Pages

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Alan Phan - Kinh Tế và Chính Trị Xứ Lạ

Alan Phan
Dù Mỹ không có ngày lễ vào 30/4 hay 1/5, các đối tác từ châu Á của tôi đều quay về nhà, cho tôi chút thảnh thơi bất ngờ từ hôm nay. Thật thú vị khi buổi sáng mùa xuân, nắng ấm lên, ngồi ăn sáng ở ban công, nhìn thiên nhiên rộng rãi bao dung quanh mình. Lá lại trổi xanh, những cánh hoa magnolia đã rụng hết, thay vào là những hàng cây phượng tím, bàng bạc ký ức về tình yêu học trò. Chỉ những khoảnh khắc khi tâm hồn có dịp chùng xuống, trong yên tĩnh, mới thấy đời đẹp đến thế nào.
Có lẽ các bạn BCA cũng đã nhiều lần tận hưởng những ân phúc “miễn phí” này, khi quyền lực, danh vọng, tài sản, ham muốn…đều tạm biến vào hư không, cho chúng ta “sống” thực với con người của mình.

Tuy vậy, hạnh phúc lúc nào cũng chóng qua. Quay về bàn làm việc, trả lời các Emails cần thiết, liếc qua những tin “xe cán chó” trên những trang mạng Mỹ, Việt….tự nhủ sao thiên hạ có nhiều thì giờ để quan tâm đến các rác rưởi này nhỉ? Rồi đọc những comments trên GNA, Facebook…đôi khi bật cười với những ấu trĩ của các ngài Dư Luận Viên. Hơi ngạc nhiên vì nghe nói nhà nước đang thiếu hụt ngân sách, không biết tiền đâu lại moi ra để gia tăng số lượng Dư Luận Viên? Trung Quốc có đạo binh hơn 400 ngàn chiến sĩ mạng, Việt Nam chắc cũng có hơn 50 ngàn? Đủ thành lập vài sư đoàn bảo vệ Trường Sa thay vì trả lương để các bạn trẻ này chém gió trên mạng?
Những phản hồi của các bạn này thường rất dễ đoán: copy và paste các khẩu hiệu, tuyên truyền…từ báo Nhân Dân nên không liên quan gì đến đề tài thảo luận; mỗi comments phải gồm vài chữ “phản động”; yêu nước là phải yêu đảng, yêu Trung Quốc; và lời khuyên thú vị là “ông già Alan” chỉ nên viết hay cho đăng những bài về kinh tế (theo họ, ở Việt Nam, chính trị và quyền lực hành xử rất độc lập với mọi diễn biến của xã hội…?).
Tôi nhớ có đọc một cuốn sách về nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản Trung Quốc, trong đó Mao Chủ Tịch có vài hướng dẫn cho ban Tuyên Giáo Trung Quốc, đại khái là các đồng chí phải luôn luôn kèm theo những ví dụ sống thực trong những tiểu luận về chính trị về kẻ thù. Không có chuyện thì cứ “bịa” ra, nói chung chung, đừng ghi rõ chi tiết hay thời điểm địa danh (không ai kiểm chứng được). Miễn là ví dụ phải kích động tâm lý quần chúng, gây xúc cảm cao độ. Lập đi lập lại liên tục năm này qua tháng nọ, mọi lời nói dối ngu xuẩn nhất cũng đều trở thành sự thực….
Thực ra, chắc Mao cũng chỉ học phương thức tuyên truyền từ Goebbels của Đức Quốc Xã; hay từ các đàn anh Liên Xô trước đó. Câu diễu nhạo thịnh hành thời đó là Liên Xô có 2 tờ báo : Pravda (Sự Thật) và Izvestia (Tin Tức). Pravda thì không bao giờ có tin tức và Izvestia thì không bao giờ có sự thật.
Ngoài ra, các bạn Dư Luận Viên còn phải hiểu tâm lý là ông già Alan cũng như các đối tượng đánh đấm của các bạn khá bướng bỉnh; luôn luôn làm ngược lại những lời khuyên hay khích tướng.
Nhưng thực ra, có nhiều lý do để tôi không muốn viết về kinh tế Việt Nam:
- Tôi hoàn toàn không tin vào những số liệu từ thống kê hay từ các tài liệu biên soạn (đúng ra là sáng tác) từ các bộ ngành hay doanh nghiệp công, tư. Phần lớn vận hành kinh tế toàn cầu hiện nay đều dựa trên “số liệu” và nếu một bác sĩ biết kết quả thử máu của bệnh nhân là ngụy tạo, thì ông không ngu dại gì để chẩn bệnh hay điều trị.
- Ngoài số liệu, các doanh nhân hay chuyên viên còn dựa dự đoán trên những quyết định của chính quyền và trên trào lưu thay đổi về nhu cầu của thị trường. Hai yếu tố cần: hệ thống chính trị phải “mở” và “kết” với sự tham gia của nhiều nhóm ảnh hưởng; và người tiêu dùng phải có đầy đủ phương tiện và khả năng để thay đổi nhu cầu. Đây là 2 yếu tố không có ớ Việt Nam.
- Mặc cho bao nhiêu tuyên cáo, khuyến nghị, bàn luận…về tái cấu trúc kinh tế (hay chính trị), cơ chế quyền lực và hệ thống ban phát bổng lộc cho phe nhóm…không bao giờ thay đổi; ngay cả sau thời “mở cửa” để cứu nguy. Tôi không tin là nền kinh tế chỉ huy có thể cạnh tranh trong môi trường tự do liên thông của thị trường toàn cầu. Và tôi không nghĩ là nhà cầm quyền muốn thay đổi điều gì trừ khi sự “sống còn” bị đe dọa.
- Hiện giờ, các doanh nghiệp FDI chiếm đến gần 70% của xuất khẩu cũng như tổng lượng sản xuất của Việt Nam. Sự lệ thuộc này sẽ gia tăng thêm khi các hiệp thương tự do (free trade agreements) như TPP, AFTA với Asean, EAEC với Nga, EU, Korean…bắt đầu thực hiện. Phần còn lại của miếng bánh, 30%, thì đã có các tư bản thân hữu và doanh nghiệp nhà nước chia nhau. Cho nên, phân khúc tư nhân sẽ nhỏ hẹp và co cụm không đáng kể trong bức tranh tổng thể. Nếu phân tích hướng đi của kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ có một kết quả chính xác hơn nếu nghiên khảo đào sâu vào khuynh hướng phát triển của FDI, hay tư bản đỏ hay doanh nghiệp nhà nước.
- Thực ra, nhiều đọc giả của GNA cũng không mấy quan tâm đến kinh tế hay chính trị vĩ mô. Những bài viết về kinh tế hấp dẫn với họ là những dự đoán về giá cả chứng khoán, bất động sản, vàng, cách kiếm tiền nhanh vả gọn nhất ….Tôi không phải là chuyên gia về các lĩnh vực này, nhất là sau khi đã mất tiền liên tục ở Việt Nam.
Trên 2 sàn chứng khoán, người kiếm tiền phải là “insider” và dĩ nhiên các đội lái tàu không đăng “quảng cáo”. Bất động sản thì nhiêu khê vì quá nhiều phân khúc và sản phẩm, trong đó yếu tố “địa phương” mang tầm quan trọng nhất. Tôi chỉ biết cảnh báo người mua hãy coi chừng các đồn thổi, đầu cơ và nợ cao…Nếu có khởi nghiệp, các bạn trẻ nên giới hạn mục tiêu ở Việt Nam rồi tìm cách nhân rộng “business model” ra các nước lân cận hay Âu, Mỹ, Úc.
*****
Nếu nói chuyện kinh tế không được thì phải lảm nhảm về đề tài gì nhỉ? Chuyện thú vị trong tuần rồi là một học sinh 11 tuổi ở Maryland đã sửa lưng TT Obama trong cuộc gặp tại lớp học của em. Trước các bạn học và mạng truyền thông quốc tế, chú bé Osman đã ngắt lời Obama vài lần và ông Obama phải gãi đầu,” có lẽ tôi nói hơi nhiều”. Trong 85 năm qua, tôi cũng rất mong đợi một cậu bé nào biết bảo các ông già “lãnh tụ”, hãy “shut up”.
Một anh bạn trong nhóm Newport Country Club ghé ngang mời đi ăn trưa. Gia tộc anh là người Mỹ đi trên thuyền Mayflower (nhóm tị nạn Âu khai phá Mỹ quốc). Giàu có, thuộc cánh bảo thủ đảng Cộng Hòa, ghét Obama. Trước khi đi, ông hí hửng,” Mày có đọc về chuyện ông TT Việt Nam vừa chửi Mỹ là dã man, phạm bao nhiêu tội ác ở Việt nam không? Việt Nam chỉ biết có Trung Quốc là ân nhân trong mọi tình huống? Đúng là một cái tát vào mặt Obama, vào cái pivot quay về châu Á của ông Tổng Thống và bọn liberals ngây thơ của đảng Dân Chủ. Tao đã nói, Mỹ chỉ nên làm ăn trực tiếp với Trung Quốc, 2 bên phải là đồng minh chiến lược về business. Tránh khiêu khích Trung Quốc và hãy để họ giải quyết các đàn em quanh xứ họ”.
Bữa ăn trưa bây giờ có thể hào hứng hơn vì tôi đang chuẩn bị một tranh luận với anh bạn này. Ít nhất nó sẽ không buồn tẻ như nói chuyện kinh tế Việt Nam với một doanh nhân tử tế.

Không có nhận xét nào: