Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Danh Đức - Xây gì cho dân, vì dân?

Danh Đức
3-french-hens.jpg
Xin bầu chọn tin Bộ Y tế hôm 30-4 đã khánh thành Trung tâm Điều trị ung bướu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy có quy mô 250 giường bệnh là tin “vì dân” nhất trong năm nay và cả trong lịch sử hình thành ngành y tế Sài Gòn và TPHCM. Đây đúng là món quà ý nghĩa nhất kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam.

Thật vậy, nếu nhìn lại lịch sử Bệnh viện Ung bướu TPHCM, từ khoa điều trị ung thư thuộc Bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định) thành lập năm 1964, rồi tách ra hoạt động độc lập thành Viện Ung thư Quốc gia, đến năm 1976 trở thành Bệnh viện Ung thư thuộc Sở Y tế TPHCM với 335 giường nội trú, thì Trung tâm Điều trị ung bướu mới khánh thành này quả là một sự góp công, góp sức rất lớn vào nỗ lực chữa bệnh ung thư cho dân chúng phía Nam, trong bối cảnh Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn chưa được khởi công xây dựng để bổ sung cho bệnh viện Ung bướu hiện tại vốn đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ!
Thêm được 250 giường bệnh nữa vào số 335 giường bệnh đang chật cứng không chỉ là thêm chừng đó giường cho bệnh nhân nằm, mà là thêm bấy nhiêu cơ hội được điều trị “đàng hoàng”. Việc nằm ghép hai, ba người một giường không chỉ là chật chội, mà còn dẫn đến sự mất niềm tin của người bệnh đối với việc trị liệu cho mình. Thế cho nên, một lần nữa xin hoan hô Bộ Y tế đã xây thêm được Trung tâm Điều trị ung bướu 250 giường mới mẻ này. Đây chính là cách giảm tải bệnh viện căn cơ nhất chứ không phải là phong trào thi đua, cam kết giảm tải bằng cách... cho xuất viện sớm! Căn cơ do lẽ không đơn giản là xây thêm chừng đó tầng lầu, kê thêm chừng đó giường, mà là (và nhất là) đào tạo, bồi dưỡng thêm bấy nhiêu người tham gia điều trị, từ bác sĩ đến điều dưỡng, y tá, y công...để gánh vác thêm chừng đó ca bệnh mỗi ngày. Thêm bệnh viện, thêm giường bệnh còn là giành lại thêm sức khỏe và hy vọng sống còn cho thêm một số bệnh nhân nữa, và còn là trả lại nhân phẩm cho họ. Do lẽ, không gì làm tiêu hao hy vọng chữa trị và mất nhân phẩm cho bằng xếp nằm chung, đó là chưa kể nguy cơ nhiễm trùng và bội nhiễm bệnh viện, tỷ như vô điều trị huyết áp, sắp ra viện phải nằm lại vì bị dính thêm “viêm phế quản bệnh viện” do bị ai đó cùng phòng, cùng giường lây!
Từ việc xây thêm Trung tâm Điều trị ung bướu nêu trên, theo cách nói dân gian “xây bảy tháp chùa không bằng cứu một mạng người”, xin góp ý về phong trào xây tượng đài, dựng bia tưởng niệm, công viên văn hóa...
Với một tỉnh như tỉnh Quảng Nam chẳng hạn, số tiền 411 tỉ đồng để xây môt tượng đài “lớn nhất Đông Nam Á” chắc chắn sẽ giúp giải quyết được rất nhiều mảnh đời còn vô cùng khó khăn. Đọc trên trang web huyện Quế Sơn cũng thuộc tỉnh này thấy khoe “năm 2013, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quế Sơn đã vận động được gần 4,5 tỉ đồng, hỗ trợ xây dựng 215 nhà tình thương cho các hộ nghèo”. Nếu, thiện tai, số tiền 411 tỉ đồng xây tượng đài lớn nhất Đông Nam Á ấy được dùng để xây nhà tình thương thì sẽ xây được đến 19.615 căn cũng với giá như thế, dư giải quyết chỗ ở cho 14.744 người thuộc diện nghèo của huyện ấy (xem Bản đồ chỉ số nghèo của World Bank). Xin nhắc lại huyện Quế Sơn là huyện mà mới tuần trước “Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo huyện này cùng xã Quế An nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm trong hỗ trợ gà không đúng đối tượng” (Tiền Phong 8-5-2015).
Tức vụ 1.250 con gà giống xóa đói giảm nghèo đi lạc vào nhà 23 cán bộ xã và một người thân của cán bộ xã.
Thay lời kết, nhân dịp hoan nghênh Bộ Y tế đã xây xong Trung tâm Điều trị ung bướu 250 giường ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng xin chúc Sở Y tế TPHCM sớm xây xong cơ sở 2 bệnh viên Ung bướu, Nhi đồng, hay Phụ sản vốn cũng đang quá tải!

Không có nhận xét nào: