Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Hy vọng về Tầm nhìn chung cho tương lai quan hệ Việt - Mỹ

Thoa Phạm (Dân trí)


Trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chiều 25/6, Đại sứ Ted Osius cho biết trong bối cảnh tình hình hình Biển Đông căng thẳng, ông "ngạc nhiên nếu chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bàn về Biển Đông".

 Đại sứ quán Mỹ tổ chức họp báo vào chiều 25/6 tại Hà Nội. (Ảnh:
 Đại sứ quán Mỹ tổ chức họp báo vào chiều 25/6 tại Hà Nội. (Ảnh: TP)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ vào tháng sau. Vậy ông đánh giá tầm quan trọng của cuộc gặp này như thế nào và hai bên được kỳ vọng sẽ đàm phán về vấn đề gì?

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Đó sẽ là một chuyến thăm lịch sử và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được các lãnh đạo hàng đầu của Mỹ tiếp đón một cách trọng thể.

Các lãnh đạo Mỹ coi đây là một cơ hội quan trọng để nhấn mạnh các thành quả hai nước đạt được trong 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng vạch ra những tiềm năng phát triển to lớn của mối quan hệ song phương trong 20 năm tới.

Tôi cho là hai bên sẽ bàn về các vấn đề thuộc 9 trụ cột trong Tuyên bố chung về mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ năm 2013, bao gồm: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh, thương mại, giáo dục, y tế, môi trường, quan hệ nhân dân hai nước.

Bởi là một chuyến thăm ở cấp độ cao nhất, các vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất sẽ được bàn tới. Tôi hiểu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa tới Mỹ phái đoàn chuyên gia Việt Nam thuộc các lĩnh vực nêu trên. Họ cùng các đối tác Hoa Kỳ sẽ làm việc cùng nhau về các vấn đề đó. Chúng tôi trông đợi trong chuyến thăm lịch sử, thực chất và quan trọng này, lãnh đạo hai nước sẽ thống nhất được Tầm nhìn chung cho tương lai.

Trong bối cảnh hiện nay, liệu các vấn đề tranh chấp hàng hải, buôn bán vũ khí, hợp tác quốc phòng có được bàn tới trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không?

Tôi hy vọng là có bởi đó là những vấn đề quan trọng. Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương Việt-Mỹ được ký kết năm 2011 nêu rõ hợp tác hàng hải là ưu tiên hàng đầu. Đến tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tiếp đó,  trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 31/5-2/6 vừa qia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ tại Hà Nội, trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương Việt-Mỹ 2011. Tuyên bố Tầm nhìn chung mới đây đã xác định các lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo tôi được biết, trong những cuộc thảo luận cấp cao trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Carter, hai nước đã bàn về các thách thức trên Biển Đông. Ông Carter yêu cầu các bên tranh chấp tại Biển Đông thực hiện 3 điều:
(i) Các bên tranh chấp cần dừng vĩnh viễn hoạt động cải tạo bãi đá;
(ii) Không tiếp tục quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông;
(iii) Các bên trong tranh chấp cần tham gia vào các quá trình ngoại giao để giảm căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, tôi ngạc nhiên nếu chuyến thăm sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng không bàn về Biển Đông. 

Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông là bất di bất dịch. (Ảnh:
Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông là "bất di bất dịch". (Ảnh:TP)

Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ-Trung vừa kết thúc. Tôi tin rằng một số hiệp định song phương đã được ký kết, liệu Mỹ có thay đổi hay điều chỉnh gì trong lập trường của Washington về vấn Biển Đông không ?

Tôi vẫn chưa biết kết quả, nhưng tôi có thể tuyệt đối chắc chắn rằng lập trường của Mỹ về Biển Đông là bất di bất dịch. Lập trường của chúng tôi rất đơn giản, nước Mỹ tôn trọng quyền đi lại và giao thương hàng hải. Đó là lập trường của Mỹ trong 239 năm nay, kể từ khi nước Mỹ ra đời. 

Lập trường của chúng tôi là kêu gọi các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông kiềm chế, không tiến hành các hành động khiêu khích, không dùng vũ lực và không đơn phương hành động. Dù không ủng hộ riêng nước nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng chúng tôi rất quan tâm đến việc các nước theo đuổi tuyên bố của mình như thế nào. Những tuyên bố đó cần được giải quyết qua con đường ngoại giao, không được chèn ép hay đe dọa. Việc đổ cát xuống các bãi đá không làm thay đổi chủ quyền. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), ủng hộ tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN…

Ông nghĩ sao nếu thay vì giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, các bên liên quan có thể giải quyết các vấn đề môi trường trên Biển Đông dưới sự dẫn đầu của Mỹ?

Hơn 60% dân số Đông Nam Á lệ thuộc vào nguồn cá trên Biển Đông. Cư dân các nước ASEAN đều cần có một hệ sinh thái Biển Đông giúp các loài cá có thể sinh sôi nảy nở. Nếu chúng ta đổ cát vào các dải san hô thì sẽ hủy nguồn dinh dưỡng cho các loài cá ở đó. Tương tự, khi chúng ta xây đập thủy điện trên sông Mê Kông, phù sa sẽ bị chặn lại và cá  không thể bơi ngược dòng.

Tôi tin rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Ngoại trưởng John Kerry và những người tiền nhiệm như bà Hillary Clinton cũng từng cống hiến nhiều cho lĩnh vực này. Chừng nào còn là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các bạn để giải quyết những vấn đề đó. 

Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông là bất di bất dịch. (Ảnh:
Đại sứ Ted Osius rất hy vọng Tổng thống Obama có thể đến thăm Việt Nam trên cương vị tổng thống (đương nhiệm). (Ảnh:TP)
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đang chờ đón chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, liệu chuyến thăm đó có trở thành hiện thực?

Tôi rất hy vọng Tổng thống Obama có thể đến thăm Việt Nam trên cương vị tổng thống (đương nhiệm) và tôi biết ông ấy cũng hy vọng như vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Obama và đại diện của ông ở Việt Nam tập trung nhiều hơn vào nội hàm mối quan hệ song phương. 

Thưa Đại sứ, việc Tổng thống Obama mới được trao quyền đàm phán nhanh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác dụng thúc đẩy quá trình đàm phán TPP như thế nào và cụ thể sẽ giúp được Việt Nam ra sao?

Tất nhiên quyền đàm phán nhanh sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP và khi Tổng thống Obama có quyền được hoàn tất hiệp định TPP, điều đó sẽ gây áp lực đến cả 12 nước đang đàm phán TPP để cần sớm đưa hiệp định này tới điểm  kết thúc. 

Việt Nam, với tư cách là nước kém phát triển nhất trong nhóm các nước đang đàm phán TPP, sẽ nhận được lợi ích lớn nhất. Theo tính toán của các nhà kinh tế, TPP được kỳ vọng sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam lên 30%.

Việt Nam cũng như các nước khác cần đưa ra quyết định dứt khoát để đạt được hiệp định này. TPP sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam, tôi kêu gọi Việt Nam và các nước khác sớm hoàn tất đàm phán hiệp định này.

Thoa Phạm 
(Thực hiện và lược ghi)
Dân trí

Không có nhận xét nào: