Pages

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Mao, Tập và “Cơn bão tháng Giêng”

CHINA_(IT)_140114_Xi_Invokes

Mao Trạch Đông phát động cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản” vào ngày 16 tháng 5 năm 1966. Sự việc đã làm nổ ra cuộc đấu đá vũ trang nội bộ phức tạp và khốc liệt, mà bản chất là sự tranh giành quyền lực giữa một Mao Trạch Đông đang nỗ lực giữ vững nguyên trạng và một Lưu Thiếu Kỳ đang cố gắng thúc đẩy cải cách.

Lưu Thiếu Kỳ nhận thấy những thất bại thê thảm từ các chính sách kinh tế của Mao, những hoang tưởng về sự thay đổi đã hằn sâu vào đầu óc Mao và cách lý giải rất hời hợt của Mao về những gì phù hợp với chủ nghĩa Mác và – nguy hiểm hơn nữa – những gì không phù hợp.

Lưu Thiếu Kỳ đã dàn dựng một “cuộc đảo chính” nhờ vào việc thao túng các cơ chế nội bộ nắm giữ quyền lực nhà nước. Mao Trạch Đông sử dụng phương pháp trực tiếp hơn. Ông chủ trương “nã pháo vào bộ tư lệnh và lật đổ bè lũ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa,” đồng thời lên án “mọi thứ có vẻ tả khuynh lại có thể là hữu khuynh về bản chất,” dẫu điều này chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn. Chính phủ và bộ máy Nhà nước – các công cụ của Lưu – đều bị tê liệt và cuộc tranh trừng nội bộ đẫm máu những lãnh đạo chống đối bắt đầu. Cuộc cách mạng bao gồm “các yếu tố của một cuộc săn lùng phù thủy, một cuộc thập tự chinh, một tòa án xét xử dị giáo và đời sống chính trị cung đình tàn khốc” (theo William A. Joseph, Politics in China: An Introduction, 2014). Kết quả là một thập kỷ hủy diệt trên quy mô lớn chưa từng thấy.

Tháng Giêng năm 1967, một năm sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu có hiệu lực, một sự kiện chấn động khác diễn ra. Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông (khi này đã ly thân?), cùng với ba người bạn gồm Vương Hồng Văn (phó chủ tịch thứ hai của Đảng), Trương Xuân Kiều (người đứng đầu Ủy ban cách mạng Thượng Hải) và Diêu Văn Nguyên (người kiểm soát truyền thông đại chúng của đảng) đã hình thành một nhóm được biết với tên “Tứ nhân bang.” Trương Xuân Kiều, với tư cách là người đứng đầu phe theo chủ nghĩa Mao, đã đoạt lại quyền từ “phe tư bản chủ nghĩa” ở Thượng Hải. Đây chính là “Cơn bão tháng Giêng” đối với Mao. Nó trở thành hình mẫu cho Cách mạng Văn hóa ở các tỉnh khác.

Quan trọng hơn, sự ủng hộ của Mao Trạch Đông vào lúc sức khỏe của ông suy yếu đã giúp Tứ nhân bang thâu tóm quyền lực để vượt lên những người còn sót lại của phe Lưu Thiếu Kỳ đã bị thanh trừng. Sự kiện Mao Trạch Đông qua đời chấm dứt cuộc tranh giành quyền lực, điều quan trọng nhất là việc đó xảy ra sau khi phần lớn phe của Lưu Thiếu Kỳ đã bị hạ bệ. Tứ nhân bang củng cố thế lực của mình qua khẩu hiệu “nghi ngờ tất cả, lật đổ tất cả” (theo Chi Hsin, The case of Gang of Four, Cosmos Books, Hong Kong năm 1978, 1-50). Họ huy động hơn nửa triệu Hồng vệ binh bao vây các cơ quan Nhà nước, chiếm đoạt quyền kiểm soát của Chính phủ và đàn áp mọi đối thủ.

Trong lúc tình trạng nghèo đói lan rộng, do lo ngại về mối đe dọa an ninh từ bên ngoài và việc người dân ngày càng tỉnh ngộ sau một thời gian dài chịu đựng, Đảng Cộng sản buộc phải lựa chọn một chính phủ ổn định để có thể chấm dứt tình trạng vô chính phủ vốn bị buông lỏng do cuộc tranh giành quyền lực. Nhân tố chủ chốt (cho sự ổn định này) chính là sự hỗ trợ và ủng hộ vô điều kiện của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), lực lượng đã bị chính Tứ nhân bang chối bỏ.

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (Nguyên soái PLA), Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong và các nhà kinh tế cải cách Trần Vân và Lý Tiên Niệm là những nhân tố nòng cốt cho thế hệ lãnh đạo đảng tiếp theo, bao gồm bốn nguyên soái và bảy tướng lĩnh đang tại chức, tất cả đều hướng tới sự ổn định. Họ hoạt động ráo riết và thách thức nhóm Giang Thanh. Trong vòng một tháng sau cái chết của Mao Trạch Đông ngày 9/9/1976, họ đã tiến hành một cuộc đảo chính thành công. Cách mạng Văn hóa chính thức khép lại vào tháng 10/1976 với sự sụp đổ của Tứ nhân bang.

Có bốn đặc trưng của thập kỷ bất ổn này đáng nghiên cứu. Thứ nhất là quyền lực chính trị bao trùm sự cai trị độc đoán nhưng mong manh của Mao Trạch Đông. Thứ hai là tình cảnh khốn cùng kéo dài và sự tỉnh ngộ của những người đã phải chịu đựng nạn đói, di dời chỗ ở và tử vong lên đến nhiều triệu người thời kỳ “Đại nhảy vọt” của Mao. Lúc này họ phải chịu đựng một cuộc đấu đá quyền lực được che hờ trong cái vỏ Cách mạng Văn hóa. Thứ ba, sự kích động của quần chúng được châm ngòi từ cuộc cách mạng làm dấy lên những cảm xúc giống như sự sùng bái Mao mang tính tôn giáo. Nó cũng đồng thời tạo ra các trung tâm quyền lực như Hồng vệ binh đứng trên pháp luật và thậm chí thách thức PLA. Cuối cùng là bạo lực để tiêu diệt những “Tư tưởng cũ”.

Ở thời kỳ này, trong một áp phích của Chính phủ Trung Quốc mang tên Phá hủy thế giới cũ, xây dựng một thế giới mới là hình ảnh một Hồng vệ binh mang tầm vóc anh hùng dẫm giày lên một bức tượng Phật, một cây Thánh giá và những cuốn sách truyền thống rồi quai nát chúng bằng búa tạ.

Hơn nửa thế kỷ sau ‘Cơn bão tháng Giêng,’ Trung Quốc trải qua hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Đây cũng là giai đoạn của suy thoái kinh tế chung toàn cầu, xung đột ở Tây Á, sự nổi lên của Hồi giáo cực đoan, một EU hướng nội và một nước Nga cuồng nộ muốn trỗi dậy từ những vụn vỡ còn lại của một đế quốc trong quá khứ. Câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc đi cùng tham vọng lãnh đạo toàn cầu. Kết quả là điều này đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quân sự ở quy mô chưa từng có. Nhưng lời cảnh báo thực sự là: Trung Quốc đang tìm cách chi phối các thể chế quốc tế và viết lại các pháp điển mà không làm thay đổi hình thái của riêng mình. Các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, việc xử lý các bất đồng nội bộ, tăng cường quan hệ với Bắc Triều Tiên và Pakistan là những ví dụ điển hình.

Khi Tập Cận Bình kế nhiệm vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS) vào tháng 11 năm 2012, ông cũng đảm nhiệm các chức vụ đứng đầu Đảng và quân đội. Ông được Ban chấp hành Trung ương ĐCS phong chức Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khiến ông trở thành vị “Lãnh tụ tối cao” một cách không chính thức. Ông công bố các cải cách sâu sắc và công khai tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị quốc nạn tham nhũng ở mọi cấp. Mục tiêu đầu tiên của ông là nhóm chính trị (trùng hợp thay cũng được gọi là Tứ nhân bang!) gồm Chu Vĩnh Khang (nguyên bộ trưởng bộ công an), Từ Tài Hậu (nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương), Bạc Hy Lai (một “thái tử đảng” và là cựu bí thư tỉnh Trùng Khánh và được xem như mối đe dọa với nền tảng quyền lực của Tập Cận Bình), và Lệnh Kế Hoạch (cựu cố vấn và là người tâm giao của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào).

Vẫn còn chưa rõ rằng cuộc tấn công chớp nhoáng này xuất phát từ mối lo ngại chính trị hay thực sự tấn công nạn tham nhũng, nhưng những nhân vật bị nhắm tới đều là những ngôi sao đang lên trên bầu trời ĐCS TQ và bị hạ bệ. Tuy nhiên, phe cánh của nhóm này vẫn còn thế lực. Hiện tại, kinh tế đã tăng trưởng chậm lại (dưới 7 phần trăm), trong khi nguồn vốn bất hợp pháp tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc đã gây sức ép lên hệ thống tài chính của nước này. Xu hướng toàn cầu hóa và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu (tiểu tư sản) đã đem lại những kỳ vọng tăng trưởng vật chất không thực tế.  Các tộc người thiểu số có biểu hiện nổi loạn, đặc biệt ở phía Tây Nam nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hồi giáo cực đoan. Và tình trạng bất ổn xã hội trên diện rộng – kết quả của sự di cư quy mô lớn từ nông thôn ra các khu vực đô thị – đang gia tăng với tốc độ đáng kể.

Trong thời gian này, quân đội cảm thấy phiền lòng khi họ bị tước mất vị trí Chủ tịch Quân ủy trung ương truyền thống và không có ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Những sự kiện tưởng như không liên quan đến nhau, nhưng khi tổng hợp lại lại đặt ra một câu hỏi rằng liệu bộ máy nhà nước có thể điều hòa những khát vọng của dân tộc với các căng thẳng nội bộ ngày càng tăng một cách hòa bình không, hay sự điều hòa này sẽ lại như một “Cơn bão tháng Giêng” khác?

Năm 1858, Tocqueville cho rằng thời khắc quan trọng nhất đối với các chính quyền chuyên chế là khi họ tiến hành những bước cải cách đầu tiên. Mao Trạch Đông đã chứng minh cho chân lý này. Vấn đề đặt ra là Tập Cận Bình chấp nhận chân lý đó như thế nào?

Nguồn: Vijay Shankar, “China: The January Storm”, Institute of Peace and Conflict Studies, 12/05/2015.

Biên dịch: Trần Quốc Nam| Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Vijay Shanar là cựu Tổng tư lệnh, Bộ Tư lệnh lực lượng chiến lược Ấn Độ.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào: