Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Vì sao Anh tham gia ngân hàng Trung Quốc?

Ý tưởng thành lập AIIB đã được 27 nước ủng hộ, với lễ ký kết diễn ra tại Bắc Kinh hôm 24/10/2014
Anh sẽ là nền kinh tế phương Tây lớn đầu tiên đề nghị trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu (AIIB). Đây là một định chế tài chính quốc tế (IFI) mới do Trung Quốc dẫn đầu, và là tổ chức được coi sẽ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới.

Có 21 quốc gia châu Á đã ký kết hồi tháng Mười năm ngoái để thành lập AIIB. Con số này tăng lên 27, và AIIB được trông đợi là sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Tổ chức này có khoảng 50 tỷ đôla vốn, tức chỉ bằng một phần năm của Ngân hàng Thế giới và ít hơn của Ngân hàng Phát triển Á châu.
Nhưng nó hoàn toàn chỉ tập trung vào khoảng cách to lớn trong việc cấp vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng, khác với các IFI khác, vốn tài trợ cho tất cả những gì liên quan tới phát triển.
Vậy tại sao Anh lại muốn tham gia?
Chuyện các nền kinh tế lớn trở thành một phần của các ngân hàng phát triển khu vực không phải là điều gì quá bất thường. Chẳng hạn như Anh nay đang là thành viên của Ngân hàng Phát triển Caribbe.
Nhưng những quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đằng sau AIIB khiến chuyện này trở thành vấn đề địa chính trị gây đau đầu, chiếm vị trị hàng đầu trong các bản tin hiện nay.
Mỹ đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi các nước khác hãy tránh xa AIIB. Ít nhất là về mặt chính thức, Hoa Kỳ nói việc tham gia hay không là vấn đề thuộc quyền quyết định của Anh, nhưng kêu gọi phải có những tiêu chuẩn quản trị cao hơn trong AIIB cho thích hợp với vị trí của một định chế đa phương.
Khi tôi hỏi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim về AIIB hồi năm ngoái, ông nói rằng việc có thêm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng là điều đáng hoan nghênh, và họ đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quôc trong vấn đề quản trị của AIIB.
Anh khó có thể làm vừa lòng cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ khi có quyết định về việc có tham gia AIIB hay không

Sự trỗi dậy của AIIB

Việc một ngân hàng phát triển do Trung Quốc dẫn đầu nổi lên cũng có thể được coi như sự phản ứng trước những cải tổ chậm chạp của các IFI hiện nay, vốn đều do phương Tây thống trị.
Hoa Kỳ trên thực tế có quyền phủ quyết tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và người đứng đầu Ngân hàng Thế giới là một người Mỹ trong lúc người đứng đầu IMF là một người châu Âu.
Sau nhiều năm đàm phán nhằm thúc đẩy tình hình khi các nền kinh tế đang nổi được yêu cầu cung cấp vốn trong thời kỳ có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, người ta đặt vào cửa Trung Quốc và các nước đang phát triển khác nhiều hơn, nhưng IMF và Ngân hàng Thế giới vẫn chủ yếu do phương Tây dẫn dắt.
Đã từng có cú hích nhằm tạo ra một dạng IMF Á châu sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á hồi 1998, nhưng không thành. Tuy nhiên, nay Trung Quốc đã trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn nhiều, là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và có tham vọng dẫn đầu một IFI của riêng mình.
Sẽ là một nhiệm vụ lắt léo nếu muốn làm vừa lòng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mỹ rõ ràng là không vui, còn Trung Quốc thì rất hoan hỉ với lá đơn của Anh.
Có thể là một bước đi thực dụng, nhưng quả là khó mà không làm mất lòng bên này hoặc bên kia.
Tôi đoán rằng đây sẽ là quyết định đầu tiên trong nhiều quyết định mà các nước như Anh sẽ đưa ra, tức là đặt mình vào giữa tân siêu cường kinh tế và một nước đã là siêu cường kinh tế từ lâu nay.
Sự lắt léo sẽ đồng hành với những lợi thế kinh tế trong lúc không gây mấy phí tổn chính trị. Chúng ta hãy chờ xem nước cờ này có đáng giá cho Anh quốc hay không.

Không có nhận xét nào: