Pages

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông có phải để 'bảo vệ' Việt Nam?

 Tạp chí Mỹ nói Washington không dừng lại ở chính sách mà đã có những bước tiến cụ thể dường như được thực hiện nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Thời gian gần đây, Trung Quốc ngang ngược đưa ra tuyên bố vô lý về chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố vô căn cứ này của Bắc Kinh bị các quốc gia khác bác bỏ.

Chính quyền Obama đã tỏ rõ thái độ không chấp nhận những lý lẽ, chứng cứ mơ hồ của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ.

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông có phải để 'bảo vệ' Việt Nam?
                  Tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ vừa kết thúc chuyến tuần tra trên Biển Đông 

 Theo tạp chí Mỹ National Interest, phản ứng này của Washington là dễ hiểu, khi mà nhiều tuyến hàng hải quan trọng đi qua Biển Đông, chiếm phần đáng kể trong tổng giao dịch thương mại trên thế giới.

Quan tâm của Mỹ đến vấn đề Biển Đông đã được sớm khẳng định bằng Tuyên bố Hà Nội của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong hội nghị của ASEAN ngày 24/7/2010.

Phát biểu trong Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải chung ở châu Á và với việc tôn trọng luật biển quốc tế của các quốc gia duyên hải trong khu vực Biển Đông.

Quan trọng hơn, bà nói thêm Mỹ đã chuẩn bị để thúc đẩy các đàm phán đa phương để giải quyết các tuyên bố chủ quyền đang gây tranh cãi về quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, tuyên bố của bà thẳng thừng phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mà mở rộng đến bờ biển của các nước ASEAN và gây ra sự chồng lấn một phần với các tuyên bố lãnh thổ của bốn nước ASEAN – Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei.

Khi đó, Trung Quốc đã xem bình luận của bà Clinton là can thiệp vô cớ và tranh luận khu vực.
Mỹ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông có phải để 'bảo vệ' Việt Nam?

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông có phải để 'bảo vệ' Việt Nam?
                                                  Binh sỹ Mỹ - Philippines tập trận chung  

Kể từ đó, những hành động tiếp theo của Washington bắt đầu làm gia tăng sự quan tâm và nghi ngờ với Bắc Kinh. Nhất là khi sự tham gia của Mỹ vào các vấn đề Biển Đông lại trùng hợp với thời điểm xuất hiện tuyên bố xoay trục, tái cân bằng quân sự của Mỹ, tăng cường sự hiện diện ở châu Á -  Thái Bình Dương.

National Interest cho rằng Washington không chỉ dừng lại ở chính sách mà đã có những bước tiến cụ thể dường như được thực hiện nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ví dụ như Mỹ khôi phục và làm sâu sắc hơn hiệp ước phòng thủ chung lâu dài với Philippines. Các quan chức Mỹ, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Leon Panetta cũng đã đến các nước khác, trong đó có Việt Nam để bắt đầu hợp tác quân sự song phương.

Mặc dù chính quyền Obama nhiều lần khẳng định trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng các động thái của họ lại thể hiện điều khác. Ngoài ra, mối nghi ngờ của Bắc Kinh thời gian gần đây lại gia tăng vì các động thái của đồng minh Mỹ tại Đông Á là Nhật Bản.

Bên cạnh việc Nhật đồng ý thay đổi chính sách an ninh, cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, đầu tháng 5, họ và Philippines đã tổ chức tập trận hải quân chung. Tokyo cũng đang có những động thái để thiết lập quan hệ hàng hải mới với Việt Nam, National Interest cho biết.

Trong lúc rất nhiều quốc gia lên tiếng phản đối các hành động phi lý, ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông thì Bắc Kinh lại đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông kéo dài từ ngày 16/5 đến 1/8 năm nay.

Lệnh cấm phi lý này được phía Trung Quốc nói là  có phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ).

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ điều tàu tuần tra tới khu vực biển thực hiện lệnh đánh bắt cá để “tăng cường giám sát các tàu cá trong nước và nước ngoài vi phạm”.

Đối với các tàu cá vi phạm, có thể bị phạt nhiều nhất là 50.000 Nhân dân tệ, tịch thu phương tiện đánh bắt, tạm giữ giấy phép đánh bắt.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ở Vịnh Bắc Bộ vẫn còn nhiều khu vực mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc chưa đàm phán xong. Do đó, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là hoàn toàn “vô giá trị và chỉ mang mục đích chính trị thâm hiểm, cố gắng thiết lập quyền kiểm soát ở Biển Đông”.

Tùng Đinh (theo National Interest)

(VTC News)

Không có nhận xét nào: