Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Vì sao Trung Quốc ngán tên lửa Club-S của Việt Nam?

Vừa qua, truyền thông Mỹ đưa tin, Trung Quốc đã bày tỏ sự lo lắng trước việc Nga bán tên lửa dòng Club-S, trang bị trên tàu ngầm Kilo Việt Nam.

Trung Quốc lo lắng về vũ khí trên tàu ngầm Kilo Việt Nam

Vừa qua, trang Strategy Page của Mỹ cho biết, Trung Quốc đã phàn nàn với Nga và Mỹ về việc Moscow đồng ý bán tên lửa phóng từ tàu ngầm Club-S cho Việt Nam. Từ việc Trung Quốc bày tỏ thái độ không hài lòng khi Việt Nam sở hữu loại tên lửa này, có thể thấy Bắc Kinh đang rất lo ngại trước sức mạnh của chúng.

Trước đó, Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng khi Nga cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo loại cải tiến (Improved Kilo). Truyền thông nước này cũng lên tiếng phàn nàn là Nga ưu ái Việt Nam khi bán tàu ngầm Kilo có tính năng vượt trội tàu ngầm của Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin của “Mạng tin tức tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga” cho biết, tất cả các tàu ngầm Việt Nam đều được trang bị tên lửa hành trình Club-S, phiên bản chống hạm 3M-54E có tầm phóng 220km, phiên bản tấn công mặt đất 3M-14E có khả năng tấn công xa tới 280km.

Bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu phân tích, một khi lực lượng tàu ngầm Việt Nam hình thành năng lực tác chiến, với các loại tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất, các tàu ngầm này có thể tạo ra một “Khu vực cấm” đối với dải bờ biển rất dài và các căn cứ hải quân trên biển Đông của Việt Nam.

Thông tin về việc Nga cung cấp tên lửa hành trình Club-S cho Việt Nam được đề cập trong một bản cập nhật dữ liệu mới đây trên website của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Theo đó, Nga đã chuyển cho Việt Nam 28 quả tên lửa Club-S, bao gồm cả biến thể tấn công mặt đất 3M-14E.

          Tàu ngầm là phương tiện tác chiến quan trọng đối với hải quân các nước (Ảnh minh họa)

Hãng tin Reuters cũng cho hay, ngoài Việt Nam, các tàu ngầm của Ấn Độ, Algeria cũng đang sử dụng loại tên lửa này, nhưng hiện nay, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á trang bị tên lửa đối đất cho tàu ngầm, sở hữu khả năng tấn công mặt đất rất mạnh.

Theo Strategy Page, đây là điều mà Trung Quốc lo ngại nhất trong số các vũ khí trên tàu ngầm Kilo. Giáo sư Carlyle A. Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia cũng đã từng nhận định: “Tên lửa Club-S giúp Việt Nam có khả năng ra đòn răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc".

Truyền thông Mỹ cho rằng, vũ khí có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trên biển Đông chính là tàu ngầm Kilo của Việt Nam, hiện Trung Quốc không có khả năng phòng thủ hiệu quả trước tên lửa Club-S nên mới có phản ứng như vậy trước một hợp đồng vũ khí thông thường giữa Nga và Việt Nam.

Việc Hà Nội đặt mua 6 chiếc để xây dựng biên đội tàu ngầm rất mạnh, trong năm 2015 có thể triển khai đủ 3 chiếc sẽ thay đổi cán cân lực lượng trên biển Đông. Thậm chí, Tạp chí Mỹ còn dùng cụm từ “cơn ác mộng của Trung Quốc” khi tán dương loại tàu ngầm này.

Tạp chí “Lợi ích quốc gia” (National Interest) của Mỹ đưa ra nhận định về 5 khả năng sử dụng tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam, cụ thể như sau:

                                Tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E có tầm phóng 220km

Một là sử dụng như một phương tiện tác chiến đặc chủng (có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này).

Hai là sử dụng như một phương tiện răn đe bởi các quốc gia khác rất khó phát hiện được các tàu ngầm siêu yên tĩnh này trong đại dương nên họ không dám điều tàu đến vùng biển này.

Ba là sử dụng như một phương tiện phục kích. Tàu ngầm có thể tiềm phục rất lâu ở gần các cảng, căn cứ quân sự địch để đánh đòn phủ đầu. Đây là một vũ khí lý tưởng trong chiến lược “chống xâm nhập” của Việt Nam.

Bốn là sử dụng trong tác chiến phong tỏa. Trong các cuộc tập trận giả tưởng sau này, chắc chắn Việt Nam sẽ sử dụng tàu ngầm như một phương tiện phong tỏa một số khu vực chiến lược, khi xung đột bất ngờ diễn ra.

Năm là sử dụng ưu thế về số lượng để chiếm ưu thế trong tác chiến phủ đầu. Sự xuất hiện đồng loạt của vài chiếc tàu ngầm sẽ tạo nên ưu thế áp đảo trong một khu vực nhất định.

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: