Pages

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Ủy ban thường vụ QH: không có căn cứ bãi tội cho tử tù Hồ Duy Hải?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Bà NguyễnThị Loan đã đội đơn đi kêu oan khắp chốn sáu năm liền. Hình ảnh bà Loan đội biểu ngữ đi kêu oan cho con được đăng trên nhiều trang mạng xã hội

Bà NguyễnThị Loan đã đội đơn đi kêu oan khắp chốn sáu năm liền. Hình ảnh bà Loan đội biểu ngữ đi kêu oan cho con được đăng trên nhiều trang mạng xã hội
Photo: Blog Langthang




Vụ án giết người tại Bưu điện Cầu Voi, Long An với Hồ Duy Hải bị kết án tử nhưng được luật sư nói có chứng cứ ngoại phạm. Ngoài ra còn có nhiều sai phạm trong tiến trình tố tụng.

Gia đình cùng luật sư suốt gần 8 năm qua chứng minh sự vô tội của người bị kết án và kêu oan lên các cấp cao nhất nước; thế nhưng vừa rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng không có căn cứ bãi tội.
Những người quan tâm phản ứng ra sao?
Kết luận mới
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự vào chiều 5 tháng 6 kết luận rằng không có căn cứ bãi tội cho tử tù Hồ Duy Hải.
Dù kết luận như thế nhưng báo cáo thừa nhận việc giải quyết vụ án có nhiều thiếu sót, vị phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân đó là cái thớt, con dao, cái ghế inox… Cái ghế sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm hiện trường và bản ảnh hiện trường. Ngoài ra báo cáo cũng nêu rõ là việc kiểm tra thời gian của bị cáo khi xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của người khai; cũng như kết luận của các cơ quan tố tụng về động cơ, mục đích giết người chưa phù hợp với diễn biến vụ án…
Phản ứng
Những điểm mà Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho rằng là những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tố tụng của vụ án Bưu Điện Cầu Voi như vừa nêu lâu nay cũng từng được các luật sư tham gia chỉ ra. Và theo các luật sư còn nhiều điểm sai phạm khác nữa.
Về mặt thẩm quyền thì việc quyết định vụ án có được xem xét lại hay không là thuộc thẩm quyền của chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, hoặc là viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có chức năng giám sát thôi chứ không thể đưa ra quan điểm hay kết luận
LS Trần Hồng Phong
Luật sư Trần Hồng Phong, người tham gia giúp gia đình Hồ Duy Hải khiếu nại trong những năm qua, trình bày quan điểm đối với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải:
Ý kiến của tôi như thế này: trước mắt tôi không đồng ý với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho rằng không có căn cứ bãi tội cho Hồ Duy Hải. Tại vì nói về mặt thẩm quyền thì việc quyết định vụ án có được xem xét lại hay không là thuộc thẩm quyền của chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, hoặc là viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có chức năng giám sát thôi chứ không thể đưa ra quan điểm hay kết luận rằng ‘không có căn cứ để bãi tội cho Hồ Duy Hải’.

Anh Hồ Duy Hải trong phiên xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008- Ảnh TL
Anh Hồ Duy Hải trong phiên xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008- Ảnh TL

Tôi cho rằng có lẽ đây là quan điểm của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao thì đúng hơn. Tuy nhiên qua kết quả báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà được báo chí phản ánh, tôi cho rằng điều đáng quan tâm nhất là qua đó lần đầu tiên chính thức thừa nhận trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử Hồ Duy Hải thì có rất nhiều sai phạm, thiếu sót.
Thẩm phán Lê Quang Hùng- người xử sơ thẩm, có nói thậm chí chỉ 0,1% dấu hiệu nghi vấn cũng phải xem xét lại. Qua báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy không phải 0,1 mà mấy chục phần trăm như vậy mà không xem xét thì đúng là quá vô lý
LS Trần Hồng Phong
Trong bài báo đó nếu tôi nhớ không nhầm thì hầu hết các vấn đề mà những luật sư trình bày trong đơn đề nghị giám đốc thẩm về chứng cứ, tang vật, rồi thơi gian gây án cho đến hiện trường, cho đến việc tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ vụ án; thậm chí cho đến động cơ, mục đích giết người cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là không đúng với diễn biến của vụ án.
Tôi nhớ trước đây trong báo Tuổi Trẻ, ông thẩm phán Lê Quang Hùng- người xử sơ thẩm, có nói thậm chí chỉ 0,1% dấu hiệu nghi vấn cũng phải xem xét lại.
Qua báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy không phải 0,1 mà mấy chục phần trăm như vậy mà không xem xét thì đúng là quá vô lý.
Theo tôi đó là thông điệp tôi thấy lớn nhất.”
Tiếp tục kêu oan
Bà Nguyễn thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải cũng nhắc lại những điểm chứng minh cháu của bà không phạm tội giết người:
“ Chủ tịch nước đã nói vụ án Hồ Duy Hải phải xem xét làm rõ, nếu nói Hồ Duy Hải có tội phải chứng minh có tội. Chứ dao, thớt ra chợ mua về và 10 dấu vân tay không phải của Hồ Duy Hải.”
Sau gần 8 năm đi kêu oan về trường hợp của Hồ Duy Hải, lần này nghe phát biểu của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội như vừa nêu, gia đình tiếp tục gửi đơn tố cáo như lời của bà Nguyễn thị Rưỡi, dì của Hồ Duy Hải vào ngày 11 tháng 6:
“ Ông Trương Hòa Bình nói rằng những sai phạm nghiêm trọng tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án; như vậy đâu có được. Là người dân tôi rất bất bình. Và gia đình rất bất bình về việc ông Trương Hòa Bình nói sai sự thật. Lần đầu trước khi xử sở thẩm, lúc luật sư Đạt vào thì Hồ Duy Hải đã kêu oan, có bài báo đăng ‘Luật sư cứu con’ năm 2008. Rồi ra tòa sơ thẩm Hồ Duy Hải cũng kêu oan, phúc thẩm cũng kêu oan có biên bản. Mà ông Trương Hòa Bình đứng trước quốc hội nói như vậy. Gia đình tôi có làm đơn tố cáo lần thứ tư rồi, ngày hôm nay mẹ Hải đi làm đơn tố cáo lần thứ năm để gởi, và tôi đang ngồi chờ ở nhà đây.”
Vừa qua phó chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc Hội, bà Lê Thị Nga từng vào Long An gặp tử tù Hồ Duy Hải và sau đó có 10 trang báo cáo về trường hợp này.
Còn gì đau đớn bằng một người Mẹ, một người Em phải nhìn thấy con mình, anh mình nhắm mắt một các oan ức mà không thể làm được gì đế cứu lấy con, cứu lấy anh; trong khi thủ phạm thực sự vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật
Luật sư Trần Hồng Phong cho biết về báo cáo của đại biểu quốc hội Lê thị Nga:
Chính bà Nga cũng có phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây khoảng chừng 2 tháng. Tôi nhớ báo chí người ta cũng có đăng lại rất nhiều rằng bà Nga có nói vụ việc này cần phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm tại vì nó đã thỏa cả 4 điều kiện để một bản án bình thường phải được xem xét; dù một điều kiện thôi cũng phải xem xét rồi mà đây cả 4 điều kiện. Trong đó bà Nga nói có gửi cho bên Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao một bản báo cáo dài khoản 10 trang, trong đó cũng đã phân tích nhiều vấn đề; mà theo tôi biết gần như có lẽ những vấn đề đó tương thích với những vấn đề mà các luật sư trình bày trong đơn đề nghị giám đốc thẩm.”
Bà Nguyễn Thị Rưỡi cho biết gia đình có gọi điện cho bà Lê thị Nga để xin phép được công khai 10 trang tài liệu lên mạng cho mọi người quan tâm được đọc, cũng như mong mỏi được mọi người đồng hành trong việc kêu oan cho cháu bà.
Hổm rày gia đình không liên lạc được với bà Lê Thị Nga. Tôi suy nghĩ dữ lắm và nhiều người góp ý liên lạc với bà Nga xin bà đưa lên mạng vì 10 trang đó tôi có rồi. Nếu không liên lạc được bà Nga chắc tôi phải tùy tiện đăng 10 trang đó lên cho mọi người dân đều biết. Gia đình cũng mong mỏi mọi người trong cũng như ngoài nước đồng hành với gia đình tôi.
Cách đây hai hôm, gia đình tôi cũng xin gặp đại sứ quán Đức ở thành phố Hồ Chí Minh và có nêu rõ 10 trang của bà Lê Thị Nga. Bà này họp đại biểu quốc hội và có nói tòa với huyện mà không xem lại hồ sơ vụ án thì hãy đọc 10 trang mà bà đúc kết. Vì sau khi hoãn thi hành án, bà có về Trại giam Long An gặp Hồ Duy Hải, bà nói hỏi rất nhiều lần và Hồ Duy Hải nói không có giết người.”
Gia đình của tử tù Hồ Duy Hải cũng vừa công khai một tâm thư trên mạng trong đó có đoạn bày tỏ “Còn gì đau đớn bằng một người Mẹ, một người Em phải nhìn thấy con mình, anh mình nhắm mắt một các oan ức mà không thể làm được gì đế cứu lấy con, cứu lấy anh; trong khi thủ phạm thực sự vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật!

Không có nhận xét nào: