Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Những khẩu đại bác của quyền lực Trung Quốc

mediaQuân đội Trung Quốc tập trận, ngày 22/07/2014.REUTERS/Petar Kujundzic
Bài phân tích trên nhật báo Le Monde mang tựa đề « Những khẩu đại bác của quyền lực Trung Quốc » nhận định, Trung Quốc chưa bao giờ trưng ra bộ mặt một cường quốc tự tin như thế.



Tác giả Alain Frachon cho rằng, dường như các nước đều đang gặp khó khăn. Hoa Kỳ tìm kiếm tăng trưởng vững chắc, Châu Âu thì chỉ cần có tăng trưởng, Trung Đông đang xâu xé, Châu Phi gượng dậy trong hỗn loạn và nỗi đau…Nhưng Trung Quốc, người khổng lồ oai vệ thì lại tiến bước, dửng dưng với những biến cố trong nội bộ, như không gì có thể ngăn nổi một sự cất cánh hiển nhiên.
Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã thắng điểm được khá nhiều. Định chế đa phương mà Trung Quốc vừa thành lập dù Hoa Kỳ hoàn toàn không ủng hộ - Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, mà các đồng minh Châu Âu của Mỹ vội vã muốn gia nhập – vừa họp hội nghị đầu tiên.
Cũng mới cách đây vài tuần, Tập Cận Bình đã tái khởi động « Con đường tơ lụa » với lời hứa tăng cường đầu tư. Trung Quốc vốn chưa bao giờ lệ thuộc vào thương mại quốc tế như thế, đã thiết lập những liên hệ đường biển và đường bộ, trong tương lai sẽ nối liền với Trung Á, Châu Âu và Trung Đông. Tác giả ví von, như vậy Trung Quốc sẽ đến với chúng ta cả bằng cách đi bộ, đi xe lửa lẫn đi tàu biển.
Đảo nhân tạo : Bắc Kinh khiêu khích người Mỹ
Hiếm khi Bắc Kinh trưng ra hình ảnh một cường quốc quá tự tin như thế. Tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh công khai thách thức Washington. Ở Biển Đông, Trung Quốc bồi đắp lấn biển, chuyển đổi các đảo đá ngầm và rạn san hô thành những hòn đảo thực sự ; bất chấp các nước láng giềng cũng đòi chủ quyền như Việt Nam, Philippines…Những cơ sở hạ tầng vững chắc được xây dựng, từ cảng nước sâu, phi đạo cho máy bay tiêm kích cho đến giàn radar…Bắc Kinh khẳng định thuộc chủ quyền của mình, láng giềng thì tố cáo dùng vũ lực để áp đặt chuyện đã rồi.
Le Monde nhắc lại, lần đầu tiên hôm 28/5 Mỹ loan báo phát hiện hai khẩu pháo trên một hòn đảo nhân tạo Trung Quốc. Một sự khiêu khích chăng ? Các nước láng giềng lên tiếng muốn được Mỹ bảo vệ. Hoa Kỳ với sự hiện diện của Đệ thất hạm đội, đòi tự do hàng hải tại Biển Đông, đáp trả bằng cách duy trì tuần tra bằng phi cơ và chiến hạm. Hồi giữa tháng Năm, suýt nữa thì đã xảy ra sự cố.
Bài xã luận của Financial Times hôm 1/6 viết, tại Thái Bình Dương « chậm chạp nhưng chắc chắn, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trên đường đối đầu nhau ». Chuyên gia về Trung Quốc François Godement của European Council on Foreign Relation cho rằng « Bắc Kinh khiêu khích Mỹ », khiến Mỹ phải « bước ra tuyến đầu » dù không muốn.
Trung Quốc đặt cược vào « chính sách kiềm chế chiến lược » của chính quyền Obama để tránh bị Hoa Kỳ trả đũa thực sự, muốn cho các nước trong khu vực thấy là nay Mỹ không còn đảm bảo an ninh tại Thái Bình Dương như trước nữa.
Bàn tay sắt của Tập Cận Bình
Hôm 26/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) « tăng điểm tín nhiệm » cho Bắc Kinh cho rằng dù không phải là ngoại tệ chuyển đổi được, đồng nhân dân tệ không còn bị đặt dưới giá trị thật. Điều này nằm trong chủ trương chuyển hướng mô hình tăng trưởng sang dựa trên tiêu thụ, chứ không chỉ từ đầu tư và xuất khẩu. Thật ra cũng không dễ dàng : tỉ lệ tăng trưởng năm nay không thể đạt 7% mà chỉ khoảng 6,4%. Ngân hàng Trung ương buộc các ngân hàng thương mại phải cho cả những công ty hoạt động không hiệu quả vay tiền, và hiện tượng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài vẫn tiếp tục.
Từ hai năm qua, Tập Cận Bình đã chứng tỏ quyền uy cả trong nước lẫn ngoài nước. Trong một Trung Quốc toàn cầu hóa, ông ta cao giọng rao giảng những luận điệu vốn đã dân tộc chủ nghĩa đến cực độ. Mượn danh chống tham nhũng, Tập Cận Bình trừ khử tất cả các đối thủ thực sự hay tiềm năng. Lo sợ sự tương phản quá mức trong một nền kinh tế đang cải cách, vừa tạo ra của cải vừa gây thêm bất bình đẳng ; hay một « xã hội dân sự » háo hức trước những làn gió mới bên ngoài ? Tập Cận Bình bóp nghẹt tất cả phong trào đối lập, biện minh bằng « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc ».
Từ sau khi thời đạo Mao chấm dứt, Trung Quốc chưa bao giờ trong tình cảnh bị siết chặt đến thế về an ninh và ý thức hệ. Dự luật an ninh quốc gia vừa được công bố gồm cả chống lại « những giá trị phương Tây » và « ảnh hưởng nước ngoài ». Tập Cận Bình bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô, cũng là cơn ác mộng của ông Gorbachev. Theo François Godement, ông Tập vừa muốn « hiện đại hóa Nhà nước độc đảng » hay chính xác hơn là « tái khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ».
Cũng theo chuyên gia Godement, chủ trương của Tập Cận Bình: « Chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, xã hội tiêu thụ và một số biện pháp tự do hóa nền kinh tế, miễn là không đụng chạm đến Nhà nước độc đảng ». Đó là những nghịch lý của « Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc ».

Không có nhận xét nào: