Pages

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa thể "hạ nhiệt"

Những tranh cãi về hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ như bớt gay gắt hơn tại "Đối thoại Shangri-la 14" vừa diễn ra ở Singapore trong các ngày 29-31/5. Tuy nhiên, căng thẳng ở khu vực này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới do triển vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao vẫn còn xa vời. 


Tranh chấp ở Biển Đông gần đây đã leo thang sau khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng đảo. Từ năm 2014 đã xuất hiện thông tin về hoạt động nạo vét của các tàu Trung Quốc nhằm biến các dải đá ngầm, rạn san hô và bãi đá trong khu vực tranh chấp thành các đảo nhân tạo. Các hình ảnh vệ tinh công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng một đường băng trên Bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc xây dựng đường băng trên Bãi Chữ Thập cùng với thông tin cho rằng Bắc Kinh đang vận chuyển vũ khí tới một số đảo nhân tạo trong khu vực càng làm gia tăng lo ngại rằng hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc là nhằm mục đích quân sự. Nhiều người cho rằng mục đích của Trung Quốc là thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như nước này đã từng làm ở Biển Hoa Đông năm 2013. Trong khi đó, Trung Quốc biện hộ rằng hoạt động xây dựng đảo của nước này là nhằm cung cấp "các dịch vụ công quốc tế" như cứu hộ - cứu nạn và dự báo khí tượng.

Trong bối cảnh này, "Đối thoại Shangri-la" đã tạo cơ hội để các bên xoa dịu căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng chỉ trích các hành động nhằm thay đổi "hiện trạng" và tái khẳng định quyết tâm của Washington bảo vệ tự do hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, lời kêu gọi dừng các hoạt động xây dựng đảo ở Biển Đông của ông Carter nhằm vào tất cả các bên có tranh chấp, chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Phát biểu của ông Carter cũng kìm chế hơn so với phát biểu của người tiền nhiệm Chuck Hagel tại diễn đàn này năm ngoái. Trong khi đó, Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại "Đối thoại Shangri-la 14" - cũng tránh chỉ trích trực tiếp Mỹ trong bài phát biểu của mình và bật tín hiệu rằng nước này chưa xem xét tới khả năng thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

Những động thái này làm dấy lên hy vọng rằng căng thẳng ở Biển Đông có thể "hạ nhiệt" và thậm chí các bên có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao. ASEAN hiện vẫn thúc đẩy việc thông qua "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) với sự tham gia của Trung Quốc. Trong dài hạn, các bên tranh chấp có thể đưa ra một giải pháp mà theo đó các bên nhất trí về "quyền kiểm soát" đối với một số bãi đá ngầm, rạn san hô cũng như chia sẻ quyền khai thác hải sản và khoáng sản, đồng thời quyền tiếp cận của Trung Quốc cũng được đảm bảo. Mặc dù tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có căn cứ nhưng có thể nước này vẫn quyết tâm sử dụng quân sự để bảo vệ các đảo nhân tạo, trong đó có những đảo nằm cách xa Trung Quốc đại lục hơn 1.500 km.

Tuy nhiên, khả năng dễ xảy ra hơn là căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp diễn và triển vọng tìm ra giải pháp ngoại giao vẫn nằm ngoài tầm với của các bên liên quan. Chuyến thăm Mỹ (dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã giúp Bắc Kinh và Washington giảm bớt bất đồng ở "Đối thoại Shangri-la 14". Tuy nhiên, quyết tâm của Trung Quốc thực hiện những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vẫn không thay đổi và nước này vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng đảo. Trong khi đó, tiến trình thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN về COC sẽ không có nhiều tiến triển. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ sử dụng "lá bài tài chính" để hạn chế sự đối đầu của một số nước trong khu vực, chẳng hạn như thông qua sáng kiến "Một vành đai, Một con đường".

Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu cho thấy thái độ của Washington đối với Bắc Kinh đang trở nên cứng rắn hơn. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi nước Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội trong năm 2016. Các nước ASEAN thì không muốn buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, những nước theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ sẽ không chấp nhận lùi bước trước những tuyên bố chủ quyền. Philippines vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Quốc tế - nơi phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Trong khi đó, Indonesia - nước lâu nay vẫn có quan điểm "trung lập" về tranh chấp ở Biển Đông - đang điều chỉnh lại quan điểm này do lo ngại rằng "Đường 9 Đoạn" của Trung Quốc có thể mở rộng tới quần đảo Natuna của quốc gia này. Tổng thống Indonesia từng tuyên bố rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là "không có cơ sở" theo luật pháp quốc tế.

Các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông luôn muốn tránh đụng độ quân sự. Tuy nhiên, do căng thẳng khó có khả năng "hạ nhiệt" trong khi không có cơ chế quản lý khủng hoảng khu vực, nên vẫn tồn tại nguy cơ xảy ra các vụ va chạm hay những tính toán chính trị sai lầm - yếu tố sẽ châm ngòi cho các hành động làm tổn hại tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo The Economist

Trần Quang (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: