Pages

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Phỏng vấn ông Kurt Campbell: Trung Quốc cần phải suy nghĩ cẩn thận hơn về việc kích động căng thẳng ở Biển Đông

Mặc dù Hoa Kỳ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn ở Đông Nam Á, cựu ngoại giao hàng đầu của Mỹ về vấn đề Á châu vẫn tin tưởng rằng nước Mỹ có thể và sẽ tiếp tục dẫn đầu trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Kurt Campbell, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, đã bày tỏ quan ngại về một bước lùi ở Quốc hội về chính sách thương mại. Ông cho biết thất bại trong việc không cấp Quyền Đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama sẽ đưa tới thiệt hại lớn cho lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ.

Ông Kurt Campbell trả lời phỏng vấn ở Washington, D.C. Photo: Yuko Lanham
Ông Kurt Campbell trả lời phỏng vấn ở Washington, D.C.
 Photo: Yuko Lanham
Trong một cuộc phỏng vấn của báo Asahi Shimbun, ở văn phòng Washington, D.C. của mình, ông Campbell đã thảo luận một loạt các chủ đề từ việc cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đến việc di chuyển một căn cứ không quân của Mỹ ở tỉnh Okinawa.

Về vấn đề Biển Đông, ông Campbell nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trong tự do hàng hải, và cảnh báo Trung Quốc nên xem xét một cách cẩn thận các hành động của họ có thể ảnh hưởng đến quan hệ với các nước láng giềng.

Ông nói, “Trung Quốc đang bắt đầu hiểu và nhận ra những gì mà Hoa Kỳ đã từng biết trong một thời gian dài, rằng khi các cường quốc lớn làm điều gì đó, họ nhận được sự chú ý nhiều hơn các nước nhỏ hơn”.

Về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mới do Trung Quốc dẫn đầu, mà Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không tham gia, ông cho biết, bởi vì cả hai nước [Mỹ và Nhật Bản] đều là các nước lớn cam kết với sự phát triển và tiêu chuẩn quốc tế, họ nên tìm cách để định hình tổ chức này.

Ông Campbell cũng cho rằng, theo quan điểm của ông, cải cách an ninh tại Nhật Bản gia tăng khả năng răn đe. Ông lập luận rằng sự hợp tác liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, chứ không phải gia tăng khả năng Nhật Bản bị lôi kéo vào một cuộc xung đột, sẽ làm giảm rủi ro hiềm khích xảy ra trong khu vực.

Ông Takeshi Onaga là Thống đốc của Okinawa mới được bầu lên, đã kịch liệt phản đối kế hoạch di dời căn cứ không quân Thủy quân Lục chiến Futenma từ Ginowan đông dân tới quận Henoko của đảo Nago, cũng trong tỉnh Okinawa.

“Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được sự hỗ trợ của người dân Okinawa và chính phủ của họ, và vì thế, thực tế về sự chống đối này làm cho tất cả chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm”, Ông Campbell nói.

Sau đây là trích dẫn từ cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Có mối quan tâm ngày càng tăng giữa các nước láng giềng liên quan đến các nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc và xây dựng phi đạo tiếp theo ở Biển Đông, dẫn đến căng thẳng gia tăng cao trong khu vực. Hoa Kỳ đã kêu gọi ngưng những nỗ lực này, trong khi Trung Quốc trả lời rằng công việc xây dựng ở các đảo là “hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. Ông thấy vấn đề này thế nào?

Ông Campbell: Biển Đông vô cùng phức tạp, với các yêu sách chồng lấn và một số quốc gia tiến hành củng cố tham vọng lãnh thổ và yêu sách chủ quyền của riêng họ. Những điều này và các vấn đề khác về chủ quyền lãnh thổ và trách nhiệm của các nước ở châu Á là một trong những vấn đề phức tạp nhất đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Hoa Kỳ đã cố gắng, trong một số trường hợp, chứng tỏ cương vị mạnh mẽ và nhất quán phù hợp với việc duy trì hòa bình và ổn định.

Điều quan trọng nhất đối với Hoa Kỳ, và một vấn đề trải qua nhiều nhiệm kỳ [tổng thống] và khởi đầu từ giai đoạn sớm nhất ở nước cộng hòa của chúng ta, là nhu cầu cần thiết để bảo vệ và hỗ trợ tự do hàng hải và sự thông thương của các tuyến đường biển. Mỗi năm, có khoảng 30 đến 50% thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông.

Tôi nghĩ rằng vị trí của Trung Quốc nằm ở chỗ, đây là những vùng lãnh hải, và rằng họ sẽ tìm cách bảo vệ sự an toàn thương mại đi ngang qua khu vực này.

Hơn bất cứ điều gì khác, chính vấn đề này trái ngược với cách tiếp cận của Mỹ, và chúng tôi tin rằng, với bất kỳ biện pháp chiến lược nào, hoặc bất kỳ sự giải thích nào về Luật Hàng hải hoặc các khuôn khổ pháp lý tương ứng, các khu vực này là vùng biển quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực thi các bước, như sự thách thức đối với tự do hàng hải và những vấn đề như thế, để nhấn mạnh rằng thương mại và tàu thuyền qua lại khu vực này, trên thực tế, nằm trong vùng biển quốc tế.

Các vấn đề liên quan đến việc củng cố các hòn đảo này và xây dựng cơ sở vật chất trên đó là khiêu khích và đưa ra câu hỏi lớn. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải dừng lại và suy nghĩ cẩn thận về việc liệu, bằng cách thực hiện các bước như vậy, họ đang gây ra những hậu quả tại các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và những nước khác, là những nước không được lợi ích chiến lược tốt nhất.

Tôi nhận thấy có một số người ở Trung Quốc tin rằng bằng cách nào đó họ chỉ đơn giản đuổi theo hoặc làm những điều mà các nước khác đang làm, nhưng sự thật là Trung Quốc đang bắt đầu hiểu, và nhận ra, những gì mà Hoa Kỳ đã biết đến trong một thời gian dài, rằng khi các cường quốc lớn làm gì đó, họ nhận được sự chú ý nhiều hơn các nước nhỏ hơn.

Hỏi: Có những người tin rằng Hoa Kỳ đã không kiềm chế đủ những nỗ lực cải tạo đất một cách khiêu khích của Trung Quốc và kêu gọi Hoa Kỳ đem tàu chiến tới các rạn san hô để gửi đi một tín hiệu rõ ràng hơn. Ông nghĩ thế nào?

Trả Lời: Tôi nghĩ rằng lợi ích chiến lược của Mỹ chủ yếu liên quan đến tự do hàng hải và sự thông thương của các tuyến đường biển. Theo đó, cũng như trường hợp các bước mà Trung Quốc đã làm để củng cố các hòn đảo đã gây ra lo ngại. Chúng tôi cũng thấy các quốc gia khác hối hả, không với cùng một tốc độ, nhưng cùng một lúc, củng cố vị trí của họ trên những đảo này.

Cuối cùng, Hoa Kỳ sẽ kiên trì và tiếp cận những vấn đề này bằng ngoại giao. Tôi không tin rằng sẽ có những giải pháp dễ dàng hay, ngay cả, giải pháp quân sự, đối với một số những thách thức này. Chúng tôi muốn làm việc công khai và có chủ đích, nhưng cùng lúc, không ai có lợi khi thấy một cuộc khủng hoảng xảy ra ở một trong những tiền đồn ở Biển Đông.

Điều này thực ra liên quan đến các mối quan hệ lớn hơn. Nếu Trung Quốc khăng khăng với những hoạt động này, không phải chỉ là những gì xảy ra ở Biển Đông; mà chính những hành động này lây nhiễm vào các mối quan hệ chiến lược lớn hơn, rất quan trọng cho việc duy trì hòa bình và ổn định khắp châu Á.

Hỏi: Thương nghị sĩ John McCain và Harry Reid mới đây đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter bày tỏ rằng, qua các hành vi gần đây của Trung Quốc, họ không cho rằng Bắc Kinh nên được mời tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Ông có đồng ý không?

Trả lời: Điều duy nhất tôi có thể nói là, nói chung, chúng ta đã từng chỉ trích Trung Quốc khi họ hủy bỏ mối liên hệ hay giao tiếp giữa quân sự với quân sự trong trường hợp một điều gì đó xảy ra mà họ không hài lòng, ngay cả việc bán vũ khí cho Đài Loan hay những thứ khác, và về cơ bản chúng ta nói, “Chúng ta phải có mối quan hệ giữa quân sự để, trên khía cạnh nào đó, có thể đối phó với những thăng trầm không thể tránh khỏi trong quan hệ”.

Và tôi nghĩ rằng, lời khuyên tốt cũng có thể áp dụng cho Hoa Kỳ, và vì vậy sự thật là tôi nghĩ rằng hiệu ứng xã hội, nỗ lực để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn không chỉ với Trung Quốc mà còn giữa các lực lượng hải quân và quân đội ở châu Á, nằm trong lợi ích chiến lược tốt nhất của chúng ta. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng loại trừ Trung Quốc ra khỏi những cuộc tập trận này phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ. Thực ra, tôi có thể mường tượng một tình huống trong đó quân đội Trung Quốc sẽ lắng nghe những mối quan tâm của một số quốc gia, và điều đó thực sự có thể có tác động mạnh mẽ hơn.

Làm tốt hơn công việc hội nhập Trung Quốc

Hỏi: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn đầu sẽ được thành lập trong tháng này, với gần 60 nước tham gia. Có nhiều người cho rằng đây là một thất bại ngoại giao về phía Mỹ vì nhiều đồng minh của Mỹ tham gia, cũng như sự thất bại về cải cách hạn ngạch IMF tại Quốc hội Mỹ đã bị các nước đang phát triển phản đối dữ dội. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trả lời: Tôi có thể nói rằng cả hai vấn đề cải cách hạn ngạch và AIIB có thể đã được xử lý với kỹ năng và hiệu quả cao của chính quyền Mỹ. Và, thực ra, cách thức mà những vấn đề này được thực hiện, thông thường đã nêu lên một số câu hỏi ở châu Á.

Nhưng có hai sự kiện khác cần ghi nhớ. Tôi nghĩ rằng công bằng mà nói, những bước đầu tiên của Trung Quốc liên quan đến AIIB được thiết kế, trong nhiều khía cạnh, để loại trừ Hoa Kỳ, và ngay sau đó họ quay trở lại nghiên cứu một phương thức tham gia nào đó của Mỹ.

Tôi tin rằng chìa khóa ở đây là có một số tổ chức mà Trung Quốc sẽ muốn tham gia, hiện đang có sẵn. Nhưng cũng sẽ có những cơ hội cho Trung Quốc để tự tạo ra những tổ chức mới. Và điểm mấu chốt ở đây không chỉ đơn giản là chống lại những nỗ lực đó, nhưng tìm cách để hỗ trợ và định hình những ý tưởng và cơ hội đó. Tôi nghĩ điều này phù hợp hơn với những gì mà Hoa Kỳ đang khởi sự một cách chiến lược để làm việc với Trung Quốc.

Vì vậy, điều này như một cảnh báo, niềm hy vọng phía trước là chúng ta tốt hơn nên tìm cách hội nhập Trung Quốc qua ngân hàng AIIB và các nước khác tham gia trong đó, để ngân hàng này đồng điệu hơn với các tổ chức Bretton Woods khác (Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế).

Hỏi: Cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng sẽ không gia nhập ngân hàng AIIB. Do từng đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng to lớn ở châu Á rõ ràng chứng tỏ Trung Quốc là một “quyền lực mềm”. Phải chăng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lùi lại phía sau?

Trả lời: Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lùi lại phía sau quá nhiều. Tôi tin rằng cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có vị thế mạnh ở châu Á.

Sự thật đơn giản là tổ chức này sẽ xảy ra. Khoản tiền đáng kể sẽ được đặt lên bàn cho cơ sở hạ tầng, từ Ấn Độ đến hầu hết vùng Nam Á, xuyên qua Đông Nam Á. Và tôi nghĩ rằng chúng ta muốn những khoản đầu tư và những cam kết đó được thực hiện đồng điệu với các tiêu chuẩn quốc tế, liên quan tới cách thức cho vay và hỗ trợ hiện nay trong các tổ chức tài chánh quốc tế và các ngân hàng phát triển đa phương.

Về việc Nhật Bản quyết định không tham gia, đó là quyết định thuộc quyền của Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản có thể có lý do chiến lược riêng của họ. Rõ ràng, mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng trong môi trường hiện tại.

Tôi nghĩ sự thật của vấn đề là tổ chức này sẽ tiến về phía trước, và tôi nghĩ rằng chúng ta là những nước mạnh cam kết với sự phát triển và các tiêu chuẩn quốc tế, nên tìm cách để định hình tổ chức này.

Hỏi: Về chính sách thương mại, có câu hỏi quan trọng là liệu Quốc hội sẽ cấp Quyền Đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống Obama. Thượng viện đã thông qua TPA, nhưng nỗ lực ban đầu để thông qua TPA ở Hạ viện đã bị đình trệ. Ông thấy vấn đề này thế nào?

Trả lời: Đó sẽ là một thách thức, nhưng tôi nghĩ mọi người nhận ra rằng lá phiếu cho TPA này thực sự là cuộc trưng cầu cơ bản xung quanh TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Và tôi nghĩ rằng sẽ có đủ số phiếu và đủ động lực để hoàn thành điều này, nhưng tôi không đánh giá thấp những thách thức. Vẫn còn nhiều việc cần phải làm, nhưng tôi mong rằng sẽ có hỗ trợ cho dự luật này để đi tới. Những diễn tiến gần đây thực sự là một trở ngại, nhưng chúng ta đã đi quá xa đến nỗi không thể bỏ cuộc bây giờ. Tôi tin tưởng rằng với sự sáng tạo và kiên trì, cuối cùng chúng ta sẽ hoàn tất chuyện này. Không làm như vậy sẽ gây tổn hại lớn đến lợi ích chiến lược của Mỹ trong dài hạn.

Hỏi: Trong cuộc điều trần trước Thượng viện, ông nói, “Nếu chúng ta làm tất cả mọi điều đúng ở châu Á… và chúng ta không hoàn tất TPP, hạng điểm tốt nhất mà chúng ta có thể có được trong hai năm tới là C-trừ”. Tại sao ông nghĩ TPP là vấn đề quan trọng như thế?

Trả lời: Đó là vì những điểm mà ông đưa ra trước đây, các dự luật khác đang được bàn thảo. Sự thật là, dự luật này giúp cho Mỹ hội nhập với châu Á, về phương diện tài chánh, chính trị, chiến lược, và cho thấy rằng chúng ta cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.

Tôi cũng nghĩ rằng, tại tâm điểm của vấn đề là tiềm năng cho một mối quan hệ khác, về thương mại và kinh tế, giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng là điều vô cùng thú vị. Và chúng ta hãy nhớ rằng dù liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản gần gũi thế nào chăng nữa, đã từng có bao lần chúng ta tranh cãi về những vấn đề này trong quá khứ. Vì vậy, dự luật này có thể rất quan trọng và mang nhiều hy vọng.

Hỏi: Các vấn đề chồng chất của Biển Đông, ngân hàng AIIB, và nỗ lực vận động cho TPA đã khiến nhiều nước ở châu Á đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ. Là kiến trúc sư chủ chốt của chiến lược “tái cân bằng sang châu Á”, ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể vẫn duy trì vai trò lãnh đạo trong khu vực?

Trả lời: Châu Á đang quan sát những dấu hiệu bất lực của Hoa Kỳ, và sự bất khả thông qua dự luật, những nỗ lực để tránh tình trạng ngưng trệ bộ máy vận hành của chính phủ, hoặc các vấn đề về TPP, có xu hướng làm gia tăng mối quan ngại ở châu Á về tính hiệu quả của chính phủ chúng ta.

Nhưng tôi không nghi ngờ mà tin rằng Hoa Kỳ có thể và sẽ tiếp tục dẫn đầu ở châu Á. Nếu ông nhìn lại lịch sử của 30 hoặc 40 năm qua, một trong những chủ đề đáng chú ý, lặp đi lặp lại là sự tin tưởng căn bản về sự suy thoái của Mỹ hoặc sự bất khả trong việc xử lý các vấn đề chiến lược. Chúng ta thấy điều đó vào lúc kết thúc chiến tranh Việt Nam và kết thúc chiến tranh lạnh, cũng như trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính và những cuộc chiến thảm khốc ở Trung Đông.

Thực ra, Hoa Kỳ duy trì và hiện vẫn là một nhân tố chiến lược ở châu Á. Và tôi tin đó sẽ là viễn cảnh trong nhiều thập niên tới. Và chúng tôi có đủ khả năng để làm điều đó.

Tôi tin rằng tổng thống và nhóm làm việc của ông đang đặt ra một kế hoạch hành động có ý nghĩa cho châu Á. Tôi nghĩ rằng vấn đề là những thách thức hiện nay ở Trung Đông và Nam Á quá lớn đến nỗi đã hút rất nhiều không khí trong phòng. Thách thức thực sự cho chính sách đối ngoại của Mỹ là dành thì giờ và sự chú tâm để tập trung vào những vấn đề quan trọng ở châu Á. Và tôi tin rằng chúng ta có thể làm điều đó.

Hỏi: Chính quyền Obama nói rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không phải là ngăn chặn. Xem xét mức độ liên kết giữa mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, nhiều người cho rằng ngăn chặn, thậm chí không còn là một giải pháp. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ buộc phải có một lập trường dung hòa hơn đối với hành động hung hăng và quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Đông Á?

Trả lời: Có một số lĩnh vực mà Hoa Kỳ [có lập trường] khá cứng rắn, như an ninh mạng, và tôi nghĩ chúng ta đã rất rõ ràng về các vấn đề và mối quan tâm lớn hơn của chúng ta đối với Biển Đông.

Tôi nghĩ chúng ta đã rất rõ ràng đối với các vấn đề xung quanh quần đảo Senkaku, như người Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư (những đảo này nằm ở Biển Đông Á) – rằng những đảo này nằm trong Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Và tôi nghĩ rằng cách tiếp cận và sự minh bạch như thế, qua thời gian, cuối cùng sẽ làm giảm đi những căng thẳng.

Tôi tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải làm việc thông qua những vấn đề khó khăn. Có lẽ trước mắt sẽ không thể tránh khỏi sự gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì vậy, học cách ứng phó với sự căng thẳng và quản lý hiệu quả sẽ là một trong những thách thức lớn của chúng ta.

Mang Hàn Quốc và Nhật Bản gần lại

Hỏi: Ông đánh giá thế nào về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe và bài diễn văn của ông ở Quốc hội? Có những lời chỉ trích từ chính phủ và quốc hội Hàn Quốc rằng bài diễn văn của ông Abe đã không chứa đựng lời xin lỗi cho các vấn đề lịch sử như chế độ thực dân của Nhật Bản và “phụ nữ giải sầu”. Ông nghĩ thế nào về những lời chỉ trích này?

Trả lời: Tôi cho rằng chuyến đi của Thủ tướng Abe đến Mỹ rất thành công trên nhiều phương diện. Tôi nghĩ, ông ta đã được tôn trọng và ngưỡng mộ, như là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đạt được tiến bộ rất lớn về an ninh và những vấn đề liên quan đến TPP đằng sau hậu trường, và tôi nghĩ rằng thủ tướng đã đọc một bài diễn văn đầy cảm xúc về lịch sử cho Quốc hội Hoa Kỳ.

Tôi nhận thấy có rất nhiều lời chỉ trích và theo dõi những vấn đề lịch sử này, và chúng khích động căng thẳng giữa Nhật Bản với Nam Hàn và Nhật Bản với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, về tổng thể, quan điểm của Mỹ là những vấn đề này, thực ra, tốt nhất nên giải quyết trong phòng kín và rằng thực sự, chúng tôi muốn các nước và chính khách tập trung nhiều hơn vào tương lai.

Tôi muốn hồi tưởng về khoảng thời gian 70 năm qua hơn là vào khoảng từ cuối thập niên 1930 tới năm 1945. Tôi tin rằng Nhật Bản là một đất nước khác rất nhiều so với trước đây. Tôi không nghi ngờ rằng vẫn còn có những lo lắng ở châu Á về Nhật Bản và vai trò đó. Nhưng, cuối cùng, chúng ta cần phải nhắc nhở bạn bè và những người khác rằng 70 năm qua đã cho thấy sự đóng góp đáng kể của Nhật Bản cho hòa bình, thịnh vượng, cách tiếp cận và đối thoại thông thường ở châu Á và vào các tổ chức quốc tế, là điều thực sự gây ấn tượng. Và chúng ta cần phải luôn luôn ghi nhớ và hỗ trợ cho họ.

Cuối cùng, nếu tôi có thể có một đề nghị, tôi muốn nhìn thấy Hoa Kỳ tham gia trực tiếp hơn trong cố gắng mang Nam Hàn và Nhật Bản lại gần với nhau. Khó có thể nhìn hai người bạn thân như thế có mối quan hệ căng thẳng, và sự thật là sự căng thẳng này gây tổn thương cho Mỹ, và sự kiện này cần phải được điều chỉnh.

Hỏi: Sau khi sửa đổi cách diễn giải về [chiến lược] tự vệ tập thể, các cuộc thảo luận về luật an ninh mới đã bắt đầu tại Nhật Bản. Ông Abe nói ở quốc hội Nhật rằng, “Chúng ta sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần ở những nơi an toàn được bảo đảm. Nhật Bản sẽ không bao giờ bị lôi kéo vào một cuộc chiến liên quan tới Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, có rất nhiều người ở Nhật Bản lo sợ rằng Lực lượng Phòng vệ [Nhật Bản] sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nếu cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng của Mỹ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trả lời: Sự thật vẫn là châu Á đang trở nên phức tạp hơn. Chúng ta thấy những bất ổn liên quan đến Bắc Triều Tiên, chúng ta thấy sự gia tăng chi tiêu quốc phòng lớn trong khu vực, gồm Trung Quốc và các nước khác. Tình hình khu vực đang thay đổi và Nhật Bản cần phải đáp ứng một số những thách thức đó, cập nhật hồ sơ an ninh của họ và mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng đó là một con đường thận trọng.

Nhưng sẽ tùy [sự quyết định của] các nhà lãnh đạo và dân chúng Nhật Bản về con đường chọn theo và đi bao xa, và tôi nhận thấy khá rõ ràng rằng Nhật Bản là một quốc gia yêu chuộng hòa bình muốn thận trọng về bất kỳ chiến dịch hoặc sự gia nhập nào có thể dẫn đất nước vào cuộc xung đột rộng lớn. Tôi nghĩ rằng mọi nhà hoạch định chính sách của Mỹ đều hiểu điều đó và nhận thức rõ ước muốn sâu xa đối với việc Nhật Bản nên sống trong hòa bình.

Nói như thế, tôi tin rằng chúng ta có nhiều cơ hội hơn để sống trong hòa bình và hòa hợp, với mối quan hệ gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tôi nghĩ rằng các bước thận trọng của Nhật Bản đã làm tăng sự răn đe. Và điều quan trọng nên nhớ là quá trình này đã được duy trì qua nhiều nhiệm kỳ chính phủ, không chỉ LDP (Đảng Dân chủ Tự do) mà còn DPJ (Đảng Dân chủ Nhật Bản).

Như vậy, tôi tin rằng Nhật Bản thực sự làm cho xung đột ít có thể xảy ra hơn, chứ không phải nhiều khả năng xảy ra. Và tôi nghĩ rằng thủ tướng đã rất rõ ràng khi ông dự định sẽ phải rất cẩn thận về tầm mức và thời điểm đưa Nhật Bản tham gia vào bất kỳ môi trường an ninh nào với Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ rằng như thế là thích hợp.

Hỏi: Về vấn đề di chuyển căn cứ không quân của Mỹ ở Futenma, sự rạn nứt giữa chính phủ Nhật Bản và tỉnh Okinawa đã lớn hơn. Trong chuyến thăm Washington, D.C. gần đây, Thống đốc Okinawa Takeshi Onaga đã nhắc lại sự phản đối của ông trong việc di chuyển căn cứ không quân Futenma tới Henoko. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, và làm cách nào để Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể vượt qua sự bế tắc này?

Trả lời: Nếu ông nói với tôi vào thời điểm khi tôi lần đầu tiên làm việc trên vấn đề này vào năm 1995, rằng vấn đề này vẫn chưa giải quyết được và nó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho mối quan hệ chiến lược của Mỹ với Nhật Bản, có lẽ tôi sẽ quan tâm và lo lắng bởi vì chúng tôi có một số lượng khổng lồ những điều mà chúng tôi cần phải tập trung vào.

Cuối cùng, tôi là một người ủng hộ giảm bớt gánh nặng cho người dân Okinawa. Tôi nghĩ rằng kế hoạch soạn thảo có thể được thực hiện trong chiều hướng giúp hỗ trợ liên minh Mỹ-Nhật Bản trong khi làm giảm bớt gánh nặng cho người dân Okinawa.

Nhưng tôi cũng muốn nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được thực hiện với sự hỗ trợ của người dân Okinawa và chính phủ của họ, và trên thực tế có sự phản đối thế này làm cho tất cả chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm.

Hiện nay tôi đã rời khỏi chính quyền, vì vậy tôi không có bất kỳ lời khuyên cụ thể nào. Tất cả tôi có thể nói, là những nước dân chủ, bất cứ điều gì chúng ta làm đều phải được thực hiện thông qua một quá trình đối thoại và hiểu biết, và chuyến thăm Washington của thống đốc là một cơ hội cho người Mỹ lắng nghe viễn kiến trực tiếp của ông về Okinawa. Cá nhân tôi muốn thấy một quá trình trong đó các lực lượng [quân sự] của chúng ta có thể được duy trì ở châu Á, gồm ở Nhật Bản và Okinawa, trong một phương cách để có sự hỗ trợ không chỉ của người dân Okinawa mà còn cả người dân Nhật Bản.

____

Ông Kurt Campbell từng là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và các vấn đề Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama trong bốn năm, cho tới năm 2013. Trước đó, ông là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong chính quyền Clinton. Ông là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của The Asia Group, một công ty tư vấn và quản lý vốn.

Tác giả: TAKESHI YAMAWAKI, Trưởng văn phòng báo Asahi Shimbun, trụ sở ở Mỹ

Người dịch: Trần Văn Minh

(Ba Sàm)

Không có nhận xét nào: