Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Tập Họp Dân Chủ Đa Nguyên - Việt Nam trước một khúc quanh lịch sử trọng đại

Dân tộc ta đang sống một trong những thử thách lớn nhất từ ngày dựng nước nhưng đồng thời triển vọng tháo bỏ ách độc tài và mở ra kỷ nguyên dân chủ cũng lớn như chưa bao giờ thấy.

1. Thử thách

Trong một bối cảnh quốc tế thuận lợi thực trạng của chúng ta rất bi đát và tương lai của Việt Nam rất bấp bênh.

Chúng ta đã lỡ giai đoạn cất cánh. Khi một nước chậm tiến bắt đầu vươn lên nhờ hội nhập vào sinh hoạt kinh tế thế giới thì sự thành công hay thất bại chủ yếu là ở chỗ có tạo ra được hay không một lớp doanh nhân đúng nghĩa, lương thiện, có kiến thức và có bản lãnh. Sự thực không thể chối cãi là chính sách gọi là "đổi mới", mở cửa về kinh tế nhưng vẫn khép chặt về chính trị, đã chỉ tạo ra, trong tuyệt đại đa số, những doanh nhân giả làm giầu nhờ hối mại quyền thế và kinh doanh bất chính. Chúng ta cũng mất dần ưu thế dân trẻ; số người trong tuổi lao động đã khựng lại và bắt đầu sút giảm.

Chúng ta đang đi dần vào thế cô lập. Mặc dầu trên nguyên tắc nước ta đã có quan hệ bình thường với mọi quốc gia và đã là thành viên của ASEAN và nhiều kết hợp khu vực, nhưng sự duy trì ngoan cố chế độ độc tài toàn trị nhân danh một chủ nghĩa đã bị lên án như một tội ác, những vi phạm trắng trợn về nhân quyền và dân quyền, tệ quan liêu và tham nhũng, sự từ chối những cải tổ cần thiết, cách cư xử thô vụng trong những giao thiệp quốc tế, sự lệ thuộc ngày càng lộ liễu và quá đáng vào Trung Quốc đang có nguy cơ khiến Việt Nam lâm vào một thế cô lập lớn nếu không chuyển hướng kịp thời. Việt Nam vắng mặt trong hầu hết mọi chương trình hợp tác lớn và chỉ hiện diện một cách không đáng kể trong những thị trường quốc tế quan trọng.

Ngoại thương của Việt Nam dù không đáng kể về tầm vóc khách quan nhưng lại có vai trò áp đảo trong kinh tế quốc gia với trọng lượng gần gấp hai lần tổng sản lượng quốc gia và khiến chúng ta lệ thuộc nặng nề vào bối cảnh thế giới. Đầu tư có lúc đã khởi sắc rất mạnh mẽ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) tạo ra niềm tin vào một sự hội nhập thành thực vào thế giới nhưng ngay sau đó đã sút giảm liên tục -như là hệ quả của đàn áp và tham nhũng gia tăng gây thất vọng cho các nhà đầu tư- trong khi các quốc gia khác không ngừng vận dụng mọi sáng kiến để thu hút tư bản quốc tế dựa trên ưu thế sẵn có. Chúng ta đã mất một cơ hội lớn và đang đứng bên bờ một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Công nghiệp đã bị quản lý một cách thô vụng lại còn phải chịu sự cạnh tranh bất chính của hàng nhập cảng lậu thuế chủ yếu từ Trung Quốc. Phần lớn các thiết bị sản xuất đã lỗi thời, kể cả những thiết bị mới mua bởi các quan chức tham nhũng. Các doanh nghiệp nhà nước được coi là chủ đạo của sinh hoạt kinh tế và được dành phần chính của đầu tư lại cũng là những doanh nghiệp bệnh hoạn, trong đa số điều khiển bởi các cấp lãnh đạo vừa gian trá vừa bất tài được chỉ định theo tiêu chuẩn phe đảng, hối lộ và chia chác.

Chúng ta tụt hậu một cách bi đát về cả lượng lẫn phẩm. Sản lượng bình quân mỗi năm trên mỗi đầu người của chúng ta hiện nay, năm 2015, chỉ xấp xỉ 1.500 USD, nghĩa là 15%, hay một phần bẩy, mức trung bình thế giới.

Đã thế tài sản quốc gia lại được phân phối một cách cực kỳ bất công, đại bộ phận nhân dân ta sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Lợi tức quốc gia quá thấp cùng với tinh thần vô trách nhiệm đã khiến chính quyền bỏ rơi giáo dục, cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất và ngay cả những ưu tư tối thiểu về vệ sinh và sức khỏe cho dân chúng. Giáo dục và đào tạo, quá suy sụp, hoàn toàn không có khả năng chuẩn bị tuổi trẻ trong cuộc cạnh tranh với thế giới. Tình trạng của đại đa số các bệnh viện Việt Nam là một sự hổ nhục và một tội ác.

Phải nhìn thẳng vào sự thực và nhìn nhận một hiện trạng đau lòng: chúng ta là một nước lụn bại và bế tắc. Tuy là nước đông dân thứ 14 trên thế giới nhưng chúng ta không có được một thành tựu khoa học kỹ thuật nào, không một phát minh, không một công ty tầm vóc quốc tế, không một tác phẩm văn học nghệ thuật hay ngay cả một thành tích thể thao nào được thế giới biết đến. Chúng ta hiện là một nước không đáng kể. Người Việt Nam không chỉ nghèo khổ mà còn không có lý do nào để tự hào. Và chúng ta cũng là một trong những dân tộc cuối cùng trên thế giới vẫn còn phải chịu đựng ách độc tài toàn trị và bị từ chối những quyền con người cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử, kể cả quyền sở hữu đất. Hàng triệu dân oan bị cướp đoạt đất sống lây lất trong uất hận.

Chất liệu nhân xã của chúng ta đã bị rách nát do những cuộc nội chiến tương tàn kéo dài và thảm khốc mà chúng ta vẫn chưa ý thức được hết hậu quả, do tinh thần bất dung và thù hận mà những cuộc chiến này đẻ ra, do chính sách phân biệt đối xử của Đảng Cộng Sản, do chênh lệch giàu nghèo quá lộ liễu và do sự nghi hoặc toàn diện của dân chúng đối với các giá trị cơ bản của mọi xã hội, lại càng rách nát hơn vì sự phẫn uất bất lực trước một chính quyền tàn bạo cai trị như một lực lượng chiếm đóng.

Đồng thời tài nguyên quý nhất của quốc gia là con người cũng bị xuống cấp một cách thê thảm.  Sức khỏe của nhân dân suy nhược vì thiếu dinh dưỡng, thuốc men và chăm sóc. Các chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn một cách báo động mà không có biện pháp ngăn chặn. Thanh thiếu niên bỏ học hàng loạt. Trí tuệ dân tộc suy giảm nặng với sự xuống cấp bi đát của hệ thống giáo dục. Tệ nghiện hút, mại dâm, trộm cướp ngày càng gia tăng. Cuộc sống khó khăn trong một xã hội băng hoại làm con người càng ngày càng rời xa các giá trị căn bản phải có của mọi quốc gia: đạo đức, lương thiện, thật thà, cần cù, kỷ luật, v.v. Dối trá, lừa đảo, thô lỗ trở thành thông thường trong quan hệ xã hội.

Trong thực trạng đen tối đó đang nổi bật ba hiểm họa đặc biệt nghiêm trọng và khẩn cấp.

Trước hết là tham nhũng. Cả nhân dân lẫn chính quyền đều đồng ý rằng tham nhũng là quốc nạn và là giặc nội xâm tàn phá đất nước nhưng có lẽ chúng ta chưa ý thức được một cách đầy đủ sự độc hại của nó và trong xã hội đang có khuynh hướng chấp nhận đành sống với nó như một định mệnh. Nó đang trở thành một luật chơi và một định chế. Nhưng tham nhũng không thể dung túng. Nó làm hư hỏng tất cả. Nó đưa những người bất xứng vào những chức vụ quan trọng, trao những dự án lớn cho những nhóm lợi ích gian trá. Nó làm hỏng quy luật thị trường, lưu manh hóa con người và biến quan hệ xã hội thành một cuộc thi đua bịp bợm. Nó loại bỏ kiến thức, nghiên cứu và sáng tạo. Nó khiến mọi dự án và kế hoạch công cũng như tư trở thành vô nghĩa và vô dụng. Nó tàn hại cả môi trường và cơ sở hạ tầng vì bao che những ô nhiễm và cho phép những thi công xây dựng và bảo trì gian trá. Một thí dụ là dự án Bô-xít Tây Nguyên và quyết định cho xây ồ ạt những lò điện hạt nhân; cả hai dự án này đều phi kinh tế và còn đe dọa sinh mệnh đất nước nhưng vẫn được áp đặt vì có lợi lớn cho các cấp lãnh đạo tham ô. Một thí dụ khác là sự xuống cấp nhanh chóng của hệ thống cầu đường dù mới xây cách đây không lâu. Nó đe dọa cả an ninh quốc gia bởi vì nếu tiền mua được tất cả thì không có gì lạ nếu nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước trên thực tế là những nội ứng của nước ngoài. Ở mức độ hiện nay của nước ta nó vừa làm đất nước lụn bại, vừa đe dọa an ninh và chủ quyền, vừa khiến các ý niệm quốc gia, dân tộc mất hết ý nghĩa. Nếu không bị chặn đứng nó sẽ nhanh chóng hủy diệt đất nước. 

Hiểm họa nghiêm trọng thứ hai là môi trường. Từ vài thập niên qua, chúng ta liên tục chứng kiến một thảm kịch cực kỳ nghiêm trọng trong lịch sử nước ta: đó là sự hủy hoại nhanh chóng ngay chính nền tảng của đất nước. Cây rừng bị chặt phá, bờ biển, sông ngòi và các mạch nước bị ô nhiễm nặng, đất nước trở thành cằn cỗi, hạn hán tiếp theo lũ lụt. Nước không còn uống được, không khí không còn thở được. Chưa kể rác rưởi hôi thối chồng chất, cống rãnh ứ đọng. Người thành phố ra đường phải đeo khẩu trang bịt mặt và trở thành xa lạ với nhau. Ô nhiễm đã đạt tới mức độ tàn phá sức khỏe gây thảm kịch cho mọi người nhất là người nghèo, nghĩa là đa số nhân dân. Nó cũng gây tốn kém lớn về y tế, làm giảm năng suất lao động và có khả năng khiến du khách xa lánh nước ta, thế giới tẩy chay thực phẩm của ta. Đây là một tai họa kinh khủng phải chặn đứng ngay. Với một mật độ dân số một nghìn người trên một kilômét vuông đất sống được và còn lại để cư trú chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là đặt môi trường lành sạch làm ưu tiên quốc gia số một. Đất nước trước hết là đất và nước, nếu đất nước cằn cỗi và ô nhiễm đến độ không còn sinh sống được nữa thì chúng ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau.

Đất nước không những chỉ bị hủy hoại mà còn bị đem bán, rất nhiều vùng đất có giá trị kinh tế chiến lược đã vào tay người ngoại quốc, nhiều khu rừng đầu nguồn đã bị cho thuê dài hạn và trên thực tế đã thuộc quyền kiểm soát của nước ngoài.

Hiểm họa nghiêm trọng thứ ba, đồng thời cũng là một quốc nhục, là sự lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc. Chúng ta hiện không còn chủ quyền trên thực tế. Tuyên bố chung Việt - Trung ngày 21-06-2013 cho thấy chính quyền cộng sản đã ký rất nhiều thỏa hiệp ngầm đặt Việt Nam trong thế khống chế của Trung Quốc, như chấp nhận thăm dò chung dầu khí (trên thực tế là để Trung Quốc thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), để Trung Quốc huấn luyện và đào tạo sĩ quan quân đội và công an Việt Nam. Trầm trọng hơn cả là cam kết tham khảo Trung Quốc -nghĩa là nhận chỉ thị của Trung Quốc- trong quan hệ đối ngoại. Việt Nam không còn chủ quyền. Nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận.

Sự lệ thuộc này không chỉ hổ nhục mà còn nguy hiểm. Người Trung Quốc từ ngàn xưa luôn luôn nhìn các dân tộc láng giềng, kể cả Việt Nam, với con mắt kẻ cả, họ coi Việt Nam như một thuộc quốc. Với văn hóa nông dân thèm đất chính sách truyền thống của họ đối với các nước lân cận là chính sách sáp nhập, bằng bạo lực hoặc bằng di dân. Chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc vì vậy cũng là chấp nhận bị sáp nhập, điều mà trong hàng nghìn năm tổ tiên ta đã đổ biết bao xương máu chống lại để giữ nước.

Thoát Trung cũng là điều kiện bắt buộc để nước ta có thể vươn lên. Chúng ta cần thoát khỏi văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa nô dịch và tha hóa trí tuệ mà chúng ta đã chia sẻ trong hàng ngàn năm với người Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đang cố gắng phục hồi. Chúng ta có rất nhiều điều để học ở thế giới nhưng tất cả những điều đó chúng ta chỉ có thể học một cách đúng đắn, thấu đáo và nhanh chóng với các dân tộc khác. Trung Quốc cũng giống chúng ta nhưng phát triển hơn chúng ta, tất cả những gì chúng ta sản xuất được họ đều có, nhưng nhiều hơn và rẻ hơn. Đó là lý do khiến Việt Nam hiện nay trên nhiều mặt đã trở thành cảng xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam và khiến thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc ngày càng nặng hơn.

Sau cùng Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập. Lệ thuộc vào Trung Quốc là rước lấy nguy cơ bị cô lập cùng với Trung Quốc, sẽ rất khó gia nhập khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và còn có thể bị cô lập ngay trong khối ASEAN. Thế giới ngày càng nhận ra Trung Quốc là một mối nguy cần phải ngăn chặn. Chính sách ngăn chặn này sẽ có khả năng khiến Trung Quốc suy thoái bởi vì kinh tế Trung Quốc tùy thuộc nặng nề vào ngoại thương. Mặt khác tăng trưởng kinh tế là biện minh duy nhất của chế độ Bắc Kinh, kinh tế khựng lại cũng có nghĩa là chế độ sẽ chao đảo. Dù muốn hay không Trung Quốc cũng sẽ không còn là một chỗ dựa.

Nói chung thực trạng đất nước đang nguy ngập, nhưng chính quyền thay vì dồn mọi cố gắng để cứu nước lại chỉ có mục đích giữ lấy quyền lực bằng mọi giá nhân danh một chủ nghĩa đã bị thế giới lên án như một tội ác đối với loài người và bị nhân dân Việt Nam coi là nguyên nhân của tình trạng bi đát hiện nay. Nhà nước cộng sản đã thất bại trên mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt, nhưng vẫn tiếp tục cầm quyền như một thách đố với nhân dân và không những thế, còn khẳng định quyết tâm giữ độc quyền chính trị vô thời hạn. Sự xấc xược đã đạt tới tột đỉnh với hiến pháp 2013 quy định các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam, trước cả nhà nước Việt Nam. Chế độ cộng sản vì vậy là một khiêu khích hàng ngày đối với nhân dân và một tai họa. Tai họa đó kéo dài quá lâu đã khiến người dân, bất lực và chán chường, không những chỉ ghét chính quyền mà còn dần dần mất cả lòng tin vào đất nước. Mỗi người tự luồn lách để tìm những giải đáp cá nhân cho những vấn đề cá nhân. Mộng ước của rất nhiều người Việt Nam ngày hôm nay là được rời khỏi Việt Nam và làm công dân của một nước khác. Nhà nước mất dần độc quyền bạo lực về tay các băng đảng trộm cướp và xã hội đen, và ngày càng mất độc quyền thu thuế do tình trạng buôn lậu và tham nhũng.  Chúng ta đang tiến dần tới sự giải thể quốc gia. Chúng ta phải thét lên tiếng thét báo động. Nếu đà này tiếp tục, ý niệm quốc gia có lúc sẽ mất hết nội dung, các ý đồ ly khai, tự trị sẽ xuất hiện và tăng trưởng, các thế lực ngoại bang sẽ ngày càng có điều kiện khuynh loát chúng ta, trong một thế giới mà ý niệm quốc gia dân tộc đang bị chất vấn. Sự tồn vong của chính đất nước ngày càng không chắc chắn.

Chưa bao giờ mà hiểm họa mất nước lớn bằng lúc này. Mất nước vì mất chủ quyền, mất căn cước dân tộc và nhất là vì chậm thích nghi với một thế giới thay đổi dồn dập. Kịch bản mất nước là sự thua kém và thiếu cả chủ quyền lẫn nhân quyền khiến ý niệm Việt Nam mất dần nội dung và trở thành nhàm chán, ý muốn và niềm tự hào làm người Việt Nam tan biến dần, đất nước giải thể trong lòng người trước khi giải thể thực sự.

2. Triển vọng

Tình trạng đất nước tuy nguy ngập nhưng không tuyệt vọng. Dân chủ đã đến gần và chúng ta vẫn có những căn bản tốt có thể và cần được sử dụng triệt để cho cố gắng phục hưng một khi đất nước đã có dân chủ.

Chúng ta có một ngôn ngữ đồng nhất trong cả nước, một ngôn ngữ dễ học và khá đầy đủ để chuyên chở mọi kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Chúng ta cũng không bị vướng mắc vào một tôn giáo áp đảo nào.

Chúng ta có một dân số khá đông đảo, gần 100 triệu dân. Dân số đông đảo này tuy là một trở ngại lớn cho cố gắng nâng cao mức sống nhưng cũng là một sức mạnh nhờ vị trí quan trọng của nước ta và bởi vì người Việt Nam ta về bản chất cần mẫn trên mức trung bình. Trong quá khứ chúng ta đã chứng tỏ khả năng tiếp thu mau chóng các khoa học và kỹ thuật mới nhất; sinh viên Việt Nam đã thành công đông đảo và mỹ mãn trong nhiều cuộc thi tuyển khó khăn tại mọi quốc gia trên thế giới; công nhân Việt Nam học nghề mau chóng và được đánh giá cao. Những người Việt Nam di tản ra nước ngoài cũng đã chứng tỏ một khả năng thích ứng xuất sắc với điều kiện sinh hoạt hoàn toàn mới.  Có thể nói chúng ta là một dân tộc khá tinh anh. Một vốn liếng như vậy dù có bị soi mòn -và trên thực tế đã bị sa sút- cũng không thể mất hẳn trong vòng một hai thế hệ. Nếu tìm ra được tổ chức xã hội hợp lý con người Việt Nam có thể phục hồi được. Và một khi con người Việt Nam đã được phục hồi chúng ta sẽ có một tài nguyên nhân lực rất hùng hậu. Trong cố gắng vươn lên, khi đất nước đã có dân chủ để được tổ chức một cách hợp lý, chúng ta cũng có thể khai thác tiềm năng to lớn của khối hàng triệu thanh niên tốt nghiệp đại học và cao đẳng nhưng chưa có được cơ hội để đóng góp. Tuổi trẻ tuy không còn là một ưu thế của Việt Nam nhưng nguồn nhân lực trẻ và có đào tạo vẫn còn rất dồi dào.

Trong suốt dòng lịch sử khó khăn người Việt Nam đã biểu lộ một nguyện vọng tha thiết muốn giữ nước để sống chung với nhau và xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Lòng yêu nước của người Việt dù đã rất suy giảm vì thất vọng và bực bội vẫn còn có thể khôi phục. Dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ một sức sống phi thường, đã thắng được nhiều thử thách cam go. Chúng ta vẫn còn đủ sức để vượt qua thử thách hôm nay và vươn lên nếu biết kịp thời trấn tĩnh.

Chúng ta có một địa lý thuận lợi. Đất đai của ta tuy hẹp nhưng phì nhiêu, nông nghiệp của ta nếu hoạt động một cách hợp lý không những có khả năng sản xuất đủ lương thực cho dân chúng mà còn có khả năng xuất cảng. Bờ biển của ta dài và đẹp, nước ta nằm ngay sát nhiều trục giao thông quan trọng và ở ngay giữa một vùng đang phát triển mạnh mẽ có tất cả mọi triển vọng để trở thành một trung tâm kinh tế chiến lược lớn của thế giới. Chúng ta có tiềm năng của một quốc gia rất lớn về du lịch, công nghiệp và thương nghiệp. Làn sóng dân chủ đang trào dâng trên khắp thế giới kể cả các nước Đông Nam Á cũng là yếu tố tích cực mới, tạo ra một bối cảnh ngày càng lành mạnh và văn minh, có tác dụng thôi thúc đối với mọi người Việt Nam.

Chúng ta đang sống một thay đổi tư duy mang rất nhiều hy vọng. Những cuộc chiến khốc liệt tàn phá đất nước đã khiến người Việt Nam ý thức cái tai hại của bạo lực. Chúng ta đã đạt tới đồng thuận rằng hòa bình là giá trị đáng quý nhất trong mọi giá trị và nội chiến là tai họa lớn nhất trong mọi tai họa. Kinh nghiệm các chế độ độc tài gian trá kế tiếp nhau cũng đã đem lại cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ vào tự do và dân chủ. Chúng ta cũng đã chấm dứt được những bàn cãi về mô thức kinh tế để nhận định rằng chỉ có một nền kinh tế thị trường lấy cạnh tranh và sáng kiến cá nhân làm nền tảng là có thể thành công. Sự phẫn nộ chung trước một chính quyền tham bạo cũng đã có tác dụng khiến chúng ta quên đi những xung đột trong quá khứ và hiểu rằng cần phải hòa giải với nhau, đoàn kết với nhau để chung sức tháo bỏ ách độc tài, giải quyết những vấn đề chung và xây dựng một tương lai chung. Chúng ta cũng đã thấu hiểu trong óc, trong tim, trong da, trong thịt những hậu quả bi đát của hận thù và chia rẽ. Trên rất nhiều điểm cơ bản, trí tuệ Việt Nam đã được khai thông.

Lý do quan trọng nhất để chúng ta vững lòng tin là hầu như tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, đều là những vấn đề đáng lẽ không có. Chúng đều do chế độ cộng sản mà có và vì thế cũng sẽ có giải pháp nhanh chóng một khi chế độ cộng sản đã chấm dứt.

Như vậy vấn đề cốt lõi của của chúng ta là kết thúc chế độ này. Nhưng ngay cả bài toán gai góc này cũng đã thay đổi thông số.

Đảng Cộng Sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng Cộng Sản chỉ còn là một hư cấu. Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Sự chuyển hóa này diễn ra trong những điều kiện rất bất lợi: đảng phân hóa cùng cực, nhân dân thù ghét trong khi không có một nhân vật nào có uy tín. Tình trạng chỉ có thể dẫn tới sự sụp đổ. Trong lịch sử Châu Á thường có hai nguyên nhân chính đưa tới sự sụp đổ của các chế độ. Một là, cho tới khi tiếp xúc với Phương Tây, vì lớp người thống trị cướp bóc quá đáng, nhất là cướp đất của người dân; hai là, sau khi tiếp xúc với Phương Tây, vì chế độ ngoan cố theo đuổi một hệ tư tưởng đã quá lỗi thời. Chế độ cộng sản Việt Nam có cả hai yếu tố đó. Nó không thể tồn tại.

Chế độ này đã kéo dài cho tới nay vì hai lý do:
Lý do thứ nhất là chủ nghĩa thực tiễn mà các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, theo đuổi trong gần hai mươi năm từ giữa thập niên 1990 đã dung dưỡng các chế độ độc tài còn lại, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản và bị gạt bỏ, các giá trị dân chủ và nhân quyền đã dành được chỗ đứng ưu tiên phải có.

Lý do thứ hai, cũng là lý do chính, là vì trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm chức năng và trách nhiệm của mình là hướng dẫn quần chúng. Do di sản văn hóa và lịch sử họ đã thiếu trái tim để đau, thiếu trí tuệ để biết, và thiếu sự dũng cảm để dám tranh đấu, hoặc đã quá coi trọng những địa vị và quyền lợi được ban phát. Nhưng lớp trí thức cũ đã qua đi và một lớp trí thức mới ngày càng đông đảo đã nhập cuộc, trong đó có một thành phần trí thức mà trong suốt dòng lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có: những trí thức chính trị. Những người trẻ này hiểu biết hơn hẳn các thế hệ đàn anh và không còn một ảo tưởng nào về chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Họ không còn loay hoay tìm cách cải tiến chế độ mà đã hiểu dứt khoát là phải chấm dứt nó. Họ dám làm, quyết làm và biết làm và đang khám phá ra rằng phải kết hợp với nhau trong một đội ngũ để làm; họ đã hiểu rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Đất nước sắp thay đổi vì đã thay da đổi thịt.

Cho đến nay một đặc tính chung của các chế độ độc tài bạo ngược là chúng thường tỏ ra rất vững chắc cho đến khi đột ngột sụp đổ. Lý do là vì sự ngoan cố và hung bạo của chúng đòi hỏi một điểm đoạn tuyệt ở đó những thay đổi về lượng đã tích lũy đủ để tạo ra một thay đổi về chất. Điểm đoạn tuyệt đó đang đạt tới, nhờ làn sóng dân chủ mới, nhờ sự xuất hiện ngày càng đông đảo của thành phần trí thức chính trị mới và nhờ ý thức ngày càng rõ rệt, đặc biệt ngay trong thành phần công an và quân đội, rằng chế độ không thể kéo dài lâu nữa và mọi người nên đóng góp thay vì tiếp tay cản trở tiến trình dân chủ, để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một chuyển hóa cần có, bắt buộc phải có và sắp đến. Hạn kỳ dân chủ có thể rất gần. Nhất là nếu những người dân chủ biết tranh thủ lòng tin và sự hưởng ứng của nhân dân bằng một tình cảm trong sáng và quảng đại, bằng những phương thức đấu tranh hợp tình hợp lý và bằng một dự án đúng đắn để làm lại và thăng tiến đất nước.

(Trích từ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai - Dự án chính trị Dân chủ Đa nguyên)

Không có nhận xét nào: