Pages

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Những nhân tố chính trong ván cờ mới Mỹ-Trung-Nga

Khi bà Hillary Clinton đọc bài phát biểu tranh cử, không phải vô tình đã đưa Trung Quốc và Nga trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai của nước Mỹ.

clinton(2).jpg

Hoạt động bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức bắt đầu vào ngày 15/6/2016. Ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Hillary Rodham Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa là ông Jeb Bush đều đã chính thức bước vào “trận chiến”. Khi bà Hillary Clinton đọc bài phát biểu tranh cử, không phải vô tình đã đưa Trung Quốc và Nga trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai của nước Mỹ. Cạnh tranh thực sự là một điều tốt, thông qua cạnh tranh có thể thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Về phía Nga, kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, đến nay vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi cái gọi là “mô hình hậu Xôviết”, tức là sau khi bức tường hình thái ý thức sụp đổ, Nga chuyển sang duy trì thể chế quyền lực kiểu mới, hai nhân vật Putin và Medvedev lần lượt nắm quyền lực trong nhiều năm. Theo một số người thì cái giá của kiểu quyền lực này khiến cho sự phát triển và sáng tạo bị ảnh hưởng tương đối.

Trong một thời gian dài, Nga chỉ xuất khẩu sang các nước hai sản phẩm chính: đó là dầu mỏ và vũ khí. Tuy nhiên, từ Stalin trước đây cho đến Putin ngày nay, họ đã thừa hưởng một truyền thống được lưu lại từ thời Sa hoàng, đó là rất quyết đoán và mạnh mẽ trong việc mở rộng lãnh thổ. Ông Putin năm ngoái đã cho sáp nhập Crimea từ Ukraine vào Nga, song hiện tại ông đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế và tẩy chay của các nước phương Tây. Sau sự kiện trên, Mỹ đã cho triển khai các hệ thống vũ khí hạng nặng đến các nước láng giềng của Nga, và đã được không ít các nước ở Đông Âu hoan nghênh ủng hộ. Mặc dù ông Putin ngay lập tức công bố mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Nga, song việc khởi động một cuộc chạy đua vũ khí mới với phương Tây e rằng không phải là việc làm có lợi cho Nga.

Rốt cục, nước Nga ngày nay vẫn thiếu niềm tin cho sự phát triển, luôn lo lắng về sự xâm lược của phương Tây. Thực ra, với sức mạnh tổng hợp và lợi thế địa lý của mình, Nga không có gì phải lo ngại. Trong lịch sử, Napoleon của nước Pháp và Hitler của nước Đức đều cố gắng chinh phục Nga, song đã phải chịu thất bại nặng nề. Điều nước Nga ngày nay cần phải làm đó là mạnh dạn thực hiện xã hội dân sự toàn diện, thực hiện pháp trị dân chủ, đó mới là cách giải quyết triệt để vấn đề, là thứ để cạnh tranh với phương Tây.

Đối với Trung Quốc, sau hơn hai năm cầm quyền, triết lý và phương sách trị quốc của thế hệ lãnh đạo thứ năm ở nước này đã được phác thảo rõ ràng hơn. Về chính trị trong nước, có thể tổng kết thành “chống tham nhũng mạnh mẽ, xây dựng đảng để trị quốc”. Điều này dường như thích hợp hơn so với cái gọi là “cải cách mở cửa, dựa vào pháp luật để trị quốc”. Tuy nhiên, sau khi đánh song “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bước tiếp theo của cuộc chiến chống tham nhũng vẫn không có gì lạc quan.

Việc không đưa ra được các biện pháp trị tận gốc, nên cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn luôn được xem là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Về việc tăng cường sức mạnh của đảng để trị quốc, tư duy và cách thực hiện vẫn cho thấy sự lạc hậu và lỗi thời, ví dụ như coi các phần tử phủ bại trong nội bộ đảng là “sản phẩm” của phương Tây và “cách mạng màu sắc”, đây rõ ràng là sự gán ghép gượng gạo. Phải thừa nhận rằng nguồn sức mạnh và sự trưởng thành thực sự của một đảng cần phải bắt nguồn từ nhân dân, thực tiễn lịch sử đã chứng minh điều này.

Trong sách lược đối ngoại, cách làm mới của giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ là “mạnh dạn thể hiện, có lợi là làm”, hoặc chiến lược gọi là “tiến một bước, lùi nửa bước”. Ví dụ, Trung Quốc vừa tuyên bố hoàn thành các hoạt động xây dựng của mình ở Biển Đông, tức là các hoạt động xây dựng sẽ kết thúc, việc làm trên rõ ràng có tác dụng giảm bớt áp lực từ Mỹ và lo ngại từ các nước láng giềng.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, mặc dù quan hệ Mỹ -Trung nóng lên vì vấn đề Biển Đông, nhưng không khó để thấy rằng từ tháng 4 trở lại đây, tốc độ nắm trái phiếu Mỹ của Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Sau một loạt hoạt động đối thoại kinh tế chiến lược giữa chính phủ và quân đội hai nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch thăm Mỹ vào tháng 9 tới, như vậy có thể nói quan hệ hợp tác Mỹ-Trung sẽ vẫn tiếp tục là dòng chủ lưu.

Theo “Liên hợp Buổi sáng”

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: