Pages

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Đánh bạc trực tuyến : Mối họa hay là trò giải trí hiện đại ?

Một góc hội chợ Global Gaming Expo Asia, tại Macau ngày
 20/05/2014.
REUTERS / Tyrone Siu
Theo đà phát triển của công nghệ thông tin, các dịch vụ cung cấp trò chơi may rủi và đánh bạc trực tuyến cũng nở rộ theo. Các số liệu thống kế cho thấy thế giới có khoảng 800 hãng, có máy chủ tại 70 quốc gia khác nhau cung cấp hơn 4000 máy đánh bạc ảo, 600 điểm casino ảo, 300 trang mạng bingo, 260 trang cá độ thể thao và 240 điểm poker trên mạng.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Pháp, vào ngày 06/04/2010 đã ban hành một đạo luật hợp pháp hóa nhiều trò đánh bạc trực tuyến cho phép mở rộng thị trường cạnh tranh các trò đánh bạc qua mạng trên toàn lãnh thổ. Đạo luật này liên quan trực tiếp đến 3 lĩnh vực: Cá độ thể thao, cá độ đua ngựa và đánh bài poke. Ông Charles Coppolani - Chủ tịch Cơ quan giám sát các trò chơi trực tuyến (ARJEL), giải thích với RFI:



Các trò chơi trên mạng Internet được hợp pháp hóa vào năm 2010 vì nhiều lý do. Thứ nhất, thị trường tồn tại khá nhiều nguồn cung dịch vụ bất hợp pháp và có những tác động lớn lên người dân Pháp. Nguyên nhân thứ hai là do áp lực từ Ủy ban Châu Âu. Cơ quan này cho rằng cấm đoán các trò chơi trên mạng là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Chính vì những nguyên do đó mà đến năm 2010, các nhà lập pháp quyết định cho phép mở cửa thị trường các trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, không phải tất cả các trò chơi đều được phép. Chỉ có ba dạng trò chơi sau đây là được phép: cá độ thể thao, cá độ đua ngựa và đánh bài poke. Tất cả các trò khác đều bị cấm trên mạng ".


Đạo luật do Pháp ban hành, một mặt là để tạo ra một khung pháp lý chống lại các dịch vụ cung cấp trò chơi bất hợp pháp. Mặt khác, ngoài mục tiêu tạo thuận lợi cho người chơi dễ dàng tiếp cận các dịch vụ được cho phép, đạo luật còn tính đến yếu tố kinh tế sao cho lĩnh vực này có thể "trụ được" và mang tính "cạnh tranh" lẫn nhau trước các dịch vụ ngoài luồng.

Đánh bạc: thú tiêu khiển phổ biến bất chấp khủng hoảng


Như vậy đứng trên góc độ kinh tế, ngành công nghiệp trò chơi tại Pháp tạo thành một lãnh vực kinh tế - tài chính quan trọng thu hút nhiều lao động (trực tiếp hay gián tiếp) và tạo nguồn thu không nhỏ cho ngành thuế vụ. Nhiều báo cáo đưa ra cho thấy tầm mức quan trọng của hiện tượng: sự phát triển và đa dạng hóa các thể thức chơi đã tăng tổng thu nhập của lĩnh vực này lên gấp đôi kể từ năm 1975. Mức doanh thu đó tăng đều mỗi năm, đi từ 16,7 triệu euro trong năm 1995 lên 44,3 tỷ euro trong năm 2013.


Với việc hợp pháp hóa một số trò đánh bạc trên mạng, số người chơi cũng tăng lên đáng kể. Nhìn một cách khách quan, thú vui đánh bạc hay các trò may rủi là một trò tiêu khiển truyền thống khá phổ biến của người Pháp. Báo cáo do Cơ quan theo dõi các chất ma túy và chứng nghiện của Pháp OFDT công bố vào ngày 16/04/2015 vừa qua cho thấy hơn phân nửa người dân Pháp (56,2 % ) thú nhận có đánh bạc ít nhất một lần trong năm (2014). Trong khi đó, cách đây 5 năm (2010) tỷ lệ này chỉ ở mức 46,4%.


Điều tra của cơ quan này còn cho thấy số người chơi thường xuyên, tức ít nhất một lần trong tuần tăng lên từ 22,4% trong năm 2010 lên 31,5% trong năm 2014. Báo cáo còn nhấn mạnh là không những có nhiều người chơi hơn mà số tiền chơi bạc cũng tăng theo. Tỷ lệ người chơi chi ra hơn 1500 euro trong năm vừa qua tăng từ 1,8% lên 7,2%. Rõ ràng là trong lãnh vực này không có "khủng hoảng".


Đối với Marc Valleur - bác sĩ phân tâm học, bệnh viện Marmottan (Paris), sở dĩ lãnh vực này không bị ảnh hưởng của khủng hoảng là do thói quen đánh bạc của người Pháp không có sự biến đổi theo sức mua. Ông cho rằng « ngành công nghiệp trò chơi chống chọi lại khá tốt với khủng hoảng. Khi người ta trong một tình huống khó khăn, nhu cầu mơ ước hay tưởng tượng thoát ra khỏi cảnh ngộ trỗi dậy rất rõ, dù biết rằng đó chỉ là một phép màu ».

Đánh bạc: Một trò chơi có nguy cơ gây nghiện


Ngoài các yếu tố kinh tế, báo cáo của OFDT còn gióng lên một hồi chuông báo động : cùng một trò đánh bạc, phiên bản trực tuyến lại có xu hướng gây nghiện nhiều hơn là cách chơi truyền thống và nhất là hành vi cư xử của người chơi đánh bạc quá mức trên mạng.


Một nhân chứng trên đài truyền hình kênh 2 của Pháp, anh Victor Daniel, đã mô tả lại tâm trạng nghiện chơi đánh bạc của anh cách đây hai năm. Theo anh, người chơi không còn quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Cuộc sống của họ như là giống như là trong một chiếc lồng. Có điều gì đó cứ thôi thúc trong tâm trí nói với họ rằng « cứ chơi cho đã đi ». Vấn đề là phần thời gian người chơi phải trả giá đắt cho sự thỏa thuê đó.


Theo các nghiên cứu của OFDT, ở những con bạc trực tuyến, có đến 17% người chơi có « vấn đề » tâm lý so với mức 1,3% trong tổng số dân. Câu hỏi đặt ra : Liệu trò chơi đánh bạc thật sự là một trò chơi nguy hiểm ? Về điểm này ông Michel Lejoyeux, giáo sư - trưởng khoa phân tâm học bệnh viện Bichat cho rằng bản thân trò chơi không có gì là xấu, chỉ có hiện tượng « nghiện » chơi mới là điều đáng lo.


Giáo sư Lejoyeux còn phân biệt rõ mức độ nguy hiểm giữa ba chứng nghiện : rượu, hút sách và đánh bạc. Hai chứng nghiện đầu có thể dẫn đến tử vong do bởi sự đòi hỏi của chính cơ thể con nghiện. Nghiện cờ bạc tuy không chết người, nhưng người chơi đã mất đi hoàn toàn khả năng kiểm soát lý trí và bị thôi thúc bởi một sự ham muốn không thể nào kìm hãm được. Điều đó có thể để lại những hậu quả khôn lường trong lâu dài về mặt tài chính (phá sản, nợ nần…), xã hội (mất việc làm, gia đình tan vỡ…) và sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu…).

Đánh bạc trực tuyến : rủi ro gây nghiện cao


Tự thân việc nghiện chơi bạc hay các trò may rủi đã mang mầm nguy hiểm, nay với sự nở rộ của các dịch vụ đánh bạc trực tuyến còn làm gia tăng hơn nữa tính chất nguy hiểm của chứng nghiện này. Theo ông ông Stephan Dehoul, chuyên gia tâm lý về chứng nghiện Internet, trên làn sóng đài RFI , chính việc dễ dàng truy cập cuộc chơi bất cứ lúc nào cũng như do bởi khoảng cách với đồng tiền thật quá lớn, vì đó là khoản tiền ảo trên máy tính nên người chơi dễ có xu hướng bị nghiện hơn so với cách chơi truyền thống.


« Trên thực tế, các trò đánh bạc trên màn ảnh không có việc người này phải quan sát người kia, do đó chúng trở nên rất đơn giản. Người chơi có thể truy cập bất cứ lúc nào 24/24 giờ. Hơn nữa, về mặt biểu tượng, khi bước vào một sòng bài thật sự, tiền thật được đổi thành phỉnh (jeton), nên người chơi có được một khoảng cách với đồng tiền. Vậy thì khi chơi trên mạng, rõ ràng khoảng cách mang tính biểu tượng đó còn quan trọng hơn nữa, nên người chơi có xu hướng dễ bị sa đà nhiều hơn. Giống như là một phản xạ có điều kiện, người chơi dễ có nhiều khả năng bị nghiện các trò chơi trên màn hình hơn. Nhưng tự thân việc đánh bạc thực ngoài đời cũng đã là một vấn đề ».


Không những thế, các cuộc chơi trên mạng diễn ra liên tục, người chơi như bị cuốn hút vào thế giới ảo mà quên đi cả những người xung quanh. Các con bạc trực tuyến gần như có một cuộc sống cô lập hoàn toàn với thế giới thực tại, chỉ nghe theo ham muốn thắng và thắng nhiều nữa, mà không có thời gian tận hưởng niềm vui chiến thắng do bởi các cuộc chơi cứ tiếp nối nhau. Ông Pierre Perret, nhà sáng lập Viện trò chơi quá độ, trên ăng-ten của RFI có giải thích như sau :


« Cần phải nói đến tính chất nguy hiểm của các trò chơi video. Có nhiều nghiên cứu được thực hiện về chủ đề này. Người chơi không nhìn ai khác, cũng không cần biết sự hiện diện của người khác, họ chỉ trò chuyện với cái màn hình, trò chơi. Hiện tượng mê đánh bạc phát triển nhanh chóng và âm thầm hơn so với những trò đòi hỏi con bạc một khoảng thời gian giữa việc đặt cược và kết quả công bố chẳng hạn như chơi sổ xố, hay cá độ đua ngựa, vốn ít có nguy hiểm hơn. 


Trong khi đó, trước màn ảnh video, người chơi đã phải liên tục dự trù trước cho phần chơi kế tiếp, anh ta không có thời gian hưởng thụ phần chơi đã diễn ra thì đã phải lao vào phần chơi khác. Những trải nghiệm tâm lý rất cuốn hút người chơi, khiến họ quên mất cả khái niệm thời gian và buộc họ phải ngồi chơi lâu hơn trong trò chơi đó
 ».


Thêm vào đó là tâm lý muốn chơi lại để kiếm lại phần thua, nhất là trạng thái ham muốn thắng cược nhiều hơn nữa. Đó chính là những biểu hiện đầu tiên của sự nghiện ngập, đẩy người chơi sa đà nhiều hơn nữa. Ông Pierre Perret nói tiếp :


« Trong mọi cuộc chơi, việc thắng lớn còn làm gia tăng gấp bội các cảm xúc. Khi con bạc thắng lớn, thắng nhiều lần, điều đó báo hiệu sự khởi đầu của hiện tượng nghiện. Thắng cược làm nảy sinh một sự sảng khoái, một cảm giác mạnh mẽ, một trạng thái thỏa thuê. Có thể nói tiền từ trên trời rơi xuống tạo ra một cảm xúc rất mạnh, nhưng cũng làm xáo trộn cuộc sống của người chơi về lâu về dài. 


Trong các trò chơi đánh bạc và may rủi, việc thắng cược đã làm biến đổi người chơi. Nhưng nếu chừng nào người chơi vẫn cố bám lấy, chừng nào họ vẫn chấp nhận thua, thì họ vẫn nghĩ rằng một lúc nào đó họ sẽ thắng được một cược lớn. Do người chơi luôn trong trạng thái lạc quan đó, nên cứ như vậy mà họ sa đà vào cuộc chơi 
».


Về phần này, có lẽ ông Perret đã chưa lột tả hết được tâm lý của một con bạc nghiện. Đại văn hào Nga Dostoievski thế kỷ 19, trong tác phẩm « Con bạc » đã giải thích được hiện tượng nghiện đánh bạc trên phương diện phân tâm học : đó là sự ham muốn liều lĩnh. Dù đã thắng lớn nhưng họ vẫn cứ muốn tiếp tục chơi, chơi cho đến khu nào kiệt sức mới thôi. Con bạc đã lao đầu vào sòng bài như con thiêu thân, liều lĩnh rồ dại đi tìm cảm giác mới mà đánh mất luôn cả lý trí.


Bởi một ý tưởng ngông cuồng kỳ quặc, thấy con đỏ xuất hiện bảy lần liên tục, tôi liền bám chặt lấy nó. Tôi tin chắc hơn một phân nửa là do lòng tự ái; tôi muốn gây ngạc nhiên cho những người đứng xem xung quanh bằng cách quyết định mạo hiểm một cách rồ dại. Có một cảm giác kỳ lạ, tôi nhớ rất rõ là mình đã bị ham muốn mạo hiểm ám ảnh mà không phải do lòng tự ái kích động. Có thể là sau khi đã trải qua quá nhiều cảm giác mạnh, nên tâm thần không còn cảm giác sung sướng nữa mà chỉ có thấy bứt rứt, cau có và đòi hỏi những cảm giác mới, ngày càng dữ dội hơn cho đến lúc kiệt sức hoàn toàn ". (Le Joueur, trang 151).

Cờ bạc bác thằng bần?


Ngày nay, con bạc hiện đại, thời @ không cần phải di chuyển đến các sòng bạc, có thể chơi trực tuyến tại nhà. Chính vì điều đó cũng làm cho nhiều bậc phụ huynh tại Pháp và nhiều chuyên gia tâm lý lo ngại cho thế hệ trẻ. Theo nghiên cứu của Cơ quan giám sát các chất ma túy và các chứng nghiện thì tại Pháp ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên trong độ tuổi 15-17 chơi đánh bạc.


Nhưng có thể đó chỉ là những trò đánh bạc truyền thống như thẻ cào, chơi sổ xố, cá độ thể thao hay đua ngựa. Bởi vì theo ông Charles Coppolani, Chủ tịch Cơ quan giám sát các trò chơi trực tuyến (ARJEL), nếu nhà cung cấp tuân thủ đúng các quy định thì trẻ vị thành niên tại Pháp khó có thể mở một tài khoản chính thức trên mạng.


Thứ nhất, tại Pháp, quy trình mở một tài khoản đánh bạc trực tuyến khá lâu, thậm chí là rất lâu. Người chơi phải đợi đến một tháng mới mở được một tài khoản chính thức. Đương nhiên là trong khi chờ đợi, các con bạc có thể chơi trên một tài khoản tạm thời, nhưng họ không rút được tiền. 


Điểm thứ hai, để ngăn chặn trẻ thành niên chơi đánh bạc, các nhà cung cấp dịch vụ phải kiểm tra thẻ căn cước của người chơi. Cuối cùng, người chơi phải có thẻ tín dụng hay một tài khoản ngân hàng. Với cả ba yếu tố này trẻ vị thành niên tại Pháp khó có thể tham gia đánh bạc trên mạng
 ".


Tiêu khiển hay không thì ông bà xưa của ta với kinh nghiệm tích lũy từ mấy nghìn năm chẳng đã từng liệt cờ bạc vào hàng « tứ đổ tường » đứng đầu bốn tệ nạn lớn trong xã hội phong kiến cũ : Cờ bạc, rượu chè, thuốc xái và bợm đĩ. Cho dù xã hội loài đã có nhiều tiến bộ, nhưng bốn tệ nạn đó không những không biến mất mà còn tiến triển theo vòng xoáy của xã hội đương đại với muôn vạn kiểu biến hóa khác nhau.


Nên nếu người chơi biết chừng biết mực thì đánh bạc hay chơi trò may rủi cũng như các kiểu trò chơi trên mạng khác cũng chỉ là những trò giải trí đơn giản để tiêu khiển. Bằng không thì như ca dao ta có nói rằng :


« Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm
 »./Minh Anh (RFI)

Không có nhận xét nào: