Pages

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Cải cách khi quốc doanh chủ đạo nền kinh tế

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ năm 2010 với sự thất thoát 84.000 tỷ (4 tỷ USD theo thời giá)

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ năm 2010 với sự thất thoát 84.000 tỷ (4 tỷ USD theo thời giá)
 Courtesy Tinmoi.vn




Chỉ là một cán bộ cấp trưởng phòng Công ty con của Vinashin mà đã thủ đắc 40 biệt thự và nhà bằng tiền tham ô. Câu chuyện tài sản của ông cán bộ trẻ Giang Kim Đạt, cũng như sự sụp đổ của Vinashin cách đây 5 năm cho thấy hệ thống doanh nghiệp nhà nước thối nát như thế nào. Tuy vậy kinh tế quốc doanh vẫn được mô tả là giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế. Việt Nam sẽ cải cách thế nào trong tình hình thực tế và bối cảnh phức tạp.


Không thay đổi sẽ không phát triển
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự giải thể vì mất tính nghiên cứu độc lập, đã trình bày ý kiến về thảm trạng kinh tế quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế.
“ Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đại vấn đề của nền kinh tế và chừng nào mà không thay đổi được não trạng đó, không thay đổi được đường lối đó thì đừng nói đến sự phát triển kinh tế thị trường một cách lành mạnh và rất là khó trong chuyện đi đặt vấn đề với Mỹ với EU xin xác nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường…Còn một vấn đề nữa do chuyện chỉ có độc đảng, không có cạnh tranh tranh chính trị, không có đối lập lành mạnh, nó luôn luôn canh chừng để vạch ra những chuyện làm bậy bạ của những người đương chức và nó luôn luôn kè kè là đến cuộc bầu cử tới mà các ông làm bậy như vậy thì người dân bằng lá phiếu sẽ đẩy các ông xuống. Đấy là một cơ chế hùng mạnh vô cùng để người ta bớt tham nhũng đi thì các chính sách mới thực sự thúc đẩy nền kinh tế thị trường…”
Khoản 1, Điều 51 Hiến pháp 2013 của Việt Nam xác định Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Đối với các chuyên gia, khi đã mô tả rõ rệt như vậy trong Hiến pháp vốn là đạo luật gốc của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì quả thật không ai có thể biện luận là Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường thực chất. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng nhiều năm làm việc cho Liện Hiệp Quốc từ New York nhận định:
Với chế độ cộng sản và với nền kinh tế họ coi là quốc doanh chủ đạo thì như vậy họ sẽ làm lợi nhất cho những người ở trong Đảng và những người cầm quyền, đặc biệt việc sử dụng đất đai…họ sẽ tạo ra những cơ sở để cho đảng viên những người liện quan đến Đảng, liên quan đến chính quyền được hưởng lợi ích và giới tư nhân khó lòng mà cạnh tranh lại những người đang nắm quyền…  ”
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đại vấn đề của nền kinh tế và chừng nào mà không thay đổi được não trạng đó, không thay đổi được đường lối đó thì đừng nói đến sự phát triển kinh tế thị trường một cách lành mạnh
TS Nguyễn Quang A
Những vụ tham nhũng lịch sử
Một trong những ví dụ phản ánh thảm họa kinh tế nhà nước là chủ đạo nền kinh tế là vụ bê bối thế kỷ mang tên Vinashin. Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ năm 2010 với sự thất thoát 84.000 tỷ đồng tương đương 4 tỷ USD theo thời giá. Vụ án kết thúc với án tù 20 năm cho Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình, ông này phải bồi thường 5.000 tỷ nhưng nhà nước chưa lấy lại được đồng nào. Giang Kim Đạt chỉ là một cán bộ cấp thấp, giữ chức quyền trưởng phòng kinh doanh của Công ty Vận tải Viễn Dương thuộc Tập đoàn Vinashin,  tuy trẻ tuổi nhưng đã có gan tham nhũng không kém các bậc cha chú. Đương sự đã chiếm đoạt 18,6 triệu USD tiền nhà nước trong thương vụ mua tàu Hoa Sen. Khi các giới chức cao cấp của Vinashin bị bắt và truy tố, Giang Kim Đạt đã nhanh chân bỏ trốn và sống ung dung ở Singapore và một số quốc gia khác.
Giang Kim Đạt, một cán bộ cấp thấp cũng đã chiếm đoạt 18,6 triệu USD tiền nhà nước trong thương vụ mua tàu Hoa Sen
Giang Kim Đạt, một cán bộ cấp thấp cũng đã chiếm đoạt 18,6 triệu USD tiền nhà nước trong thương vụ mua tàu Hoa Sen (photo dudoankinhte)
Ngày 14/7/2015 Tổng cục An ninh Bộ Công an loan báo vừa bắt giữ được Giang Kim Đạt và công bố tài sản của đương sự tại Việt Nam gồm một khối lượng bất động sản lên tới 40 căn nhà trong đó có nhiều biệt thự. Những bất động sản này Đạt giao cho người thân đứng tên nhưng cơ quan điều tra đã xác minh được.
Những vụ thất thoát thiệt hại của Vinashin, Vinalines hay câu chuyện một con cá nhỏ là Giang Kim Đạt bị sa lưới chỉ là những phẩn nổi của tảng băng chìm kinh tế quốc doanh. TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Hà Nội nhận định:
“ Tất cả những việc hoạt động không hiệu quả, việc thất thoát, tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như của toàn bộ guồng máy nhà nước này người chịu cuối cùng là nhân dân, những người đóng thuế để nuôi nhà nước này, những người đóng thuế để nhà nước này trả nợ nước ngoài. Bởi vì những doanh nghiệp ấy có thể vay nước ngoài, nó sử dụng nguồn lực của nhà nước tức là tiền thuế của dân và người dân, những người đóng thuế bây giờ có thể không phải chịu. Nhưng mà con cháu họ sẽ phải chịu trong tương lai, không có một người nào khác ngoài người đóng thuế, ngoài công dân Việt Nam cả.”
Tất cả những việc hoạt động không hiệu quả, việc thất thoát, tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như của toàn bộ guồng máy nhà nước này người chịu cuối cùng là nhân dân, những người đóng thuế để nuôi nhà nước này, những người đóng thuế để nhà nước này trả nợ nước ngoài
TS Nguyễn Quang A
Theo các chuyên gia, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội cải cách lớn lao khi sửa đổi Hiến pháp 2013 nhưng vẫn giữ nguyên vấn đề kinh tế nhà nước là chủ đạo nền kinh tế và không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Trên thực tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo điều kiện cho những nhóm quyền lực hoành hành và hưởng lợi trong điều gọi là nền kinh tế tư bản thân hữu tức là các nhóm thân hữu khuynh loát nền kinh tế.
Việt Nam mới sửa Hiến pháp cách đây không lâu nên sẽ khó có sự tu chính trong tương lai gần. Tuy vậy có ý kiến cho là khi chưa thể sửa đổi Hiến pháp, vẫn có cách để trong chừng mực nào đó thực hiện cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam. TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Vẫn phải sửa Hiến pháp hoặc nếu không sửa thì coi như lờ những câu chữ đó đi. Tức là gọi là chủ đạo nhưng thực sự là không chủ đạo trong khi thực hành thì không để ý đến nữa. Đây là một cách không thực sự hữu hiệu lắm nhưng gọi là nói một đàng làm một nẻo, tức là những chuyện đường hướng chủ đạo nói thế cho nó vui thôi, còn trong thực tế phải hiểu rằng phải thúc đẩy để cho tư nhân giữ vai trò chủ đạo.”
Theo TS Nguyễn Quang A vào khoảng thời gian năm, sáu năm trước tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân là khoảng 15%-16% trong khi doanh nghiệp quốc doanh vào khoảng 5%-6%. Nếu giữ được đà tăng trưởng như thế và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế tư nhân thì có thể trong 10-15 năm nữa trọng lượng phần đóng góp của kinh tế nhà nước vào GDP hiện nay khoảng 25% sẽ sụt xuống 10% và các khu vực khác như hành chính quân đội rồi bộ máy nhà nước…tạo ra chừng 6%-7% của GDP, như vậy tổng đóng góp của khu vực nhà nước sẽ khoảng 16%-17% GDP.
Nếu tương lai diễn ra như thế thì đây là một tỷ lệ ước mơ vì ở các nước tư bản phát triển cũng tương tự như thế. Trong dài hạn không còn vấn đề tư nhân hóa cổ phần hóa mà chính là việc thúc đẩy kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế
.

Không có nhận xét nào: