Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Quốc hội VN bắt đầu chất vấn bộ trưởng

Bốn bộ trưởng và một phó thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với các chủ đề được cho là nặng về kinh tế.
Các phiên chất vấn được bắt đầu từ ngày hôm nay cho tới ngày 13/06.
Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội được truyền thông dẫn lời nói trong chất vấn lần này ''sẽ có đổi mới'' và yêu cầu các bộ trưởng không đi vào việc ''báo cáo thành tích của ngành.''

''Họ không đọc báo cáo mà chỉ 5 phút, còn tập trung vào trả lời chất vấn trực tiếp,'' ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Thủ tướng Dũng không trả lời chất vấn kỳ họp này và ủy quyền cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời thay, theo trang web Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được mô tả là sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào buổi sáng ngày 13/6/2015.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời chất vấn vào ngày hôm nay 11/06 trong khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được xếp lịch vào ngày 12/06.
Hiện cũng có ý kiến là nhiệm kỳ sắp hết nhưng có bộ trưởng chưa bao giờ đăng đàn, như bộ trưởng bộ quốc phòng, ngoại giao dù rất nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
''Một nguyên tắc rất quan trọng là khi quyết định chất vấn bộ trưởng nào đó là phải có đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Nếu không có câu hỏi chất vấn thì sẽ không có cơ sở để đưa bộ trưởng trả lời chất vấn được như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngoại giao,'' ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói hiện đã có 61 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và 15 Bộ trưởng, trưởng ngành.
''Trong số này, Thủ tướng nhận được 8 chất vấn có phạm vi liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có cả vấn đề biển Đông.''

Né tránh chủ đề Biển Đông?

Thủ tướng Dũng từng phát biểu mạnh về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông ở Quốc hội.
Căng thẳng tại Biển Đông là chủ đề hiện được dư luận quan tâm nhiều.
Cựu dân biểu Nguyễn Ngọc Trân được dẫn lời phàn nàn về việc né tránh vấn đề Biển Đông tại Quốc hội kỳ này.
''Ghép nối ba sự việc, buổi họp kín này chiều ngày 5.6, ngày thảo luận ở hội trường 8.6 và buổi họp hiếm thấy sáng ngày 9.6, tôi mong rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sâu sát và mẫn cảm hơn nữa với nguyện vọng của cử tri trong điều hành những ngày còn lại của kỳ họp, cụ thể để Quốc hội có ý kiến về vấn đề Biển Đông, như nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, và cử tri mong đợi!'', Giáo sư Trân được dẫn lời trên mạng.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc gây sức ép cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở Biển Đông, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói vào phiên chất vấn sáng 11/06 rằng cần nhờ tới sự can thiệp của hải quân và ngoại giao Việt Nam.
Trung Quốc vào hôm 08/06 chỉ trích thông cáo chung của nhóm G7 về căng thẳng tại Biển Đông là “xa rời thực tế” và thúc giục G7 “xóa bỏ thành kiến” với hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Giới lãnh đạo nhóm G7 vào hôm thứ Hai nói họ quan ngại về căng thẳng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vào ngày 4/6, Quốc hội Việt Nam thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và những người phát biểu đều ủng hộ dự án vốn gây nhiều tranh cãi.

Không có nhận xét nào: