Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Câu chuyện Biển Đông

Lê Phan
Vào những đêm không mây, người dân Philippines trên hòn đảo mà Philippines gọi là Pag-Asa, quốc tế và Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ, một mẫu đất nhỏ xíu trên Biển Đông mênh mông, có thể thấy những ngọn đèn floodlights từ những cần cẩu khổng lồ của Trung Cộng làm việc suốt ngày đêm, vét biển lấy cát để xây dựng trên bãi Subi cách đó chỉ có 13 hải lý.
Đó là quang cảnh của đảo Pag-Asa theo lời kể của Thông Tấn xã Bloomberg. Cuộc sống trên hòn đảo lớn thứ ba của quần đảo Trường Sa này trong nhiều thập niên nay rất êm đềm và lặng lẽ. Cách liên lạc duy nhất với đất liền là một hệ thống Internet lúc có lúc không, dân chúng trên đảo chỉ có mỗi việc là đi đánh cá và tản bộ trên bờ biển. Nay số khoảng 120 người dân và binh sĩ sống trên đảo này đã thấy họ trở thành tiền tuyến trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ đang có triển vọng tạo căng thẳng và có thể dẫn đến chiến tranh giữa cường quốc quân sự duy nhất của thế giới và cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới. Sự hiện diện của những người láng giềng không được mời đến này đã thay đổi hẳn đời sống của người dân đảo Thị Tứ.

Hơn 510 miles (820 km) cách thủ đô Philippines, và 280 hải lý cách Thủ Phủ Puerto Princessa của đảo Palawan của Philippines, đảo Thị Tứ được bảo vệ bởi một trung đội với vũ khí giới hạn, là hòn đảo nay là cửa ngõ vào vùng các bãi cạn mà Trung Cộng chiếm đóng và dành chủ quyền. Tách rời khỏi hòn đảo lớn nhất gần đó của Philippines bằng một chuyến tàu 36 giờ đồng hồ nếu biển động, mà Biển Đông thường ít bình lặng, hòn đảo sống nhờ những chuyến bay quân sự không đều và mỗi quý một chuyến tàu chở những nhu yếu phẩm nặng. Giờ đây con tàu đó phải trốn tránh những tàu Trung Cộng để cập bến.
Cô Nelly Dalabajan, cô y tá 28 tuổi của trạm xá trên đảo, kể lại, “Ngày nay chúng tôi quen cảnh tàu Trung Quốc quanh đảo lắm rồi. Thấy 30 cái một lúc là chuyện bình thường. Chúng tôi lo sợ là người Hoa sẽ tìm cách đuổi chúng tôi ra khỏi đây.”
Đối với những người dân sinh sống và làm việc trong vùng biển này, triển vọng một cuộc chiến ngày càng có vẻ khó tránh. Với một loạt những bãi san hô mà họ có thể lấp đầy và thành lập các căn cứ quân sự, Trung Cộng có tiềm năng kiểm soát hải lộ nơi mà mỗi năm có 5.3 ngàn tỷ mậu dịch đi qua, cũng như các ngư trường và nguồn tài nguyên dưới đáy biển, và đồng thời tạo nên những thiệt hại môi trường cho một vùng biển vốn nổi tiếng xinh đẹp và trong sạch mà các nhà lặn thế giới ao ước được tới.
Khi bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố ở Bắc Kinh, “Việc Trung Quốc xây dựng hợp pháp và hợp lý những kiến trúc hữu lý một số các đồn trong quần đảo Nam Sa (tên của họ cho Trường Sa) là nằm trọn vẹn trong chủ quyền của Trung Quốc,” tàu Trung Quốc ngày càng tiến gần Pag-Asa, ngồi ngoài khơi nhiều ngày nhìn thẳng vào hòn đảo. Những tàu hải giám của họ đuổi các ngư dân Philippines. Thị trưởng của thành phố Kalayaan, mà Pag-Asa là một đơn vị, ông Jorge Misajon lo sợ về những cái cần cẩu khổng lồ đó. Ông bảo, “Kế hoạch khẩn cấp của chúng tôi không còn là di tản thường dân nữa. Chúng tôi nay huấn luyện họ để bảo vệ đảo.”
Đối với ông Joey Rabanal, một công chức 28 tuổi của thành phố Kalayaan, chuyến đi từ Pag-Asa về Puerto Princessa đã trở thành một con đường nguy hiểm. Cách đây một năm vào lúc 7 giờ tối trong một đêm mưa bão, ông Rabanal nói con tàu đánh cá dài 21 mét ông đi nhờ bị tàu tuần duyên Trung Cộng, vốn to gấp năm lần con tàu của ông, chặn khi ông đang đi đến Pag-Asa. Viên thuyền trưởng vội lái vào vùng nước cạn để tàu Trung Cộng không đuổi theo được. Họ chờ bên ngoài. Rồi sau đó có một tàu nữa đến. Ông Rabanal kể lại, “Vào buổi sáng, chúng tôi thấy họ đi vòng vòng quanh bãi san hô như là một bầy cá mập đang kiếm mồi ăn sáng. Không ai biết họ sẽ làm gì. Họ có súng lớn hơn. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra khi nó ở giữa đại dương.”
Ông Misajon và dân chúng của ông biết là Hải quân Philippines không thể nào chọi nổi Trung Quốc. Và họ đã nhiều lần tìm cách chặn các tàu tiếp tế nhu yếu phẩm cũng như vật liệu xây dựng cho Pag-Asa. Ông bảo chính phủ Philippines nên gửi các binh sĩ hải quân đã tham gia tập trận với Hoa Kỳ và Nhật Bản ở ngoài khơi Palawan đến Pag-Asa.
Trong khi đó ngư dân ở Palawan và ở Pag-Asa đang rất lo ngại. Những hoạt động lấn biển của Trung Quốc đã tạo nên những thiệt hại môi trường và việc họ vét biển lấy cát ảnh hưởng đến việc sinh nở của cá. Bộ ngoại giao Philippines nói sự phá hủy các hệ thống rặng san hô có thể dẫn đến thiệt hai khoảng 280 triệu đô la hàng năm cho các tỉnh ven biển. Trong khi đó, ngư dân Hoa Lục ngày càng theo chân tàu của họ đến đánh cá ở vùng biển của Palawan. Bà Adelina Benavente Villena, tổng thư ký của Hội Đồng Phát Triển Bền Vững của Palawan giải thích, “Họ bảo Biển Tây Philippines là Biển Trung Quốc thành ra họ muốn đánh cá ở đâu cũng được. Điều đó làm họ ngày càng ngang ngược. Đe dọa không những chỉ là xâm lăng, hay có thể sử dụng vũ lực, mà còn cho an toàn môi trường nữa.”
Những người dân Philippines ở Pag-Asa, Palawan và dọc suốt vùng bờ biển phía Tây nay đang bị đe dọa mất nguồn sống.
Chính vì vậy mà Philippines đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng 25% cho năm tới. Ngân sách mà Tổng Thống Benigno Aquino đệ trình lên Quốc Hội cho năm 2016 sẽ dành một số tiền kỷ lục 25 tỷ pesos (552 triệu đô la) cho Quốc Phòng.
Và chính trong hoàn cảnh đó, những điều mà Phụ Tá Ngoại Trưởng Daniel Russel tuyên bố ở Hội Nghị lần thứ năm về Biển Nam Trung Hoa của Viện Nghiên Cứu Center for Strategic and International Studies (CSIS) ở Washington DC hôm 21 tháng 7 vừa qua đã được chào đón.
Ông Russel, phụ trách Á Châu và Thái Bình Dương sự vụ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đã khẳng định là những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông vốn tự nó không phải là một vấn đề Mỹ Trung. Nó là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước láng giềng và sau cùng “nó là vấn đề về Trung Quốc muốn trở thành loại cường quốc như thế nào?” Ông giải thích là vì nhiều nguyên nhân, những tranh chấp lãnh hải và hành vi có vấn đề ở Biển Đông đã trở thành một khu vực đụng chạm nghiêm trọng trong liên hệ Mỹ Trung.
Sau khi nhắc lại là những cuộc tranh giành, đôi khi đổ máu, ở Biển Đông có vẻ chả khác gì “squatter’s rights (quyền chiếm hữu)” thôi, nhưng hồi năm 2002, các bên đã đưa ra một tuyên bố về cách ứng xử để đồng ý chấm dứt sự tranh giành lãnh thổ đó. Trung Quốc và các quốc gia của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean) đã hứa sẽ tìm một quy tắc ứng xử. Nhưng 13 năm sau mọi sự vẫn bế tắc. Và những hành động lấn biển gần đây đã khiến đến Asean cũng tỏ ra lo ngại. Hôm 16 tháng 6, ông tiếp, Trung Quốc nói họ sẽ ngưng lấn biển nhưng đồng thời lại nói xây dựng những cơ sở quân sự trên các tiền đồn mới này.
Ông khẳng định khi có những tranh chấp chủ quyền thì chỉ có hai cách để giải quyết ôn hòa: điều đình hay là trọng tài. Ông kể ra là các quốc gia trong vùng đã sử dụng cả hai phương thức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Indonesia và Philippines đồng ý một biên giới lãnh hải, trong khi Malaysia và Singapore sử dụng tòa án quốc tế để phân định eo biển Singapore và Tòa Trọng Tài Luật Biển ấn định hải phận giữa Bangladesh và Miến Điện.
Ông nói tiếp, “Điều đáng buồn là tôi không biết còn ai trong vùng tin là một giải pháp điều đình giữa Trung Quốc và các quốc gia đòi chủ quyền khác có thể đạt được trong bầu không khí hiện nay.” Và ông chỉ ra một cách mỉa mai “lập trường tuyệt đối” và “không tranh cãi” dầu cho lãnh thổ đó cách xa đất liền của họ đến mức nào vì đã “được tổ tiên truyền lại” và sẽ không bao giờ nhường một tấc đất. Ông cũng bảo điều chính là cái gọi là “con đường chín đoạn” và tính pháp lý của nó cũng như việc liệu Đá Vành Khăn (Mischief Reef) có được quyền có hải phận 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay thềm lục địa hay không?
Và ông đã trả lời là nếu Tòa Trọng Tài Luật Biển đưa ra ý kiến là không thì những lý luận đó đuối sức hơn nhiều. Ông cũng khẳng định, “Hoa Kỳ không trung lập khi nói đến tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ có hành động cương quyết khi theo đuổi luật lệ.”
Và riêng về quyền lợi của Hoa Kỳ, ông khẳng định, “Quyền tự do hải hành của quân đội Hoa Kỳ là một yếu tố nữa trong chính sách toàn cầu để thúc đẩy tuân thủ luật biển quốc tế. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm không những chỉ có Hải Quân hay Không Quân Hoa Kỳ có thể hành xử quyền tự do đó, nhưng mà tất cả các tàu bè và phi cơ của ngay cả quốc gia nhỏ nhất cũng có thể hưởng những quyền đó không bị nguy cơ. Những nguyên tắc nền tảng của mậu dịch không bị cản trở, áp dụng cho tàu bè của tất cả các quốc gia trên địa cầu này. Và theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia, không phải chỉ riêng Hoa Kỳ, có quyền, tự do, và hợp pháp sử dụng biển mà ngoại giao của chúng tôi và quyền tự do hải hành của quân đội Hoa Kỳ giúp bảo vệ. Đối với chúng tôi, nó không phải là về những hòn đá bãi cạn ở Biển Nam Trung Hoa hay là tài nguyên dưới đó, nó là về luật lệ và nó là về loại khu xóm mà chúng ta muốn sinh sống. Thành ra chúng tôi luôn bảo vệ những luật lệ, và khuyến khích những người khác làm vậy nữa. Chúng tôi cũng sẽ khuyến khích các quốc gia hãy áp dụng những nguyên tắc láng giềng tốt để tránh những đối đầu nguy hiểm.”
Chả trách mà người Philippines mừng rỡ. Ít nhất họ cũng có ai bênh vực trước anh láng giềng khổng lồ thích ăn hiếp này.

Không có nhận xét nào: