Pages

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

“Canh bạc nghìn tỷ đô” của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong một bài viết, tạp chí Mỹ The National Interest cho rằng Trung Quốc đang chơi “canh bạc nghìn tỷ đô”, với mưu đồ khống chế Biển Đông.


Với việc ráo riết “đắp đảo” và xua đuổi máy bay, tàu thuyền nước ngoài ở Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc bộc lộ mưu đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nhằm khống chế Biển Đông có khối lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm

Trung Quốc từng đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông. 
Báo cáo hàng năm của Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh đang "cưỡng ép cường độ thấp" trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Báo cáo nêu rõ: "Trung Quốc thường sử dụng các "bước tiến nhỏ" để tăng cường kiểm soát hiệu quả các vùng lãnh thổ tranh chấp và tránh leo thang xung đột quân sự”. 


Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những “bước nhảy vọt” trong việc “ỷ mạnh hiếp yếu” và dẫn đến phản ứng của các nước Đông Nam Á, với mức độ khác nhau.

Công cuộc “cải tạo đất” (thực chất là hút cát đắp đảo trái phép trên các rạn san hô) của Trung Quốc ở 7 địa điểm trong vùng biển Quần đảo Trường Sa đã tăng tốc một cách chóng mặt. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa các bãi đá ngầm và rạn san hô mà nước này đánh chiếm ở Quần đảo Trường Sa. Trong mưu đồ quân sự hóa này có việc xây dựng ít nhất một đường băng quân sự cỡ lớn và nhiều bãi đáp máy bay, quân cảng khác.

Báo cáo của Quốc hội Mỹ nói rằng Trung Quốc đã "thực thi" không chính thức Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp với Philippines. Trong một cuộc điều trần trước Thượng viện Philippines, một Phó Đô đốc Hải quân lưu ý rằng Trung Quốc đã cảnh báo máy bay của Không quân và Hải quân Philippines bay trên vùng biển tranh chấp ít nhất 6 lần.

ADIZ “thay đổi cuộc chơi” ở Biển Đông
Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông năm 2013 có liên quan đến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.

Tuy nhiên, ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông bao trùm một đường biển chiến lược quan trọng có khối lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm.

Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân để tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, Đá Gạc Ma của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988 và chiếm Đá Vành Khăn năm 1995.

Nhưng những hành động “ỷ mạnh hiếp yếu" gần đây, trong đó có việc dùng tàu công vụ chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines và dùng vũ lực xua đuổi ngư dân khỏi bãi cạn này, đã khiến cho người ta lo ngại. 

Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.
Nguy cơ Trung Quốc thành lập ADIZ ở Biển Đông đã trở nên nhãn tiền khi cách đây hơn một năm (1/5/2014), Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu bán nổi Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Để bảo vệ giàn khoan này, các tàu công vụ Trung Quốc - với sự hậu thuẫn của tàu chiến hải quân ở đằng sau – đã hung hãn phun vòi rồng và đâm thẳng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Các nước Đông Nam Á buộc phải tăng ngân sách quốc phòng
Kể từ đó căng thẳng đã leo cao và các quốc gia Đông Nam Á buộc phải tăng chi tiêu quân sự để đối phó với hành động “bắt nạt” ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy chi tiêu quân sự từ năm 2010 đến năm 2014 ở Đông Nam Á đã tăng trưởng ổn định với tỷ lệ tăng trung bình 37,6% mỗi năm. Tổng số chi tiêu quân sự của các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2014 lên tới 38,2 tỷ USD.

Philippines phải tiến hành chương trình hiện đại hóa quân đội tiêu tốn 1,82 tỷ USD với việc mua sắm thêm tàu khu trục, máy bay trực thăng chống ngầm, tàu tuần tra ven biển và xe tấn công đổ bộ.

Quá phụ thuộc vào đồng minh Mỹ, khả năng phòng thủ của Manila tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực và chưa thấm vào đâu so với Trung Quốc.

Mỹ đem tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) tập trận hải quân chung với Malaysia ở Biển Đông.
Ở cấp độ song phương, để đối phó với Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các cường quốc khu vực và thế giới. Cuộc tập trận hải quân chung Philippines-Nhật Bản đã được tiến hành trong tháng 5/2015. Các cuộc tập trận hải quân khu vực khác cũng đã được đẩy mạnh, như các cuộc tập trận chung với Mỹ của Indonesia, Malaysia và với Ấn Độ của Singapore.
Trong tháng này, Mỹ đã phê chuẩn việc bán tên lửa cho Indonesia và Malaysia. Những nước khác đang kêu gọi thành lập "liên minh hàng hải của các bên tự nguyện".

Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Albert del Rosario, nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington rằng kết quả của sự cạnh tranh trong khu vực Biển Đông sẽ xác định trật tự quốc tế./Minh Châu (Theo National Interest)/(KT)

Không có nhận xét nào: