Pages

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

ĐB Quốc hội VN nói về sân bay Long Thành

  • 4 giờ trước

Quốc hội Việt Nam đang họp (hình minh họa)

Sáng 4/6, Quốc hội Việt Nam đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Những người phát biểu đều ủng hộ dự án.
Xin giới thiệu trích đoạn một số ý kiến thảo luận sáng 4/6 dựa theo biên bản ghi âm của Quốc hội Việt Nam.

Dương Trung Quốc - Đồng Nai

Tôi hơn băn khoăn một điều là sân bay Long Thành chỉ là một dự án thành phần của tổng thể quy hoạch ít nhất là miền Đông Nam Bộ hoặc toàn bộ Nam Bộ. Nó đã được triển khai 10 năm nay, qua 2 đời Thủ tướng. Trên thực tế, những dự án thành phần khác đã thực hiện, chỉ vì Nghị quyết 49 của Quốc hội do mức đầu tư chúng ta phải đưa ra Quốc hội để bàn, lẽ ra việc này phải bàn từ lâu, không phải đến bây giờ khi tất cả những dự án thành phần khác đã triển khai. Khi người dân đã gần 10 năm nay ở trong tình trạng bị treo. Chúng ta mới bàn gần như từ đầu là có làm hay không làm.
Tôi lấy giả dụ rằng chúng ta có đủ quyền năng nói rằng không làm sân bay Long Thành nữa, thì chúng ta có nghĩ đến cả một khối lượng rất lớn của cả quy hoạch bị vỡ không? Nó sẽ là một sự lãng phí như thế nào. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề chúng ta cần nhìn nhận ở tầm nhìn quy hoạch. Rõ ràng việc đưa ra để người dân được biết sớm, để những tổ chức xã hội tham gia phản biện là hết sức cần thiết. Nhưng phải đến thời điểm chúng ta đưa ra Quốc hội, sau gần 10 năm triển khai, rõ ràng cách làm như thế tạo nên sự rất khó xử để rồi phải đưa nghị quyết của Đảng, chủ trương của Đảng ra. Bản thân chúng tôi nghĩ Đảng đã quyết định rồi thì Quốc hội làm được gì? Lẽ ra việc làm này chúng ta phải triển khai từ lâu rồi chứ không phải đến thời điểm này mới triển khai để rồi chúng ta lại tiếp tục ngồi bàn. Bàn cũng không đi đến đâu.


Phía ủng hộ bảo là rất có hiệu quả kinh tế. Phía thì phản đối. Không có tiếng nói cuối cùng. Tại sao chúng ta không có những cơ quan tư vấn độc lập, có đủ sức thuyết phục thì người dân mới yên lòng. Các nhà khoa học có ý kiến khác nhau mới tâm phục, khẩu phục để chúng ta có sự đồng thuận cao.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đây mới là thông qua chủ trương đầu tư, như tên gọi nó là tiền khả thi. Mới là tiền khả thi mà chúng ta bàn đến chuyện khả thi thì rất khó. Cho nên, tốt nhất ta cứ để làm. Chúng ta sẽ phân tích cho kỹ, tìm ra phương án tốt nhất để có thực hiện một cách có hiệu quả nhất, an dân nhất, làm người dân tin tưởng.
Những bước đi tiếp theo tôi mong Chính phủ, đặc biệt Bộ Giao thông, vận tải cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa, việc thu hút được ý kiến của người dân, đặc biệt chúng ta phải tìm được một tiếng nói về mặt chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục để mọi người yên lòng.

Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh

Trước hết, tôi xin báo cáo quan điểm của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, tức là Ủy ban nhân dân thành phố đã nghe từ đầu nói rõ là không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà phải xây dựng sân bay Long Thành với 3 lý do:
Thứ nhất, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong nội thành mà xung quanh là dân cư. Vê lâu dài không thể có một sân bay quốc tế nằm trong khu dân cư.
Thứ hai, nếu mở rộng thì khả năng đền bù, giải tỏa, tái định cư là bất khả thi.
Thứ ba, theo quy hoạch thì vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh không có quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ giao thông kết nối không làm cho sân bay Tân Sơn Nhất. Với 3 lý do đó thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ phải xây dựng sân bay Long Thành để giải quyết quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, mà thành phố Hồ Chí Minh thấy hiện nay rất bức xúc.
Theo lộ trình sẽ đến 2025, tôi nghĩ rằng có thể làm sớm hơn, chứ không đến 2025, quá tải này đã hiện rõ, quá tải không phải chỉ vấn đề nhà ga, hay bãi đậu. Hiện nay, sân bay mở rộng sân đỗ đến 65 chỗ, để giải quyết bãi đỗ, nhưng quá tải về không lưu, không thể giải quyết được, đó là cái khách quan, chưa kể trong thời gian tới đây, chúng ta phải tính như các nước, không thể để máy bay cất, hạ cánh trong khu dân cư từ 0 giờ đến 5 giờ. Đấy là những vấn đề chúng ta phải tính, do đó tôi cho rằng chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, về giai đoạn I, làm sao trước năm 2025 có một sân bay có công suất 25 triệu hành khách để cùng sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết cho vùng kinh tế trọng điểm này là yêu cầu bức xúc.
Còn giai đoạn II và giai đoạn III, chúng ta nghĩ tới dư luận nói nhiều là khâu trung chuyển, không trung chuyển. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tính tiếp, tôi nghĩ rằng, bàn trung chuyển đó có lẽ là Quốc hội khóa XVI hoặc XIII gì sẽ bàn tiếp. Còn Quốc hội khóa XIII này là giải quyết giai đoạn I, làm sao để trong vòng 5-7 năm nữa có một sân bay để chia tải cho Tân Sơn Nhất.
Vấn đề thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, tôi là người tham gia quy hoạch kinh tế vùng này. Sân bay Long Thành là một bộ phận trong tổng quy hoạch cơ sở hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay tất cả giao thông kết nối v.v... đều hướng về sân bay Long Thành, từ đó lan tỏa cả vùng kinh tế. Nếu chúng ta thay đổi quy hoạch, làm chỗ khác, rõ ràng chúng ta phải làm lại toàn bộ quy hoạch và kết nối hạ tầng.

Nguyễn Ngọc Bảo - Vĩnh Phúc



Việc lựa chọn xây dựng Cảng hàng không Long Thành tại tỉnh Đồng Nai nằm trong trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực kinh tế phía Nam và khoảng cách từ trung tâm đến sân bay là 40 - 50 phút. Tôi cho đây là một điều kiện hết sức lý tưởng, bảo đảm được các yêu cầu quan trọng của một sân bay hiện đại đạt tiêu chuẩn 4S, với 4 đường cất, hạ cánh song song. Điều kiện an toàn tĩnh không tốt, điều kiện đầu tư để lắp các trang thiết bị hỗ trợ hạ cánh, cất cánh một cách chính xác. Các điều kiện tốt như về mặt bằng, địa chất, thủy văn v.v... có điều kiện địa lý, khí hậu lý tưởng, thuận lợi cho công tác quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay. Bảo đảm các yêu cầu về các chỉ tiêu về môi trường. Sau khi phân tích những yêu điểm, nhược điểm và đánh giá tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và khả năng mở rộng của sân bay quân sự Biên Hòa, bằng những phân tích, những số liệu cụ thể cho thấy sự lựa chọn xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ.
Về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị thu hồi đất một lần 5.000 ha, theo kế hoạch đã được duyệt.
Về mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư. Về phân kỳ đầu tư, tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Chính phủ chia làm 3 giai đoạn từ năm 2018-2050 là rất phù hợp.
Về phương án huy động vốn của Chính phủ đưa ra, tôi cho là hợp lý. Vốn của ngân sách là 11%, vốn ODA 26%, vốn ngân sách ngoài nhà nước chiếm 62%.
Tôi đề nghị phải xây dựng tuyến tàu điện ngầm cao tốc từ trung tâm thành phố tới Cảng hàng không Long Thành vào giai đoạn cuối để rút ngắn thời gian đi lại cho khách hàng.

Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án được Chính phủ chuẩn bị chu đáo và đầy đủ trình Quốc hội. Dự án này đã được Trung ương Đảng xem xét tại Hội nghị Trung ương 4 và gần đây Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 5 vừa qua.
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Chính phủ chuẩn bị từ lâu và nghiên cứu khá kỹ, các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại hai kỳ họp thể hiện điều đó. Dự án này đã được đưa vào pháp đồ quy hoạch giao thông từ trước năm 2000, chính thức được đưa vào quy hoạch năm 2005 và quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt vào năm 2011.
Bên cạnh đó cùng với dự án Cảng hàng không dự án Long Thành, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác đã và đang được triển khai trong thực tế nhằm tạo ra sự kết nối giao thông trong khu vực. Năm 2015 này chúng ta sẽ lần lượt thông qua đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và rồi chúng ta cũng khởi công tuyến giao thông Dầu Giây - Phan Thiết.
Chúng ta cứ lo xây cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ lãng phí. Nhưng nếu không xây cảng hàng không quốc tế Long Thành thì chúng ta sẽ mất đi một nguồn thu không nhỏ và chúng tôi coi đó là một sự lãng phí.
Đây là một dự án lớn liên quan đến nhiều công tác giải tỏa đền bù. Tôi đồng tình với ý kiến trước của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đã nêu về vấn đề giải tỏa, đền bù và giải phóng mặt bằng là làm thế nào để không gây khó khăn, thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi, không gây khiếu kiện và phản ứng của người dân làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình là vấn đề cần được quan tâm thích đáng. Hơn nữa, kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án lớn trước đây cho thấy rằng tiến độ triển khai chậm cũng làm đội vốn công trình đáng kể.

Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình

Có thể nói rằng Báo cáo đầu tư của Chính phủ cũng như Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đã có những lý giải điều chỉnh rất quan trọng, làm rõ yêu cầu cơ bản, cụ thể chi tiết về sự cần thiết đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cũng như đánh giá tác động về kinh tế và môi trường.
Điều tôi rất quan tâm là Báo cáo đã làm rõ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, tác động nợ công, khả năng hoàn trả mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri quan tâm đưa ra từ kỳ họp thứ 8. Theo Báo cáo, giai đoạn 1 đầu tư 109.970 tỷ, vốn ngân sách nhà nước là 11,1%, vốn ODA là 26,5%, vốn ngoài ngân sách là 62,4%, đây là một dấu hiệu rất phấn khởi. Vì ngân sách nhà nước bỏ ra cũng có mức độ. Tổng mức đầu tư giảm là 54.619 tỷ so với khái toán ban đầu. Nhờ điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng tái định cư và giảm một số hạng mục, tính toán lần này cụ thể và kỹ hơn.
Báo cáo đánh giá rõ về tác động của môi trường và ảnh hưởng của nợ công là không đáng kể. Nếu đầu tư của nhà nước cân đối được thì nợ công là 0,22%, nếu ngân sách nhà nước không cân đối được thì nợ công là 0,28%, là trong phạm vi cho phép và có khả năng thu hồi vốn và trả nợ đúng thời hạn.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một điểm mà có niềm tin trong trả nợ là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sinh lợi và mang lại hiệu quả xã hội lớn. Từ tác động đến hội nhập, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển bền vững thì cảng còn là mối giao thông thu hút quan trọng trong khu vực. Số lượng cất, hạ cánh hàng năm tăng cao, theo số liệu tính toán thì năm 2010 có 109.421 lượt, đến năm 2014 có 153.939 lượt cất, hạ cánh, như vậy tăng 52%, tương đương với 11.129 lượt thì bình quân tăng trưởng mỗi năm 13%.

Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang

Có nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến đồng thuận xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thanh. Một thuận lợi nữa là khu vực xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành chủ yếu là diện tích trồng cây cao su, mật độ dân cư thưa thớt trên các tác động về môi trường là tối thiểu, không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của các hộ dân cư ở khu vực.


Tuy nhiên, đúng như Báo cáo, giải trình của Chính phủ để trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố, cần phải có chính sách đồng bộ và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ, đầu tư nước ngoài, các thủ tục xuất, nhập cảnh, hải quan.
Vấn đề nữa cần áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và quản lý điều hành bay, làm tốt các dịch vụ hậu cần hàng không. Đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế của toàn thế giới nói chung, còn đang gặp nhiều khó khăn, những bất ổn về an ninh, chính trị xảy ra nhiều nơi trên thế giới, nên trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ cần xem xét kỹ, huy động vốn xây dựng đảm bảo không gây ảnh hưởng đến nợ công.
Có thể khẳng định rằng, thời cơ, thời điểm để Quốc hội thông qua xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chín muồi, các thành tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng đã được hợp thành. Với quan điểm toàn diện lịch sử, khách quan cụ thể và phát triển, theo ý kiến của tôi, việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cấp bách và rất cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, tôi đồng ý với Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội

Tuy còn có ý kiến băn khoăn và khác nhau về một số vấn đề cụ thể, nhưng đa số ý kiến tán thành chủ trương đầu tư, vì nó phù hợp với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, nó đồng bộ với hệ thống hạ tầng của khu vực này đã được đầu tư theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang tăng cao. Còn vai trò trung chuyển là tầm nhìn lâu dài, đi theo đó chúng ta cần có điều kiện cần và đủ khác. Để giải quyết tình trạng quá tải ở tất cả các công đoạn của sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện không thể cải tạo mở rộng. Phương án sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa kết hợp với khai thác hàng không dân dụng là không khả thi, như các lý do đã nêu trong báo cáo.
Vì vậy, Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Còn giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 trong nghị quyết đã nói rõ. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án trong báo cáo khả thi đối với các vấn đề cụ thể sau đây cần chú ý:


Việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài. Phải bảo đảm chất lượng, an toàn, tiến độ, hiệu quả kinh tế - xã hội, có tính cạnh tranh và có đánh giá về tác động môi trường, bảo vệ môi trường. Giải pháp về công nghệ, về kỹ thuật và việc đào tạo nhân lực để vận hành công trình khi đi vào sử dụng.
Về tổng mức đầu tư, phương án sử dụng đầu tư, phương án huy động vốn đầu tư cả ngân sách và ngoài ngân sách cần phải làm rõ. Việc phân kỳ đầu tư qua ba giai đoạn và hình thức đầu tư. Đại biểu cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư giai đoạn 1 hoàn thành trước 2025. Đánh giá thật kỹ tác động nợ công, an toàn tài chính quốc gia.
Về diện tích thu hồi đất. Có ý kiến đề nghị phương án thu hồi đất một lần cho 5.000 hécta đất cho toàn bộ quy hoạch. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ thu hồi riêng cho dự án cảng hàng không là 2.750 hécta. Còn đất quy hoạch dành cho quốc phòng, an ninh, cho công nghiệp dịch vụ sẽ được quản lý theo quy hoạch và sẽ thu hồi khi có yêu cầu đầu tư. Riêng vấn đề này sẽ được cân nhắc và báo cáo lại với Quốc hội sau
Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cần phải thực hiện đúng theo Luật đất đai và phải đảm bảo nguyên tắc ổn định đời sống nhân dân của vùng dự án.
Vấn đề nữa nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là hiệu quả đầu tư của dự án cần tăng cường tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện dự án. Cần có những giải pháp tiết kiệm đầu tư, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực, chống lãng phí thời giờ, công sức và tiền bạc trong quá trình đầu tư, chống đội giá. Cần đảm bảo suất đầu tư không cao hơn suất đầu tư của các cảng hàng không khác trong khu vực của chúng ta.
Có ý kiến còn băn khoăn với cách tính toán hiệu quả nội hoàn vốn của dự án, dự phòng rủi ro có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư. Đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến vào dự thảo nghị quyết này và gửi lại cho Đoàn thư ký. Sẽ giao cho Chính phủ hoàn thiện báo cáo khả thi. Trong suốt quá trình đầu tư để thực hiện nghị quyết của Quốc hội, hàng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án. Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo nghị quyết của Quốc hội sẽ được chuẩn bị và báo cáo lại Quốc hội xem xét trước khi biểu quyết thông qua.

Không có nhận xét nào: