Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Ba nguy cơ dẫn tới chiến tranh Trung - Mỹ trên Biển Đông

(TNO) Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông có thể bắt nguồn từ các vấn đề xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp, một cuộc đụng độ máy bay hoặc từ một sự cố tàu ngầm, theo chuyên san The National Interest (Mỹ). 


Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép một đường băng tại Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Cả Mỹ và Trung Quốc đều lên tiếng mạnh mẽ về Biển Đông. Trung Quốc liên tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thậm chí nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đang có mưu đồ quân sự hóa các đảo này.



Trong khi đó, dù không có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Mỹ chú trọng lợi ích hàng hải ở khu vực này, cũng như vị thế của mình qua chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ đã không chọn cách đứng ngoài tình hình Biển Đông.
Trước tình hình khẩu chiến liên tục gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, bài viết đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 6.6 đã chỉ ra 3 nguy cơ có thể dẫn tới cuộc chiến tranh trên Biển Đông giữa hai bên.

Từ các đảo nhân tạo ở Biển Đông


Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng và bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với quy mô và tiến độ khó lường. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn hung hăng tuyên bố chủ quyền ở các đảo nhân tạo đó và ngăn cản hoạt động của máy bay trinh sát Mỹ. 


Trong khi đó, Mỹ khẳng định sẽ vẫn tiếp tục các hành động nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Chính vì thế, máy bay và tàu hải quân của Mỹ rất có thể sẽ có những hoạt động tuần tra trên Biển Đông như nhiều chuyên gia đã nhận định.


Một khi máy bay hay tàu chiến Mỹ vào khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, chỉ cần một động thái quân sự từ phía binh lính Trung Quốc cũng có thể kích ngòi cho căng thẳng leo thang. Và nếu lực lượng Mỹ có bất cứ thiệt hại đáng kể nào, một cuộc chiến tranh trên Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra, theo The National Interest.

Một cuộc đụng độ máy bay



Máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ, P-8A Poseidon - Ảnh: AFP

Nguy cơ thứ hai có thể dẫn đến chiến tranh là một cuộc đụng độ máy bay. Nếu một trong hai phía nổ súng nhằm vào máy bay của đối phương, tình thế sẽ nhanh chóng xấu đi và một cuộc chiến có thể xảy ra.


Đặc biệt, nếu Trung Quốc tiến tới việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông thì tình huống này lại càng dễ xảy ra. Bởi lẽ Mỹ không dễ dàng từ bỏ lợi ích hàng hải. Khi Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Mỹ đã khẳng định phớt lờ vùng nhận dạng đó. Do vậy, theo The National Interest, Mỹ cũng sẽ có phản ứng tương tự nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông. Những bất đồng xung quanh ADIZ sẽ rất dễ khiến máy bay Mỹ và Trung Quốc chạm trán nhau và dẫn tới kịch bản bùng nổ chiến tranh.

Sự cố tàu ngầm



Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Ở kịch bản này, nhiều nhà phân tích cho rằng, Hải quân Trung Quốc cần đưa tàu ngầm của mình qua chuỗi đảo đầu tiên nhằm đe dọa việc Mỹ tiếp cận vào vùng ven biển của Trung Quốc. Để có được tình huống này, Trung Quốc phải chủ động gia tăng hoạt động tàu ngầm và mạo hiểm hơn, đặc biệt là áp sát các tàu ngầm của Nhật Bản và Mỹ. 


Theo các nhà phân tích, lúc đó tàu ngầm của Trung Quốc có thể khiến tàu thuyền của Mỹ mất nhiều thời gian để thoát ra khỏi vòng vây, và một sự cố tàu ngầm lớn giữa hai nước có thể xảy ra, có thể đe dọa về sinh mạng nhiều hơn cả một cuộc đụng độ máy bay như ở kịch bản thứ hai.


Chuyên san The National Interest nhận định cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa muốn có một cuộc xung đột quân sự, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy vậy, gần đây những cuộc khẩu chiến liên quan đến vấn đề Biển Đông diễn ra ngày càng liên tục, tình thế này khiến mối quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng, không tránh khỏi những mối lo ngại về một cuộc chiến tranh.


Theo chuyên san này, một cuộc chiến tranh bất ngờ tuy hiếm nhưng không phải là không thể. Một cuộc chiến như vậy nhiều khả năng được châm ngòi từ phía Trung Quốc hơn là từ phía Mỹ, phụ thuộc vào chính những nhà hoạch định chính sách. Theo đó, mọi thứ có thể diễn ra nhanh chóng tới mức không thể tiên đoán.


Trong khi đó ông Denny Roy, học giả chuyên nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương (đặc biệt về những vấn đề liên quan tới Trung Quốc), cho rằng Trung Quốc hiện đang ở thế tấn công trên Biển Đông, rất có thể sẽ "kiếm cớ" bằng cách tạo ra tình huống khiến Mỹ bị xem là bên có hành vi can thiệp gây mất ổn định tại Biển Đông. Mặc dù vậy, học giả Mỹ cho rằng Trung Quốc hiểu rõ chiến lược tạo cớ này có nhiều rủi ro, bởi lẽ điều này sẽ đụng chạm tới lợi ích tự do hàng hải mà Mỹ theo đuổi lâu nay./Ngọc Mai

Không có nhận xét nào: