Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

NGUYỄN LỘC YÊN - CUỘC CHIẾN QUỐC-CỘNG, QUAN TRỌNG Ở Ý THỨC HỆ

(Viết cho ngày Quân Lực VNCH)
Học thuyết do Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895) là 2 người Đức (German), được Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) và Josef Stalin (1927-1953) là 2 người Nga (Russia) phát triển và đưa đến đấu tranh giai cấp, được gọi là cuộc cách mạng của giai cấp vô sản, nhưng Marx và Lenin được nói đến nhiều hơn. Từ đấy, người ta gọi là Chủ nghĩa Marx-Lenin, được coi là ý thức hệ chính thức của Liên Xô vào giữa thập niên 1920. Chủ nghĩa Marx-Lenin tạo ra phong trào Cộng sản Quốc tế, gây ra các cuộc đấu tranh giai cấp để gầy dựng xã hội chủ nghĩa hay Cộng sản chủ nghĩa. Cộng sản chủ nghĩa đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, có 15 quốc gia chính thức theo chủ nghĩa cộng sản: Albania, Bulgaria, Czechoslovakia, Đông Đức, Hungary, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Yugoslavia, Tàu, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam và 11 quốc gia có khuynh hướng cộng sản: Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Mozambique, Zimbabwe, Grenada, Nicaragua, Campuchia, Afghanistan và Nam Yemen. Như vậy, tổng số các nước chính thức là cộng sản và các nước có khuynh hướng cộng sản là 26 nước. Cộng sản muốn nhuộm đỏ cả thế giới nên những Quốc gia tự do trên thế giới đã chống lại, tạo thành hai thế lực Quốc-Cộng rõ rệt.

– Theo học thuyết của Marx thì Chủ nghĩa duy vật dựa trên lý thuyết duy vật biện chứng để giải thích về quá trình lịch sử phát triển xã hội loài người, đã dựa trên mô hình của các nước Âu châu mà sự phát triển của “lực lượng sản xuất” sẽ đưa đến sự biến đổi của “quan hệ sản xuất” qua các giai đoạn: Thời nguyên thủy (thời đồ đá), đến chiếm hữu nô lệ (bóc lột), đến phong kiến (chế độ tập quyền), đến tư bản (thụ hưởng thiếu công bình) và cuối cùng là cộng sản (bình đẳng và văn minh)?!. Lý thuyết của Marx là mọi người sẽ bình đẳng, không có hiện tượng “người bóc lột người” đưa đến “thế giới đại đồng” và đề xướng: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
– Học thuyết của Lenin cũng giống như Marx, các đảng cộng sản phải là đảng của giai cấp công nhân trên thế giới, đấu tranh theo sự nghiệp chung của vô sản trên toàn thế giới. Lenin đem áp dụng học thuyết của cộng sản vào đấu tranh, đề cao khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” trong Đệ nhất thế chiến, từ tư tưởng này giai cấp vô sản Nga đã nhân cơ hội hỗn loạn trong nước, tạo điều kiện để đưa đến “cách mạng vô sản thành công”. Học thuyết của Lenin còn xác định: “Miễn là có lợi cho sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản thì đều là chính nghĩa, có hại cho cuộc đấu tranh đó thì đều là phi nghĩa.”
– Học thuyết của Mao Trạch Đông có thể gọi là Maoism (chủ nghĩa Mao) có sự khác biệt với Marxism-Leninism đã coi “động lực chính của cách mạng là giai cấp công nhân” và coi nhẹ giai cấp nông dân, nông dân chỉ là thành phần hỗ trợ mà thôi. Ngược lại, Mao Trạch Đông xuất phát từ điều kiện nước nông nghiệp, giai cấp công nhân còn phôi thai, xã hội của nước Tàu lúc ấy mâu thuẫn nông dân và địa chủ là cốt lỗi, nên Maoism coi “lực lượng cách mạng chủ lực” là giai cấp nông dân và “Nông thôn là căn cứ địa của cách mạng”, vì vậy học thuyết chủ yếu của Mao là “Lấy nông thôn bao vây thành thị” và “Súng đẻ ra chính quyền”. Mao còn đưa ra lý luận về chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân, đã cổ động trong tác phẩm “Du kích chiến” của Mao mà ở đấy nghiên cứu kỹ càng về quân sự, chính trị, tâm lý và các phương thức xây dựng căn cứ địa, tiến hành chiến tranh nhân dân ở nông thôn. Maoism còn khác với Marxism-Leninism tiền bối là không đặt vấn đề giai cấp lên trên dân tộc, lại coi quyền lợi quốc gia là thiết yếu dù phải chiến tranh giành quyền lợi cho đất nước mình.
Chủ nghĩa cộng sản bao gồm các lý luận về luồng tư tưởng: Chính trị, kinh tế, xã hội. Cộng sản hy vọng xóa bỏ hình thái kinh tế, xã hội của “chủ nghĩa tư bản”, để xây dựng một xã hội không giai cấp không có quyền tư hữu. Chủ nghĩa cộng sản phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 19 và bắt đầu suy tàn trong thế kỷ 20. “Chủ nghĩa cộng sản là không tưởng” nên các nước Cộng sản Đông Âu đã sụp đổ năm 1989, Cộng sản Liên Xô đã tan rã năm 1991, quốc kỳ Liên Xô tại điện Kremlin phải hạ xuống để thay thế bằng quốc kỳ Nga và Nga tuyên bố thừa nhận nền độc lập của mười hai (12) nước Cộng hòa trong Liên bang Xô Viết. Đến nay còn tồn tại 5 nước cộng sản: Tàu, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam. Người viết xin nói qua về “Cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng trên thế giới” và “Cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam”.
I – Cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng trên thế giới:
Cuộc chiến Quốc-Cộng tại nước Tàu thời gian từ tháng 4 năm 1927 đến tháng 5 năm 1950. Cuộc chiến bắt đầu khi phái cánh hữu của Quốc dân đảng do Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch dẫn đầu đã thanh trừng những người cộng sản và cánh tả của Quốc dân đảng, Quốc dân đảng được phương Tây ủng hộ và Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo được Liên Xô chỉ đạo. Khi quân Nhật tiến chiếm lãnh thổ Mãn Châu làm thuộc địa, thì hai phía Quốc-Cộng tạm ngưng các cuộc tấn công quân sự lẫn nhau, để thành lập “Mặt trận thống nhất Trung quốc đệ nhị” tập trung vào việc chống kẻ thù chung là đế quốc Nhật. Năm 1937, Nhật cho máy bay ném bom các thành phố của nước Tàu, đồng thời tung các đạo quân tinh nhuệ đánh chiếm miền bắc và miền duyên hải nước Tàu. Thế mà, hai phe Quốc-Cộng chỉ liên minh trên danh nghĩa, nên cả Quốc dân đảng lẫn đảng Cộng sản đều tìm cách chiếm đóng những lãnh thổ không nằm trong tay quân đội Nhật. Sau đó, Quốc dân đảng lại giao tranh với quân Nhật khiến cho lực lượng của Quốc dân đảng phải chịu nhiều tổn thất. Vì vậy, khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt (1945) thì Đảng Cộng sản còn mạnh và chiếm ưu thế. Đến ngày 1-10-1949, tại Thiên An Môn, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước “Cộng hòa Nhân dân Trung quốc” trên Lục địa Tàu, theo chế độ Cộng sản như Liên Xô, còn phe Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thì giữ Đài Loan.
Đến năm 1950, các lực lượng đồng minh do Mỹ lãnh đạo, với danh nghĩa Liên Hiệp Quốc. Tại chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Triều Tiên do Tổng Bí thư Kim Nhật Thành lãnh đạo với sự chỉ đạo của Liên Xô, đã tấn công Nam Triều Tiên. Chính phủ Nam Hàn do Tổng thống Lý Thừa Vãn thống lĩnh với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, đã đẩy lùi quân đội của Bắc Triều Tiên. Ngày 7-10-1950, quân Liên Hiệp Quốc vượt vĩ tuyến 38. Mao lo ngại chiến tranh có thể lan rộng đến Hoa Lục, nên một ngày sau đấy, Mao liền cho thành lập lực lượng Chí nguyện quân để giúp Bắc Triều Tiên, đối đầu trực diện với lực lượng Liên Hiệp Quốc. Sau 3 năm, chiến cuộc kết thúc khi hai miền đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27-7-1953.
II – Cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam:
Cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đằng đẵng 20 năm (1954-1975) giữa miền Bắc Việt Nam được gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) theo chế độ Cộng sản. Miền Nam Việt Nam được gọi là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) còn có thể gọi là chính thể Quốc gia. Cuộc chiến bằng vũ lực đã chấm dứt ngày 30-4-1975, nhưng chưa chấm dứt về “Cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng”. Cuộc chiến bằng vũ lực tại miền Nam Việt Nam đã gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, cuộc tương tàn này có phải là nội chiến không? Cuộc tương tàn này có giống cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam thời Lê-Mạc phân tranh 47 năm (1545-1592) hay thời Trịnh-Nguyễn phân tranh 45 năm (1627-1672) không? Cuộc chiến này có giống cuộc nội chiến của Hoa Kỳ (1861-1865) xảy ra giữa các Tiểu bang (War Between the States) đã tương tàn, do Chính phủ Liên bang miền Bắc (Union: 25 tiểu bang) chiến đấu với Liên minh miền Nam (Confederate States of America) của Hoa Kỳ không? Xin thưa không, vì sao?: Vì cựu Tổng bí thư Lê Duẩn đã thành thật thú nhận: “Ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”!
Ngày 8-3-2015, Đài RFA đã phổ biến: “Hồi Ức 30/4 của người Việt tại Đông Âu”, nói về nhà báo Bắc Việt Trần Quang Thành, người từng có mặt với Trần Văn Trà và Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập ngày 1-5-1975. Sau này, Thành viết: “…Nhìn lại 40 năm cuộc chiến gọi là chống Mỹ cứu nước nhưng thực tế nó lại là một cuộc chiến về ý thức hệ của những người Cộng sản lừa dối nhân dân ta, thực tế nó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Những người chóp bu của Cộng sản đã lừa dối nhân dân Việt Nam và lừa dối cả nhân dân toàn thế giới. Họ kích động tinh thần dân tộc của người dân miền Bắc là: miền Bắc là tiền đồn phía Đông Nam Á của phe Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng thực chất bây giờ chúng ta mới hiểu đây là một cuộc chiến của những người Cộng sản Việt Nam tay sai cho 2 nước Cộng sản là Nga sô và Trung Cộng để mà thực hiện ý thức hệ Cộng sản bành trướng trên toàn thế giới chứ không phải là một cuộc chiến tranh Vệ quốc như họ từng tuyên truyền là chống Mỹ xâm lược. Tôi thấy đó là một sự lừa dối và phản bội.”
Những nguyên nhân chính mà miền Nam Việt Nam bị thất bại vào năm 1975?!:
1 – Quân đội miền Nam Việt Nam thiếu quân dụng, đạn dược để chiến đấu, mời xem bài “Những sự thật về Chiến Tranh Việt Nam” của Giáo sư Robert F. Turner ở Đại Học Luật Khoa Virginia và Học Viện Hải Quân thuộc Trung tâm an ninh Luật Pháp Quốc Gia, ông đã thẳng thắn nói rằng: “Có một bài viết trong báo Foreign Affairs năm 2004, do Giáo sư John Lewis Gaddis là Khoa trưởng American Diplomatic Historians đã nhận định đúng đắn: Các sử gia hiện tại công nhận rằng miền Nam Việt Nam và đồng minh đã thắng cuộc chiến quân sự. Nhưng lại thua cuộc chiến tâm lý tại Mỹ. Tôi xin nhắc lại cho quý vị trẻ biết sau khi bị bỏ bom tơi bời Hà Nội vội vã trở lại đàm phán tại Paris. Và mọi chuyện êm xuôi nếu chúng ta dùng máy bay B52 để trấn giữ hiệp định. Nhưng quốc hội với áp lực của Phong trào Hòa Bình đã thông qua dự luật vào năm 1973. Sẽ là bất hợp pháp nếu Tổng thống sử dụng bất cứ đồng nào trong công quỹ cho cuộc chiến tại Việt Nam, Lào và Cambodia. Làm như vậy, Quốc hội đã chuyển thắng thành bại. Quốc hội phản bội lời cam kết lịch sử của Hoa Kỳ là bảo vệ các nước không Cộng sản tại Đông Dương. Lúc ấy tôi làm việc tại Thượng nghị viện, nghị sĩ Ted Kennedy tuyên bố rằng Việt Nam không cần giúp đỡ, họ đã có lượng vũ khí trị giá vô số triệu đô la. Đó là sự thật, Việt Nam có phi cơ trực thăng, xe tăng Hoa Kỳ. Nhưng cái mà họ không biết là Việt Nam không có đạn, không có xăng, không có phụ tùng. Đống đồ đó trở nên vô dụng. Đây là câu chuyện tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe”.
2 – Trước năm 1975: Người miền Bắc lầm lẫn tin chủ nghĩa Cộng sản, người miền Nam thờ ơ với cuộc chiến. Điều này chính những người trí thức ở miền Bắc đã lầm lẫn và hối hận, như: Nhà báo Trần Quang Thành đã nêu ở trên.
Bùi Tín từng phục vụ trong đảng CSVN 44 năm, từng là Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân Dân Chủ Nhật. Năm 1990 Bùi Tín sang Pháp dự hội hàng năm của báo LHumanité, nhân đấy xin tỵ nạn tại Pháp. Ban đầu ông chỉ phê phán đường lối cai trị của ban lãnh đạo đảng CSVN, nhưng vẫn tin tưởng “Bác Hồ”, sau thời gian dài 25 năm sống ở Pháp, ở thế giới tự do có dịp tìm hiểu giữa Quốc-Cộng, trong bài viết bàn về hai chữ: “Giác ngộ (gửi các đảng viên CS, các đồng chí cũ)” do đài VOA phổ biến ngày 2-6-2015, ông đã giác ngộ và viết trung thực: “Ngay đối với thần tượng Hồ Chí Minh, tuy tôi biết rằng đây là bình phong cố thủ lợi hại của thế lực bảo thủ trong đảng CS do tệ sùng bái cá nhân ăn quá sâu trong quần chúng, tôi vẫn thấy cần và có thể thuyết phục ngày càng đông đảo bà con ta nhận ra sự thật. Sự thật là ông HCM không phải là thánh thần. Ông là con người với những tốt xấu, mạnh yếu, đúng sai của mình. Ông đã lầm lẫn khi chọn con đường CS, khi lao quá sâu rồi không dám quay lại nữa. Ông đã xa rời lập trường dân tộc, thực hiện lập trường giai cấp cực đoan, đặt ảo tưởng vào giai cấp vô sản quốc tế, và mù quáng đặt niềm tin ở 2 ông Anh lớn Stalin và Mao, 2 con Quỷ Đỏ mà ông cho là “không bao giờ có thể sai”.
– Phan Huy là Bộ đội cũng là Nhà thơ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, sau ngày “giải phóng miền Nam” đã thổ lộ qua bài thơ “Lời Anh Bộ Đội Vào Nam”:
Năm ấy tôi mới vừa khôn lớn
Hai miền đã dứt cuộc tương tranh
Hiệp định Ba Lê cùng ký kết
Tôi mừng đất nước hết đao binh…
Nhưng rồi đảng bảo tôi cầm súng
Lên đường chiến đấu ở Miền Nam
Đảng nói nguỵ quyền đầy gian ác
Dân mình trong đó sống lầm than.
Khi chiếm được Sài Gòn thì Phan Huy ngỡ ngàng và hối hận:
Bây giờ nghĩ lại càng chua xót
Cuộc chiến sao mà quá dại điên!
Sao đem xương máu người dân Việt
Xây đắp ngôi cho đảng bạo quyền?
Sau 40 năm “giải phóng Sài Gòn” thì Phan Huy tuổi đã lớn kinh nghiệm thêm già dặn, ngẫm nghĩ chính xác hơn, lại thổ lộ tâm tình qua bài thơ “Ngày Quốc hận” có đoạn:
Bốn mươi năm sau “ngày thắng cuộc”
Vẹm Cộng hiện hình đảng cướp công khai
Đất nước bên lề nô vong Hán hoá
Dân tộc trầm luân dưới ách độc tài.
Tại miền Nam Việt Nam, người chiến sĩ VNCH đang can trường chống Cộng quân nơi chiến trường vì chính nghĩa, vì bảo vệ tự do cho Đồng bào; khi đấy có bao nhiêu phần trăm Đồng bào miền Nam hiểu sự chiến đấu của chiến sĩ VNCH là hoàn toàn chính nghĩa, và sự tiến chiếm miền Nam của CSVN là hành động phi nghĩa?!
Trong khi ấy, tại miền Nam Việt Nam lại có lắm kẻ “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”, như: Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, năm 1958 Mẫm 15 tuổi, đang học lớp Đệ ngũ, trường Pétrus Ký, Mẫm được kết nạp vào tổ chức bí mật do Nguyễn Văn Chí có biệt danh là Sáu Chí. Mẫm từng được giao công tác rải truyền đơn chống chính phủ, đến năm 1960 được kết nạp vào “Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn-Gia Định”?!.
Phi công Nguyễn Thành Trung (lúc đó là Trung úy Không quân VNCH) đã dùng máy bay phản lực F5-E ném bom Dinh Độc Lập vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 8-4-1975, tên thật của Trung là Đinh Khắc Chung, bí danh là Năm Chung, có anh cả là Đinh Khắc Cần, Cần đã tập kết ra Bắc rồi trở về Sài Gòn hoạt động?!.
Lê Hiếu Đằng từng là thành viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn trước 1975, Đằng đã lén lút hoạt động cho cộng sản, sau năm 1975 Đằng được CSVN ban cho chức vị, chức sau cùng là “Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc” tại thành phố Sài Gòn, đến lúc nằm trên giường bệnh sắp lâm chung, Đằng mới tỉnh ngộ: “Quốc hội CSVN là bù nhìn”, Đằng viết: “Đó là một hiến pháp đi ngược lại lòng dân, không có dân chủ, nhất là trong vấn đề ruộng đất”. Ôi, dù tỉnh ngộ muộn màng cũng hơn không!
Còn nhiều người miền Nam đã tiếp tế lương thực, thuốc men cho VC đến sau năm 1975 mới sáng mắt sáng lòng thì hối hận muộn màng, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn nên không thể kể hết!
III- Nước Việt Nam hiện nay:
Nhà cầm quyền CSVN cai trị đất nước bằng độc đảng, độc tài nhưng lại quỵ lụy Tàu cộng nên tương lai đất nước rất tối tăm! Vì vậy, có một số người Việt còn nặng tình quê hương đã đấu tranh quyết liệt, nhất là tuổi trẻ, như: Sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã khẳng khái xác định tại Phiên tòa phúc thẩm ở Long An năm 2013, bằng câu nói lịch sử, “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc”.
Sinh viên Đinh Nguyên Kha đã dõng dạc trả lời tại phiên tòa tại Tòa án tỉnh Long An năm 2013: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”. Các Sinh viên thật là can trường không sợ quan tòa là “Người lên đồng nói những điều không do lý trí của họ, mà họ nói những điều do phù thủy điều khiển!”.
Chúng ta cũng không thể quên lòng can trường nhiệt huyết của: Nguyễn Hoàng Vi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Nhạc sĩ Việt Khang, Nguyễn Đắc Kiên… Tuy nhiên, lòng sắt son đáng phục ấy chưa được đông đảo?! Dù vậy, người viết nghĩ rằng chiến thắng của CSVN ngày 30-4-1975 chỉ là chiến thắng bằng vũ lực, nhưng CSVN đã/đang thất bại về “Cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” vì thắng hay bại trong cuộc chiến ý thức hệ không thể tính bằng chiếm thành, chiếm đất mà tính bằng ý thức chính nghĩa và lòng dân.
Nhớ đến câu nói của tướng Moshe Dayan (1915-1981), ông có biệt danh “Độc nhãn tướng quân”, vì mắt bên trái mang mảnh che màu đen, ông là nhà chính trị và là một danh tướng của nước Do Thái (Israel). Tướng Moshe Dayan sang thăm Việt Nam trước năm 1975, sau khi quan sát tình hình, đã nói rằng: “Muốn thắng cộng sản, phải để cho cộng sản thắng trước”. Nếu đúng như vậy, đất nước của chúng ta có hy vọng sáng sủa vậy.
Mong thay!
Ngày 12-6-2015
Nguyễn Lộc Yên

Không có nhận xét nào: