Pages

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Việt Nam có hai tàu tên lửa mới

Lễ bàn giao hai tàu chiến hôm 2/6
Hải quân Việt Nam vừa tiếp nhận hai tàu tên lửa tấn công nhanh hôm 2/6.
Các tàu trên được Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng theo mẫu tàu chiến của Nga, theo hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Hai tàu mang số hiệu 379 và 380 được khởi công hồi tháng 10 năm 2011 và được đưa vào thử nghiệm hồi tháng Tư năm nay.

Hai tàu này nằm trong số 6 tàu chiến được đặt hàng từ năm 2009.
Trang VnExpress cho biết hai tàu tên lửa Molnya được trang bị bốn dàn phóng Uran-E với 16 tên lửa, có cự ly bắn 130 km, một pháo hạm tự động AK-176M, cự ly bắn khoảng 15 km.
Tàu cũng trang bị hai pháo 6 nòng tự động AK630, có tầm bắn 4-5 km.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được dẫn lời nói đây là một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Động thái trên diễn ra giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục lên cao, Reuters nhận định.
Hà Nội đã nhiều lần phản đối hoạt động nới đảo của Trung Quốc, trong lúc Hoa Kỳ tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc đặt các hệ thống pháo trong khu vực tranh chấp.
Việt Nam gần đây đã nâng cao khả năng phòng vệ trên biển bằng các khí tài từ Nga, trong đó có các tàu ngầm Kilo hiện đại.
Quân đội nước này gần đây đã trang bị cho các tàu ngầm trên với loại tên lửa tấn công đất liền Klub, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu ở cự ly 300km.
Hồi cuối tháng Tư, Reuters dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng các tên lửa này có thể giúp Việt Nam tấn công vào các cảng hoặc sân bay ven biển của Trung Quốc, như căn cứ hải quân trên Đảo Hải Nam, hoặc các mục tiêu trên những đảo mà Bắc Kinh vừa cải tạo gần đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Việt Nam củng cố quan hệ phòng thủ và quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ gần đây thể hiện quyết tâm của nước này nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Các tàu chiến mới có thể được sử dụng để tấn công các tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống, bảo vệ tàu ngầm và làm nhiệm vụ do thám.
Trung Quốc vẫn là quốc gia quan trọng về cả kinh tế lẫn chính trị với Việt Nam, nhưng quan hệ hai nước gần đây đã có nhiều căng thẳng do cả hai đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, điều khiến nước này rơi vào thế đối đầu với nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Không có nhận xét nào: