Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Liệu TQ sẽ nhân nhượng trên Biển Đông?

Nhiều hoạt động đối ngoại Việt - Trung diễn ra trong tháng 6/2015, trong đó có chuyến công du Bắc Kinh của Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh.
Trung Quốc sẽ không 'nhượng bộ' về Biển Đông mà chỉ có những 'nhún nhường trong nhất thời', theo quan điểm của nhà bình luận là khách mời chương trình Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC.
Cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 18/6/2015 được tiến hành nhân chuyến thăm Trung Quốc của Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong dịp hai nước nhóm họp phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương tại Bắc Kinh từ 17-19/6/2015.

Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà bình luận Đỗ Thông Minh nêu quan điểm về việc Trung Quốc mới đây tuyên bố 'tạm dừng xây cất' ở Biển Đông. Ông nói với Bàn tròn:
"Trung Quốc tuyên bố tạm dừng việc xây cất đảo, nhưng mà chúng ta được biết mới đây họ đã làm 7 đảo và mới đây chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Hoa Kỳ cho biết họ đang làm thêm hai đảo, trong vấn đề ngôn từ sử dụng chúng ta cũng thấy rằng ngoại giao sử dụng 'ngôn ngữ hai mặt'.
"Thành ra chữ 'tạm dừng' là tạm dừng cái gì? Có thể là tạm dừng xây cất nền tảng, nhưng bây giờ họ xây cất cơ sở bên trên. Tức là thay vì ngừng việc đổ đất ở bờ biển, họ đã làm đủ rồi, và bây giờ họ dừng cơ sở ở bên trên chăng?
"Chúng tôi nghĩ về cơ bản việc Trung Quốc bành trướng, họ sẽ không có dừng về mặt cơ bản, mà chỉ có thể nhún nhường trong nhất thời rồi họ lại tiếp tục làm, chứ không thể họ đổ bao nhiêu công sức ra đó rồi, bây giờ họ lại dừng, họ rút lui, họ bỏ.
"Ngay cả Hoa Kỳ có yêu cầu thì cũng không có tác dụng cho tới khi phải qua một tương tác mới, một tương quan thế lực mới thì bấy giờ mới có thể thay đổi được tình hình...
null
Ông Đỗ Thông Minh cho rằng do nhận thức chưa đúng về vị thế đang lên của mình, đã làm cho Trung Quốc ngày nay, giống Nhật Bản trong thế chiến II trước đây, có những hành vi 'hung hăng', 'hiếu chiến'.
"Tức là nếu có (nhượng bộ) như chúng ta đã thấy, thì chỉ có tiệm tiến và đột biến thôi, có thể lùi chút xíu nhưng tiếp tục về cơ bản là không có (thay) đổi," ông Đỗ Thông Minh nói.

'Mềm nhưng không hèn'

Bình luận về thái độ của Trung Quốc ở khu vực và trên Biển Đông và liệu các 'tuyên bố chính sách', 'hứa hẹn' của Trung Quốc ở khu Biển Đông và khu vực có đáng tin hay không, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế từ Viện Chính trị & Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bình Dương, nói:
"Ta biết chính sách của Trung Quốc đã như thế thì họ vẫn duy trì như thế. Còn tin tưởng hay không thì lịch sử gần đây đã cho chúng ta thấy là cách hành xử của Trung Quốc có thể cho chúng ta tin tưởng được hay không."
Và nhà nghiên cứu cũng bình luận về cách thức ứng xử của Việt Nam trước Trung Quốc, ông nói:
"Một trong những điều quan trọng là cách ứng xử, chúng ta đành là nước nhỏ, thì chúng ta coi trọng nước lớn, chúng ta mềm mỏng. Và cái mềm mỏng vẫn là bản chất của Việt Nam trong ứng xử
"Nhưng phải làm như thế nào để người ta, để người bạn, như ở đây là Trung Quốc hiểu rằng sự mềm mỏng đó không phải là hèn yếu.
"Ta (Việt Nam) làm được cái gì thì phải kiên quyết. Ta phải kiên quyết bằng hành động và lời nói, thay vì mỗi khi có sự kiện gì xảy ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao (Việt Nam) lại nói chủ quyền của Việt Nam như thế. Nói nhiều lần quá, cuối cùng nó cũng như nước đổ lá khoai.
"Hay có vị lãnh đạo cũng đề cập tới chuyện nếu Biển đảo hiện nay chúng ta không đòi được, thì đời con chúng ta, đời con chúng ta không đòi được, thì đời cháu chúng ta đòi.
null
Tiến sỹ Vũ Cao Phan cho rằng Việt Nam có thể 'mềm mỏng' trong đối ngoại với Trung Quốc, nhưng không thể tỏ ra là 'hèn yếu'.
"Câu nói như thế cũng giống như một sự buông xuôi. Cho nên tôi nghĩ rằng trong những cuộc hội đàm như lần này, cũng như những lần khác, hay trong ứng xử nói chung, chúng ta nhường nhịn, nhân nhượng Trung Quốc.
"Họ luôn luôn muốn dùng cường lực nước lớn, cách của Trung Quốc quyết đoán, luôn luôn như thế, có lẽ đó là một tính cách của họ, thì chúng ta phải nhân nhượng, phải nhường nhịn, nhưng ứng xử dù mềm mỏng như thế nào, là phải kiên quyết.
"Và chúng ta phải nói lên được ý của chúng ta, chứ không phải là vấn đề nó khép lại như thế rồi, thì cảm thấy yên yên, cảm thấy mừng mừng, rồi đến nó lại xảy ra thì lại bắt đầu không biết ứng xử như thế nào cho nó hợp lý.
"Cái điều ấy, nhân chuyến đi này của ông Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao mà đề cập đến vấn đề như thế, thì tôi thấy cần phải phát biểu lên một điều như vậy," Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói với BBC.

Nên ứng phó thế nào?

Trước câu hỏi Việt Nam nên ứng phó và có tư thế ứng xử như thế nào trước Trung Quốc hiện nay, từ Singapore, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nói với Bàn tròn:
"Trong bối cảnh hiện tại, vị thế của chúng ta với Trung Quốc, cũng giống như trong lịch sử của chúng ta là nước nhỏ hơn, nước yếu hơn và sự chênh lệch chưa nói là bây giờ càng ngày càng lớn.
"Chính vì vậy mặc dù tôi cũng chia sẻ ý kiến của Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nhưng tôi nghĩ rằng từ vị thế của người lãnh đạo, từ vị thế, cách tiếp cận của các nhà ngoại giao, tôi nghĩ là thực hiện được ý tưởng của ông Vũ Cao Phan, tôi nghĩ là rất là khó đối với họ."
Và nhà nghiên cứu thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói thêm:
"Cách làm việc cũng như thái độ của chúng ta (Việt Nam), tôi nghĩ là bên ngoài tiếp xúc hoặc các tuyên bố chính thức thì chúng ta vẫn giữ những sự tôn trọng nhất định đối với Trung Quốc, nhưng mà trên hành động thực tế thì chúng ta vẫn có những sự cứng rắn, hành động, bước đi cụ thể để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
null
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng Việt Nam bị 'hạn chế' trong ứng phó, xử lý quan hệ đối ngoại với Trung Quốc do vị thế của một nước 'nhỏ hơn, yếu hơn' chưa kể khoảng cách giữa hai nước 'đang ngày càng lớn'.
"Cho nên chúng ta thấy rằng ở trong hiện tại, mặc dù trong quan hệ với Trung Quốc, Trung Quốc có thể có những cái như Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói là nhiều khi dường như là chúng ta có vẻ 'nhún nhường' quá.
"Nhưng mà trên thực tế, trên thực địa, ví dụ như về mặt quốc phòng, về mặt triển khai chính sách đối với những đối tác khác, cũng như song phương và đa phương, thì chúng ta đều có những bước đi mà tôi nghĩ rằng là khá là phù hợp, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay để xử lý quan hệ với Trung Quốc.
"Kết luận lại, tôi nghĩ rằng ý của Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói cũng có lý, tuy nhiên, khi thực hiện, tôi nghĩ nó không có thể dễ dàng với các lãnh đạo, cũng như với những nhà ngoại giao của Việt Nam," Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói với BBC.

Nên kiện TQ hay không?

Trước câu hỏi vì sao Trung Quốc quyết định 'kiện Trung Quốc' về chủ quyền ra các cơ quan tài phán, tòa án quốc tế, mà Việt Nam lại chưa quyết định và liệu Việt Nam có nên 'kiện Trung Quốc' hay không, Thạc sỹ Bùi Hồng Huy, tham gia chương trình từ Studio của BBC tại London, nêu quan điểm:
"Theo tôi mỗi nước có một đặc thù khác nhau, mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc khác hẳn mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc và vấn đề địa lý thì chúng ta cũng thấy là Philippines nằm tách biệt hẳn ra ngoài...
"Việt Nam thì về lịch sử, văn hóa, chính trị, Việt Nam ảnh hưởng Trung Quốc rất nhiều, nếu nói về vấn đề đưa ra tòa kiện, theo tôi không nói lên được vấn đề gì cả, bởi vì ra tòa kiện thì 5 ăn - 5 thua, không có nghĩa là đem hồ sơ ra tòa là anh chắc chắn thắng...
null
Thạc sỹ Bùi Hồng Huy cho rằng nếu Việt Nam 'kiện Trung Quốc' về chủ quyền ra tòa án quốc tế thì 'không nói lên được vấn đề gì' vì ra tòa sẽ 'năm ăn, năm thua' và 'chưa chắc thắng'.
"Tôi không nói vấn đề nên hay không nên ở đây, mà tôi nói là mỗi nước có cách ứng xử riêng, và Việt Nam hiện nay đang chọn cách ứng xử là trong đàm phán và bằng những gì có thể nhẹ nhàng nhất mà vẫn đạt được hiệu quả nhất, thì điều đó theo tôi không có gì để nói Việt Nam dở hay (không)..."
Trước câu hỏi nếu như vậy thì liệu Việt Nam đã đạt được 'hiệu quả' mà người dân kỳ vọng, mong muốn hay chưa trong vấn đề này, Thạc sỹ Bùi Hồng Huy nói:
"Vấn đề Biển Đông hiện nay không chỉ liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo nữa, mà nó còn là an ninh khu vực, tự do hàng hải và khai thác nguồn nhiên liệu tự nhiên, rất nhiều thứ, theo tôi vấn đề an ninh khu vực đang là vấn đề hàng đầu.
"Nghĩa là làm sao để khu vực này ổn định, không xảy ra chiến tranh, thì các nước đều có cơ hội phát triển và tôi muốn bổ sung ở đây một ý là vấn đề đàm phán song phương tất nhiên là phải có rồi, Trung Quốc không muốn thảo luận hay bàn bạc cả một khối Asean, mà chủ trương của Trung Quốc là tách từng nước ra và đàm phán song phương.
"Nhưng vấn đề là Việt Nam làm sao lồng được vấn đề này vào thành vấn đề một khối, đây cũng là một thách thức với cả Asean, làm sao các nước đoàn kết lại với nhau và cùng thống nhất đối đầu với Trung Quốc, thì theo tôi vấn đề sẽ dễ dàng hơn rất nhiều," Thạc sỹ Bùi Hồng Huy nói với Bàn tròn.
Quý vị có thể theo dõi toàn bộ nội dung của Bàn tròn Trực tuyến tại đây.

Không có nhận xét nào: