Pages

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Mỹ có cản được Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông?

Hải quân Mỹ theo dõi hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông

Hôm 9/6, tờ The Age (Australia) đặt câu hỏi: Mặc dù đang có hành động và lời nói rất cứng rắn về Biển Đông, nhưng liệu Mỹ có cản được những hành động phi lý và hung hăng của Trung Quốc hay không?

Theo The Age, từ lâu các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã cho rằng Washington sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ trật tự khu vực và luật pháp quốc tế trước những hành động ngang ngược và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc. Họ cũng cho rằng, Bắc Kinh càng hung hăng thì các nước láng giềng sẽ càng đứng về phía Washington để chống lại sự hung hăng đó.

Gần đây, Mỹ liên tục có những tuyên bố, các sự kiện truyền thông và đỉnh điểm là điều cả máy bay giám sát tới các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên Biển Đông.

Tất cả những hành động trên là nhằm chứng minh rằng Washington đã quyết định vạch ra một "đường giới hạn đỏ" ở Biển Đông. Hồi cuối tháng Năm, tại Diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nghiêm khắc chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố Mỹ kịch liệt phản đối hành động cải tạo và quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo The Age, nhiều nước châu Á đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để chống lại Trung Quốc. Các quốc gia đều không muốn chịu đựng những hành động phi lý của Trung Quốc và muốn có một quốc gia nào đó có thể ngăn cản tình trạng như vậy. Và mọi người đều cho rằng, Mỹ chính là quốc gia có khả năng khiến Trung Quốc phải lùi bước.

Bản thân chính phủ Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc phải tiếp tục chấp nhận khả năng chiến lược và quân sự của Mỹ trong khu vực. Tháng trước, ông Carter đã khẳng định mục tiêu chiến lược của Mỹ rằng: “Chúng tôi sẽ vẫn là cường quốc an ninh chính tại châu Á trong nhiều thập kỉ tới".

 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc an ninh chính tại châu Á trong nhiều thập kỉ tới.

Tất nhiên, Bắc Kinh bác bỏ điều này và đang tìm kiếm một trật tự mới tại châu Á mà ở đó Bắc Kinh ít nhất cũng có vị thể ngang ngửa với Mỹ, nếu không thay thế được hoàn toàn Mỹ. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng Biển Đông phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh chứ không phải Washington. Trung Quốc cũng luôn cho rằng mặc dù có những tuyên bố cứng rắn nhưng chính quyền Obama cũng không sẵn sàng đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Nếu Mỹ không thể hành động hiệu quả để ngăn chặn Trung Quốc thì việc càng nhiều quan chức Mỹ khẳng định sẽ hành động cứng rắn với Bắc Kinh, thì uy tín của Mỹ càng bị ảnh hưởng. Và điều đó càng chứng minh rằng sức mạnh ở châu Á đang dịch chuyển về phía Bắc Kinh.

 
Hành động cải tạo và xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông
đang gây căng thẳng trong khu vực.

Hơn nữa, chưa thể chắc chắn rằng các quốc gia châu Á sẵn sàng đứng về phía Washington để chống lại Bắc Kinh bởi không ai muốn gây tổn hại tới mối quan hệ với Bắc Kinh và không ai muốn Mỹ - Trung đối đầu căng thẳng, dẫn đến xung đột.

Và vấn đề quan trọng nhất, Mỹ có thực sự sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây dựng, cải tạo trái phép ở Biển Đông hay không khi Trung Quốc đã khẳng định sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Mỹ có bất kỳ hành động can thiệp nào nghiêm trọng hơn?

Điều đó có nghĩa là Washington sẽ bị rơi vào tình huống khó xử. Nếu không có hành động hiệu quả để chặn Trung Quốc, Washington sẽ bị cho là ngày càng yếu kém. Từ đó, vị thế của Trung Quốc ngày càng được khẳng định.

Cùng với Biển Đông, tình hình ở Syria và Ukraine sẽ là bằng chứng cho thấy vai trò ngày càng suy giảm của Mỹ trên thế giới.

Còn nếu quyết định bằng mọi giá kiềm chế Trung Quốc, Washington phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng leo thang, thậm chí có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Đây là một mối nguy hiểm thực sự và chắc chắn đó là điều mà Mỹ không hề mong muốn.

Phạm Khánh (Lược dịch)

(Infonet)

Không có nhận xét nào: