Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Liệu có phải Trung Quốc đang cải tạo đất ở Biển Đông?

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, với hoạt động cải tạo đất, Trung Quốc đang thay đổi bản chất của UNCLOS và cắt xén vùng biển trung tâm của Đông Nam Á.

Kể từ năm ngoái khi những hình ảnh chụp từ vệ tinh xác nhận rằng Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông, các nhà báo, chuyên gia an ninh và thậm chí là các quan chức chính phủ đã sử dụng một cách thiếu cân nhắc các thuật ngữ có vẻ làm phức tạp hơn là làm rõ các vấn đề đang tranh cãi. Chưa có thuật ngữ nào nào bị lạm dụng nhiều như “cải tạo đất", cả trong việc sử dụng hàng ngày lẫn ý nghĩa về mặt luật pháp.

Một bài bình luận của học giả Trung Quốc Shen Dingli cho rằng luật quốc tế không cấm cải tạo đất. Học giả này sử dụng các ví dụ như thành phố Thượng Hải, Sân bay quốc tế Kansai của Nhật, Hồng Kong và Dubai. Không có ví dụ nào trong số ví dụ kể trên có thể so sánh được với điều đang xảy ra ở biển Đông.

Cần phải làm rõ: Trung Quốc không phải đang cải tạo đất ở biển Đông để cải thiện điều kiện sống trên một thực thể đất - một hòn đảo - đang bị xuống cấp do ảnh hưởng của môi trường và con người. Trung Quốc đang nạo vét cát ở đáy  biển và các rặng san hô để tạo ra các hòn đảo nhân tạo. Trung Quốc đang lừa gạt mọi người khi tuyên bố rằng họ đang cải tạo đất trên những đảo mà họ có chủ quyền. Đây không phải là những gì đang diễn ra. Trung Quốc đang xây dựng các công trình nhân tạo trên những thực thể nổi khi triều thấp (và chìm khi thủy triều cao) và các đảo đá. Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền trên những thực thể này. Những thực thể này không được hưởng bất kỳ vùng biển hay vùng trời nào.

Đảo nhân tạo có một ý nghĩa khác trong luật quốc tế. Theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), một nước ven biển chỉ có thể tuyên bố chủ quyền với các đảo nhân tạo khi đảo đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Điều 56 quy định, “Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có ...quyền tài phán... đối với: (i) lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình …” Điều 60 trao cho các nước ven biển “đặc quyền để xây dựng… các đảo nhân tạo.” Và Điều 80 mở rộng điều khoản này đối với các đảo nhân tạo nằm trên thềm lục địa của một quốc gia ven biển.

Tất cả bảy thực thể mà Trung Quốc hiện đang chiếm giữ và đã chuyển hoá thành đảo nhân tạo là đối tượng của một vụ kiện mà Philippines đã mang ra Tòa án Trọng tài của Liên Hợp Quốc. Thông báo và tuyên bố yêu sách của Philippines cho rằng theo  UNCLOS, Đá Vành Khăn, Đá McKennan, Đá Gaven và Đá Subi là những thực thể chìm dưới mặt nước, và cả Đá Vành Khăn lẫn Đá McKennan là một phần thềm lục địa của Philippines. Hơn nữa, Philippines còn tranh luận rằng Bãi cạn Scarborough, Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên là đá theo UNCLOS. Tất cả những thực thể này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Philippines.

Tóm lại, Trung Quốc coi những thực thể này là đảo về mặt luật pháp và theo đó tuyên bố không chỉ chủ quyền mà còn lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, và khoảng không phía trên những thực thể đó. Philippines cho rằng các thực thể này là những bãi ngầm, đá và các bãi lúc nổi lúc chìmkhông đạt tiêu chuẩn là đảo theo UNCLOS, nhưng là một phần của thềm lục địa Philippines, hoặc là đáy biển quốc tế.

Việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã bị làm rối rắm thêm bởi ba vấn đề khác. Vấn đề đầu tiên liên quan tới nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực thi quyền tài phán đối với vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo này và khoảng không phía trên các thực thể đó. Luật Trung Quốc bắt buộc phải công bố đường cơ sở trước khi khẳng định quyền chủ quyền đối với các vùng biển. Ngoại trừ trường hợp của quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc chưa công bố đường cơ sở đối với các thực thể mà họ đang chiếm giữ.

Cần phải lưu ý rằng, tất cả đảo nhân tạo của Trung Quốc đều ở gần các thực thể mà Việt Nam chiếm đóng. Nếu những thực thể này được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng biển của Trung Quốc sẽ chồng lấn lên một vùng biển tương tự mà Việt Nam yêu sách. Cuối cùng thì, tất cả các thực thể này đều đang bị tranh chấp, và các bên ký hiệp ước UNCLOS đều được yêu cầu không gây ra những hành động có thể thay đổi nguyên trạng.

Việc khẳng định các quyền chủ quyền của Trung Quốc trong các trường hợp này tương ứng với thuật giả kim về mặt luật pháp, trong đó Trung Quốc cố gắng biến đổi các thực thể chìm và đá thành các đảo được hình thành tự nhiên.

Trung Quốc đã nhiều lần thách thức các chuyến bay quân sự của Philippines và Mỹ, ra lệnh cho các máy bay phải rời khỏi vùng mà các quan chức quân sự Trung Quốc gọi là “vùng báo động quân sự" hay là “khu vực an ninh quân sự.” Nếu như các báo cáo của truyền thông là chính xác rằng tàu chiến Mỹ đã kiềm chế không xâm phạm vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo, và máy bay quân sự Mỹ đã không trực tiếp bay qua các thực thể này thì thuật giả kim về mặt luật pháp của Trung Quốc sẽ thành công.

Vấn đề thứ hai là sự so sánh giữa các hoạt động  “cải tạo đất" của Trung Quốc với các nỗ lực tương tự của Việt Nam, Malaysia, và Philippines. Trung Quốc tranh luận rằng các bên tranh chấp khác đã làm thay đổi  hiện trạng từ lâu và Trung Quốc chỉ đang đuổi theo họ. Câu hỏi quan trọng ở đây là những hành vi nào được thực hiện từ năm 2002 và nhằm mục đích gì?

Philippines đã tiến hành cải tạo đảo trên Palawan. Palawan là một đảo tự nhiên và đạt chuẩn là một hòn đảo theo luật quốc tế. Philippines có chủ quyền trên đảo Palawan và vì thế có thể cải tạo đất hợp pháp vì bất kỳ mục đích gì.

Trường hợp của Việt Nam thì khác. Hình ảnh vệ tinh chụp các đảo mà Việt Nam đang chiếm giữ - Đảo Sơn Ca và Đá Tây, công bố bởi Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI), chỉ ra rằng từ năm 2012, Việt Nam đã mở rộng những thực thể này lần lượt 21.000 và 65.000 mét vuông. Kích cỡ có quan trọng không? Các nhà báo, nhà bình luận học thuật, và quan chức chính phủ nhanh chóng chỉ ra rằng phạm vi và quy mô của công trình Trung Quốc vượt xa tầm cỡ công trình của các bên yêu sách khác. Cái gọi là cải tạo đất của Việt Nam chỉ chiếm 1,9% diện tích mà Trung Quốc đã xây dựng.

Không nhà bình luận nào trong số này, bao gồm cả AMTI, đã đặt vấn đề “cải tạo đất" ở Biển Đông vào đúng bối cảnh của nó. Lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter yêu cầu Việt Nam dừng hành động cải tạo là sai hướng. Phép thử ở đây không phải là quy mô của công trình nhân tạo mà là ý định đằng sau chúng. Trung Quốc và các bên tranh chấp đều là những nước đã ký Tuyên bố không ràng buộc về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC vào tháng 11 năm 2002.

Theo DOC, các bên tham gia ký kết đồng ý “kiềm chế các hành động gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp  ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định…” có thể thấy rõ là việc cải tạo đất của Philippines hoặc mở rộng đảo của Việt Nam không đạt tới ngưỡng làm phức tạp hoá hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định ở Biển Đông.

Ngược lại các hành động của Trung Quốc đã làm phức tạp tranh chấp. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trực tiếp phá hoại UNCLOS và là bước đi phủ đầu nhằm chống lại bất kỳ phán quyết nào của Toà Trọng Tài. Trung Quốc đã thay đổi “nguyên trạng" và mang lại sự đã rồi đối với khu vực. Trung Quốc hiện đang thách thức tự do hàng hải và hàng không của tàu hải quân và máy bay cũng như của các ngư dân. Ví dụ, hiện đang có một số báo cáo cho rằng một tàu chiến Trung Quốc nổ súng vào ngư dân Philippines ở gần một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực vì những tuyên bố lặp đi lặp lại của Trung Quốc nói rằng các đảo nhân tạo sẽ phục vụ các mục đích phòng vệ. Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định quyền đơn phương tuyên bố và thực thi Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Đông. Một nhà bình luận Trung Quốc còn đi xa tới mức tranh luận rằng Trung Quốc nên đối đầu với máy bay quân sự của Úc bay qua khoảng không trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc và nếu cần thiết có thể bắn rơi chúng.

Trung Quốc được cho rằng đã dừng “cải tạo đất" trên 4 thực thể mà họ kiểm soát và đang chuyển sang củng cố sự hiện diện bằng cách xây dựng bến tàu, cẩng và các toà nhà cao tầng. Việc xây dựng một đường băng dài 3.110 mét trên Đá Chữ Thập cùng với một số báo cáo cho rằng một đường băng tương tự sẽ được xây ở Đá Subi sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sự triển khai tất cả các loại máy bay quân sự hiện đang nằm trong kho của Trung Quốc. Một cách đột ngột và trong thời gian ngắn, Trung Quốc có thể biến các cơ sở vật chất có vẻ là dân sự và khoa học thành những tiền đồn cho các hoạt động quân sự.

Vấn đề thứ ba liên quan tới tác động lên môi trường biển gây ra do các hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Là một nước ký kết UNCLOS, Trung Quốc  có nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường biển. Các quan chức Trung Quốc liên tục khẳng định rằng họ đã tính đến ảnh hưởng về môi trường của các hoạt động xây dựng và các hoạt động không gây hại gì cả. Sự khẳng định này  của Trung Quốc đang bị thách thức bởi các quan chức Philippines và các nhà nghiên cứu hải dương. Ảnh từ vệ tinh rõ ràng cho thấy các dấu vết nạo vét trên các rặng san hô nằm sát với nơi Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo.

Không, Trung Quốc không phải đang cải tạo đất. Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo cho các đoàn đánh cá, các tàu thăm dò dầu khí và các tàu chấp pháp luật biển. Khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm một radar tầm xa, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi máy bay quân sự và tàu chiến của họ xuất hiện. Tóm lại, Trung Quốc đã thành công trong “thuật giả kim pháp lý" bằng cách biến UNCLOS thành “luật quốc tế mang đặc sắc Trung Quốc.” Diễn biến  này sẽ càng thúc đẩy yêu sách chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông. Như tôi đã từng khẳng định, Trung Quốc hiện đang dần dần “cắt gọt" vùng biển trung tâm của Đông Nam Á.

Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang The Diplomat.

Dịch: Vũ Khang
Hiệu đính: Minh Ngọc

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: