Pages

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Cải cách bầu cử Hồng Kông : phe dân chủ bác bỏ, Bắc Kinh đe dọa « hỗn loạn »

mediaDự án cải cách bầu cử Hồng Kông bị cho là có mục tiêu áp đặt một "nền dân chủ kiểu Trung Quốc" - REUTERS /Bobby Yip
Hôm nay 17/06/2015, căng thẳng tại Hồng Kông dâng thêm một nấc trước cuộc bỏ phiếu cho cải cách bầu cử. Hàng trăm người thuộc hai bên, phe ủng hộ dân chủ và phe thân Bắc Kinh, tập hợp xung quanh trụ sở Hội đồng lập pháp Hồng Kông. Theo một số nhà quan sát, bất chấp các áp lực và tuyên truyền từ Bắc Kinh, dự án cải cách – mà nhiều người đánh giá là có mục tiêu áp đặt một « nền dân chủ kiểu Trung Quốc » - sẽ bị bác bỏ. Bắc Kinh dọa Hồng Kông rơi vào « hỗn loạn », nếu « cải cách » này bị ngăn chặn.






Hàng trăm người biểu tình tập hợp xung quanh trụ sở Nghị viện Hồng Kông (LEGCO), nơi an ninh được siết chặt, với các rào chắn và hàng đoàn cảnh sát. Đối mặt với phe dân chủ là những người ủng hộ chính quyền, họ giương cao cờ Trung Quốc, hô vang nhiều khẩu hiệu ủng hộ cải cách qua loa phóng thanh. Tại Bắc Kinh, một bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo của chính quyền đe dọa « hỗn loạn », nếu dự án cải cách bị bác bỏ.
Văn bản dự thảo cải cách bầu cử - được thảo luận từ chiều nay – theo kế hoạch sẽ được bỏ phiếu từ nay đến thứ sáu. Nội dung của cải cách này là xác định các phương thức cho cuộc bầu cử trực tiếp người đứng đầu chính quyền đặc khu, lần đầu tiên dự kiến tổ chức vào năm 2017. Theo AFP, các nghị sĩ dân chủ cho biết họ sẽ bỏ phiếu chống. Nếu trường hợp này xảy ra, dự luật sẽ không hội đủ hai phần ba số phiếu cần thiết để được thông qua. Quan điểm của các nghị sĩ ủng hộ dân chủ là cuộc cải cách hoàn toàn bị chính quyền Trung Quốc khống chế, tất cả các ứng viên vào chức lãnh đạo Hồng Kông đều phải được Bắc Kinh bật đèn xanh trước đó.
Theo nhà chính trị học Lô Triệu Hưng (Sonny Lo), việc dự án cải cách bị các nghị sĩ phe dân chủ bác bỏ rất có thể sẽ một lần nữa làm sống lại những mâu thuẫn chính trị tại Hồng Kông, vốn đã bùng lên dữ dội hồi năm ngoái, khi hàng chục nghìn người ủng hộ dân chủ xuống đường, chiếm giữ nhiều vị trí trong thành phố trong hai tháng trời, đưa đến sự ra đời của phong trào « Dù vàng » (hay « Ô vàng ») nổi tiếng.
Ông Lô Triệu Hưng (Sonny Lo) nhận định, nếu dự án không được thông qua, chính quyền Trung Quốc sẽ kể tội phe dân chủ, đã ngăn chặn một cải cách, mà Trung Quốc cho rằng đã bao gồm nhiều nhân nhượng thực sự của chính quyền trung ương đối với đặc khu.
Trong bài phát biểu mở màn cho các tranh luận chiều nay tại Nghị viện Hồng Kông, bà Lâm Lập Lam (Carrie Lam), nhân vật số hai của chính quyền Hồng Kông cảnh báo đối lập : nếu cải cách bị ngăn cản, chính quyền không thể tái khởi động, tiến trình cải cách « sẽ rơi vào điểm chết ».
Theo Le Figaro (bài « Bắc Kinh muốn áp đặt cho Hồng Kông một ‘‘ nền dân chủ kiểu Trung Quốc’’ », ngày 17/06/2015), chính quyền Trung Quốc đang « chơi một ván bài sát ván » với khu vực hành chính, mà họ từng hứa hẹn một quyền tự trị chính trị rộng rãi, sau khi vùng lãnh thổ này trở về Hoa lục.
Trong những tháng gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc luôn phiên cây gậy và củ cà rốt. Một trong các lãnh đạo Bắc Kinh – được hãng Reuters dẫn lời – cho biết : « nếu kinh nghiệm (cải cách chính trị) của Hồng Kông thành công, thì các cuộc bầu cử tương tự có thể diễn ra tại chính lục địa Trung Quốc trong tương lai ». Điều đó có nghĩa là, cử tri Trung Quốc cũng sẽ có quyền lựa chọn người lãnh đạo cấp tỉnh, trong số hai hoặc ba ứng cử viên do đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ định, và một ngày nào đó là lãnh đạo quốc gia, như đề nghị của một số thành viên thuộc nhóm cấp tiến chiếm thiểu số trong đảng hiện nay. Đối với các nghị sĩ thân Bắc Kinh tại Hồng Kông, việc thông qua dự án cải cách bầu cử này sẽ buộc « ứng cử viên vào chức lãnh đạo hành pháp phải thỏa hiệp với phe dân chủ và phải đáp ứng phần nào đòi hỏi của người Hồng Kông, nếu muốn trúng cử ».
Không biết những luận điểm nói trên của Bắc Kinh và giới nghị sĩ thân chính quyền trung ương được cử tri Hồng Kông lắng nghe đến đâu. Tuy nhiên, theo một điều tra dư luận, vào cuối 2014, chỉ có 9% người Hồng Kông tự coi mình là « người Trung Quốc », so với khoảng 32% vào thời điểm năm 1997, khi vùng lãnh thổ này vừa được sáp nhập trở lại Trung Quốc (bài « Tại cựu nhượng địa Anh quốc, tình cảm chống Trung Quốc gia tăng » của nhà báo đôc lập Frédéric Lelièvre, Le Figaro, 17/06/2015). Rất nhiều người Hồng Kông hiện nay không muốn sử dụng hộ chiếu Trung Quốc, nhận mình là người Trung Quốc khi ra nước ngoài (theo Le Figaro, hàng triệu người Hồng Kông sở hữu một BNO, hộ chiếu Anh Quốc dành cho công dân hải ngoại).

Không có nhận xét nào: