Pages

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi quốc tế bảo vệ Tạ Phong Tần, tù nhân lương tâm đang tuyệt thực trong tù

Dân Luận lược dịch
LỜI KÊU GỌI KHẨN CẤP
BLOGGER TẠ PHONG TẦN ĐANG TUYỆT THỰC TRONG TÙ
Blogger người Việt, Tạ Phong Tần, đang chịu án 10 năm tù giam, đã tiến hành tuyệt thực từ ngày 13/5 để phản đối sự đối xử tồi tệ của trại giam. Được biết chị đang rất yếu và sức khỏe kém. Chị là một tù nhân lương tâm.
Tạ Phong Tần, một tù nhân lương tâm, đang bị giam giữ ở trại giam số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, miền Trung Việt Nam. Đây là lần tuyệt thực thứ ba của chị để phản đối sự đối xử tồi tệ của trại giam dành cho chị và các tù nhân chính trị khác. Trong thời gian chịu án tù, chị đã bị giam giữ nhiều tháng trời trong tình trạng biệt giam, phòng giam không có cửa sổ và không được phép nói chuyện với các tù nhân khác. Chị bị bệnh viêm khớp, đau dạ dày và cao huyết áp. Theo người trong gia đình, vừa gặp chị hôm 3/6/2015, chị “rất yếu” và sức khỏe của chị đang đi xuống trầm trọng.

Tạ Phong Tần trước đây là một công an, và là người đồng sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào tháng 7/2007 nhằm cổ vũ cho tự do ngôn luận và truyền thông độc lập. Chị được nhiều người biết tới qua blog Công Lý và Sự Thật, nơi có nhiều bài viết về các vấn đề như bất công xã hội, vi phạm quyền con người và chủ quyền quốc gia. Bị bắt tháng 9 năm 2011, Tạ Phong Tần bị đưa ra xét xử ngày 24/9/2012 với hai nhà báo và đồng sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do khác, đến nay đã được trả tự do, đó là Phan Thanh Hải (được biết đến với bút danh Anh Ba Sài Gòn), và Nguyễn Văn Hải (được biết đến với bút danh Điếu Cày). Tạ Phong Tần bị kết tội “tuyên truyền chống lại nhà nước”, theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự, và bị 10 năm tù giam cộng với ba năm quản chế.
Xin hãy viết ngay lập tức bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc tiếng mẹ đẻ của bạn:
- Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tạ Phong Tần, bởi vì chị là một tù nhân lương tâm, bị giam cầm chỉ vì thực thi một cách ôn hòa quyền tự do ngôn luận của mình;
- Thúc dục nhà cầm quyền Việt Nam ra lệnh cho cơ quan quản lý trại giam đáp ứng ngay lập tức những yêu cầu của Tạ Phong Tần về cách đối xử với tù nhân trong trại giam, để chị có thể chấm dứt đợt tuyệt thực;
- Thúc dục nhà cầm quyền Việt Nam đảm bảo rằng Tạ Phong Tần có được sự chăm sóc y tế cần thiết và được đối xử theo Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của Liên Hiệp Quốc.
Xin hãy gửi những yêu cầu này trước ngày 20/7/2015 tới:
Bộ Công An
Bộ Trưởng Trần Đại Quang
4 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm,
Hà Nội, Việt Nam
Liên lạc trực tuyến: http://www.mps.gov.vn/web/guest/contact_english
Bộ Ngoại Giao
Bộ trưởng Phạm Bình Minh
Số 1 Tôn Thất Đảm, Quận Ba Đình,
Hà Nội, Việt Nam
Fax: + 844 3823 1872
Email: bc.mfa@mofa.gov.vn
Và bản sao gửi tới:
Bộ Tư Pháp
Bộ Trưởng Hà Hùng Cường,
60 Trần Phú, Quận Ba Đình
Hà Nội, Việt Nam
Fax: +844 627 3959
Email: botuphap@moj.gov.vn
Thông tin thêm về trường hợp Tạ Phong Tần
Tạ Phong Tần bị bắt vào tháng 9/2011 và rất ít được tiếp xúc với gia đình và luật sư trong khi bị giam giữ. Mẹ của chị, Đặng Thị Kim Liêng, đã qua đời sau khi tự thiêu trước cửa Ủy Ban Nhân Dân địa phương ngày 30/6/2012, trong sự tuyệt vọng vì lực lượng an ninh sách nhiễu Tạ Phong Tần và gia đình. Tạ Phong Tần được biết về cái chết của mẹ chị ở trong tù, nhưng không được phép tham gia đám tang.
Tạ Phong Tần bị giam 12 tháng trước khi chị bị đưa ra tòa tại Tòa Án Nhân Dân TP Hồ Chí Minh, vào ngày 24/9/2012. Đây vượt quá thời hạn cho phép trong luật Việt Nam. Quá trình xét xử, chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về một phiên tòa công bằng. Chỉ có 3 trong số 9 nhân chứng được triệu tập có mặt, và luật sư bào chữa không được phát biểu trọn vẹn, ngăn cản quyền được bào chữa đầy đủ của chị. Bạn và những người ủng hộ chị, bao gồm cả gia đình, đã bị sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện và tấn công để ngăn cản họ tới phiên tòa. Những trích đoạn của phiên tòa được chiếu trên truyền hình quốc gia.
Trại giam mà Tạ Phong Tần đang bị giam giữ nằm cách tỉnh Bạc Liêu, nơi gia đình chị sinh sống, 1700km – điều này làm cho gia đình rất khó khăn khi thăm nuôi.
Việt Nam là thành viên của Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự, và Chính Trị, trong đó xác nhận quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội và biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên, các quyền này bị giới hạn chặt chẽ bởi luật và rất khó để thực thi ở Việt Nam. Các điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia trong bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam thường được dùng để hình sự hóa các vụ bày tỏ ý kiến và quan điểm ôn hòa. Những người gặp nguy hiểm bao gồm những người cổ vũ cho thay đổi chế độ chính trị một cách ôn hòa, chỉ trích chính sách của chính quyền, hoặc kêu gọi tôn trọng quyền con người. Điều 88 (“tuyên truyền chống lại nhà nước”) thường được dùng để bắt giữ, truy tố và bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến vì hoạt động ôn hòa của họ, bao gồm các blogger, các nhà bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ quyền sở hữu đất đai, các nhà hoạt động chính trị, tôn giáo, bảo vệ nhân quyền và chống lại bất công xã hội, thậm chí cả các nhạc sĩ.
Điều kiện trại giam của Việt Nam rất hà khắc, thức ăn và chăm sóc ý tế dưới tiêu chuẩn tối thiểu đặt ra trong Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của Liên Hiệp Quốc, và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Tù nhân lương tâm vẫn bị biệt giam như một hình thức kỷ luật, hoặc giam cách biệt trong thời gian dài. Họ cũng bị đối xử tàn tệ, bao gồm bị các tù nhân khác đánh đập mà không có sự can thiệp của trại giam. Một số tù nhân lương tâm thường xuyên bị di chuyển giữa các trại giam, mà không có thông báo cho gia đình và người thân được biết.

Không có nhận xét nào: