một đại học đẳng cấp quốc tế theo mô hình liên kết như thế cho đến nay vẫn còn chỉ là mơ ước. FUV có vẻ thực tế hơn, vì họ không đặt mục tiêu thành "đẳng cấp quốc tế", mà chỉ đơn giản là "hoạt động không vì lợi nhuận". Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard cho biết sẽ hoạt động theo các nguyên tắc "minh bạch và trách nhiệm giải trình, tự chủ, trọng dụng nhân tài, tôn trọng lẫn nhau và giảng dạy gợi mở" (1). Tất nhiên, mô hình quản lí minh bạch và trọng dụng nhân tài chẳng phải là ý tưởng gì mới, nhưng triển khai ý tưởng đó thành công ở VN là cả một thách thức.
Tôi nghĩ những người bảo thủ trong đảng chắc chắn đang nhìn và theo dõi FUV rất sát sao. Đối với những người này, bất cứ cái gì có "hơi hám" Mĩ là họ cảm thấy khó chịu, thậm chí tức tối. Ngay cả chương trình giáo dục VEF và Fulbright cũng từng trở thành một mục tiêu cho những người bảo thủ có dịp cảnh báo về "diễn biến hoà bình". Còn nhớ cách đây vài năm, Ban tuyên giáo có ra “Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ‘Diễn biến hoà bình’ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” (2). Trong đó có nhiều đoạn cáo buộc gay gắt về những hoạt động giáo dục của Mĩ ở VN. Chỉ thị có đoạn viết:
“Chúng tập trung vào 'chiến lược con người' để đào tạo một lớp người thân Mỹ và phương Tây. Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam. Đến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo đang triển khai ở Việt Nam. Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbringt Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/ năm, còn 'Quỹ giáo dục Việt Nam' mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ ráo riết triển khai dự án 'Góc Hoa Kỳ' nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ. Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản 'lộ trình 4 bước', trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam.”
Khi một quan chức trong sứ quán Mĩ tên là Palmer được hỏi về chỉ thị trên, bà thản nhiên nói đó là chuyện thường ngày ở VN. Bà nói đã quá quen với lối nói xách mé đó, nên không ngạc nhiên. Bà cho biết trong quá khứ còn có những văn bản hốt hoảng hơn, nặng nề hơn về các việc làm của các nhóm NGO và quĩ giáo dục của Mĩ. Nói tóm lại là có những người có lẽ do yếu bóng vía nên sợ bóng sợ gió, và ăn nói rất hốt hoảng. Nên nhớ rằng chỉ thị trên chỉ mới xuất hiện độ 5 năm trước đây mà thôi. Trong vòng 5 năm mà đã có một sự thay đổi về ý tưởng và kết cục là FUV được thành lập, phải nói là một biến chuyển chóng mặt. Nhưng phải ghi nhận rằng đó là một thay đổi mang tính tích cực.
Dù sao thì sự ra đời của FUV cũng là một tín hiệu tích cực cho nền giáo dục đại học VN. Qua những tương tác trong thực tế, tôi có thể cảm nhận rằng trong giáo dục đại học đang có một trào lưu mới đang làm thay đổi cục diện chung theo chiều hướng tích cực hơn, và những tác nhân của trào lưu đó không phải là các đại học lớn và lâu đời, mà là các đại học nhỏ hơn nhưng năng động hơn. Có thể kể đến một số cái tên nổi bậc như ĐH Tôn Đức Thắng, Duy Tân, Nông Lâm, Vinh, Nha Trang, Đà Nẵng, và một phần nào đó có thể kể đến cả ĐH Đồng Tháp. Theo kết quả phân tích của tôi, chính các đại học này đã góp phần nâng cao sự hiện diện của khoa học VN trên trường quốc tế qua công bố khoa học. Hi vọng rằng FUV cũng sẽ tham gia "câu lạc bộ" các đại học mới và năng động đó để tạo được "momentum" đủ để tạo nên một biến chuyển theo chiều hướng tích cực hơn.
===

Không có nhận xét nào: