Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Mất tích sau khi làm việc ở đồn công an và những sai phạm của công an xã

Dân Luận tổng hợp
Chị Huyền viết đơn trình báo công an TP Bảo Lộc về việc con của chị bị mất tích 8 ngày qua - Ảnh: G.Bảo (Tuổi Trẻ)
Trẻ vị thành niên mất tích sau khi làm việc ở đồn công an
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Cháu Vũ Hà Duân cùng với hai người em họ của mình đã bị công an xã Lộc Châu, Lâm Đồng đưa về đồn làm việc. Sau khi được thả về nhà, Duân có kể cho mẹ rằng mình bị công an đánh rồi nói có việc phải ra ngoài, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa thấy về.

Vào ngày 29/5, Cháu Duân (sinh năm 2000) rủ hai người em họ của mình là Vũ Đại Phong Nhã (14 tuổi) và Vũ Đại Hào Kiệt (12 tuổi) lên đồi ném đá xe đào đậu trên đồi vì làm tràn đất xuống vườn. Trên đường về thì cả ba bị công an bắt đưa về đồn làm việc. Khi đó, người nhà của Duân nhìn thấy 3 cháu bị bắt nên đã lên đồn công an xã Lộc Châu hỏi thăm tình hình. Tại đây, mẹ của Duân thấy con mình đã bị đưa vào phòng kín thẩm vấn riêng, còn 2 cháu Nhã và Kiệt đang ngồi đợi bên ngoài.
Đến chiều thì cả 3 cháu Duân, Nhã và Kiệt được thả về nhà. Riêng Duân chỉ kịp thông báo với mẹ rằng mình bị công an đánh trong lúc thẩm vấn rồi nói có việc phải ra ngoài, nhưng đi luôn từ đó đến nay chưa thấy về.
Theo lởi kể của Nhã và Kiệt thì Duân có bị công an ép cung, bắt Duân phải thừa nhận rằng có một người nào đó tên Hưng đã thuê Duân ném vỡ kính xe, khi Duân không nhận thì đã bị tát vào mặt và nhốt riêng thẩm vấn. Ngoài ra, công an xã Lộc Châu còn bắt Duân phải lau nhà, đợi đến chiều thì ba anh em mới được về nhà.
Sau khi con mình mất tích 2 ngày, gia đình Duân có làm đơn trình báo, đề nghị công an hỗ trợ tìm kiếm nhưng phía công an không đồng ý, bảo gia đình tự tổ chức tìm kiếm. Còn về việc đánh cháu Duân trong quá trình lấy lời khai, ông Trần Văn Ngôn, phó công an xã Lộc Châu nói rằng không biết vấn đề đó, vì người thẩm vấn cháu Duân là một công an mới thực tập tên Bắc.
Những sai phạm của công an xã Lộc Châu.
Qua sự việc trên, chưa biết những hành vi mà ba cháu bé này gây ra có phạm tội hay không nhưng những việc mà công an xã Lộc Châu đã làm cho thấy họ vi phạm pháp luật quá rõ ràng. Ít nhất là ở 3 hành vi sau:
Thứ nhất là đã dùng bạo lực để ép buộc cháu Duân thừa nhận có người thuê mình ném đá vào xe chở đậu qua lời kể của hai cháu Nhã và Kiệt.
Thứ 2 là bắt người trái pháp luật. Theo điều 303 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự: Bắt, tạm giữ, tạm giam:
“1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
3. Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam.”
Ở đây, cả 3 cháu Duân, Nhã và Kiệt đều dưới 18 tuổi, không phạm tôi đặc biệt nghiêm trọng và khi 3 cháu bị bắt, công an không hề báo tin cho người nhà biết. Bố cháu Duân chỉ biết tin khi tình cờ nhìn thấy con mình đang bị bắt đưa về đồn.
Thứ 3, Công an xã đã lấy lời khai của trẻ vị thành niên mà không có người nhà chứng kiến. Công an xã Lộc Châu không thông báo cho người nhà cháu Duân đã là sai luật. Khi mẹ ruột của cháu Duân lên đồn công an Lộc Châu hỏi thăm tình hình, công an xã vẫn không cho chị được gặp con và chứng kiến quá trình lấy lời khai của con mình. Khoản 2, điều 306, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự ghi rõ:
"Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra."
Ngoài ra, những người công an xã Lộc Châu rất vô trách nhiệm. Khi gia đình cháu Duân làm đơn trình báo có người mất tích quá 2 ngày và yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm người mất tích, công an xã - những người "bảo vệ công lý" - bảo gia đình tự tổ chức đi tìm. Chỉ khi sự việc này được báo chí vào cuộc tìm hiểu thì ông Trần Văn Ngôn, phó công an xã Lộc Châu mới nói rằng "đang phối hợp tìm kiếm" nhưng cũng không đưa ra được bất kì phương án hỗ trợ tìm kiếm nào.
Qua sự việc này, có thể thấy rằng người dân Việt Nam, đặc biệt ở vùng nông thôn, còn thiếu nhiều kiến thức về luật để tự bảo vệ mình khi cần thiết. Và họ còn mang rất nặng tâm lí "con dân" khi phải đối mặt, làm việc với chính quyền, mà cụ thể ở đây là công an xã.

Không có nhận xét nào: