Pages

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Làm thế nào để Mỹ cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở Châu Á?


Trong 25 năm tới, nếu Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc có cơ hội dễ dàng gây sức ép với các nước, cục diện Châu Á có thể thay đổi theo hướng là biến Trung Quốc thành một quốc gia mạnh giữa những quốc gia mạnh khác. Kết quả này thoả mãn các nước  Mỹ và Châu Á và cũng sẽ thỏa mãn một Trung Quốc có vai trò lãnh đạo nhưng không tìm cách xây dựng bá quyền.

Mỹ xoay “trục” sang Châu Á, trong khi căng thẳng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gia tăng khi Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn. Trung Quốc có các hoạt động mở rộng vùng đất xung quanh các đảo tranh chấp và triển khai lực lượng tại đây. Tại diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ lo ngại về viễn cảnh tăng cường quân sự hóa ở khu vực cũng như các hoạt động làm tăng nguy cơ xung đột giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Cũng tại diễn đàn này Shangri-la, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi đạt được “một sự cân bằng ổn định cho khu vực”. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể đạt được sự cân bằng đó, trong bối cảnh tiềm lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, và Mỹ thì ở quá xa Châu Á? Ngày hôm nay Washington có thể đứng lên bảo vệ tự do hàng hải và ngoại giao đa phương nhưng một số ý kiến lo ngại rằng, trong tương lai, khoảng cách địa lý và sự dịch chuyển dần dần quyền lực về phía Trung Quốc sẽ cản trở nỗ lực của Mỹ. Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục hành động xây cất ở Biển Đông thì Mỹ sẽ phải làm gì? Một mình nước Mỹ không thể trả lời được câu hỏi đó.

Từ cuối thập niên 1980, Trung Quốc đã có không gian thuận lợi để trỗi dậy khi mà các kẻ thù và đối thủ chính trong khu vực bị suy yếu. Xô Viết sụp đổ cùng với sự suy giảm ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Nhật Bản bị hạn chế về quân sự và ngoại giao do hậu quả của chiến tranh. Mỹ thì lại lún sâu vào cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Về kinh tế, các đối thủ của Trung Quốc tại Châu Á như Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan - tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển nhanh nhưng quy mô còn hạn chế. Nhật Bản thì bị tê liệt bởi cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi Ấn Độ chỉ mới bắt đầu cải cách kinh tế từ đầu những năm 1990. Còn kinh tế Việt Nam thì mới phục hồi sau 30 năm chiến tranh.

Tuy nhiên thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc đã kết thúc. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại. Trong khi đó, Nhật Bản đang nổi lên như một cường quốc quân sự độc lập và nền kinh tế của nước này đã thoát khỏi tình trạng trì trệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ hiện nay nhanh hơn Trung Quốc và có thể tiếp diễn như vậy trong thời gian tới. Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Indonesia và Việt Nam cũng đạt được tốc độ phát triển kinh tế đáng chú ý. Nga có thể sẽ vẫn là một cường quốc hạt nhân với một xã hội suy thoái. Mối lo âu của Moscow đối với sự trỗi dậy của Bắc Kinh là có thật nhưng nó đang bị kiềm chế bởi Nga đang cần một người ủng hộ đối với vấn đề Ucraina.

Liệu sự lớn mạnh của các quốc gia khác, ngoài Trung Quốc, trong khu vực có đồng nghĩa với việc Mỹ có thể yên tâm “rời xa” khu vực này? Mỹ hầu như không thể làm điều đó bởi vì các nước láng giềng của Bắc Kinh cần ít nhất 25 năm nữa mới có thể đuổi kịp nước này, mới có đủ sức mạnh kinh tế và quân sự để có được một sự cân bằng tương đối với Trung Quốc. Và khoảng thời gian từ giờ đến lúc đó thực sự rất nguy hiểm. Lý do là khi đối phó với nhiều nước Châu Á đang lên nhưng vẫn bị chia rẽ và yếu thế hơn Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tìm cách khi thì ve vãn, lúc lại dùng vũ lực đối với từng nước một. Chỉ có Mỹ có thể cung cấp một “chiếc ô an ninh” để giúp khôi phục sự cân bằng tại Châu Á.

Trong 25 năm tới, nếu Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc có cơ hội dễ dàng gây sức ép với các nước, cục diện Châu Á có thể thay đổi theo hướng là biến Trung Quốc thành một quốc gia mạnh giữa những quốc gia mạnh khác. Kết quả này thoả mãn các nước Châu Á và Mỹ và cũng sẽ thỏa mãn một Trung Quốc có vai trò lãnh đạo nhưng không tìm cách xây dựng bá quyền.

Bài viết của  Rosen, Giáo sư về an ninh và quân sự quốc gia thuộc trường Harvard. Bài viết được đăng trên The Wall Street Journal.

Trần Quang (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: