Pages

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Buôn lậu qua biên giới Trung Quốc: Chính quyền Việt Nam có thực sự muốn giải quyết?

Buôn lậu qua biên giới Trung Quốc: Chính quyền Việt Nam có thực sự muốn giải quyết?

Cầu qua sông Tà Lùng. Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng - Việt Nam) - Thủy Khẩu/Suikou (Quảng Tây - Trung Quốc).Ảnh : Wikimedia

Nạn buôn lậu qua biên giới Việt – Trung là một thực tế kéo dài từ hàng chục năm nay. Trong những năm gần đây hiện tượng này dường như gia tăng gấp bội về quy mô và số lượng. Chưa kể những hình thức buôn lậu bí mật muôn màu, muôn vẻ, buôn lậu quy mô nhỏ nhưng với số lượng lớn người tham gia thường diễn ra gần như công khai. Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chuyên gia, kể cả giới chức chính quyền, chỉ đích danh một thủ phạm là « cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch ».

Một số so sánh giữa các số liệu thống kê hàng nhập khẩu vào Việt Nam của hai phía Việt Nam và Trung Quốc cho thấy độ vênh giữa hai phía ngày càng lớn theo năm tháng. Nếu như năm 2011, độ vênh chỉ là 4,5 tỷ đô la, thì đến năm 2014, con số này đã là 20 tỷ. Cho dù, không phải tất cả số vênh này đều có thể quy là buôn lậu, đầu tháng này, trước Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Công thương phải thừa nhận độ vênh về số liệu nói trên  cho thấy chắc chắn có « buôn lậu và kinh tế ngầm ».

Chưa kể những hình thức buôn lậu bí mật muôn màu, muôn vẻ, với nhiều phương thức rất tinh vi, buôn lậu quy mô nhỏ nhưng với số lượng người tham gia lớn diễn ra gần như công khai. « Buôn lậu (nhưng theo đường)… chính ngạch », đây là hàng tựa châm biếm của một bài viết trên báo Sài Gòn giải phóng đầu năm nay. Phóng sự mô tả tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, mỗi ngày có từ 1,5 đến 2 vạn người qua lại cửa khẩu để xách hàng miễn thuế, cao điểm có lúc lên đến 24.000 người. Riêng tại cửa khẩu này, năm 2014, tổng cộng có 1,95 triệu người qua lại, mà 87% trong số họ với "sổ thông hành xanh" (tức giấy phép xuất cảnh dành cho cư dân ven biên giới có giá trị trong một ngày). Theo chính quyền, rất nhiều người đã đút lót để có được sổ thông hành. Tại nhiều cửa khẩu khác, tình hình cũng diễn ra tương tự, như ở cửa khẩu Lào Cai, đội quân « cửu vạn », khoảng vài ngàn người sẵn sàng được mướn để thồ hàng, mà ước tính một phần không nhỏ không thông qua hải quan.

Theo một mô tả từ báo trong nước, « mỗi ngày hàng trăm xe tải ùn ùn chuyên chở đủ loại nông lâm thủy sản qua Trung Quốc và chở về quần áo, đồ chơi, gia súc, trái cây, hóa chất, đồ gia dụng... của Trung Quốc, tỏa ra bán khắp nước » (Bài « Buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc: Lợi bất cập hại », báo mạng Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 24/06/2014). Rất nhiều trong số những hàng hóa này đi theo cơ chế buôn bán tiểu ngạch, vốn chỉ để phục vụ đời sống và các hoạt động kinh doanh nhỏ của cư dân vùng ven biên giới. Trong số các hàng hóa tràn về xuôi, có rất nhiều hàng độc hại, hàng kém chất lượng, hàng giả hay hàng cấm.

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chuyên gia, nhà báo và kể cả giới chức chính quyền chỉ đích danh « cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch » đã khuyến khích nhà nhà tham gia vào các hoạt động vận chuyển hàng trốn thuế. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định : « Biên mậu (hay thương mại tiểu ngạch) là nhập nhèm giữa (thương mại) chính ngạch và buôn lậu » (Bài « Rủi ro giao thương biên mậu », báo mạng Thanh Niên, ngày 09/01/2015). Vốn là một loại hình buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các cư dân vùng ven biên giới sau khi Việt Nam và Trung Quốc nối lại quan hệ, « tiểu ngạch » dần dần được chính quyền coi như là một phương thức hoạt động « thương mại qua biên giới » mang tính quốc gia, vì một số lợi thế như chịu thuế rất thấp hay thủ tục đơn giản hơn. 

Áp lực của dư luận hồi năm ngoái dường như đã buộc chính quyền phải nhìn nhận lại chính sách « thương mại biên giới » của mình. Cuối tháng 4/2015, chính phủ Việt Nam vừa xem xét một dự thảo sẽ thay thế Quyết định 254 về buôn bán tại vùng biên giới (ban hành năm 2006). Quyết định – bị rất nhiều chỉ trích này - cho phép mỗi người dân sống tại vùng biên giới, có quyền mua đến 2 triệu đồng hàng hóa mỗi ngày miễn thuế (tức 60 triệu/tháng). Theo các phê phán, chính hạn mức miễn thuế cao như vậy (vượt quá nhu cầu vật tư sản xuất và tiêu dùng) đã khiến rất đông đảo người dân biên giới coi việc làm thuê chuyển hàng như một nghề kiếm sống chính.

Trước làn sóng buôn lậu ngày càng phổ biến, nhiều người cảm thấy trong tình hình hiện nay hoàn toàn không có viễn cảnh nào cho thấy nạn buôn lậu có thể được ngăn chặn. Việc thay thế Quyết định 254 nói trên bằng một quyết định mới cũng không có cơ thay đổi được xu thế này, vì buôn lậu đã trở thành tập quán, một hoạt động bán công khai, với sự tiếp tay của những người bên trong bộ máy. Và để giải quyết nạn buôn lậu xuyên biên giới, trước hết phải cải thiện đời sống cho hàng chục vạn dân cư địa phương.

Trong khi đó, một số quan điểm khác cho rằng, ngăn chặn và đẩy lùi buôn lậu là có thể được, nhưng không thể chỉ với các biện pháp như tấn công giới tội phạm, mà cần phải tiến hành các cải cách về thể chế chính trị, để thanh lọc bộ máy, tạo điều kiện cho người dân và báo chí lên tiếng, cũng như nhiều cải cách kinh tế triệt để khác.

Về vấn đề buôn lậu qua biên giới với Trung Quốc, sau đây là phần phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Quang A. Trước hết nhà kinh tế học đưa ra một nhận định về độ vênh giữa các số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trọng Thành

(RFI)

Không có nhận xét nào: