Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Lý do khiến chiến tranh dễ xảy ra ở Biển Đông

Nếu Trung Quốc vẫn trì hoãn đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, mặt khác tiếp tục xây dựng đảo, cố gắng kiểm soát khoảng 80% diện tích Biển Đông bằng sức mạnh quân sự và cho rằng vấn đề này là "không thể thương lượng" thì nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương là điều khó tránh khỏi.

South-China-Sea-400x266(5).jpg

Có một quan niệm đang phổ biến rộng rãi giữa các cố vấn và giới chuyên gia phương Tây rằng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó tránh bởi Washington coi mình là nhân tố cần thiết cho tự do hàng hải, trong khi Bắc Kinh có lập trường không hề lay chuyển khi khẳng định chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông. Vì vậy, Mỹ không thể là người bảo vệ đáng tin cậy cho tự do hàng hải nếu cho phép Trung Quốc kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện chủ quyền tại nơi mà bất kỳ tàu thuyền hay máy bay của nước khác tự do hoạt động như thường lệ.

Chuyên gia Jamil Maidan Flores nhấn mạnh rằng, điều quan trọng với Trung Quốc là khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và sẵn sàng hỗ trợ bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã đưa ra chiến lược nhằm giành thắng lợi trong một cuộc chiến bất đối xứng với Mỹ. Các nhà phân tích quân sự gọi đó là chiến lược A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực). Ý tưởng này không phải để bắt kịp Mỹ về khí tài quân sự - điều mà Trung Quốc không thể làm trong nhiều năm dưới bất kỳ hình thức nào - mà chỉ vận dụng các công nghệ vũ khí, trong đó có tên lửa hành trình, tàu ngầm siêu êm, hệ thống tác chiến điện tử...có thể gây tổn thất cho các lực lượng Mỹ khi tiếp cận bờ biển Trung Quốc hay "chuỗi đảo thứ nhất", bao gồm các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc tin tưởng chiến lược này sẽ mang lại hiệu quả.

Tướng về hưu đồng thời là cố vấn cao cấp về chính sách đối ngoại Từ Quang Vũ trấn an: "Mỹ không thể mong đợi Trung Quốc thoái lui vì áp lực. Cần phải biết rằng hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được nếu đẩy Trung Quốc vào chân tường". Như một sự đáp trả lại chiến lược A2/AD của Trung Quốc, năm 2009 các nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ đã đưa ra chiến lược "Tác chiến không-hải" (ASB) nhằm vô hiệu hóa kẻ thù sử dụng vũ khí chống tiếp cận để ngăn chặn Mỹ. Tuy nhiên, đầu năm nay Lầu Năm Góc đã từ bỏ chiến lược ASB để theo đuổi chiến lược "Can dự vào vùng biển, vùng trời quốc tế bằng lực lượng liên hợp cơ động" (JAM-GC), bổ sung lực lượng lục quân vốn không xuất hiện trong ASB. Việc Mỹ có ý định sử dụng lục quân tham gia vào lực lượng hỗn hợp tiếp cận khu vực trên biển là mối quan tâm của các nước Đông Nam Á vốn có lực lượng lục quân tương đối mạnh nhưng lực lượng hải quân và không quân lại kém phát triển.

Cho đến nay, mới chỉ xảy ra "chiến tranh ngôn từ" giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, xung đột khi thực hiện A2/AD và JAM-GC là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt một sự cố trên biển cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Một máy bay hay tàu trinh sát Mỹ có thể dính đạn của Trung Quốc, khi đó một đối tác trong khu vực của Mỹ, chẳng hạn như Việt Nam hay Philippines, có thể can thiệp. Không thể phủ nhận rằng nếu Trung Quốc một mặt vẫn trì hoãn các cuộc đàm phán hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, mặt khác tiếp tục xây dựng đảo, cố gắng kiểm soát khoảng 80% diện tích Biển Đông bằng sức mạnh quân sự và cho rằng vấn đề này là "không thể thương lượng" thì nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương là điều khó tránh khỏi.

Theo "Jakarta toàn cầu"

Anh Thư (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: