Pages

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Vũ Cao Đàm - Bác Trọng hãy quyết đoán như Bác Năm Công

Ông Võ Chí Công, dân gọi là Bác Năm Công, cũng được dân chúng gọi bằng một cái tên rất gần gũi, bằng tiếng Pháp, là “Bon papa”, nghĩa là “Người cha tốt bụng”. Nhưng khi nói “Bon papa”, đôi khi người ta nói với sắc thái châm biếm, để chỉ những người đàn ông quá ư hiền lành, đến mức “cả đụt”, không dám mạnh tay quyết định việc gì.

Ấy thế mà, không có Bác Năm Công thì không có cái sự “Khoán 100” đâu.

Tôi kể lại câu chuyện vui vui sau đây để Bác Trọng cùng tôi gọi là “Ôn cố tri tân”.

Câu chuyện này tôi nghe qua hai anh bạn, anh B và anh N.

Anh bạn tên là N, vốn là chuyên viên của Ban Nông nghiệp Trung ương. Anh này can tội ủng hộ chủ trương “Khoán” của Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc, bị cánh bảo thủ đánh cho lên bờ xuống ruộng, đến mức bị khai trừ lưu đảng, tức là nhận quyết định khai trừ, nhưng vẫn được “lưu đảng” để sau một năm được xem xét, xem có được quay trở lại vào đảng hay không? Bấy giờ phe chống “Khoán”, đại biểu là Bác NDĐ một nhân sự cấp rất cao, đang ở thế thượng phong trong Ban Nông nghiệp Trung ương, quyết triệt hết những vị thuộc phe chủ trương “Khoán”. Cuộc đấu tranh giữa hai phe, “Khoán” và “Chống Khoán” diễn ra rất ác liệt.

Tôi cứ chờ anh bạn N viết bài kể lể sự tình, vì tôi thấy, thi thoảng anh bạn có viết bài chỗ nọ chỗ kia, nhưng anh ta lặn đâu mất tăm, tôi lần không ra.

Còn một ông anh tên là B, cũng thuộc phe chủ trương “Khoán” trong Ban Nông nghiệp Trung ương, thì đã bỏ đi nước ngoài ẩn dật cuối đời. Trước khi đi, anh B đến chơi nhà tôi, gọi là có cuộc chia tay nho nhỏ với tôi. Bây giờ anh B ở nước ngoài, rất gần các “thế lực thù địch”, mà tôi đọc khá nhiều trang mạng của các “thế lực thù địch” vẫn không thấy anh bạn lên tiếng.

Nói như vậy để xin thưa rằng tôi viết là bất đắc dĩ. Tôi viết không thể bằng chính hai anh N và B. Nhưng tôi nghĩ, là sự việc này không viết ra vào dịp này thì tiếc lắm. Nên thôi, các cụ ta có câu nói rất hay “Không có chó bắt mèo ăn những cái outputs của con trẻ nhà quê”.

Hai anh bạn “chó” của tôi mất tăm thì “mèo” tôi phải cam phận làm chó vậy. Bạn nào biết nhiều thông tin hơn xin bổ sung cho tôi.

Câu chuyện là như vầy.

Hồi năm 1981, Tại Ban Bí thư Trung ương Đảng (BBT) đã diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi, phải nói là “tranh luận gay gắt” mới đúng, về việc có cho nông dân thực hiện chế độ khoán hay là không?

Phe “chống Khoán” đòi duy trì chế độ quản lý hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo kiểu trại lính, nghĩa là sáng nghe kẻng của hợp tác xã, tập hợp đội ngũ ra đồng. Đến chiều chờ tiếng kẻng thì ngồi “bình công chấm điểm”. Đến mùa được thu hoạch, thì chia thóc theo số công được ghi trong sổ chấm công của HTX. Mỗi công mười điểm được lèo tèo mấy lạng thóc. Nông dân đói nghèo, chăm chăm lo cho cái ruộng năm phần trăm, là cái khoản được “tự sản tự tiêu”. Họ lập luận, làm như thế mới là chủ nghĩa xã hội. Phải làm như thế mới là đúng hướng. Làm khác đi là chệch hướng. Bấy giờ đã có mấy đợt gọi là “cải tiến quản lý HTX” ... Vòng 1, Vòng 2, nhưng trên căn bản vẫn phải giữ nguyên mô hình HTX theo kiểu trại lính.

Phe “Khoán” chủ trương HTX trao ruộng cho các hộ nông dân, mỗi vụ nộp “khoán” cho HTX một khoản thóc nào đó, còn thừa bao nhiêu nông dân được hưởng. Cách làm này bị phe “chống Khoán” phê phán là phá chủ nghĩa xã hội, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mà Đảng ta là phải mẫu mực đi theo con đường của Bác Tổ Lênin. Con đường này được vận dụng “sáng tạo” theo kiểu Bác Mao, tiến “từng bước vững chắc”, từ thứ nho nhỏ, như tổ “vần công”, tổ “đổi công”, rồi lớn dần xây dựng HTX qui toàn thôn, tiến lên to hơn lập HTX qui mô toàn xã. Còn Bác Mao đã đi những bước vĩ đại nữa, là xây dựng các công xã qui mô toàn huyện...Rồi Bác Pôn-pốt cũng y chang như thế, chứ không làm cái trò nông trường quốc doanh, rồi nông trang tập thể như Bác Lênin, Bác Stalin ở nước Liên Xô bảo thủ.

***

Cuộc tranh cãi gay gắt, bất phân thắng phụ diễn ra không chỉ ở cấp thấp, là Ban Nông nghiệp, mà nó đã nổ ra tại BBT. Cuối cùng Bác Năm Công, với tư cách Ủy viên thường trực BBT, đã đưa ra một quyết định bất ngờ: “Thôi, tôi đề nghị không thảo luận nữa. Tôi đề nghị từng đồng chí trong BBT đi thâm nhập thực tế. Tôi sẽ làm việc với từng đồng chí một, và tự tôi sẽ quyết định, không họp lại BBT nữa”

Và Bác Năm Công đã làm đúng như Bác nói. Không họp lại BBT nữa, mà tự Bác Năm Công quyết định. Bác Năm kí nháy vào văn bản dự thảo để chuyển qua Bác Nguyễn Thanh Bình kí ban hành chính thức. Bác Nguyễn Thanh Bình cũng là ủy viên BBT, được phân công phụ trách khối nông nghiệp.

***

Tôi phải xin mở ngoặc chỗ này một chút. Bác Nguyễn Thanh Bình là người chủ trương cho nông dân thực hiện chế độ khoán. Bác nhiều lần họp nghe các nhà khoa học thời đó. Tôi có một kỉ niệm thú vị với Bác Bình. Trong một lần họp ở Ban Nông nghiệp Trung ương, tôi gặp trong phòng họp các anh Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng, Dương Hồng Hiên, Trịnh Văn Thịnh,... toàn là các nhà khoa học có tên tuổi trong làng nông nghiệp thời đó. Anh em tranh luận rất dữ về chế độ khoán. Ý kiến cũng khác nhau rất nhiều. Bác Nguyễn Thanh Bình quay sang hỏi tôi, đang ngồi cạnh Bác: “Này, tại sao cái bọn khoa học nó cứ ngồi với nhau là cãi nhau thế cậu?” Tôi cười: “Ôi. Thưa bác, cái bọn khoa học, việc của nó là cãi nhau. Không cãi nhau thì không ra khoa học. Khi nào cái bọn khoa học nó ngồi im, “nhất trí”, không cãi nhau nữa, thì khoa học đã đến chỗ diệt vong”. Bác Bình hỏi tôi luôn “Thế thì biết nghe anh nào đây?”. Tôi lại cười: “Bác khoan nghe anh nào. Nghe đã. Việc nói là việc họ. Việc nghe là việc của nhà lãnh đạo.”

Còn một người nữa liên quan đến “Khoán 100”, tôi nghĩ nếu không nói thì sẽ là một thiếu sót. Đó là Bác Vũ Oanh, khi đó cũng là một ủy viên BBT, và đã là Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Bác Vũ Oanh là người ủng hộ chủ trương cho nông dân thực hiện chế độ khoán. Tôi biết Bác Vũ Oanh hiện đã bước sang tuổi chín mươi, nhưng còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bác hoàn toàn có thể chia sẽ những kinh nghiệm thành bại thời ấy.

Thời ấy, thái độ ủng hộ cái đúng được bộc lộ công khai. Đó là hậu thuẫn giúp Bác Năm Công “mạnh tay” trong các quyết định của mình.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, việc làm của Bác Năm Công là một hành động quá ư táo bạo, phải nói là quá ư dũng cảm trong Đảng. Làm một việc gọi là “chệch hướng” so với Bác Lênin và Bác Mao, bị một lực lượng khá đông đảo trong Đảng phê phán là “phá chủ nghĩa xã hội”. Thế mà Bác Năm Công dám quyết định một mình, không họp lại BBT nữa, thì thật quá ư liều mạng. Nhưng Bác Năm Công đã dũng cảm chịu trách nhiệm vì mong muốn giải tỏa cái tội đói nghèo của nông dân, đang là một bi kịch trong xã hội.

Chúng ta quan sát thấy, hầu hết các vị lãnh đạo, từ cấp thấp cho đến cấp cao hiện nay, là luôn phải tìm hậu thuẫn ở đâu đó, có khi chỉ là hậu thuẫn một cách hình thức, chiếu lệ, nhưng phải làm, như để có một cái bùa hộ mệnh, Bác Năm Công đã không dựa dẫm, tự mình quyết định “không họp lại BBT nữa”, mặc dầu Bác Năm Công thừa biết, trong BBT còn khá đông người chống khoán.

Và như chúng ta đã thấy, Bác Năm Công cùng nhóm giúp việc đã hoàn tất văn bản, Bác Năm Công kí nháy và chuyển để Bác Nguyễn Thanh Bình kí ban hành chính thức Chỉ thị 100/CT-TƯ năm 1981, với tên gọi là “Khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ và người lao động”

***

Quyết định đặc biệt táo bạo và dũng cảm này của Bác Năm Công là kì lạ, vì như trên tôi đã nói, người ta vẫn gọi Bác là một “Bon papa”. Nhưng quả thật trong vụ này không có “Bon papa” thì không biết bao giờ mới có “Khoán 100”, là phát súng khởi đầu cho công cuộc cải cách kinh tế - xã hội nước ta. Sau “Khoán 100” là đến “Khoán 100” trong khoa học và giáo dục (Quyết định 175/CP, 1981) và “Khoán 100” trong công nghiệp (Quyết định 25/CP và Quyết định 26/CP, 1983) và quan trọng hơn hết là Đại hội VI (1986) về “Đổi mới”, rồi sau đó là “Khoán 10” với Nghị quyết 10/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (1987).

***

Trong lịch sử chính sách Việt Nam, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về chế độ khoán trong nông nghiệp là một trường hợp duy nhất độc đáo, và hết sức kì lạ. Chính sách này được ban hành ở một cấp độ rất thấp, chỉ là một chỉ thị của BBT, mãi gần 7 năm sau (1987) mới được tu chỉnh để ban hành ở cấp cao hơn, là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Nhưng “Khoán 100” đã đi vào dân chúng cực kì nhanh chóng, không có bất cứ một văn bản nào để gọi là “Thể chế hóa” dưới dạng một nghị định hướng dẫn của Chính phủ, cũng không có cuộc tập huấn nào hao tiền tốn của, không có những cuộc tuyền truyền ầm ỹ, cũng không bổ nhiệm một nhân sự nào thay thế những người đang tại vị, cũng không đầu tư thêm một xu nào vào nông nghiệp. Không những vậy, ngay bây giờ đây, chúng ta lật lại những báo chí thời đó, rất nhiều bài viết phân vân về “Khoán”, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về con đường “đi lên” chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp.

Chính sách được gọi tắt là “Khoán 100” (1981), sau là “Khoán 10” (1987) đã nhanh chóng đi vào lòng dân, thay đổi bộ mặt xã hội nông thôn, từ đói nghèo, ruộng đồng hoang hóa, đến chỗ mượt mà khắp các cánh đồng lúa, ngô, khoai, sắn.

Lòng dân mãi mãi ghi nhớ lòng dũng cảm, tính quyết đoán và công đức của Bác Năm Công.

***

Thưa Bác Trọng.

Tôi viết bài này là kết thúc ba bài gửi Bác qua Bauxite Việt Nam (BVN):

Bài thứ nhất, xin Bác học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại

Bài thứ hai, xin Bác làm cuộc “Đổi mới” như Bác Năm Trường Chinh

Bài thứ Ba, xin Bác học tập tính quyết đoán của Bác Năm Công, một “Bon papa” trong Đảng, mà hiện Bác Trọng là người lãnh đạo tối cao của Đảng.

Tôi thề, ba bác này thuộc phe ta hết. Các bài viết của tôi là rất “lập trường quan điểm”, luôn luôn bám sát các bác phe ta, quyết không chệch hướng, đi nhầm sang đường của các bác thuộc phe các thế lực thù địch, và tôi cũng chỉ nói theo mỗi một con đường Bác Hồ đã chọn.

Tôi phải gửi BVN đăng ba bài này, vì tôi đã ướm thử vài báo “lề phải”, họ đều lắc đầu lè lưỡi, vì thấy tôi trích dẫn những thứ, tuy nói là của các bác phe ta cả, và đúng là cùng nằm trong Đảng ta cả, nhưng rặt những điều không giống bây giờ. Vả lại, tôi biết mặc dầu nhiều bác vưỡn liệt BVN vào bọn “lề trái”, nhưng nhiều bác vưỡn đọc BVN. Vì vậy mà tôi phải gửi đăng ở BVN.

Tôi rất mong các bác nào đọc được những bài này, thì nhờ các bác gửi những lời “tâm tư” ruột gan này tới Bác Trọng. Tôi biết Bác Trọng là giáo sư chắc lọ mọ vào mạng đọc hết cả “lề phải”, “lề trái”, nhưng tôi cứ dặn phòng như vậy, vì lo Bác Trọng trăm công nghìn việc, ít có thời gian đọc hết lòng dân.

Rất mong các bác giúp cho.

V.C.Đ.

Tác giả gửi BVN

(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào: