Pages

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Song Chi - Phép thử của Trung Quốc với Việt Nam

Cho đến bây giờ, không rõ chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây đã thực sự nhìn nhận đúng tham vọng của Trung Quốc cùng các chiến lược, chiến thuật mà Trung Quốc đã, đang và sẽ áp dụng để từng bước tiến tới giành quyền lợi, quyền lực và vị trí mà nước này mong muốn trên thế giới hay không.

Nhưng riêng với VN, cho đến nay, có vẻ như mọi âm mưu, thủ đoạn, đường đi nước bước từ gần tới xa của Trung Quốc đều chứng tỏ họ tính đúng, họ đã và đang làm được hầu như tất cả những gì họ muốn.

Những chiến lược, chiến thuật khác nhau mà người Việt cũng đã nhìn ra được ấy là gì? Một mặt, ràng buộc VN, nói cho chính xác, ràng buộc đảng và nhà nước cộng sản VN vào mối quan hệ láng giềng, “anh em, đồng chí”, cùng chung một mô hình thể chế chính trị giữa hai đảng, hai nhà nước cộng với những “ân oán, nợ nần” xưa cũ từ thời đánh Pháp đánh Mỹ để “trói chân trói tay”.

Và như chúng ta thấy, bằng nhiều biện pháp mềm nắn rắn buông, bằng cả tiền và sức mạnh quân sự, nhà cầm quyền Trung Quốc đã kiểm soát mối quan hệ này một cách “thượng thừa” ra sao suốt mấy thập kỷ qua. Cho dù có lúc căng lúc chùng, có lúc êm ả bề mặt, có lúc căng thẳng thậm chí chiến tranh, nhưng họ vẫn luôn luôn nắm giữ được nhà cầm quyền VN, không cho thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng và hướng về thế giới tự do dân chủ.

Mặt khác, Bắc Kinh không ngừng hiện thực hóa âm mưu xâm lược VN về mọi mặt, từ lấn chiếm dần lãnh thổ, lãnh hải, khống chế về mặt quân sự, chính trị, kinh tế, xâm lăng về mặt văn hóa…Khi thì dùng sức mạnh quân sự đánh chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa, sau chiến tranh biên giới 1979 lại lấn chiếm một phần lãnh thổ, lấn thêm một phần lãnh thổ lãnh hải khác từ sự “nhường nhịn” của phía VN qua những lần ký kết các hiệp định phân định biên giới trên bộ, trên biển…

Khi thì dùng sức mạnh của đồng tiền mua chuộc đám quan tham chỉ biết nghĩ tới cái lợi cho mình mà mặc kệ lợi ích của đất nước, để mua quyền sử dụng hàng trăm héc ta rừng đầu nguồn, trúng thầu xây dựng hàng trăm, hàng ngàn dự án khác nhau dẫn đến sự có mặt lâu dài của hàng chục ngàn người Trung Quốc sang lao động tại nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ VN từ Nam ra Bắc; xây cất, chiếm cứ nhiều khu vực lâu dài dưới danh nghĩa thuê đất, xây dựng công ty, nhà máy, triển khai các dự án…

Trên biển Đông thì từng bước đánh chiếm đảo, xua hàng ngàn tàu cá có sự bảo vệ của các tàu quân sự ngang nhiên xâm phạm lãnh hải, tiến chiếm ngư trường, cướp nồi cơm của ngư dân VN, ngược lại, rượt đuổi, cướp bóc, đánh chìm tàu, hành hung, bắt cóc, đòi tiền chuộc, xịt vòi rồng tấn công… tàu cá của ngư dân VN, mục đích làm cho ngư dân VN phần thì mất vốn, nợ nần, phần sợ hãi dần dần từ bỏ ngư trường, từ bỏ vùng biến của nước mình.

Ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, áp đặt những luật lệ mới, ấn định vai trò mới của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong đó có VN. Tiến tới tiến hành cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng, chuyền vũ khí ra đảo…biến những hòn đảo nhân tạo này thành những căn cứ quân sự trong tương lai v.v…

Như đã nói, người VN không phải không nhìn ra những thủ đoạn ấy của Trung Quốc. Những chiến thuật kiểu như “tằm ăn dâu”, lấn dần từng bước, đặt mọi việc trước sự đã rồi, tạo ra sự quen dần hay trạng thái “lờn thuốc”, tất cả đều đã chứng tỏ sự thành công của nó, với nhà cầm quyền VN và ngay cả với nhân dân VN.

Bao giờ cũng thế, Bắc Kinh thử vi phạm đến quyền lợi, chủ quyền của các nước láng giềng trong đó có VN, tiến hành một loạt hành động khiêu khích ngang ngược, đến khi nước khác, cụ thể là VN, không chịu được và phản ứng thì họ lại tạm ngừng, xoa dịu cho tình hình lắng xuống một thời gian. Sau đó lại lặp lại hành động cũ, thậm chí mức độ xâm phạm cao hơn, nhưng lúc đó “nạn nhân” đã quen và sẽ không còn phản ứng mạnh như trước, thế là Bắc Kinh đã dấn tới được một bước, một lằn ranh mới về mặt xâm phạm chủ quyền, xâm phạm lợi ích đã được thiết lập. Và cứ thế…

Chẳng hạn, còn nhớ cách đây chừng bảy tám năm khi những thông tin đầu tiên về ngư dân VN bị tàu TQ tấn công trên biển, dù có chậm trễ và rất khó khăn mới đưa ra được trên một vài tờ báo dũng cảm lúc bấy giờ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên…người dân VN đã vô cùng giận dữ, phẫn nộ.

 
Tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc tấn công tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Soha

Nhưng cho đến bây giờ khi chuyện tàu cá VN bị tàu Trung Quốc tấn công xảy ra gần như thường xuyên, với bao câu chuyện thương tâm về ngư dân VN bị cướp hết ngư sản, ngư cụ, phá hỏng tàu, phải vỡ nợ, bị thương, thậm chí bỏ xác vì những cuộc tấn công tàn ác của tàu cá lẫn tàu quân sự TQ…Những thông tin đó giờ đã được đăng đều, công khai hơn, nhưng có bao nhiêu phần trăm người VN chú ý đến? Hay nước mắt của người trẻ VN còn dành để đổ xuống như mưa cho một nhóm nhạc K-Pop thần tượng, cho một lần thua trận bóng đá SEA Games như bài viết chua xót trên báo Thanh Niên “Khóc cho bóng đá, ai khóc cho ngư dân?”.

Lỗi không phải hoàn toàn ở một bộ phận giới trẻ hay người dân VN nói chung. Khi chính những người chịu trách nhiệm cao nhất về việc bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường, ngư dân là nhà cầm quyền VN còn không hề dám lên tiếng, không dám phản ứng mạnh!

Đâu rồi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phỏng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội, Hải quân… Lúc nào cũng chỉ thấy người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng lặp đi lặp lại những lời phản đối cũ mèm, hay Hội nghề cá lên tiếng phản đối, thi thoảng thì lãnh đạo địa phương tỉnh Quãng Ngãi hay Đà Nẵng cũng lên tiếng…

Những người lãnh lương bằng đồng thuế của nhân dân để chịu trách nhiệm cao nhất về đất nước, dân tộc đã không làm được gì, hay ngay các đại biểu Quốc hội còn chỉ dám họp kín về biển Đông và không có bất cứ một nghị quyết lên án TQ mạnh mẽ nào được thông qua, thì làm sao trách được những người trẻ thờ ơ, vô cảm, vô tình?

Tháng 11.2007, khi thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa, đã mở đầu cho hàng loạt cuộc biều tình tại Sài Gòn, Hà Nội. Những cuộc biểu tình có tính chất chính trị đầu tiên kể từ sau năm 1975 liên tiếp mấy Chủ Nhật, dù sau đó nhanh chóng bị dập tắt và những người chủ chốt thì bị sách nhiễu, đàn áp suốt nhiều năm sau đó, nhưng rõ ràng đã có một tiếng vang và ngay nhà cầm quyền TQ cũng phải lưu tâm.

Hoặc khi báo chí lần đầu đưa tin tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của VN vào năm 2011, hay khi TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5 năm 2014, dẫn tới việc nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố phản đối, đồng thời người Việt trong và ngoài nước đều có tổ chức những cuộc biều tình phản đối, tinh thần yêu nước dâng cao…

Nhưng sau đó, các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam vẫn tiếp tục bị cắt cáp, ví dụ như năm 2012 “TQ lại cắt cáp tàu Bình Minh 02” (BBC). Hay mới đây tàu thăm dò dầu khí Tân Hài 517 của TQ lại đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của VN ngày 5.6 (theo báo chí đưa tin, chỉ cách cách đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hòa khoảng 20 hải lý về phía đông bắc), sau đó đi ra ngày 8.6 nhưng mãi đến ngày 11.6 báo chí VN mới được phép đưa tin. Rõ ràng muốn vào lúc nào thì vào, muốn ra lúc nào thì ra.

Những phép thử của TQ với VN luôn luôn mang lại kết quả hài lòng và thành công cho họ. Nhà cầm quyền VN đã luôn luôn nhịn và sẽ còn tiếp tục nhịn. Không chỉ nhà cầm quyền VN bị “lờn thuốc”, trở nên mất sức đề kháng, mất khả năng phản ứng mạnh từ lâu, mà ngay cả người dân cũng bị “lờn thuốc”, trở nên không quan tâm hoặc không muốn lên tiếng nữa, bởi vì có lên tiếng cũng chẳng thay đổi được gì.

Đó là một trạng thái tâm lý rất nguy hiểm.

Sở dĩ Trung Quốc khống chế được VN, và thành công trong những thủ đoạn của họ là bởi vì VN đã và đang chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản vốn bị TQ khống chế về nhiều mặt; vì VN đang đi theo một mô hình thể chế chính trị độc tài ở đó đảng cộng sản luôn luôn đặt quyền lợi của đảng cao hơn lợi ích của đất nước, dân tộc. Trong nước thì tự làm yếu hèn sức mạnh của dân tộc khi bưng bít thông tin, không cho người dân được có ý kiến, chỉ trích mọi sai lầm của nhà nước, không được phép bộc lộ lòng yêu nước, phản đối những hành động của TQ, bên ngoài thì không dám lên tiếng mạnh, không dám liên minh với các nước dân chủ đứng đầu là Hoa Kỳ để có thêm sức mạnh bảo vệ đất nước…

Cho nên, với VN, nếu mục tiêu cuối cùng của TQ là thôn tính VN, thì nhiều khi họ sẽ đạt được chỉ bằng kế sách “bất chiến tự nhiên thành” thay vì phải sa lầy vào một cuộc chiến, hao quân tổn sức, lại giúp cho các nước không liên quan thủ lợi “tọa sơn quan hổ đấu”, cái trò mà chính nước này luôn áp dụng nếu được.

Chỉ trừ khi, trừ khi, người VN tỉnh thức!

Song Chi

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào: